Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị đau quai hàm gần tai bên trái là triệu chứng của bệnh gì?

Ngày 27/03/2023
Kích thước chữ

Bị đau quai hàm gần tai bên trái không phải là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến này lại có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đã mắc phải một loại bệnh nào đó. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Đôi khi bạn sẽ cảm thấy bị đau quai hàm gần tai bên trái khi há miệng hoặc nhai một loại thực phẩm nào đó. Đó có thể là dấu hiệu của sái quai hàm nhưng cũng có thể là triệu chứng của một loại bệnh nào đó.

Bị đau quai hàm gần tai bên trái là dấu hiệu của bệnh gì?

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bị đau quai hàm gần tai bên trái. Điều này cũng khiến việc chẩn đoán bệnh và đưa ra được phương án điều trị chính xác trở nên khó khăn hơn. 

Bị đau quai hàm gần tai bên trái là triệu chứng của bệnh gì? 01

Bị đau quai hàm gần tai bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Với những trường hợp bị đau quai hàm gần tai bên trái, thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định khám tổng quát, chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI vùng bị đau để xác định rõ nguyên nhân. 

Dưới đây là một số bệnh lý có dấu hiệu đặc trưng là bị đau quai hàm gần tai bên trái:

Sái quai hàm

Khi bạn xuất hiện một vào biểu hiện như:

  • Bị đau quai hàm gần tai bên trái.
  • Đau nhức xung quanh vùng tai, vùng mặt.
  • Gặp khó khăn hoặc bị đau khi nhai thức ăn.
  • Cứng khớp, khó há hoặc khép miệng.

Thì rất có thể bạn đã bị sái quai hàm. Sái quai hàm là tình trạng tái đi tái lại của những người từng bị hiện tượng này trong quá khứ hoặc những người bị rối loạn khớp thái dương khiến lỏng dây chằng và cơ xương hàm. Đôi khi sái quai hàm xảy ra khi bạn ngáp hoặc cố gắng mở miệng quá lớn.

Viêm khớp thái dương hàm

Đây cũng là một trong những tình trạng có dấu hiệu điển hình là bị đau quai hàm gần tai bên trái hoặc phải hoặc cả 2 bên. Ngoài ra, khi bị viêm khớp thái dương hàm, bạn còn có thể xuất hiện 1 số triệu chứng khác, bao gồm:

  • Miệng và hàm khó cử động.
  • Khi cử động hàm, khớp hàm sẽ phát ra những tiếng lục cục.
  • Cơn đau sẽ trở nên đau đớn hơn khi ăn uống.
  • Vùng thái dương bị đau nhức.
  • Chóng mặt, đau đầu, mỏi cổ.
  • Vị trí khớp viêm ở cơ nhai bị phì đại.

Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý phổ biến và xuất hiện ở nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là ở nữ giới trong giai đoạn tuổi dậy thì hoặc mãn kinh,....

Loạn năng thái dương hàm

Khi xuất hiện tình trạng bị đau quai hàm gần tai bên trái hoặc phải hoặc cả 2 bên thì đó cũng có thể là dấu hiệu nhận biết bạn đã bị loạn năng thái dương hàm. Theo chia sẻ từ các chuyên gia, đây là một bệnh lý tương đối hiếm gặp khi chỉ xuất hiện ở 10% dân số và gây nhiều ảnh hưởng không tốt tới bệnh nhân.

Bị đau quai hàm gần tai bên trái là triệu chứng của bệnh gì? 02

Loạn năng thái dương hàm gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ của người bệnh 

Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm nhưng các triệu chứng bệnh lại rất ít khi biểu hiện ra bên ngoài. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn thì cũng là lúc bệnh tiến triển nặng. Lúc này nguy cơ bị hỏng khớp hàm là rất lớn.

Khi bị loạn năng thái dương hàm, cơ nhai hoặc khớp thái dương hàm của người bệnh sẽ có sự bất thường như khó nhai, đóng mở miệng khó khăn. Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng điển hình khác như:

  • Hàm vận động hạn chế, thiếu linh hoạt;
  • Khó khăn khi há to miệng;
  • Ù tai, choáng váng.

Một vài biện pháp khắc phục khi bị đau quai hàm gần tai bên trái

Với những trường hợp đau ở mức độ nhẹ hoặc các triệu chứng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hằng ngày, bạn hãy thử thực hiện một số biện pháp khắc phục ngay tại nhà như:

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen, paracetamol,... sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng đau nhức, khó chịu. Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thuốc này cần tuân thủ đúng liều lượng theo hướng dẫn và nên đi khám ngay nếu không thấy các triệu chứng thuyên giảm.
  • Xoa bóp - Ấn huyệt: Một phương pháp khác bạn có thể thử sử dụng ở nhà đó là xoa bóp vùng bị đau nhức. Cách làm như sau: bạn dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào khu vực bị đau và xoa tròn 5-10 vòng. Sau đó thử cử động miệng. Thực hiện lại vài lần cho tới khi cơn đau nhức giảm bớt.
  • Chườm nóng: Đây cũng là biện pháp giúp giảm bớt tình trạng đau nhức và cứng khớp tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, với những trường hợp bị đau quai hàm gần tai bên trái đi kèm với sưng, viêm thì bạn nên chườm lạnh.

Bị đau quai hàm gần tai bên trái là triệu chứng của bệnh gì? 03

Nếu tình trạng đau nhức nhẹ, bạn hãy thử chườm nóng khu vực bị đau 

Ngoài ra, để cải thiện tình trạng đau quai hàm gần tai, bạn cũng nên thay đổi một số thói quen trong ăn uống và sinh hoạt. Đầu tiên, không nên nằm ngủ nghiêng một bên hoặc đặt tay dưới hàm khi ngủ. Bởi có thể gây áp lực lên cơ hàm khiến một bên hàm bị đau nhức. 

Thứ hai, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm dai, dễ dính như kẹo cao su, khô bò, khô mực,... Thay vào đó hãy thử dùng thức ăn mềm hoặc cắt nhỏ thức ăn ra thành các miếng nhỏ. Ngoài ra, khi ăn, bạn cũng nên tránh nhai ở một bên hàm mà nhai đều cả hai bên.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Mặc dù bị đau quai hàm gần tai bên trái hoặc bên phải hoặc cả hai bên không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm và buộc phải can thiệp ngay. Tuy nhiên, bạn nên đi thăm khám nếu tình trạng đau nhức kéo dài, tái đi tái lại hoặc xuất hiện những biểu hiện đi kèm như:

  • Khó ăn, uống; khó nuốt; khó thở;
  • Khó cử động khớp hàm;
  • Khu vực đau bị viêm, sưng tấy;
  • Xuất hiện tình trạng sốt.

Có thể thấy, tình trạng bị đau quai hàm gần tai bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo một vài bệnh lý nguy hiểm hoặc không. Tuy nhiên, nó cũng gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Để hạn chế tình trạng này tái đi tái lại, bạn hãy lưu ý và thử thực hiện những biện pháp khắc phục mà chúng tôi nêu ở trên.

Nhà thuốc Long Châu cũng mong rằng những thông tin trên đây sẽ hữu ích với mọi người, nhất là những ai đang phải chịu đựng sự khó chịu do đau quai hàm.

Tú Anh

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com, Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin