Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng nguy hiểm sốt phát ban ở trẻ sơ sinh

Ngày 30/09/2022
Kích thước chữ

Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp ở những trẻ có độ tuổi từ từ 6 đến 36 tháng tuổi – khi hệ miễn dịch cũng như khả năng đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện. Vậy, những biến chứng nguy hiểm của sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là gì?

Sốt phát ban là sự rối loạn xảy ra ở trẻ sơ sinh gồm hai biểu hiện chính là sốt và phát ban với nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm nhiễm trùng (do virus, vi trùng) và không nhiễm trùng (do dị ứng thuốc). Triệu chứng sốt thường xảy ra trước, sau đó vài ngày sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ trên da của trẻ sơ sinh. Đây là hội chứng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi lúc này, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu kém cũng như chưa từng tiếp xúc với nguồn bệnh trước đó.

Sốt phát ban là bệnh lý với hai tác nhân rất quan trọng cần lưu ý là: Siêu vi gây bệnh Sởi (ban đỏ) và siêu vi gây bệnh Rubella (ban đào). Đặc biệt là virus gây bệnh sởi, rất dễ lây lan thành dịch và để lại những biến chứng rất nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ sơ sinh

Mỗi trẻ sơ sinh thường sẽ trải qua ít nhất một lần bị sốt phát ban, virus có nguy cơ sẽ tấn công khi sức đề kháng của trẻ suy yếu. Nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ sơ sinh thường là do lây nhiễm virus từ người bệnh sang, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh. Bệnh nếu được thăm khám, chăm sóc đúng cách, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc đúng với chỉ định bác sĩ sẽ nhanh chóng khỏi. Dưới đây là 2 nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt phát ban ở trẻ sơ sinh:

  • Ban đào do virus Rubella: Ban thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban đỏ do sởi. Virus gây bệnh Rubella thường khá lành tính đối với trẻ em tuy nhiên lại rất nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai.
  • Ban đỏ virus Sởi: Đặc điểm ban sởi là nổi ban dạng sẩn, vết phát ban nhìn thấy gồ lên mặt da, khi hết ban sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng.
Biến chứng nguy hiểm sốt phát ban ở trẻ sơ sinh1 Có nhiều nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ sơ sinh

Biến chứng nguy hiểm của sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là gì?

Thông thường, sốt phát ban ở trẻ sơ sinh ít khi gây ra biến chứng nguy hiểm nào đáng kể. Tuy nhiên, đối với những trẻ sơ sinh bị sốt phát ban, một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây sốt cao đồng thời dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm như sau:

Giật kinh

Trẻ sơ sinh bị sốt phát ban có thể bị giật kinh nếu nhiệt độ cơ thể tăng nhanh đột ngột đồng thời không có biện phát hạ sốt kịp thời. Khi bị giật kinh, trẻ thậm chí có thể bất tỉnh, tay chân giật, mắt trợn lên khoảng vài phút, trẻ li bì… Trong trường hợp đó, phụ huynh nên cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Mắc một bệnh sốt phát ban mới

Những trẻ sau khi được thực hiện ghép tủy hay cơ quan khác, có thể mắc bệnh sốt phát ban mới hoặc bị bệnh cũ tái phát. Trường hợp này, trẻ thường sẽ có diễn biến bị nặng hơn và lâu bình phục hơn so với bình thường.

Các biến chứng nguy hiểm khác

Trong một số trường hợp, nếu như chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh bị sốt phát ban không đúng cách, bệnh có thể để lại các biến chứng nặng nề như gây viêm phổi, viêm màng não do virus, viêm tai giữa, viêm cơ tim và giảm tiểu cầu nặng.

Biến chứng nguy hiểm sốt phát ban ở trẻ sơ sinh2 Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh nếu không điều trị đúng cách có nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm

Dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ sơ sinh

Đối với sốt phát ban ở trẻ sơ sinh, dấu hiệu sốt là triệu chứng dễ nhận thấy cũng như xảy ra hầu hết ở trẻ. Mức độ sốt có thể từ nhẹ (38oC đến 38.5oC) cho đến sốt cao (trên 39oC). Sau khi sốt có dấu hiệu hạ, trên da của trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ. Mỗi loại ban sẽ có những dấu hiệu khác nhau giúp cho bác sĩ dễ dàng hơn cho việc chẩn đoán và điều trị. Cụ thể như sau:

  • Ban đào do virus rubella: Phát ban ban đầu ở mặt, sau đó lan xuống dưới chân, thời gian phát ban kéo dài khoảng 3 ngày. Ban do virus rubella thường dày hơn, có màu nhạt hơn ban sởi, có thể kèm theo triệu chứng sưng hạch sau tai, hạch cổ và đau khớp.
  • Ban đỏ do virus sởi: Sau khi hạ sốt, ban thường xuất hiện đầu tiên ở vị trí sau tai của trẻ, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực, bụng và cuối cùng là lan ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là nổi ban dạng sẩn, kèm theo triệu chứng chảy nước mũi, ho, mệt mỏi, uể oải, đau nhức toàn thân, đau đầu, rối loạn tiêu hóa và thậm chí đỏ mắt...

Chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị sốt phát ban

Đầu tiên, khi bé sốt phát ban, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh cũng như có cách chữa trị tốt nhất. Sau đó, trẻ sẽ được chăm sóc và điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Dưới đây là cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị sốt phát ban mà bạn đọc có thể tham khảo:

  • Khi trẻ sơ sinh đang bị sốt dưới 38oC, nên tiến hành lau mát cho trẻ bằng nước ấm, tại những trí như trán, dưới hai bên cánh tay và hai bên bẹn trẻ, đồng thời nên mặc quần áo thoáng mát nhằm giúp cơ thể tỏa nhiệt dễ dàng hơn.
  • Khi trẻ sơ sinh sốt cao hơn 38oC, cần tiến hành cho trẻ uống thuốc hạ sốt, liều lượng tương ứng với số kg của trẻ, dưới sự chỉ định kê toa của bác sĩ điều trị, nhằm hạn chế nguy cơ sốt cao dẫn đến co giật, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.
  • Nên theo dõi thân nhiệt cho trẻ thường xuyên mỗi 15 đến 20 phút một lần.
  • Đối với trẻ sơ sinh khi bị sốt, cần tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn nhằm hạn chế tình trạng sốt có nguy cơ bị mất nước.
  • Vệ sinh sạch sẽ quần áo và những vật dụng cá nhân của trẻ.
Biến chứng nguy hiểm sốt phát ban ở trẻ sơ sinh3 Nên theo dõi thân nhiệt cho trẻ thường xuyên khi bị sốt phát ban

Trên đây là những thông tin về biến chứng nguy hiểm của sốt phát ban ở trẻ sơ sinh, hi vọng làm hài lòng bạn đọc. Đối với trẻ sơ sinh bị sốt phát ban, phụ huynh có thể tự theo dõi, kết hợp điều trị tại nhà và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu như sau 2 – 3 ngày điều trị nhưng tình trạng sốt phát ban không có chuyển biến tích cực hoặc có những biểu hiện như trẻ bị sốt cao > 39oC nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ quấy khóc liên tục, trẻ bỏ bú, trẻ bị tiêu chảy dẫn đến mất nước... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với bé yêu.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.