Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các điểm đau bụng là dấu hiệu của bệnh lý gì? Hướng xử trí khi bị đau bụng

Ngày 22/07/2024
Kích thước chữ

Đau bụng là cảm giác khó chịu ở vùng bụng, không chỉ đơn thuần là cơn đau do dạ dạ dày thường gặp mà đau bụng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc các điểm đau bụng.

Khi bị đau bụng, việc nhận biết các điểm đau sẽ phần nào gợi ý cho bạn bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Trước khi tìm hiểu về các điểm đau bụng, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về tình trạng đau bụng bạn nhé.

Tổng quan về tình trạng đau bụng

Đau bụng là triệu chứng bệnh lý khá phổ biến và bất cứ ai cũng có thể bị đau bụng, dù là nam hay nữ, già hay trẻ. Đau bụng có thể xuất phát từ những bất thường của các cơ quan trong ổ bụng hoặc các cơ quan lân cận, chẳng hạn như xương chậu, lưng và ngực.

Tuỳ thuộc vào vị trí cũng như đặc điểm của các cơn đau bụng mà nguyên nhân gây đau bụng cũng khác nhau. Đó có thể đơn thuần là do cơn đau dạ dày, do các bệnh lý ngắn hạn như rối loạn tiêu hoá hay cũng có thể là do các bệnh lý mãn tính như viêm ruột mãn tính và một số bệnh ung thư. Ngoài ra, đau bụng có thể xuất phát từ việc cơ thể không dung nạp một số chất trong thực phẩm hoặc do ngộ độc thực phẩm.

Thực tế cho thấy, đa số các nguyên nhân gây đau bụng đơn thuần thường không quá nghiêm trọng song nếu đau bụng kèm theo các dấu hiệu bất thường sau đây thì bạn tuyệt đối không được chủ quan bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng nào đó cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị:

  • Đau mỗi khi sờ vào bụng;
  • Cơn đau bụng kéo dài nhiều giờ;
  • Đau bụng đột ngột và dữ dội;
  • Đau bụng khi mang thai;
  • Nôn ra máu;
  • Sốt;
  • Đau ngực, khó thở;
  • Không thể đi đại tiện kèm theo tình trạng nôn ói;
  • Đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen;
  • Tiểu buốt, tiểu rắt.
Các điểm đau bụng nhận biết bệnh lý gì? Hướng xử trí khi bị đau bụng 1
Đau bụng là triệu chứng phổ biến mà bất cứ ai cũng có nguy cơ gặp phải

Các điểm đau bụng

Như các bạn cũng đã biết, bụng là nơi chứa nhiều cơ quan tiêu hoá khác nhau bao gồm dạ dày, gan, túi mật, tụy, ruột non và đại tràng… Do đó, việc xác định chính xác các điểm đau bụng cũng là một trong những yếu tố giúp phần nào biết được triệu chứng này có liên quan đến bệnh lý nào. Dưới đây là các điểm đau bụng hay vị trí đau bụng có thể liên quan đến bệnh lý, bạn cần chú ý:

  • Đau bụng hạ sườn trái: Cơn đau ở vị trí vùng bụng bên trái, thường có liên quan đến các cơ quan như lách, thận trái và tuyến tụy. Điểm đau bụng này thường liên quan đến các bệnh lý đi kèm như lách to, sỏi thận, sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng đại tràng xuống, viêm thận bể thận…
  • Đau bụng hạ sườn phải: Đau bụng ở vùng hạ sườn phải thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý liên quan đến các cơ quan như gan, túi mật, ống dẫn mật, thận phải và đại tràng lên. Một số bệnh lý liên quan có thể kể đến như viêm gan, ung thư gan, viêm túi mật, sỏi túi mật, ung thư túi mật, ung thư ống mật, sỏi thận, viêm thận bể thận, sỏi tiết niệu…
  • Đau bụng phía trên rốn: Đau vùng bụng phía trên rốn thường liên quan đến một số cơ quan như gan trái, tim, đại tràng ngang, tuỵ, dạ dày. Các cơn đau bụng này thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, xanh xao, nôn nhiều.
  • Đau bụng dưới rốn: Vị trí dưới rốn chủ yếu là đại tràng và ruột non. Đau bụng phía dưới rốn có thể liên quan đến các bệnh lý về tiêu hoá, niệu quản, tử cung và buồng trứng, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, tắc ruột, phình động mạch chủ bụng, viêm phúc mạc, ung thư ruột non… Nếu cơn đau xuất phát từ các cơ quan vùng chậu có thể do u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, chửa ngoài tử cung…
Các điểm đau bụng nhận biết bệnh lý gì? Hướng xử trí khi bị đau bụng 2
Bác sĩ giải thích về các điểm đau bụng

Phải làm sao khi bị đau bụng?

Như đã trình bày phía trên, đau bụng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, khi bị đau bụng, để biết chính xác tình trạng đang mắc phải, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác các triệu chứng lâm sàng để xác định nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng đồng thời khám toàn diện và đặt ra các câu hỏi về tình trạng đau của bạn.

Thông qua các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ có những đánh giá ban đầu và tuỳ thuộc vào từng trường hợp, để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ thường chỉ định bạn làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng.

Các thăm dò cận lâm sàng có thể kể đến như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, xét nghiệm nước tiểu, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, chụp X quang bụng hoặc đường tiêu hoá, chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc, siêu âm ổ bụng, siêu âm tử cung buồng trứng, điện tim, siêu âm tim…

Sau khi đã xác định được chính xác nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp với từng tình trạng cụ thể. Chẳng hạn như:

  • Sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng nếu nguyên nhân gây đau bụng là do viêm loét dạ dày - tá tràng.
  • Sử dụng kháng sinh trong trường hợp đau bụng do nhiễm trùng…
  • Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải tiến hành phẫu thuật để điều trị, ví dụ như sỏi thận, sỏi đường mật, viêm ruột thừa…

Sau khi đã có được hướng điều trị, điều bạn cần làm là tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu. Song song với việc tuân thủ điều trị, bạn cần thay đổi lối sống khoa học và lành mạnh, ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, uống nhiều nước, tránh sử dụng bia rượu, tránh căng thẳng…

Các điểm đau bụng nhận biết bệnh lý gì? Hướng xử trí khi bị đau bụng 3
Phải làm sao khi bị đau bụng?

Các biện pháp phòng tránh tình trạng đau bụng

Đau bụng là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến các yếu tố bên ngoài và bên trong. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các biện pháp phòng ngừa khác nhau.

Theo các chuyên gia, bạn có thể chủ động thực hiện một số biện pháp sau đây để phòng tránh bị đau bụng:

  • Ăn uống đủ chất;
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi vào khẩu phần ăn;
  • Uống đủ nước;
  • Bổ sung các thực phẩm chứa men vi sinh có lợi cho đường ruột;
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng thức uống có cồn, đồ ăn cay nóng, không hút thuốc lá…
  • Duy trì chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress…
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm vấn đề sức khỏe bất thường nếu có để có thể điều trị kịp thời từ đó phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Các điểm đau bụng nhận biết bệnh lý gì? Hướng xử trí khi bị đau bụng 4
Đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những biện pháp phòng tránh bị đau bụng

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng đau bụng mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này đồng thời nắm được các điểm đau bụng cũng như hướng xử trí khi bị đau bụng và các biện pháp phòng ngừa bị đau bụng. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin