Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Góc giải đáp thắc mắc: Vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi?

Ngày 24/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi là thắc mắc được nhiều người đặt ra. Bởi muốn phòng bệnh thuỷ đậu hiệu quả thì tiêm vắc xin là cách làm được khuyến khích nhất, vậy nên cần nắm rõ thông tin để tiêm chủng cho khoa học.

Bệnh thuỷ đậu tuy không còn nguy hiểm như lúc trước nhưng nó vẫn là căn bệnh buộc phải đề phòng. Các biến chứng của bệnh thuỷ đậu gây ra cho cơ thể rất nghiêm trọng. Cách phòng bệnh được ưu tiên nhất là tiêm phòng vắc xin. Vậy vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi? Có những lưu ý gì khi tiêm? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết ở bài viết dưới đây. 

Tại sao phải tiêm vắc xin thuỷ đậu?

Điều nguy hiểm nhất khi nhắc đến bệnh thuỷ đậu chính là triệu chứng nổi mụn nước khắp người trong thời kỳ bệnh bùng phát. Một người bệnh có thể nổi hơn 500 nốt khắp người và các nốt mụn chứa đầy dịch này sẽ thay phiên nổi từng đợt liền kề nhau.

Sau khoảng thời gian đó, các dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện. Điều khó khăn khi điều trị bệnh thuỷ đậu đó là giữ vệ sinh và xử lý tốt các nốt mụn khi chúng vỡ ra, đảm bảo các nốt mụn khô dần, bong vảy một cách tự nhiên mà không bị nhiễm trùng. 

Vậy nên nhiều người lo sợ bản thân gặp phải bệnh thuỷ đậu và tìm hiểu các thông tin liên quan như vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi, nên tiêm vào lúc nào, ở đâu là điều nên làm. Việc tiêm vắc xin sẽ bảo vệ cơ thể bạn khỏi mắc bệnh hoặc nếu rơi vào trường hợp hiếm bị bệnh khi đã tiêm phòng thì sẽ có triệu chứng rất nhẹ và nhanh lành.

Góc giải đáp thắc mắc: Vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi? 1
Các nốt mụn chứa dịch của bệnh thuỷ đậu rất nguy hiểm

Tiêm vắc xin giúp bạn tránh khỏi một số biến chứng của bệnh thuỷ đậu như:

  • Nhiễm trùng da: Tại vùng da có mụn nước mọc lên rồi bị vỡ ra, nếu không xử lý tốt tại chỗ thì chúng có thể để lại sẹo. Đáng sợ hơn cả, chúng thường là sẹo lõm thủy đậu rất mất thẩm mỹ.
  • Nhiễm trùng máu: Khi mắc thuỷ đậu bội nhiễm, virus sẽ tấn công vào máu của cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết.
  • Viêm phổi, viêm não: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất khi không điều trị bệnh thuỷ đậu kịp thời. Chúng có thể đe dọa đến tính mạng hoặc làm suy giảm hệ miễn dịch cũng như chức năng của gan, thận, não bộ về sau.
  • Tái phát bệnh Zona: Mặc dù đã khỏi bệnh thuỷ đậu nhưng nếu cơ thể vẫn còn tồn tại siêu vi thuỷ đậu trong các hạch thần kinh thì ngay khi hệ miễn dịch suy yếu, chúng sẽ trỗi dậy và gây nên bệnh Zona

Vậy qua những đề cập trên, có thể thấy tiêm vắc xin thuỷ đậu là cách phòng bệnh không hề thừa, giúp cơ thể tạo được kháng thể chống lại virus thuỷ đậu hiệu quả. Thực tế cho thấy khoảng 90% người tiêm chủng hoàn toàn miễn dịch với bệnh, chỉ khoảng 10% còn lại có thể mắc bệnh nhưng rất nhẹ, không hề bị biến chứng thuỷ đậu. 

Vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi?

Vắc xin thuỷ đậu luôn cần thiết để tiêm kể cả trẻ em lẫn người lớn. Đặc biệt trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi là những đối tượng nên cân nhắc tiêm vắc xin bởi nhóm người này có hệ thống miễn dịch kém nên nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn. 

Hiện nay có 3 loại vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu được Bộ Y tế cấp phép lưu hành:

  • Vắc xin Varivax: Đây là loại vắc xin có xuất xứ từ Mỹ. Chúng ở dạng đông khô của virus thuỷ đậu sống, giúp giảm độc lực của virus và được chỉ định tiêm ngừa cho trẻ trên 12 tháng tuổi cũng như người lớn chưa có miễn dịch. 
  • Vắc xin Varicella: Loại vắc xin này có xuất xứ từ Hàn Quốc. Dung dịch trong suốt, không màu hoặc có màu vàng nhạt cũng được chỉ định phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ em trên 12 tháng và bệnh thủy đậu ở người lớn chưa từng mắc bệnh. 
  • Vắc xin Varilrix: Đây là vắc xin có nguồn gốc từ Bỉ và chúng ở dạng đông khô sản xuất tà chủng Oka sống giảm độc lực của virus thuỷ đậu. Vắc xin này có thể tiêm phòng cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn chưa miễn dịch. 
Góc giải đáp thắc mắc: Vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi? 2
Giải đáp thắc mắc: Vắc xin thủy đậu tiêm mấy mũi?

Vậy vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi? Hai liều vắc xin thuỷ đậu sẽ giúp bạn bảo vệ cơ thể khỏi bệnh, ngăn bệnh không tiến triển sang mức độ nghiêm trọng nếu mắc bệnh. Tuỳ loại vắc xin cũng như đối tượng được tiêm chủng mà thời gian tiêm cách 2 liều sẽ khác nhau nhưng bình quân là tối thiểu cách nhau 1 tháng.

Vắc xin thuỷ đậu sau khi được đưa vào cơ thể sẽ mất từ 1 - 2 tuần để phát huy hết tác dụng. Tại Việt Nam mùa dịch thuỷ đậu thường rơi vào từ tháng 2-6 hằng năm, người lớn chưa mắc bệnh hoặc có trẻ con cần chủ động tiêm phòng trước mùa dịch ít nhất 1 tháng. 

Những lưu ý cần nắm sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu

Không riêng gì tiêm vắc xin thuỷ đậu, hầu hết sau khi tiêm các loại vắc xin thì cơ thể con người đều có thể gặp một số tác dụng phụ. Tác dụng phụ xuất hiện sau liều tiêm thứ nhất luôn nặng hơn so với liều tiêm thứ hai. Sau khi tìm hiểu về vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi thì bạn cần quan tâm đến một số tác dụng phụ thường gặp sau để chủ động trong cách chăm sóc cơ thể:

  • Đau nhức cơ, bầm tím, sưng quanh vị trí tiêm.
  • Sốt, phát ban nhẹ với các mẩn đỏ, dấu hiệu này không xuất hiện liền sau tiêm mà thường phát sau khoảng 2 tuần sau tiêm.
  • Nghẹt mũi, ho, đau họng, đau đầu, buồn nôn và chảy mũi nước. 

Đa số các triệu chứng này đều xảy ra ở mức độ nhẹ. Các trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc xin thuỷ đậu là rất hiếm gặp. Vậy cách tốt nhất để hạn chế bị tác dụng phụ sau tiêm phòng thuỷ đậu là gì?

  • Luôn hỏi ý kiến bác sĩ về lịch tiêm phòng và khai báo trước tình trạng sức khoẻ trước khi tiêm.
  • Hoãn ngay lịch tiêm nếu bạn hoặc con trẻ đang có sức khoẻ không ổn định như bị sốt hoặc cơ thể đang gặp một căn bệnh khác.
  • Luôn nán lại trung tâm tiêm chủng khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ để kịp thời xử lý các triệu chứng sốc thuốc sau tiêm nếu không may mắc phải.
  • Sau khi tiêm nên nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng sức khoẻ trong vòng 24h tại nhà. 
  • Ngay khi có triệu chứng bất thường như sốt quá cao, co giật, cơ thể tím tái thì phải đến ngay cơ sở y tế để kịp thời điều trị. 
Góc giải đáp thắc mắc: Vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi? 3
Khai báo trước tình trạng sức khoẻ trước khi tiêm để đề phòng sốc phản vệ

Trên đây là những chia sẻ về vắc xin thuỷ đậu tiêm mấy mũi. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn có thể hiểu hơn về cách tiêm chủng căn bệnh này và biết mình có phải là đối tượng nên tiêm phòng hay không. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm