Ngoài ho, triệu chứng khó thở hậu Covid-19 thật sự là vấn đề được rất nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh mắc phải. Khó thở làm cho nhiều người rất lo lắng và suy nghĩ tiêu cực. Theo khảo sát, đã có rất nhiều trường hợp những bệnh nhân đã khỏi Covid-19 phải quay lại bệnh viện để điều trị chứng bị khó thở và cần phải theo dõi sức khỏe. Vậy bị khó thở hậu Covid-19 là do đâu, cần phải làm gì khi bị khó thở?
Bệnh nhân hậu Covid bị khó thở là do đâu?
Khó thở hậu Covid-19 xuất phát từ những tổn thương ở phổi như tình trạng: Phổi đông đặc, xơ hóa phổi, kín mờ, sẹo và những tổn thương ngoại biên… Bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy, hay phải thở oxy có nguy cơ bị khó thở cao hơn so với bệnh nhân không thở máy và không thở oxy. Với bệnh nhân gặp tình trạng khó thở, hụt hơi, các bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng và kết quả chụp X-quang, chụp CT cắt lớp vi tính phổi để có hướng điều trị phù hợp nhất.
Khó thở hậu Covid-19 xuất phát từ những tổn thương ở phổi
Triệu chứng khó thở hậu Covid-19
Các nhà nghiên cứu đã xác định được những bất thường ở trong phổi của những người bệnh bị Covid-19 kéo dài gặp tình trạng khó thở. Kết quả cho thấy có khả năng Covid-19 đã gây ra tổn thương vi thể cho phổi tuy nhiên không được phát hiện bằng các xét nghiệm thông thường. Virus đã gây ra một số những bất thường dai dẳng trong cấu trúc vi mô của phổi hoặc các hệ mạch phổi, ảnh hưởng đến trao đổi oxy và carbon dioxide, gây ra hiện tượng hụt hơi, khó thở.
Những tổn thương thường gặp nhất ở phổi như: Hình kính mờ, viêm phổi tổ chức, xơ hóa phổi, dày các vách liên tiểu thùy và khí phế thũng... Tình trạng khó thở kéo dài kể cả khi kết quả xét nghiệm âm tính ở những người bị nhiễm Covid-19, triệu chứng khó thở hậu Covid được mô tả như sau:
- Người bệnh cảm thấy cơ thể nhận không đủ không khí để hoàn tất việc hô hấp.
- Người bệnh cảm thấy bị chóng mặt, hụt hơi và khó thở.
- Người bệnh cảm giác phần thân trên nặng nề, tay phải thực hiện động tác xoa lồng ngực để dễ thở hơn.
- Người bệnh cảm thấy cần phải dừng các hoạt động thường xuyên để cố gắng thở.
Khi khó thở đôi khi bệnh nhân phải dừng các hoạt động lại để thở
Bệnh nhân hậu Covid bị khó thở phải làm sao?
Việc xuất hiện cơn khó thở đột ngột có thể khiến người bệnh cảm thấy hoảng loạn và lo lắng, điều này làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Để cải thiện các triệu chứng hụt hơi, khó thở, bạn đọc cần tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Người bệnh cần phải lấy lại bình tĩnh.
- Nên tập thở bằng cách hít sâu và thở ra chậm rãi, từ từ.
- Người bệnh có thể xịt thông mũi giúp đường thở được thông thoáng hơn.
- Nên chọn tư thế ngồi thoải mái.
- Sử dụng quạt cầm tay nhằm để không khí qua mũi và mặt có thể giúp giảm thiểu cảm giác khó thở.
- Bệnh nhân có thể uống trà gừng, chanh và mật ong ấm giúp cải thiện và dễ thở hơn.
- Nên cân nhắc không hoạt động liên tục, đặc biệt tránh các động tác khom lưng, gập người chẳng hạn bốc vác, khiêng đồ vật nặng.
- Chuẩn bị các thiết bị đo áp độ bão hòa oxy máu ngoại biên – SpO2.
- Cần làm việc với tần suất vừa phải, nhờ sự giúp đỡ từ người khác nếu cần và tránh lao lực.
- Luyện tập thể dục từ từ, bắt đầu từ đi bộ đến đi bộ nhanh, khi quen dần mới có thể chuyển qua chạy bộ. Lưu ý, tuyệt đối không chạy khi bản thân thấy cảm thấy khó thở.
- Luyện tập thở sâu với các bài tập đơn giản như động tác thiền và yoga.
- Phương pháp thở bụng thư giãn: Kỹ thuật thở này có thể giúp ích nếu bệnh nhân khó hô hấp sau khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Ngoài ra, có thể áp dụng khi bệnh nhân cảm thấy không thoải mái, lo lắng và hoảng loạn.
Hậu Covid-19, bị khó thở bệnh nhân nên trang bị các thiết bị cần thiết
Bệnh nhân hậu Covid bị khó thở, khi nào cần đi khám?
Mặc dù những F0 đã khỏi bệnh, tuy nhiên phổi đã bị virus tấn công và gây tổn thương nên dễ xảy ra tình trạng viêm phổi tái nhiễm, viêm phế quản và viêm phổi mãn tính. Đối với những trường hợp bệnh viêm phổi nhẹ, các bác sĩ có thể sẽ kê toa những thuốc như: Azithromycin, clarithromycin và erythromycin... Tuy nhiên, một vài người bệnh có kèm bệnh nội khoa như: Bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tiểu đường type 1,2... cần liên hệ ngay với bác sĩ của mình để được kiểm tra sức khỏe và có hướng điều trị triệt để.
Đối với người lớn tuổi khi khó thở và không có dấu hiệu giảm cần đi bác sĩ ngay lập tức
Một vài trường hợp F0 đã khỏi bệnh nhưng mắc di chứng hậu Covid-19 nặng như: Bệnh nhiễm trùng phổi, suy hô hấp cấp... cần phải được nhập viện và điều trị tích cực. Tại đây, các y bác sĩ sẽ theo dõi và điều trị tình trạng nhiễm trùng, hồi sức, các trường hợp nặng nhiễm trùng có thể tạo nhiều áp xe phải tiến hành dẫn lưu màng phổi. Trường hợp nặng hơn có thể phải phẫu thuật mở khoang màng phổi để bóc tách ổ áp xe và làm sạch khoang màng phổi.
Trên thế giới hiện nay cũng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân tổn thương phổi nặng nề, phải can thiệp lọc máu và ghép phổi. Bệnh nhân cần đi bác sĩ khẩn cấp nếu xuất hiện những cơn hụt hơi đột ngột, cảm thấy tức ngực không có dấu hiệu giảm thậm chí cảm thấy khó nói, khó giao tiếp. Dưới đây là các dấu hiệu cần phải đi cấp cứu ngay để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra:
- Tần suất xuất hiện cơn đau tức ngực ngày càng tăng, không có dấu hiệu giảm.
- Các cơn đau nhói ở ngực có dấu hiệu lan đến cánh tay, lưng, hàm và cổ.
- Có thể kèm theo các cơn đau nhói tim khó chịu.
- Bệnh nhân hụt hơi và thở khò khè.
- Khó chịu đau thắt ngực.
- Cổ họng bệnh nhân căng cứng, ho và nuốt bị sặc.
- Bệnh nhân thở ngay cả khi hoạt động nhẹ và trong khi nghỉ ngơi.
- Xuất hiện các cơn khó thở trong đêm và khi ngủ.
- Bệnh nhân phải đứng lên mới có thể thở được.
- Bệnh nhân khó thở khi nói chuyện, gặp cản trở khi giao tiếp.
- Thậm chí có thể khó thở khi hít vào và nghẹt thở khi ăn uống.
Trên đây là các nguyên nhân và triệu chứng của di chứng hậu Covid-19 để lại khiến cho bệnh nhân khó thở và hụt hơi. Khó thở đôi khi khiến cho bệnh nhân lo lắng đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đưa khi khám sớm nhất có thể, để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Hoàng Yến
Nguồn: Tổng hợp