Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Các chỉ số trong xét nghiệm máu gồm những gì và có ý nghĩa như thế nào?

Ngày 17/01/2024
Kích thước chữ

Sau khi thực hiện xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ trả về kết quả bao gồm nhiều chỉ số trong xét nghiệm máu phản ánh tình trạng sức khỏe, dấu hiệu bệnh lý hoặc các vấn đề cần lưu tâm. Để hiểu hơn về những chỉ số này, Nhà thuốc Long Châu mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.

Chỉ số trong xét nghiệm máu là những chỉ số giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý, mức độ đáp ứng điều trị cũng như tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu mời bạn cùng tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ số này.

Vì sao cần phải xét nghiệm máu?

Trước khi đi sâu khám phá các chỉ số trong xét nghiệm máu, bạn cũng nên biết tác dụng của việc xét nghiệm máu là gì. Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm khá đơn giản, thực hiện nhanh chóng và gồm các loại như:

Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Nhằm xác định được các chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu có trong máu, từ đó chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến hệ tuần hoàn như thiếu máu, suy tủy, ung thư máu,… hoặc cảnh báo sớm bệnh lý viêm nhiễm.

Xét nghiệm đường huyết: Các chỉ số trong xét nghiệm máu dạng này giúp xác định nồng độ đường trong máu để chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh tình của bệnh nhân bị tiểu đường.

Các chỉ số trong xét nghiệm máu gồm những gì và có ý nghĩa như thế nào? 1
Xét nghiệm đường huyết giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường và hiệu quả điều trị bệnh

Xét nghiệm mỡ máu: Thực hiện để xác định hàm lượng cholesterol và triglyceride có trong máu.

Xét nghiệm men gan: Đây cũng là một dạng xét nghiệm máu, bao gồm men ALT và men AST cùng những enzyme được giải phóng khi xuất hiện tổn thương tại tế bào gan. Men ALT chủ yếu có trong gan còn men AST lại có ở cả tim, cơ vân, tụy, não bộ, thận,… nên xét nghiệm máu dạng này cho thấy nhiều vấn đề bất thường về sức khỏe.

Chỉ số trong xét nghiệm máu có ý nghĩa gì?

Sau khi thực hiện xét nghiệm máu, kết quả trả về thường có rất nhiều chỉ số và nếu không hiểu về chỉ số trong xét nghiệm máu bạn sẽ khó lòng đọc được kết quả một cách chính xác. Dưới đây là ý nghĩa của các chỉ số trong kết quả xét nghiệm máu bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn tình trạng của mình.

WBC (White Blood Cell): Là số lượng bạch cầu trong một thể tích máu, thường có giá trị dao động từ 4.300 đến 10.800 tế bào/m3. Chỉ số này có xu hướng tăng lên khi cơ thể nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, mắc bệnh bạch cầu lympho cấp hoặc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp,… Chỉ số này cũng có thể giảm khi thiếu máu, nhiễm siêu vi hoặc thiếu hụt vitamin B12,…

LYM (Lymphocyte): Là chỉ số cho thấy các tế bào có khả năng miễn dịch, trong đó bao gồm cả lympho T và Lympho B. Chỉ số trong xét nghiệm máu này có thể tăng do nhiễm khuẩn, bệnh bạch cầu dòng lympho, suy tuyến thượng thận,… và giảm khi người bệnh nhiễm HIV/AIDS, bệnh lao, ung thư,…

NEUT (Neutrophil): Là chỉ số bạch cầu trung tính, thường dao động trong khoảng từ 60 – 66% và có chức năng quan trọng là thực bào, có nhiệm vụ tấn công và “ăn” các vi khuẩn ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng cấp. Bạn sẽ thấy chỉ số này tăng lên khi cơ thể nhiễm khuẩn, bệnh nhồi máu cơ tim cấp,… và giảm khi thiếu máu bất sản, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị nhiễm độc kim loại dạng nặng,…

Các chỉ số trong xét nghiệm máu gồm những gì và có ý nghĩa như thế nào? 2
Nhồi máu cơ tim cấp hoặc bệnh tim mạch nói chung có thể làm tăng chỉ số NEUT trong xét nghiệm máu

MON (Monocyte): Là chỉ số bạch cầu mono, thường dao động từ 4 – 8%. Đây là loại bạch cầu đơn nhân và sau khi biệt hóa sẽ trở thành đại thực bào và đóng vai trò bảo vệ cơ thể. Chỉ số bạch cầu mono có thể tăng khi bạn bị nhiễm vi rút, bệnh lao,… hoặc giảm do thiếu máu bất sản, dùng thuốc có corticosteroid,…

EOS (Eosinophils): Là chỉ số bạch cầu ái toan, thường trong khoảng 0.1 – 7% và có khả năng thực bào yếu, có thể tăng khi bị dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng,…

BASO (Basophils): Chỉ số bạch cầu ái kiềm, thường trong khoảng 0.1 – 2.5% và có vai trò quan trọng đối với các phản ứng dị ứng của cơ thể.

RBC (Red Blood Cell): Là số lượng hồng cầu trong một thể tích máu nhất định, giá trị thông thường dao động là 4.2 – 5.9 triệu tế bào/cm3 và có thể tăng do bệnh tim mạch, mất nước,… hoặc giảm do thiếu máu, suy tủy, sốt rét,…

HBG (Hemoglobin): Là lượng huyết sắc tố trong một thể tích máu, thường có giá trị từ 13 – 18g/dl ở nam giới và 12 – 16g/dl ở nữ giới.

HCT (Hematocrit): Chỉ số trong xét nghiệm máu này là tỷ lệ thể tích hồng cầu trong một thể tích máu toàn phần, có giá trị thông thường từ khoảng 45 – 52% ở nam và từ 34 – 48% ở nữ. Chỉ số này có thể tăng lên khi người bệnh bị bệnh phổi, bệnh tim mạch hoặc mất nước. Ngoài ra, chỉ số HCT cũng có thể giảm do mất máu, thiếu máu hoặc xuất huyết.

MCV (Mean Corpuscular Volume): Đây là thể tích trung bình của một hồng cầu, có thể tăng khi cơ thể thiếu hụt lượng lớn vitamin B12, thiếu axit folic hoặc bệnh gan,… ngoài ra, chỉ số này cũng có thể giảm do máu thiếu sắt, bệnh thiếu máu mạn tính,…

MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin): Đây là chỉ số cho thấy lượng huyết sắc tố trung bình có trong một hồng cầu, thường tăng do thiếu máu hồng cầu to hoặc trẻ sơ sinh và giảm khi thiếu máu thiếu sắt.

Các chỉ số trong xét nghiệm máu gồm những gì và có ý nghĩa như thế nào? 3
Cách chỉ số trong xét nghiệm máu phản ánh tình trạng sức khỏe, trong đó có bệnh thiếu máu

MCHC (Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration): Là nồng độ trung bình của các huyết sắc tố hemoglobin có trong một thể tích máu nhất định, thường từ 32 – 36% và các trường hợp tăng, giảm tương tự với chỉ số MCH.

RDW (Red Distribution Width): Chỉ số độ phân bố kích thước của hồng cầu. Chỉ số này sẽ tăng ngày càng cao khi kích thước hồng cầu thay đổi nhiều, giá trị thông thường từ 11 – 15%.

PLT (Platelet Count): Số lượng tiểu cầu có trong một thể tích máu, thường dao động trong khoảng 150.000 – 400.000/cm3 và có xu hướng tăng sau chấn thương, sau phẫu thuật lá lách,… và giảm khi mắc bệnh suy tủy, ung thư di căn hoặc bệnh lý tán huyết xuất hiện ở trẻ sơ sinh.

PDW (Platelet Distribution Width): Chỉ số cho thấy độ phân bố kích thước tiểu cầu, thường dao động từ 6 – 8% và tăng khi bệnh nhân bị ung thư phổi, nhiễm khuẩn huyết,…

MPV (Mean Platelet Volume): Thể tích trung bình của tiểu cầu trong một thể tích máu cụ thể, thường từ 6.5 – 11fL và tăng cao hơn khi mắc bệnh tim mạch, tiểu đường,… Chỉ số này cũng có thể giảm do thiếu máu bất sản, thiếu máu nguyên hồng cầu hoặc bệnh bạch cầu cấp tính,…

Lưu ý trước khi tiến hành xét nghiệm máu

Sau khi hiểu hơn về ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm máu, bạn cũng cần lưu tâm một số điều khi được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh hoặc theo dõi kết quả điều trị. Đầu tiên là không nên uống thuốc trước buổi xét nghiệm máu vì thuốc có thể làm thay đổi các chỉ số trong xét nghiệm máu và cho kết quả không chính xác.

Các chỉ số trong xét nghiệm máu gồm những gì và có ý nghĩa như thế nào? 4
Không nên uống thuốc trước khi tiến hành xét nghiệm máu

Bên cạnh đó bạn cũng không nên ăn trước khi xét nghiệm máu, thời gian nhịn ăn là từ 8 – 12 giờ trước khi lấy mẫu máu đem đi xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm máu như xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm mỡ máu,… thì càng cần nhịn ăn trước khi thực hiện để cho kết quả chính xác và khách quan nhất.

Mong rằng những chia sẻ trên đây từ Nhà thuốc Long Châu đã phần nào giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về chỉ số trong xét nghiệm máu. Khi thực hiện xét nghiệm máu người bệnh không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy giữ tâm trạng thoải mái để việc lấy máu diễn ra dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin