Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Há miệng có tiếng kêu có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ

Khoảng 25 - 35% dân số Việt Nam gặp phải tình trạng há miệng có tiếng kêu. Không ít người băn khoăn liệu tình trạng này có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Há miệng có tiếng kêu xảy ra với hàng triệu người trên thế giới. Thông thường, tình trạng này không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động thường ngày của họ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, kèm theo những triệu chứng như đau nhức, khó chịu… thì người bệnh cũng cần phải lưu ý. Cùng Long Châu tìm hiểu nhé!

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng há miệng có tiếng kêu?

Bộ máy ăn nhai trong cơ thể mỗi người gồm: Răng, các cơ nhai và phần khớp thái dương hàm. Ba bộ phận này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, nếu một trong 3 thành phần này không ổn định sẽ gây rối loạn hoạt động của bộ máy nhai. Há miệng có tiếng kêu chính là một trong những biểu hiện bất thường của bộ máy ăn nhai. Tình trạng này có thể xảy ra do các nguyên nhân dưới đây.

Rối loạn khớp thái dương hàm

Khớp cắn kêu khi há miệng thường là biểu hiện của tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm. Tình trạng rối loạn này gây ra sự không ổn định, làm cho khớp cắn bị kêu hoặc khớp thái dương hàm bị trật. Những thay đổi trên hoàn toàn có thể xảy ra mỗi khi bạn há miệng, ăn nhai hoặc khi nghiến răng.

Há miệng có tiếng kêu là bị làm sao? Có nguy hiểm không 1
Rối loạn khớp thái dương hàm gây tiếng kêu khi há miệng

Viêm khớp thái dương

Viêm khớp thái dương hàm cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến mỗi khi há miệng hoặc khi nhai xuất hiện tiếng kêu ở hàm. Tuy nhiên, bệnh lý này thường đi kèm với các triệu chứng khác như: Đau nhức, sưng mặt, khớp hàm kêu lục cục, không thể há miệng lớn. So với rối loạn thái dương hàm, tình trạng này nghiêm trọng hơn rất nhiều và cần phải được điều trị ngay.

Tổn thương xương hàm

Xương hàm bị tổn thương do tai nạn hay va đập mạnh cũng có thể dẫn đến tình trạng có tiếng kêu bất thường khi há miệng. Khi xương hàm bị tổn thương, các khớp và mô mềm xung quanh hàm thường bị ảnh hưởng, gây ra tiếng kêu khi há miệng.

Một số nguyên nhân khác

Tình trạng há miệng có tiếng kêu còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân liên quan như:

  • Do nhóm cơ hàm hoạt động không ổn định;
  • Rối loạn cơ hàm;
  • Bị lệch dây chằng ở khớp thái dương;
  • Xương hàm hoặc cấu trúc liên quan đến hoạt động khớp thái dương hàm bị tổn thương…
Há miệng có tiếng kêu là bị làm sao? Có nguy hiểm không 2
Thăm khám bác sĩ nha khoa khi đau nhức hàm

Khi há miệng có tiếng kêu có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, phát ra tiếng kêu khi há miệng không được xem là nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tiếng kêu phát ra từ miệng đi kèm với các triệu chứng đau nhức, sưng tấy và gặp nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng bệnh lý.

Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tiêu xương chỏm cầu lồi;
  • Mòn bề mặt bên trên của khớp thái dương;
  • Dính cầu lồi vào hõm;
  • Thoái hóa ở khớp thái dương;
  • Tình trạng viêm nhiễm lan rộng hơn (trong trường hợp viêm khớp thái dương).

Do đó, để đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp, bạn nên tìm đến sự tư vấn và chăm sóc y tế từ một chuyên gia như bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt.

Theo các bác sĩ, nếu xương hàm kêu khi há miệng nhưng không gây ra đau nhức, không có dấu hiệu gia tăng về cường độ đau và chức năng của hàm không bị giới hạn thì người bệnh không cần điều trị. Những trường hợp này thường chỉ sau vài ngày hoặc chỉ cần bệnh nhân tập há miệng miệng đúng cách thì tiếng kêu sẽ biến mất, không gây ảnh hưởng gì đến sinh hoạt thường ngày.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có thêm những triệu chứng dưới đây thì cần phải đến bác sĩ răng hàm mặt thăm khám và điều trị:

  • Há miệng phát ra tiếng kêu kèm theo triệu chứng đau nhức, khó chịu;
  • Hàm bị cứng và không thể mở miệng một cách dễ dàng;
  • Cảm giác đau đớn lan ra cả tai, cổ, vai, gáy;
  • Mỗi khi nhai có tiếng kêu lục cục lớn;
  • Bệnh nhân bị đau đầu.
Há miệng có tiếng kêu là bị làm sao? Có nguy hiểm không 3
Cần cẩn trọng nếu há miệng có tiếng kêu kèm theo bị đau đầu

Xử lý thế nào nếu há miệng có tiếng kêu?

Như vậy, há miệng có tiếng kêu có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào các triệu chứng đi kèm. Vậy bệnh nhân cần xử lý thế nào khi xuất hiện những âm thanh bất thường mỗi khi há miệng? Một số người chỉ cần thay đổi trong thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, cũng có không ít người cần đến can thiệp y tế chuyên sâu.

Thay đổi thói quen trong sinh hoạt để tự điều trị tại nhà

Đối với các trường hợp có tiếng kêu khi há miệng nhưng không gây ra đau nhức hoặc rất ít đau nhức, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị ngay tại nhà bằng việc chăm sóc răng miệng và thay đổi thói quen trong sinh hoạt.

Để giảm đau nhức, khó chịu, bạn có thể thử các cách sau:

  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng lên vị trí hàm bị đau;
  • Dùng tay massage nhẹ nhàng quanh hàm trước khi ăn khoảng 5 - 10 phút;
  • Thực hiện các bài luyện tập giúp giãn cơ hàm.

Dưới đây là một số điều chỉnh đối với chế độ ăn uống khi há miệng phát ra tiếng kêu:

  • Ưu tiên ăn đồ mềm, dễ nhai, dễ nuốt;
  • Hạn chế sử dụng thức ăn quá cứng, quá dai hay cần phải nhai nhiều;
  • Không nhai kẹo cao su khi hàm hoạt động bất thường.

Ngoài ra, trong sinh hoạt thường ngày, bệnh nhân cũng cần chú ý một số điều như sau:

  • Hạn chế há miệng quá lớn;
  • Không nên cố gắng há miệng khi đang bị đau;
  • Nhai đều bằng cả hai bên hàm và nhai thật chậm khi ăn;
  • Hạn chế nghiến răng, cắn móng tay hay các đồ vật cứng khác;
  • Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, hãy sử dụng máng bảo vệ răng.
Há miệng có tiếng kêu là bị làm sao? Có nguy hiểm không 4
Không nhai kẹo cao su khi hàm không khỏe

Điều trị y tế chuyên sâu khi há miệng có tiếng kêu

Nếu tình trạng có tiếng kêu khi há miệng không có dấu hiệu cải thiện hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn, bạn hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để can thiệp bằng các biện pháp điều trị y tế chuyên sâu. Tùy vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng nhóm phương pháp xâm lấn hoặc không xâm lấn.

Nhóm phương pháp điều trị không xâm lấn:

  • Sử dụng máng nhai để điều trị rối loạn khớp thái dương hàm;
  • Sử dụng máy laser ở liều lượng thấp;
  • Dùng máy xung điện với liều lượng thấp;
  • Bấm huyệt, châm cứu cho hàm;
  • Sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu cơ hàm.

Nhóm phương pháp điều trị có tác động xâm lấn:

  • Nắn chỉnh lại khớp thái dương;
  • Phẫu thuật ở vùng khớp thái dương;
  • Chỉnh sửa lại khớp cắn cho người bệnh;
  • Phẫu thuật khu vực xương ổ răng.

Tóm lại, há miệng có tiếng kêu là tình trạng bệnh lý không hiếm gặp nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan trong công tác thăm khám và điều trị. Hãy đặc biệt lưu ý nếu tình trạng này kéo dài, kèm theo các triệu chứng đau đớn, khó chịu. Việc điều trị sớm sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm và không cần can thiệp bằng các phương pháp y tế có tác động xâm lấn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin