Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Các bài tập phản xạ nuốt mà bạn có thể tham khảo

Ngày 04/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chứng khó nuốt là một vấn đề bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Nó không những gây khó chịu, mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như suy dinh dưỡng, viêm phổi và thậm chí là tử vong vì ngạt thở. Vì vậy, người mắc chứng này cần biết cách luyện tập phản xạ nuốt đúng và hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Để khắc phục chứng khó nuốt, người bệnh có thể tập các bài tập phản xạ nuốt trong thời gian đầu dưới hướng dẫn và hỗ trợ từ bác sĩ hoặc điều dưỡng, sau đó khi đã thành thạo, họ có thể tập luyện tại nhà.

Sinh lý học phản xạ nuốt

Trước khi đến với các bài tập, hãy cùng Long Châu tìm hiểu qua cơ chế sinh lý của phản xạ nuốt. Phản xạ nuốt của cơ thể có thể chia làm bốn giai đoạn chính sau:

  • Giai đoạn chuẩn bị bằng miệng: Là giai đoạn tạo ra bolus - một khối nhão thức ăn sau khi nhai, chuẩn bị đẩy bolus này đến hầu - họng và ngăn thức ăn lỏng hoặc rắn xâm nhập vào họng cho đến khi bolus này sẵn sàng được nuốt xuống.
  • Giai đoạn đẩy bằng miệng: Khi đã sẵn sàng, bolus sẽ được chuyển vào hầu - họng dưới sự hỗ trợ của lưỡi.
  • Giai đoạn hầu - họng: Mục đích của giai đoạn này chủ yếu là ngăn thức ăn xâm nhập qua đường hô hấp và ngăn việc sặc.
  • Giai đoạn thực quản: Giai đoạn này bắt đầu sau khi khối bolus đi vào cơ vòng thực quản trên (UES). Thức ăn được đưa vào dạ dày thông qua trọng lực và sự chuyển động của khối nhu động.
Các bài tập phản xạ nuốt mà bạn có thể tham khảo 1
Phản xạ nuốt bao gồm bốn giai đoạn chính

Các bài tập kích thích phản xạ nuốt

Với các bài tập dưới đây, người mắc chứng khó nuốt nên nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để có thể được hướng dẫn từng bước một và thực hành một cách chính xác.

Nỗ lực nuốt

Bài tập “Nỗ lực nuốt” sẽ tương tự với việc bạn đang nuốt một quả nho hay một viên thuốc.

  • Bước 1: Tập trung nước bọt trong khoang miệng.
  • Bước 2: Mím môi của bạn lại.
  • Bước 3: Cố gắng nuốt hết nước bọt xuống.

Bài tập lắc

Bài tập phản xạ nuốt này nên có người hướng dẫn bên cạnh để bạn có thể đảm bảo rằng mình tập đúng.

  • Bước 1: Nằm ngửa trên một mặt phẳng, đảm bảo vai của bạn chạm vào mặt phẳng này và không sử dụng gối hay tựa đầu.
  • Bước 2: Vẫn giữ vai của bạn trên mặt phẳng, nâng cằm lên giống như việc bạn đang cố nhìn xuống bàn chân của mình.
  • Bước 3: Hạ đầu xuống, trở về trạng thái ở bước 1.
  • Bước 4: Lặp lại 30 lần, sau đó nghỉ 2 phút. Có thể thực hiện nhiều lần theo chỉ định của người hướng dẫn.

Tập lực đẩy hàm

Bài tập “Lực đẩy hàm” sẽ cải thiện cơ hàm của bạn. Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Đẩy hàm dưới về phía trước càng xa càng tốt, đặt răng dưới trước răng trên.
  • Bước 2: Giữ tư thế này trong một khoảng thời gian mà người hướng dẫn yêu cầu.
  • Bước 3: Lặp lại nhiều lần theo chỉ định của người hướng dẫn.

Động tác Masako

Động tác Masako còn được gọi là động tác “bất động lưỡi”, bạn thực hiện như sau:

  • Bước 1: Thè lưỡi của bạn ra khỏi miệng.
  • Bước 2: Cắn nhẹ nhàng vào lưỡi để cố định vị trí của nó.
  • Bước 3: Nuốt trong khi giữ lưỡi giữa hai hàm răng.
  • Bước 4: Thả lưỡi ra. Lặp lại nhiều lần theo chỉ định của người hướng dẫn.

Thủ thuật Mendelsohn

Thủ thuật Mendelsohn, tiếng Anh là Mendelsohn Maneuver, là thủ thuật được sử dụng cho những người bị giảm trương lực thanh quản và giảm thời gian mở cơ vòng thực quản trên (UES).

  • Bước 1: Nhấn ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn của một tay lên cổ để xác định vị trí yết hầu.
  • Bước 2: Nuốt xuống 1 lần, chú ý vị trí lên xuống của yết hầu khi bạn nuốt.
  • Bước 3: Lặp lại bước 2, nhưng lần này siết chặt cơ cổ họng để giữ yết hầu ở điểm cao nhất.
  • Bước 4: Duy trì tư thế đó lâu nhất mà bạn có thể giữ được hoặc theo chỉ định của người hướng dẫn.
Các bài tập phản xạ nuốt mà bạn có thể tham khảo 2
Thủ thuật Mendelsohn có thể kích thích phản xạ nuốt

Bài tập nuốt chậm

Bài tập này dành cho những bệnh nhân có biểu hiện giảm khả năng bảo vệ đường thở trong quá trình nuốt.

  • Bước 1: Thu thập một chút nước bọt trong miệng.
  • Bước 2: Hít một hơi thật sâu và nín thở.
  • Bước 3: Nuốt xuống trong khi nín thở.
  • Bước 4: Ngay sau khi nuốt, hãy ho vài cái.
  • Bước 5: Sau khi loại bỏ nước bọt, bạn có thể thử dùng đồ ăn hoặc đồ uống theo chỉ định của người hướng dẫn.

Thao tác nâng xương móng (Hyoid)

Xương móng vừa có nhiệm vụ cố định cấu trúc của thanh quản, lưỡi và hầu họng, giúp các bộ phận này hoạt động linh hoạt, vừa hỗ trợ hoạt động của các nhóm cơ.

  • Bước 1: Chuẩn bị ống hút, khăn giấy và một chiếc cốc. Bạn có thể bắt đầu với 3-5 tờ giấy và tăng dần lên 10 tờ.
  • Bước 2: Đặt ống hút vào miệng.
  • Bước 3: Hút một mảnh giấy lên, giữ lực hút để đưa tờ giấy vào trong cốc.
  • Bước 4: Ngừng hút để giấy rơi vào cốc và lặp lại như vậy đến khi hết giấy.

Một số biện pháp can thiệp trị liệu khác

Ngoài các bài tập trên, trong một vài trường hợp, người bệnh có thể được can thiệp bằng các kỹ thuật kích thích bằng miệng và các can thiệp khác để có thể kích hoạt lại phản xạ nuốt. Sau đâu là danh sách những biện pháp được sử dụng:

  • Kích thích xúc giác - nhiệt.
  • Mát xa vùng họng, gốc lưỡi và thành sau của họng trong 10 giấy bằng cách xoa và ấn nhẹ (đối với bệnh nhân có tổn thương trên nhân).
  • Luyện tập cơ môi.
  • Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS).
  • Kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS).
Các bài tập phản xạ nuốt mà bạn có thể tham khảo 3
Một số trường hợp bệnh nhân mắc chứng khó nuốt phải can thiệp bằng biện pháp khác

Qua bài viết trên, Long Châu đã chia sẻ đến bạn những điều cần biết về phản xạ nuốt và các bài tập phản xạ nuốt mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng rằng đây sẽ là những phương pháp hiệu quả để có thể cải thiện tình trạng bệnh của những bệnh nhân mắc chứng khó nuốt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin