Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bị thủy đậu uống thuốc gì? Biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị tại nhà

Ngày 23/04/2023
Kích thước chữ

Thực tế trên lâm sàng, nhóm thuốc kháng virus thường được sử dụng để đặc trị bệnh thuỷ đậu. Tuy nhiên, chúng ta thể sử dụng một số nhóm thuốc khác được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ phục hồi nhanh hơn. Vậy bị thuỷ đậu uống thuốc gì? Biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị thuỷ đậu tại nhà là gì? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Đối với một số người khỏe mạnh, bệnh thủy đậu có thể tự khỏi sau một thời gian mà không cần dùng thuốc can thiệp. Tuy nhiên, thuốc giúp hồi phục bệnh nhanh hơn và chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng được cải thiện hơn. Vậy bị thủy đậu uống thuốc gì? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Bệnh thủy đậu là bệnh gì? Lây qua đường nào?

Thủy đậu là nỗi lo của mọi nhà, đặc biệt các bậc phụ huynh khi đến mùa bệnh. Vậy bệnh thủy đậu là bệnh gì? Bệnh thủy đậu lây qua những đường nào?

Thế nào là bệnh thuỷ đậu?

Thủy đậu hay còn gọi là trái rạ. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Varicella (virus thủy đậu) gây ra, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông và mùa xuân, khi thời tiết ẩm ướt. Tỷ lệ bệnh thủy đậu ở trẻ em phổ biến hơn và ít gặp hơn ở người lớn. Bệnh đặc trưng bởi những nốt mụn nước phồng rộp, xuất hiện khắp cơ thể, đặc biệt là miệng và niêm mạc lưỡi.

Bị thủy đậu uống thuốc gì? Biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị tại nhà 1
Thủy đậu xảy ra ở trẻ em với tỷ lệ cao hơn người lớn

Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?

Câu hỏi thường được nhiều người thắc mắc chính là bệnh thủy đậu lây qua đường nào? Người bị bệnh thủy đậu có thể lây sang cho người khác từ 1-2 ngày trước khi nổi những nốt mụn nước cho đến khi những nốt này đóng vảy. Nếu tiếp xúc với người bệnh, khoảng 90% người chưa từng mắc thủy đậu sẽ bị nhiễm bệnh. Thủy đậu có thể lây truyền qua các đường sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
  • Lây truyền qua đường không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc lây từ các nốt mụn nước.
  • Lây truyền gián tiếp qua những đồ vật của người bệnh bị nhiễm chất dịch từ các mụn nước hoặc từ niêm mạc như bàn chải đánh răng, khăn mặt,... 

Giai đoạn của bệnh thủy đậu

Để biết bị thủy đậu uống thuốc gì, ta cần nắm rõ các giai đoạn bệnh và các triệu chứng của từng giai đoạn để giúp cho việc lựa chọn thuốc điều trị đúng cách và phù hợp hơn. Bệnh thủy đậu diễn ra qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Đây là giai đoạn virus nhiễm vào người và thường kéo dài 10-20 ngày. Lúc này, người bệnh thủy đậu chưa có triệu chứng hoặc dấu hiệu gì nên rất khó để phát hiện.
  • Giai đoạn khởi phát: Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu. Một số người bệnh thủy đậu có thể xuất hiện hạch sau tai kèm theo viêm họng. Trên da bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ trong 24-48 giờ đầu.
  • Giai đoạn toàn phát: Những nốt ban đỏ trên da sẽ chuyển thành nốt đậu và có bọng nước bên trong. Khi vỡ ra có màu đục. Các mụn nước này sẽ lây lan nhanh trên cơ thể, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, gây ra cảm giác ngứa ngáy, rát, khó chịu. Người bệnh gặp các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và sốt cao. Đây cũng là giai đoạn dễ xảy ra các biến chứng thủy đậu nguy hiểm nếu cơ thể không có đủ sức đề kháng và điều trị không đúng cách.
  • Giai đoạn hồi phục: Sau khi phát bệnh 7-10 ngày, các nốt mụn nước sẽ vỡ và đóng vảy, bong ra tạo thành sẹo lõm thủy đậu. Người bệnh cần vệ sinh cẩn thận, tránh để các vết thủy đậu nhiễm trùng.
Bị thủy đậu uống thuốc gì? Biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị tại nhà 2
Hiểu được giai đoạn bệnh sẽ giúp lựa chọn thuốc điều trị thủy đậu phù hợp hơn

Bị thuỷ đậu uống thuốc gì?

Mặc dù các triệu chứng của bệnh thuỷ đậu thường sẽ khỏi sau 1 thời gian phát bệnh nếu cơ thể được chăm sóc kĩ càng, bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Tuy nhiên, có thể sử dụng thuốc để cải thiện triệu chứng bệnh cũng như giúp bệnh mau khỏi hơn. Vậy cụ thể, bị thủy đậu uống thuốc gì? Một số nhóm thuốc có thể dùng như:

  • Thuốc kháng virus: Đây là nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị thủy đậu, thường được sử dụng bằng đường uống. Các thuốc trong nhóm này là famciclovir, valacyclovir, hoặc acyclovir được dùng cho những người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh trung bình, nặng. Đối với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nên dùng acyclovir đường tĩnh mạch mỗi 8 giờ. 
  • Thuốc kháng sinh: Chỉ dùng kháng sinh trị thủy đậu khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp bệnh nhân có các nốt mụn nước bị nhiễm trùng.
  • Thuốc cải thiện triệu chứng bệnh: Sử dụng Paracetamol (Acetaminophen) để hạ sốt cho bệnh nhân hoặc thuốc kháng histamin để giảm ngứa như loratadin, ranitidin,... 
  • Thuốc sát trùng ngoài da: Dùng thuốc tím (KMnO4) hoặc dung dịch xanh methylen để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành.
  • Dùng kem bôi ngừa sẹo lõm thủy đậu: Sử dụng thuốc bôi thủy đậu vào giai đoạn hồi phục hoặc sử dụng những mẹo trị sẹo thâm thủy đậu đơn giản tại nhà.

Lưu ý không được dùng thuốc mỡ Tetracyclin, thuốc mỡ Penicillin hoặc thuốc đỏ. Phụ nữ mang thai và trẻ dưới 6 tháng tuổi không sử dụng thuốc bôi ngoài có chứa Phenol. 

Bị thủy đậu uống thuốc gì? Biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị tại nhà 3
Bị thủy đậu uống thuốc gì, bạn đã biết chưa?

Một số biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị tại nhà

Khi điều trị bệnh thủy đậu tại nhà, bạn cần lưu ý những biện pháp sau để hạn chế bệnh trở nặng:

  • Mặc trang phục thoải mái, rộng rãi. Nên mặc quần áo có vải mềm, thấm hút mồ hôi tốt tránh làm vỡ các nốt mụn nước. 
  • Không gãi hoặc cào vào các nốt mụn nước, tránh dịch lây lan ra nhiều hơn và dễ để lại sẹo.
  • Cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra.
  • Cần chủ động cách ly để tránh lây truyền bệnh cho người khác.

Cách phòng ngừa thủy đậu

Hiện nay đã có biện pháp tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu. Đây có thể được xem là biện pháp phòng ngừa thủy đậu lâu dài và hiệu quả. Việc tiêm ngừa thủy đậu đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Vậy vắc xin thủy đậu tiêm mấy mũi? Câu trả lời là hai mũi. Lịch tiêm vắc xin thuỷ đậu như sau:

  • Mũi đầu tiên: Thực hiện tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
  • Mũi thứ 2: Thực hiện tiêm cho trẻ từ 1 - 13 tuổi, mũi này tiêm cách mũi thứ nhất tối thiểu 3 tháng. Đối với trẻ 13 tuổi trở lên, tiêm cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng.

Bạn nên tuân thủ đúng lịch tiêm vắc xin. Việc trì hoãn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, khiến bệnh khó điều trị hoặc bệnh có thể trở nên nặng hơn.

Bị thủy đậu uống thuốc gì? Biện pháp hạn chế trở nặng khi điều trị tại nhà 4
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa thủy đậu

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh thủy đậu cũng như giải đáp bị thủy đậu uống thuốc gì. Tuy nhiên, khi bị thủy đậu, bạn nên thăm khám bác sĩ để có được lời khuyên và những loại thuốc phù hợp cho từng đối tượng, hạn chế việc để lại sẹo và biến chứng trên bệnh nhân. 

Hiền Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin