Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị

Thời điểm giao mùa là cơ hội thuận lợi cho các bệnh lây nhiễm phát triển như bệnh Quai bị. Bệnh phổ biến ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Tìm hiểu về bệnh Quai bị sẽ giúp bạn nhận biết sớm các triệu chứng và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Nội dung chính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - hiện công tác tại trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.

Dau-hieu-quai-bi.png

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do virus Quai bị gây sưng đau tuyến nước bọt, ngoài ra còn gây viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tuỵ và một số cơ quan khác. Bệnh Quai bị là lành tính, tự khỏi và thường tạo được miễn dịch vĩnh viễn.

Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị 2

Dấu hiệu, biểu hiện đặc trưng của bệnh Quai bị:

Viêm tuyến nước bọt mang tai

Triệu chứng của bệnh sẽ biểu hiện khác nhau theo từng thời kỳ, cụ thể như sau:

Thời kỳ nung bệnh: Trung bình 14 - 24 ngày. Không có biểu hiện gì đặc biệt.

Thời kỳ khởi phát

  • Cấp tính, sốt 38 đến 39 độ C, kèm nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém.
  • Biểu hiện đầu tiên là đau, xuất hiện ở quanh ống tai ngoài, sau lan ra xung quanh gây khó nói, khó nuốt, khó há miệng. Hai tác giả Rilliet và Barthez lưu ý 3 điểm đau có tính chất gợi ý đến viêm tuyến nước bọt mang tai, đó là:
    • Điểm khớp thái dương hàm;
    • Điểm mỏm chũm;
    • Điểm hạch dưới hàm.

Thời kỳ toàn phát

  • Tuyến mang tai sưng to. Tỷ lệ sưng cả 2 bên so với 1 bên là 6/1.
  • Tuyến dưới hàm và dưới lưỡi cũng có thể sưng to.
  • Bệnh nhân vẫn còn sốt 38 đến 39 độ C, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói.
  • Thăm khám thấy lỗ ống Sténon phù nề, đỏ tấy nhưng không bao giờ có mủ chảy ra.

Thời kỳ hồi phục: Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng khác cũng lui dần và khỏi hẳn.

Các biểu hiện ngoài tuyến mang tai

Viêm tinh hoàn

  • Hay gặp bệnh nhân chỉ sưng 1 bên tinh hoàn.
  • Nếu bệnh nhân teo 1 bên tinh hoàn thì không có ảnh hưởng gì nhưng nếu teo cả 2 bên thì có khả năng bị vô sinh.
  • Còn có thể bị cương đau dương vật hoặc liệt dương.
Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị 3

Tổn thương thần kinh

  • Viêm màng não: Chiếm khoảng 10 - 35% các trường hợp, nhất là ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi viêm tuyến mang tai.
  • Viêm não: Hiếm xảy ra hơn so với viêm màng não (0,5%), rất hiếm có di chứng vĩnh viễn.

Viêm tuỵ cấp

  • Gặp khoảng 3 - 7%, thường ở người lớn, phần lớn là thể ẩn, chỉ biểu hiện biến đổi sinh hoá qua xét nghiệm.
  • Bệnh diễn biến lành tính, khỏi sau 1 - 2 tuần, hiếm để lại di chứng.

Viêm buồng trứng: Chiếm 7% sau dậy thì, sốt và đau hố chậu.

Biểu hiện ở các cơ quan khác

  • Viêm cơ tim: Đau vùng trước tim, mệt nhọc và nhịp tim chậm. Tử vong hiếm khi xảy ra.
  • Viêm tuyến giáp bán cấp.
  • Biểu hiện mắt: Viêm tuyến lệ.
  • Tổn thương gan.
  • Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi mô kẽ.
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu: Phản ứng dạng leucemie.
  • Viêm đa khớp: Thường di chuyển.

Quai bị và thai nghén: Mắc bệnh trong 3 tháng cuối có thể tăng khả năng thai chết lưu hoặc đẻ non.

bien-chung-quai-bi.png

Theo các dữ liệu khoa học, thì thường tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn bé gái. Và không có sự khác biệt về biến chứng giữa 2 nhóm trẻ này. Tuy nhiên, nếu đã đến tuổi dậy thì, thì các biến chứng trên cơ quan sinh dục của cả nam và nữ đều có thể xảy ra như: Viêm teo tinh hoàn ở nam giới, Viêm teo buồng trứng trên giới nữ,… từ đó có thể là căn nguyên gây khó có khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh.

Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị 4
tai-nhiem-quai-bi.png

Mọi người chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh Quai bị, tuy khả năng cảm nhiễm có thể không cao bằng một số bệnh khác như Sởi, Thủy Đậu. Nhóm người có tính cảm nhiễm cao nhất là trẻ em (từ 6 tháng tuổi, sau khi hết miễn dịch của người mẹ).

Tuổi càng lớn khả năng miễn dịch càng cao. Kết quả điều tra huyết thanh học cho thấy có khoảng 85% số người ở tuổi trưởng thành đã có miễn dịch với Quai bị do nhiễm trùng tự nhiên. Ở những khu vực đã tiếp cận với vắc xin phòng Quai bị, tỷ lệ miễn dịch còn cao hơn. Sau khi nhiễm vi rút hay mắc bệnh Quai bị hoặc sau khi dùng vắc xin Quai bị đúng liều lượng, đều có khả năng miễn dịch lâu dài trong nhiều năm, có thể suốt đời.

lay-nhiem-quai-bi.png

Bệnh Quai bị lây theo đường hô hấp. Vi rút có trong các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện,... người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Những hạt nước bọt chứa vi rút sống gây bệnh kích thước nhỏ (từ 5 - 100 mm) có thể phát tán mạnh trong phạm vi 1,5 mét. Những hạt cực nhỏ, dạng khí dung (dưới 5 mm) có thể bay lơ lửng nhiều giờ trong không khí ở những không gian kín, gặp gió các hạt khí dung chứa vi rút có thể phát tán xa hơn.

Vi rút có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể từ 30 đến 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 20 độ C, khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ âm sâu (- 25 tới -70 độ C). Bị diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C, hoặc dưới tác động của tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và những hóa chất khử khuẩn chứa clo hoạt và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.

Ở nước ta, bệnh có thể tản phát quanh năm, tuy nhiên thường gặp hơn vào các tháng thu - đông. Khí hậu mát, lạnh và khô hanh giúp cho bệnh Quai bị có thể lan truyền mạnh hơn. Dịch Quai bị thường xảy ra trong nhóm trẻ em đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc đến trường phổ thông, cũng có thể gặp trên nhóm trẻ lớn hoặc thanh niên và người lớn tuổi với tỷ lệ thấp hơn và thường là các trường hợp tản phát. Tỷ lệ mắc ở nam giới thường cao hơn nữ.

Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị 5
dieu-tri-quai-bi.png

Cho tới nay, Quai bị chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị các triệu chứng như hạ sốt, bù nước, điện giải. Trong một số trường hợp có biến chứng như viêm tụy (Có thể phải dùng phương pháp điều trị Ngoại khoa nếu có hoại tử), viêm tinh hoàn (sử dụng Corticoid liều cao).

Quai bị có thể điều trị tại nhà được không?

Vì Quai bị là bệnh thường lành tính, bởi vậy chủ yếu người bệnh được điều trị ngoại trú.

Chỉ các trường hợp có biến chứng thì cần sự chăm sóc đặc biệt và nên nhập viện điều trị nội trú như viêm tinh hoàn, viêm tụy hoại tử, não viêm,…

Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị

Bệnh Quai bị cần kiêng gì để nhanh khỏi?

Với bệnh Quai bị, ngoài việc tránh sử dụng đồ ăn, thức uống có chất kích thích thì với thể viêm tinh hoàn ở nam giới, cần mặc quần lót chặt, để treo tinh hoàn, chườm nóng kèm nghỉ ngơi hoàn toàn,...

phong-ngua-quai-bi.png

Tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm ngừa vắc xin. Hiện nay, các vắc xin sử dụng các chủng vi rút sống, giảm độc lực. Và thường được phối hợp đa giá với Sởi, Rubella. Theo thông tin từ kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất, hiệu quả sau tiêm 2 liều vắc xin 6 tuần thì tỷ lệ chuyển đảo huyết thanh lên tới 95% - 96%.

Bệnh Quai bị có gây vô sinh không? Cùng bác sĩ Nguyễn Văn My giải đáp thắc mắc về bệnh Quai bị 6

Tạo miễn dịch thụ động: Dự phòng đặc hiệu bằng γ globulin miễn dịch chống Quai bị, dùng sớm cho phụ nữ có thai khi tiếp xúc với bệnh nhân Quai bị. Liều dùng: 3 - 4 ml tiêm bắp một mũi duy nhất, tuy vậy khả năng bảo vệ không chắc chắn.

Người đã mắc bệnh Quai bị có cần tiêm vắc xin phòng ngừa nữa không?

Vắc xin phòng ngừa Quai bị hiện tại được bào chế từ vi rút sống, giảm độc lực. Đây là loại chế phẩm an toàn cao, hiệu lực bảo vệ đạt trên 95%, gây được miễn dịch lâu bền, có thể dùng cả cho người đã từng có miễn dịch. Tái tiêm chủng ở người đã tiêm vắc-xin quai bị dùng vi rút chết.

Nếu người bệnh đã được chẩn đoán xác định, chắc chắn đã bị Quai bị (Phân lập vi rút, hoặc bằng xét nghiệm định lượng IgG, IgM với vi rút Quai bị,…) thì có thể không cần tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nếu chỉ được chẩn đoán trên lâm sàng, không có bằng chứng chắc chắn đã bị bệnh Quai bị thì nên tiêm ngừa, để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả việc chủ động phòng ngừa bệnh.

Cùng xem lại những thông tin về bệnh Quai bị trong video dưới đây nhé:

Hy vọng những giải đáp trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh Quai bị. Từ đó có cách phòng tránh và quản lý bệnh hiệu quả, để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, đồng thời xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, bền vững! 

Bác sĩ Nguyễn Văn My

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩNguyễn Văn My

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.

Xem thêm thông tin
Nguồn tham khảo