Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Bệnh sởi có bị lây không? Phương pháp điều trị và phòng ngừa sởi hiện nay

Ngày 13/08/2024
Kích thước chữ

Bệnh sởi thực sự nguy hiểm vào những năm y tế chưa phát triển. Tuy nhiên hiện nay bệnh sởi có thể được điều trị nhanh và ít gây biến chứng nhất có thể nếu chữa trị và phòng bệnh khoa học. Vậy bệnh sởi có bị lây không và phải tầm soát bệnh ra sao là thắc mắc được đặt ra.

Bệnh sợi có tên y khoa là Rubeola. Thực tế sởi là căn bệnh hô hấp cấp tính, nó là căn bệnh gây tử vong cao ở trẻ nhỏ với những triệu chứng như sốt, xuất tiết mũi, họng, mắt cũng như nổi ban toàn thân. Câu hỏi bệnh sởi có bị lây không được nhiều người đặt ra. Bài viết giải đáp thắc mắc này một cách cụ thể nhất.

Bệnh sởi là bệnh gì?

Bệnh sởi còn có cái tên khác là bệnh Measles và thường mắc ở bé từ 0 đến 6 tuổi. Bệnh do virus thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra và chúng tồn tại ở vùng mũi, họng khi xâm nhập vào cơ thể con người. Bệnh xuất hiện những dấu hiệu khởi phát sau khoảng 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Lúc này cơ thể bị sốt, ho khan, đau họng thậm chí mắt bị viêm kết mạc, nổi đốm trắng trong miệng, da phát ban.

Bệnh sởi có bị lây không? Phòng bệnh thế nào? 1
Bệnh sởi thường mắc ở trẻ từ 0 đến 6 tuổi

Trước khi thắc mắc bệnh sởi có bị lây không, ta cùng tìm hiểu về tiến trình phát triển của bệnh để hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh. Thực tế giai đoạn nhiễm trùng xảy ra từ khi nhiễm bệnh được 2 - 3 tuần. Một khi các nốt ban nổi khắp cơ thể và các đốm mụn mọc thành cụm là lúc bệnh dần nặng hơn. Vết ban lây lan rất nhanh, cơn sốt tăng lên có thể đạt đến nhiệt độ 41 độ C. Phát ban sởi kéo dài khoảng 7 ngày và nếu điều trị tốt thì chúng nhạt dần và hết sốt.

Điều đáng ngại là virus bệnh sợi tấn công nhóm đối tượng trẻ nhỏ, bé đang có hệ miễn dịch kém và chưa có khả năng tự nhận thức bản thân đang bị bệnh như người trưởng thành. Vậy nên phụ huynh cần theo dõi, hạ sốt và thực hiện các phương pháp can thiệp dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ sớm nhất để hạn chế biến chứng nguy hiểm. Có những ca bệnh sởi gặp biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, tiêu chảy thậm chí nặng hơn là tổn thương não, biến chứng về hô hấp hoặc suy giảm trí tuệ vĩnh viễn nên cần đề phòng.

Bệnh sởi có bị lây không?

Như đã đề cập, sởi là căn bệnh hô hấp cấp tính và bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, virus có sẵn trong nước bọt, nước mũi và một khi người bệnh hắt hơi, ho thì phát tán chúng sang đối phương. Ngoài ra chính giọt nước bắn này bám vào đồ đạc, dụng cụ cũng là nguồn lây khi trẻ chạm vào.

Bệnh sởi có bị lây không? Phòng bệnh thế nào? 2
Bệnh sởi có bị lây không là thắc mắc được đặt ra

Thực tế bệnh sởi có sức lây lan với tốc độ rất nhanh và thường bùng thành dịch sởi. Tại Việt Nam, mùa bệnh sởi là mùa đông bởi virus phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết này. Trẻ em dưới 10 tuổi ở vùng núi Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh sởi cao hơn và khả năng tử vong cao bởi nơi đây có điều kiện kinh tế hạn hẹp.

Bởi lây lan qua đường hô hấp, dịch tiết nên trẻ đi học mầm non hay sinh hoạt tại khu vui chơi, khu đông dân cư là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh. Tuy nhiên từ khi bé sinh ra thì đã được tiêm chủng vắc xin cho nên phụ huynh cũng không cần quá lo lắng. Một khía cạnh khác cũng cần quan tâm đó là thai phụ có thể bị sởi khi đang mang thai và nó gây nên các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu, sinh non thậm chí bé sinh ra bị suy dinh dưỡng.

Phương pháp điều trị bệnh sởi

Bệnh nhân mắc sởi phải được cách ly ngay khi phát hiện nổi ban. Phương pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát và giảm triệu chứng, kích thích cơ thể hồi phục nhanh. Cụ thể như sau:

  • Hạ sốt: Đa phần trẻ mắc sởi sốt rất cao nên buộc phải hạ sốt nhanh để tránh nguy hiểm cho cơ thể. Bác sĩ đa phần kê đơn cho thuốc hạ sốt và khuyến khích thực hiện kết hợp các giải pháp hạ sốt khác như cho bé uống nhiều nước, dán miếng hạ sốt.
  • Chống viêm nhiễm hệ hô hấp: Bác sĩ cân nhắc cho dùng kháng Histamine để giảm chảy mũi kết hợp uống thuốc an thần, thuốc ho giúp giảm đau họng, long đờm. Ngoài ra cần sát trùng mũi họng bằng nước muối sinh lý.
  • Dinh dưỡng: Cần xây dựng chế độ ăn dễ tiêu hoá với nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt cần bù nước thường xuyên bằng cách ưu tiên ăn cháo, súp.
Bệnh sởi có bị lây không? Phòng bệnh thế nào? 3
Hạ sốt nhanh nhất cho trẻ khi bị sởi

Ngoài ra nếu người bệnh không xuất hiện dấu hiệu bệnh sởi bội nhiễm thì không nhất thiết phải dùng kháng sinh. Tuỳ thuộc vào khả năng hồi phục mà bác sĩ cân nhắc xem nên nhập viện điều trị tiếp hay tự chăm sóc tại nhà.

Cách để phòng bệnh sởi hiệu quả

Nên đưa bé đi tiêm vắc xin đúng lịch như khuyến cáo. Trẻ tiêm vắc xin sớm với liều đầu khi được 9 - 11 tháng và tiêm bổ sung mũi 2 khi đạt 18 tháng. Ngoài ra khi bé đã đạt độ tuổi đi học, tiếp xúc với cộng đồng nhiều thì buộc phụ huynh phải chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh. Tập cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng nước muối thường xuyên, vệ sinh mũi bằng dung dịch chuyên dụng. Đặc biệt khi có người mắc bệnh sởi, cần tránh để trẻ tiếp xúc gần, hạn chế đưa trẻ đến môi trường công cộng khi có bùng dịch sởi.

Bên cạnh đó tăng cường sức đề kháng của trẻ là cách tốt để phòng sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Phụ huynh nên có kế hoạch cho bé ăn đủ các nhóm chất, bổ sung trái cây và rau xanh giàu vitamin C, chất chống oxy hoá. Nên khuyến khích bé ăn sữa chua để cung cấp lợi khuẩn tốt cho hệ miễn dịch.

Bệnh sởi có bị lây không? Phương pháp điều trị và phòng ngừa sởi hiện nay 4
Phụ huynh nên bổ sung trái cây và rau xanh giàu vitamin C cho bé

Trên đây là những chia sẻ về bệnh sởi có bị lây không cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh sởi hiện nay. Nếu nhận thấy bé có bất kì dấu hiệu nào bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin