Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại

Ngày 02/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sự chào đời của các thiên thần nhỏ đáng yêu chính là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình. Tiếp theo hành trình mang thai vất vả, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn kiến thức và tâm lý để bước vào giai đoạn chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, với những ai lần đầu làm cha mẹ sẽ rất bối rối trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời. Mời bạn tham khảo vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Bên cạnh niềm vui mừng khi em bé chào đời, cha mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng những kiến thức về việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Điều này khiến nhiều cha mẹ rất bối rối, đặc biệt là những cặp vợ chồng lần đầu làm cha mẹ. Dưới đây là những hướng dẫn về cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại để trẻ được chăm sóc tốt nhất.

Hướng dẫn cách bế trẻ sơ sinh

Cách bế trẻ sơ sinh là vấn đề không thể bỏ qua trong những cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời. Sau khi trẻ chào đời bình an khỏe mạnh, trẻ được chăm sóc, vỗ về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Trẻ sơ sinh non nớt nên việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn này cần đảm bảo đúng cách để trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Nhiều người do sợ làm trẻ bị đau nên rất lúng túng trong việc bế trẻ. Chính vì vậy, trước khi trẻ chào đời, các bậc phụ huynh cần học cho mình cách bế trẻ đúng cách. Cụ thể như sau:

  • Phần cổ của trẻ lúc này còn rất non nớt nên trong khi bế trẻ, cha mẹ lúc nào cũng phải dùng 1 tay để đỡ dưới cổ trẻ, tay còn lại đỡ lấy thân và mông của trẻ, đồng thời áp cơ thể trẻ vào người để giữ ấm cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Do hộp sọ của trẻ sơ sinh khi mới chào đời chưa được hoàn thiện, đặc biệt là các vị trí thóp trước, thóp sau rất dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, khi bồng bế trẻ, cha mẹ hay người thân của trẻ cần tránh tý đè lên các vị trí này.
Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại 1
Bế trẻ sơ sinh là cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nào cũng cần nắm được

Cách cho trẻ bú

Một trong những cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời mà các mẹ không thể không biết là cách cho con bú. Sữa mẹ luôn là sự lựa chọn hoàn hảo nhất và cần được ưu tiên đầu tiên trong vấn đề cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Trừ những trường hợp mẹ chưa về sữa hay mẹ không đủ sữa mới dùng các loại sữa công thức để thay thế và bổ sung. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất cho trẻ, các mẹ nên cố gắng gọi sữa về cho trẻ bú bởi sữa mẹ chính là nguồn nuôi dưỡng tuyệt vời nhất dành cho trẻ mà không một loại sữa công thức nào có thể thay thế được.

Để cho trẻ bú dễ dàng, mẹ cần cho trẻ ngậm đúng khớp cắn, bế trẻ áp vào người, một cánh tay đỡ đầu trẻ, tay còn lại vòng qua ôm bụng trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho trẻ bú nằm khi mỏi người. Trước mỗi lần cho trẻ bú, mẹ hãy vệ sinh sạch sẽ núm vú và bầu vú. Khi cảm thấy bầu ngực cương cứng, mẹ có thể massage bầu ngực nhẹ nhàng hoặc dùng khăn ấm chườm để tăng sự lưu thông sữa và giúp mẹ bớt cảm thấy khó chịu hơn.

Đối với những trẻ bú bình, mẹ cũng cần đảm bảo lựa chọn bình sữa được làm từ nhựa an toàn, đảm bảo an toàn cho trẻ. Sau mỗi lần cho trẻ bú, cần vệ sinh sạch sẽ và tiệt trùng bình. Bên cạnh đó, mẹ cần pha sữa theo đúng công thức được hướng dẫn trên bao bì. Ngoài ra, cần chú ý tới phản ứng của trẻ sau khi uống sữa công thức, bởi trẻ có thể bị dị ứng với đạm hoặc bất dung nạp với lactose. Nếu như trẻ có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào khi sử dụng sữa công thức, bạn hãy đưa trẻ đi khám ngay để xử trí kịp thời.

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại 2
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh

Cách vỗ ợ hơi cho trẻ sau ăn sữa

Các bậc cha mẹ hay bất kỳ ai chăm trẻ cũng nên nắm cách bế vỗ ợ hơi cho trẻ sau ăn sữa. Việc này giúp đẩy lượng khí thừa còn trong bụng trẻ ra ngoài, tránh tình trạng đầy bụng, khó chịu cho trẻ, cũng như hạn chế nôn trớ sau ăn. Nguyên nhân là do khi trẻ còn bé, dạ dày của trẻ nằm ngang nên trẻ rất dễ bị nôn trớ.

Để thực hiện vỗ ợ hơi cho trẻ, cha mẹ từ từ bế trẻ theo chiều dọc, áp trẻ vào ngực, đặt cằm trẻ lên vai và khum ban tay lại, sau đó vỗ nhẹ nhàng lên lưng trẻ. Sau khi nghe tiếng ợ hơi thoát ra khỏi miệng trẻ, cha mẹ có thể dừng động tác vỗ lưng lại.

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại 3
Cha mẹ hãy học cách vỗ ợ hơi cho trẻ sau ăn

Cách vệ sinh thay bỉm cho trẻ

Trẻ sơ sinh khi mới chào đời sẽ có tần suất đại tiện và tiểu tiện nhiều hơn nhiều so với trẻ lớn và người trưởng thành bởi ruột trẻ chưa hoàn thiện, khả năng hấp thụ chất còn kém. Trong những ngày đầu, trẻ sẽ đi phân su màu xanh, quánh dẻo, không có mùi. Sau mỗi lần trẻ đi đại tiện hay nước tiểu đã đầy bỉm, cha mẹ nên thay bỉm cho trẻ. Bởi nếu để lâu sẽ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, đồng thời tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh cho trẻ.

Cha mẹ nên vệ sinh cho trẻ bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng từ trước ra sau. Nên sử dụng các loại khăn không có hương liệu để lau cho trẻ, tránh tình trạng trẻ bị kích ứng da hoặc bị hăm. Sau khi vệ sinh xong, cha mẹ hãy lau khô cho trẻ và thay bỉm mới. Lưu ý rằng, trong thời gian khoảng 1 tuần đầu, khi dây rốn của trẻ chưa rụng, cha mẹ hãy tránh kéo bỉm trùm qua rốn của trẻ, giúp cho vùng rốn được thoáng đãng.

Khi chăm trẻ, cha mẹ hãy thường xuyên kiểm tra bỉm của trẻ và giữ bỉm của trẻ luôn trong trạng thái khô thoáng. Bởi bỉm bị ướt và bẩn là nguyên nhân thường gặp khiến cho trẻ bị hăm.

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại 4
Mẹ hãy quan sát và thay bỉm cho trẻ khi bỉm đầy nhé

Cách tắm cho trẻ

Bên cạnh những việc cần làm cho trẻ đã trình bày ở trên, tắm và vệ sinh rốn cũng là cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời mà cha mẹ cần biết. Ngày nay, rất nhiều gia đình sử dụng dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh. Việc này có thể duy từ 10 ngày cho tới hết 1 tháng đầu tiên. Cha mẹ có thể liên hệ các cơ sở có dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh, việc này vừa giúp cha mẹ học được cách tắm gội cho trẻ sơ sinh an toàn, khoa học, vừa giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau sinh.

Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ muốn tự tay mình làm điều này cho bé thì hoàn toàn có thể. Trước khi tắm cho trẻ, mẹ cần chuẩn bị sẵn các đồ đạc bao gồm: Bỉm, khăn tắm, quần áo, sữa tắm, dầu massage, nước muối sinh lý để vệ sinh mắt mũi cho trẻ, nước đã pha nhiệt độ thích hợp… Nếu mẹ tắm cho trẻ vào mùa đông, mẹ cần đảm bảo tắm ở nơi kín gió, có đèn sưởi để tránh tình trạng trẻ bị cảm lạnh. Tuyệt đối không được để bé ở một mình trong chậu tắm mà không có sự quan sát của người lớn.

Bên cạnh đó, trong quá trình tắm cho trẻ, mẹ cần chú ý tới vùng rốn của trẻ. Nếu sữa tắm không may dính vào rốn, mẹ cần rửa sạch sữa tắm trên rốn, lau khô lại rốn sau khi tắm xong. Mẹ cũng không nên băng kín vùng rốn bởi điều này sẽ dễ khiến cho rốn bị ướt, nhiễm khuẩn. Thông thường, sau sinh từ 5 - 7 ngày là rốn của bé sẽ tự rụng, trong thời gian này mẹ nên giữ cho vùng rốn sạch sẽ và khô ráo. Nếu như trong thời gian này rốn của trẻ xuất hiện các biểu hiện như sưng mủ, chảy dịch hay rốn lâu rụng, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay để trẻ được các bác sĩ xử trí kịp thời.

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời cha mẹ nên lưu lại 5
Mẹ nên chuẩn bị đầy đủ đồ trước khi tắm cho trẻ

Trên đây là một trong những cách chăm sóc trẻ sơ sinh mới chào đời mà bất kỳ cha mẹ nào cũng cần ghi nhớ. Để nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ thật tốt, nhất là với trẻ sơ sinh là điều không hề dễ dàng chút nào, vì vậy cha mẹ nên tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ ngay từ khi đang mang thai trẻ để có sự chuẩn bị tốt nhất nhé. Chúc bạn và các bé nhà mình nhiều sức khỏe cũng như đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết hay tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.