Đặt sonde dạ dày là một phương pháp được thực hiện với mục đích cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân thông qua một ống sonde đưa thức ăn và dung dịch vào dạ dày. Tuy nhiên, cũng có một số biến chứng đặt sonde dạ dày mà bạn cần nắm để giúp chăm sóc người bệnh hoặc giữ sức khỏe cho chính bản thân tốt hơn.
Khi đặt sonde dạ dày, chúng ta có thể lựa chọn cách đặt ống sonde từ mũi đến dạ dày hoặc từ miệng đến dạ dày. Kích thước của ống sonde rất đa dạng và sẽ được chọn theo từng trường hợp bệnh lý và độ tuổi. Thường thì trẻ em sẽ được đặt ống sonde với kích thước từ 5 - 10mm và người lớn thì từ 10 - 22mm.
Những ai cần thực hiện đặt sonde?
Những người sẽ được đặt sonde dạ dày đó là:
Bệnh nhân đang bị nghi ngờ mắc những bệnh lý về đường hô hấp hay bị lao phổi.
Bệnh nhân dị dạng đường tiêu hóa, khó nuốt thức ăn và khó thở.
Bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn và cần thực hiện rửa dạ dày.
Bệnh nhân bị hôn mê, bất tỉnh.
Mục đích của đặt ống sonde dạ dày
Việc đặt ống sonde dạ dày sẽ giúp ích cho người bệnh trong nhiều trường hợp khác nhau, mục đích đặt ống sonde đó là:
Giúp cho bác sĩ thuận tiện khi lấy dịch trong dạ dày nhằm thực hiện những xét nghiệm khác nhau để tìm, chẩn đoán và điều trị bệnh lý ở đường tiêu hóa.
Hỗ trợ cung cấp các chất dinh dưỡng cho người bệnh đang trong trạng thái hôn mê, không thể ăn uống được và không tiêu hóa hiệu quả như thông thường.
Giúp giảm áp lực do dịch bị tích tụ lại trong dạ dày gây ra sau khi phẫu thuật, giúp ngăn ngừa tình trạng chướng bụng.
Việc đặt ống sonde cũng hỗ trợ bơm rửa dạ dày dễ dàng, giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn.
Biến chứng đặt sonde dạ dày
Khi đặt sonde dạ dày, có thể xảy ra một số biến chứng mà bạn cần nắm bắt để có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình như sau:
Nhiễm trùng: Đây là một trong những biến chứng phổ biến khi đặt ống sonde. Đặc biệt, với những ai không tuân thủ các biện pháp vệ sinh và thay đổi sonde đúng cách thì càng dễ gặp phải biến chứng đặt sonde dạ dày này. Nếu nhận thấy người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như sưng, đau, đỏ hoặc có mủ xung quanh vị trí đặt sonde thì cần báo cho bác sĩ để được xử lý đúng cách và kịp thời.
Tắc nghẽn hoặc vôi hóa ống: Trong một số trường hợp, ống sonde có thể bị bám đáy hoặc tắc nghẽn dẫn tới khó khăn trong việc cung cấp dưỡng chất cho cơ thể người bệnh. Để cải thiện biến chứng này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng dung dịch enzym hoặc dung dịch nước muối giúp làm sạch ống hoặc thay ống mới.
Kích ứng dạ dày hoặc dạ dày viêm: Khi đưa thức ăn hoặc các dung dịch khác vào dạ dày bằng ống sonde thì cũng có thể khiến dạ dày bị viêm, kích ứng.
Phản ứng dị ứng hoặc tình trạng không dung nạp: Ở một số bệnh nhân có thể bị dị ứng hoặc phản ứng khi thức ăn được đưa vào dạ dày qua ống sonde hoặc có thể không dung nạp hữu hiệu được. Lúc này, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để được chỉ định xử lý phù hợp.
Vị trí sonde bị thay đổi: Ở một số bệnh nhân, vị trí sonde cũng có thể bị dịch chuyển ra khỏi vị trí đặt ban đầu. Từ đó khiến cho việc cung cấp dưỡng chất gặp khó khăn và thậm chí là khiến những mô xung quanh bị tổn thương. Nếu nhận thấy tình trạng vị trí ống sonde bị di chuyển thì bạn nên báo cho bác sĩ để được chỉ định đặt lại vị trí ống sonde cho đúng và được kiểm tra các tổn thương nếu có.
Những ai không được đặt sonde dạ dày?
Một số trường hợp chống chỉ định đặt ống sonde dạ dày đó là:
Bệnh nhân bị áp xe ở thành họng.
Người bệnh đang gặp các tổn thương ở vùng mặt, hàm.
Thực quản của người bệnh bị chít hẹp, co thắt, phình tĩnh mạch và động mạch thực quản.
Khi đặt ống sonde sẽ có một số ưu và nhược điểm như sau:
Ưu điểm
Phương pháp này giúp bệnh nhân đảm bảo việc bổ sung dưỡng chất đầy đủ, nhờ đó mà các hoạt động trong cơ thể được diễn ra bình thường.
Chi phí đặt sonde thường rất phải chăng, phù hợp cho nhiều bệnh nhân thực hiện.
Nhược điểm
Có nguy cơ gây viêm phổi.
Bệnh nhân có thể bị sặc khi có vật lạ đi vào phổi.
Có thể gây tác động tới niêm mạc mũi.
Gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa cho bệnh nhân.
Làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng viêm tuyến nước bọt.
Có thể thấy, đặt ống sonde dạ dày là một phương pháp cần thiết cho bệnh nhân khi đang ở trong một số tình trạng như hôn mê, bệnh lý đường hô hấp, lao phổi, bệnh dạ dày, ngộ độc,... Tuy nhiên khi đặt ống cũng có thể gặp phải một số vấn đề không mong muốn. Do đó cần theo dõi sát sao để thông báo tới bác sĩ khi xuất hiện các biến chứng, từ đó có hướng xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin về việc đặt ống sonde và các biến chứng đặt sonde dạ dày dành cho bạn tham khảo. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Đừng quên theo dõi Nhà thuốc Long Châu để đọc thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.