Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Một số biến chứng của bệnh thủy đậu và cách phòng bệnh hiệu quả

Ngày 28/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thủy đậu là bệnh phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Đây là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng đáng lo ngại. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn một số biến chứng của bệnh thủy đậu cũng như cách phòng tránh bệnh hiệu quả.

Virus Varicella zoster là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ở những người có sức đề kháng yếu, có thể xảy ra các biến chứng không mong muốn. Vậy biến chứng của bệnh thủy đậu là gì? Cách phòng bệnh thủy đậu thế nào? Cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu 

Người mắc bệnh thủy đậu sẽ gặp các triệu chứng khác nhau qua từng giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Người mắc bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào nên khó nhận biết được bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 15 ngày.
  • Giai đoạn phát bệnh: Bệnh thủy đậu khởi phát với các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi và sốt nhẹ. Một số người bệnh có thể kèm theo triệu chứng xuất hiện hạch sau tai và viêm họng.
  • Giai đoạn toàn phát: Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như buồn nôn đau đầu đau cơ mệt mỏi chán ăn và sốt cao. Trên da người bệnh lúc này bắt đầu xuất hiện những nốt ban đỏ, kích thước khoảng vài milimet. Các nốt mụn nước bắt đầu lan ra khắp cơ thể, xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, dẫn đến tình trạng khó ăn uống ở một số người bệnh. 
  • Giai đoạn hồi phục: Sau khi phát bệnh 7-10 ngày, các nốt mụn nước sẽ tự vỡ và khô mài lại. Trong giai đoạn, này người bệnh cần vệ sinh các nốt mụn cẩn thận, tránh tình trạng nhiễm trùng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng của bệnh thủy đậu là gì? Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả 1
Triệu chứng của thủy đậu sẽ khác nhau qua từng giai đoạn bệnh

Một số biến chứng của bệnh thủy đậu

Bệnh nhân thủy đậu nếu không được chăm sóc kỹ có thể gây ra các biến chứng không mong muốn. Mức độ nguy hiểm của biến chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí xuất hiện biến chứng. Các biến chứng bao gồm:

Nhiễm trùng tại các vết mụn nước

Đây biến chứng của bệnh thủy đậu dễ gặp nhất, đặc biệt là bệnh thủy đậu ở trẻ em, do cảm giác ngứa nên các bé thường gãi, vô tình làm vỡ mụn nước. Các nốt mụn nước nếu bị nhiễm trùng sẽ lở loét, mưng mủ, có thể rỉ máu và gây tổn thương trên bề mặt da.

Nếu được chăm sóc kỹ, biến chứng này không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có thể để lại sẹo thâm hoặc sẹo lõm thủy đậu trên da gây mất thẩm mỹ. Người bệnh có thể tham khảo và thực hiện các cách trị sẹo thâm thủy đậu đơn giản.

Nhiễm trùng huyết

Nếu các vết nhiễm trùng ở vị trí nổi mụn nước không được xử lý đúng cách, vi khuẩn và virus sẽ theo đó xâm nhập vào máu, gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Vậy nên, khi bị thủy đậu, người bệnh cần tìm hiểu về các cách giảm ngứa khi bị thủy đậu, chăm sóc các nốt mụn nước thật cẩn thận để tránh nguy cơ xảy ra biến chứng nhiễm trùng huyết. 

Viêm phổi 

Trong giai đoạn bệnh thủy đậu, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như ho ra máu sốt cao hoặc khó thở. Nếu người bệnh chủ quan không điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi. Đây là biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh hoặc có thể để lại di chứng sau này. 

Viêm màng não, viêm não

Virus thủy đậu có thể tấn công thần kinh trung ương, dẫn đến tình trạng viêm não, viêm màng não nhưng với tỷ lệ rất thấp. Nguy cơ gặp phải biến chứng viêm não, viêm màng não cao ở những trẻ em có hệ miễn dịch yếu như trẻ mắc bệnh ung thư hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch. Đây được xem là biến chứng nặng nề nhất của bệnh thủy đậu, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị đúng cách, kịp thời.

Zona thần kinh 

Khi người bị thủy đậu khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn còn trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ đông (trạng thái không hoạt động). Nhiều năm sau, khi gặp điều kiện thuận lợi, virus này có thể hoạt động trở lại và dẫn đến tình trạng zona thần kinh hay còn gọi là bệnh giời leo.

Biến chứng của bệnh thủy đậu là gì? Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả 2
Zona thần kinh là một trong những biến chứng của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Khi virus thủy đậu xâm nhập vào cơ thể của mẹ bầu trong giai đoạn 3 tháng đầu, có thể gây sảy thai hoặc khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như bại não, sẹo bẩm sinh, dị tật đầu nhỏ, co gồng tay chân,...

Những ngày cuối của thai kỳ hoặc sau khi sinh, nếu mẹ bị thủy đậu có thể lây sang cho bé. Lúc này, bé sẽ bị nổi mụn nước rất nhiều và dễ dẫn đến các biến chứng viêm đường hô hấp, viêm phổi,...

Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả

Để ngăn các biển chứng của bệnh thủy đậu, ta nên phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin ngừa thủy đậu, đây được xem là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Bệnh thủy đậu ở người lớn thường nặng hơn trẻ em. Tuy nhiên, mọi người đều nên chủ động phòng tránh bệnh bằng cách không tiếp xúc với người bệnh thủy đậu và tiêm vắc xin phòng ngừa. Vậy vắc xin thủy đậu tiêm mấy mũi?

  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiêm 1 mũi, mũi thứ 2 nên tiêm cách mũi thứ 1 từ 6 tuần trở lên hoặc trong giai đoạn trẻ từ 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.
  • Trẻ trên 12 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 lần tiêm ít nhất 6 tuần.

Lưu ý không tiêm vắc xin khi sốt, đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, phụ nữ đang mang thai, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

Biến chứng của bệnh thủy đậu là gì? Cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả 3
Mỗi cá nhân nên chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh thủy đậu

Bài viết trên đã nêu rõ các biến chứng của bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả. Mỗi người chúng ta nên chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình! 

Hiền Trang

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm