Bệnh viêm gan khác K75 là một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, có vai trò trong quá trình tiêu hóa, chuyển hóa, lọc máu và giải độc. Tuy nhiên, gan cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, gây ra các bệnh liên quan đến gan. Hiểu rõ về bệnh viêm gan khác K75 có nguy hiểm không là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu về bệnh viêm gan khác K75 và cũng như trả lời cho câu hỏi liệu bệnh viêm gan khác K75 có nguy hiểm không.
Tổng quan bệnh viêm gan khác K75
Viêm gan là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở gan. K75 là mã ICD-10 (International Classification of Diseases, 10th Revision) chỉ các bệnh viêm gan khác, bao gồm:
K75.0: Áp xe ở gan.
K75.1: Viêm tĩnh mạch của tĩnh mạch cửa.
K75.2: Viêm gan phản ứng không đặc hiệu.
K75.3: Viêm gan dạng u hạt, không phân loại nơi khác.
K75.4: Viêm gan tự miễn.
K75.8: Bệnh viêm gan đặc hiệu khác.
K75.9: Bệnh viêm gan, không đặc hiệu.
Bệnh viêm gan khác K75 có nguy hiểm không?
Bệnh viêm gan khác k75 có nguy hiểm không? Bệnh viêm gan khác được phân loại theo mã K75 trong ICD-10 là một nhóm bệnh lý viêm gan có nguyên nhân đa dạng, chưa được xác định rõ ràng. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm gan và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tuy nhiên, nhìn chung, bệnh viêm gan khác K75 có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
K75.0: Áp xe ở gan
Áp xe ở gan là tình trạng có hình thành ổ mủ trong gan. Mặc dù tỷ lệ mắc áp xe gan thấp nhưng điều cần thiết là phát hiện sớm và xử lý các tổn thương này vì có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Áp xe ở gan K75.0 bao gồm:
Áp xe gan không rõ nguyên nhân: Loại áp xe hình thành không xác định được nguyên nhân cụ thể.
Áp xe gan do viêm đường mật: Loại áp xe có nguồn gốc từ nhiễm trùng hoặc tắt nghẽn ống dẫn mật. Vi khuẩn đi ngược lên đường mật từ ống tiêu hóa, thường do tắc nghẽn đường mật như sỏi mật, ung thư đường mật,...
Áp xe gan từ đường máu: Loại áp xe hình thành do các vi khuẩn hay mầm bệnh xâm nhập vào máu và theo đường tuần hoàn đến gan, đọng lại và phát triển tạo áp xe.
Áp xe gan từ đường bạch huyết: Loại áp xe này bắt nguồn từ một ổ nhiễm trùng ban đầu ở vùng bụng, chậu hoặc chi dưới, sau đó lan qua đường bạch huyết đến gan.
Áp xe gan do viêm tĩnh mạch cửa: Loại áp xe này bắt nguồn từ một ổ nhiễm trùng trong ổ bụng liên quan đến vùng thoát lưu của tĩnh mạch cửa như viêm ruột thừa, viêm đại tràng, viêm tụy. Vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tĩnh mạch cửa và theo đường máu đến gan, gây ra các ổ áp xe trong nhu mô gan.
Áp xe gan K75.0 không bao gồm áp xe gan do amip, viêm đường mật và viêm tĩnh mạch cửa không kèm áp xe gan.
K75.1: Viêm tĩnh mạch của tĩnh mạch cửa
Viêm tĩnh mạch của tĩnh mạch cửa (pylephlebitis) là tình trạng viêm và đông máu cục bộ xảy ra trong hệ thống tĩnh mạch cửa, nhưng không dẫn đến áp xe gan.
Bệnh thường bắt nguồn từ một ổ nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm ở vùng bụng liên quan tới vùng thoát lưu của tĩnh mạch cửa như viêm ruột thừa, viêm đại tràng, viêm tụy,... Vi khuẩn hoặc các sản phẩm viêm từ ổ nhiễm trùng ổ bụng đến hệ thống tĩnh mạch cửa, gây viêm, hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch cửa và các nhánh của nó.
K75.2: Viêm gan phản ứng không đặc hiệu
Viêm gan phản ứng không đặc hiệu (NSRH) là tình trạng gan bị viêm nhưng nguyên nhân không rõ ràng. Nó là thuật ngữ chung cho tình trạng viêm gan không do các nguyên nhân phổ biến như virus A, B, C, D, E gây ra. Bệnh lý có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, bao gồm thuốc, độc tố, vi khuẩn, ký sinh trùng hay các biến chứng từ bệnh lý khác.
K75.3: Viêm gan u hạt, không được phân loại ở nơi khác
Viêm gan u hạt, không được phân loại ở nơi khác là một loại viêm gan cụ thể được đặc trưng bởi sự hiện diện của u hạt trong mô gan. Bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như thuốc, nhiễm trùng, bệnh tự miễn,...
K75.4: Viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn là tình trạng rối loạn tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào gan khỏe mạnh. Sự tấn công này gây viêm và tổn thương gan, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Các đối tượng thường dễ mắc bệnh bao gồm:
Phụ nữ: Phụ nữ có xu hướng mắc bệnh cao hơn nam giới gấp 4 lần.
Người có tiền sử mắc bệnh nhiễm trùng hoặc viêm gan.
Bệnh có mang tính di truyền: Có người thân trong gia đình mắc bệnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
K75.8: Bệnh viêm gan đặc hiệu khác
Bệnh viêm gan đặc hiệu khác là một thuật ngữ y tế được sử dụng để chỉ một nhóm các bệnh viêm gan không thuộc các loại viêm gan được phân loại rõ ràng khác, chẳng hạn như viêm gan A, B, C hoặc E. Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn:
Tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh viêm gan có thể cấp tính (diễn biến ngắn hạn) hoặc mạn tính (kéo dài nhiều năm). Dựa vào nguyên nhân, bệnh viêm gan được phân thành các loại chính sau:
Viêm gan virus: Do virus gây ra, bao gồm virus A, B, C, D, E.
Viêm gan do độc tố: Do các chất độc hại như rượu, thuốc, hóa chất công nghiệp,… gây ra.
Viêm gan do vi khuẩn và ký sinh trùng: Do vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào gan gây ra.
Triệu chứng của bệnh viêm gan
Triệu chứng của bệnh lý này có thể từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm gan và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến của bệnh viêm gan khác K75 bao gồm:
Mệt mỏi: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm gan. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và không muốn hoạt động.
Chán ăn: Viêm gan có thể khiến người bệnh mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến chán ăn và sụt cân.
Buồn nôn và nôn: Buồn nôn và nôn là những triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh tiêu hóa, bao gồm cả viêm gan.
Đau bụng: Đau bụng có thể xuất hiện ở vùng bụng phía trên bên phải. Đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội và có thể lan ra vai hoặc lưng.
Vàng da, vàng mắt: Một dấu hiệu phổ biến của bệnh gan, do sự tăng cao của bilirubin trong máu khi gan không thể chuyển hóa chất này một cách bình thường.
Nước tiểu sẫm màu: Do bài tiết bilirubin dư thừa trong nước tiểu.
Phân nhạt màu: Do sự thiếu hụt bilirubin trong phân. Bilirubin là chất làm phân có màu nâu.
Ngứa: Ngứa da có thể là do sự tích tụ axit mật trong da. Axit mật là một chất được gan tiết ra để giúp tiêu hóa chất béo.
Gan to: Gan có thể to ra và cảm nhận được khi sờ vào bụng.
Ngoài ra, một số triệu chứng ít phổ biến hơn của bệnh viêm gan khác K75 bao gồm:
Sốt: Sốt có thể do nhiễm trùng hoặc do chính tình trạng viêm gan gây nên.
Đau khớp và phát ban da: Có thể do một số bệnh tự miễn gây ra.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh gan là một quá trình bao gồm nhiều bước nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán bệnh gan phổ biến:
Hỏi về tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện triệu chứng, các loại thuốc bạn đang dùng, tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình, thói quen sinh hoạt như sử dụng rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn uống,....
Thăm khám: Bác sĩ sẽ khám tổng quát để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh gan như vàng da, gan to, báng bụng,...
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu là một phần quan trọng trong chẩn đoán bệnh gan.
Xét nghiệm chức năng gan: Đo lường nồng độ AST, ALT, ALP, GGT, bilirubin, protein albumin, globulin,... trong máu. Nồng độ các chất này tăng cao có thể là dấu hiệu của tổn thương gan.
Chẩn đoán hình ảnh: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ hình dung cấu trúc và chức năng của gan, bao gồm siêu âm gan, chụp CT-scan hoặc MRI gan.
Sinh thiết gan: Sinh thiết gan là lấy một mẫu mô gan nhỏ để xét nghiệm dưới kính hiển vi. Sinh thiết gan có thể giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh gan, đặc biệt là khi các xét nghiệm khác không cung cấp đủ thông tin.
Tuy nhiên chẩn đoán bệnh gan là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng, tiền sử bệnh, kết quả khám sức khỏe và các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm gan khác tùy thuộc vào loại bệnh lý và mức độ tổn thương gan. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thông thường được sử dụng:
Sử dụng thuốc: Đối với nhiều loại bệnh gan, thuốc được sử dụng để điều trị và kiểm soát tình trạng bệnh.
Hạn chế tiêu thụ các chất gây hại như rượu, bia, thuốc lá,...
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.
Dùng các biện pháp phù hợp như ghép gan hoặc các biện pháp hỗ trợ chức năng gan như lọc máu.
Theo dõi và kiểm tra định kỳ để đánh giá sự tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.
Quan trọng nhất, việc điều trị cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hay chuyên gia y tế. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của bạn.
Biện pháp phòng chống bệnh viêm gan khác K75
Để đối phó với bệnh lý và bảo vệ sức khỏe gan, rất nhiều biện pháp phòng ngừa đã được đưa ra để duy trì một lá gan khỏe mạnh.
Duy trì lối sống lành mạnh
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ chức năng gan, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện chức năng gan và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh viêm gan.
Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc (khoảng 7 - 8 tiếng mỗi đêm) giúp cơ thể phục hồi năng lượng, đồng thời hỗ trợ chức năng gan.
Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe gan. Áp dụng các biện pháp thư giãn như thiền, yoga, nghe nhạc,... có thể giúp giảm căng thẳng và bảo vệ gan.
Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hại cho gan vì vậy việc bỏ hút thuốc lá sẽ hỗ trợ bảo vệ gan của bạn.
Hạn chế sử dụng rượu bia: Rượu bia có thể gây tổn thương gan và dẫn đến các bệnh gan mạn tính. Hạn chế sử dụng rượu bia hoặc tốt nhất là cai rượu bia hoàn toàn để bảo vệ gan.
Tránh các yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh lý
Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại: Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất như thuốc trừ sâu, dung môi, hóa chất công nghiệp,... Nếu phải tiếp xúc với các hóa chất này, hãy sử dụng trang phục bảo hộ và tuân thủ các biện pháp an toàn lao động.
Uống nước sạch: Uống nước đảm bảo vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng trong nước.
Tiêm vaccine đầy đủ để phòng ngừa các loại virus có thể gây bệnh.
Khám sức khỏe định kỳ
Kiểm tra gan định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến sức khỏe gan. Nếu phát hiện sớm, có thể điều trị và quản lý bệnh gan hiệu quả hơn.
Tăng cường hiểu biết về bệnh lý
Tăng cường hiểu biết về bệnh viêm gan khác K75, các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng chống có thể giúp mọi người hiểu về tình trạng gan của mình và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Tuân thủ theo hướng dẫn chuyên gia y tế
Tuân thủ theo lịch trình tiêm phòng đầy đủ.
Tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt,... Việc tuân thủ đúng cách sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm nguy cơ gặp biến chứng.
Trên hành trình chăm sóc sức khỏe, việc tìm hiểu liệu bệnh viêm gan khác K75 có nguy hiểm không là điều vô cùng cần thiết, giúp người bệnh nằm được tình hình sức khỏe, đưa ra những quyết định phù hợp nhất. Đồng thời cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu. Qua bài viết này, hy vọng đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho bạn đọc!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.