Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách điều trị nang gan như thế nào? Những lưu ý trong cách điều trị nang gan

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Nang gan là một loại bệnh lý hiếm gặp và thường lành tính. Hầu hết những người mắc bệnh không thấy có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Do đó, thường phát hiện bệnh ngẫu nhiên trong quá trình kiểm tra sức khỏe hoặc qua các phương pháp hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI. Mặc dù nang gan là lành tính, tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách, chúng có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là khi nang trở nên quá lớn. Vậy có những cách điều trị nang gan nào?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nang gan và cách điều trị nang gan. Đồng thời, xem xét các ảnh hưởng có thể xảy ra của nang gan đối với cơ thể và đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bạn phòng ngừa nang gan hiệu quả. Nếu quan tâm, hãy cùng chúng tôi khám phá ngay vấn đề này trong bài viết “Cách điều trị nang gan” bạn nhé!

Tổng quan về bệnh nang gan

Nang gan là gì?

Gan bình thường bao gồm nhiều túi nang trống. Bệnh nang gan xảy ra khi các túi nang trong gan bắt đầu chứa đầy chất lỏng có thể là dịch hoặc máu. Nó cũng được gọi là u nang gan và phần lớn các trường hợp nang gan đều lành tính.

Một hoặc hai nang gan thường không gây ra vấn đề gì đối với sức khỏe và không cần điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi có nhiều nang gan và chúng phát triển lớn, có thể gây ra đau hoặc không thoải mái ở vùng bụng. Trong trường hợp này, việc thăm khám bác sĩ là cần thiết để đưa ra cách điều trị nang gan phù hợp.

cach-dieu-tri-nang-gan-nhung-dieu-can-biet-ve-nang-gan 1
Hầu hết các trường hợp nang gan đều lành tính

Có các loại nang gan, bao gồm:

  • Nang đơn giản: Phát sinh do yếu tố bẩm sinh. Thông thường chỉ có một nang và không chứa dịch bên trong. Khi nang gan phát triển lớn, người bệnh có thể cảm thấy đau ở vùng hạ sườn phải và có thể được phát hiện thông qua kiểm tra bụng.
  • Gan đa nang: Xuất phát từ yếu tố bẩm sinh và có thể di truyền, thường kèm theo nang thận. Nang gan đa nang làm cho gan phình to và gây ra đau ở vùng bụng. Phương pháp điều trị thường là ghép gan.
  • Nang gan do ký sinh trùng: Thường gây ra bởi ký sinh trùng Echinococcus granulosus (sán kim), được phát hiện trong cơ thể của gia súc và lây lan sang người. Khi nang phát triển lớn có thể vỡ và dẫn đến viêm đường mật hoặc lan sang phổi và các cơ quan khác.
  • Nang gan kèm với ung thư gan.
  • U nang: Đây là dạng hiếm gặp, thường gây ra triệu chứng như buồn nôn, chướng bụng đau bụng. Đặc biệt, u nang có thể tái phát ngay cả sau khi đã được phẫu thuật cắt bỏ.

Nang gan do nguyên nhân nào gây ra?

Các nguyên nhân thường gặp của nang gan bao gồm:

  • Bẩm sinh: Nang gan đã hình thành từ khi còn ở trong tử cung.
  • Nhiễm ký sinh trùng Echinococcus: Xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với phân của các loài động vật như chó hoặc ăn phải thịt của chúng. Bệnh có thể gây ra các biến chứng bao gồm việc hình thành các u nang ở phổi, thận, não,...
  • Bệnh gan đa nang (PLD): Đây là tình trạng u nang gan di truyền hiếm gặp. Thường không có triệu chứng và thường đi kèm với bệnh thận đa nang.

Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm ký sinh trùng, virus, nang sán do chế độ ăn uống không lành mạnh, tuổi tác hoặc ung thư di căn từ các vị trí khác trong cơ thể.

cach-dieu-tri-nang-gan-nhung-dieu-can-biet-ve-nang-gan 2
Gan đa nang có thể do nguyên nhân di truyền

Nang gan có gây nguy hiểm cho người mắc bệnh không?

Mặc dù nang gan thường lành tính tuy nhiên khi nang gan kích thước lớn, chúng có thể gây ra các biến chứng đáng lo ngại như vỡ nang, xuất huyết, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường mật.

Nhiễm trùng trong nang gan cũng có thể xảy ra, thường liên quan đến vi khuẩn gram âm, với tỷ lệ tử vong lên đến 9%. Tắc nghẽn đường mật có thể xảy ra khi các tổn thương dạng nang trở nên lớn hơn. Nếu u nang vỡ vào đường mật, có thể gây ra viêm đường mật thứ phát.

Một biến chứng nguy hiểm của u nang là sốc phản vệ, xảy ra khi nang bị vỡ. Một số biến chứng hiếm gặp khác có thể bao gồm tắc nghẽn tĩnh mạch gan và huyết khối tĩnh mạch chủ dưới.

Cách điều trị nang gan như thế nào?

Hầu hết các trường hợp nang gan được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình kiểm tra sức khỏe hoặc thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, MRI, CT scan. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng bụng để xác định sự có mặt của nang gan. Nếu có nghi ngờ về sự xuất hiện của kí sinh trùng, người bệnh có thể được yêu cầu làm xét nghiệm miễn dịch để tìm kiếm kháng thể trong máu. Tùy theo loại nang gan, bác sĩ sẽ đề xuất cách điều trị nang gan phù hợp.

Nang đơn giản

Các nang gan đơn giản không gây ra triệu chứng thì không cần can thiệp y tế, chỉ cần theo dõi định kỳ bằng các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, mỗi 3 - 12 tháng và không cần theo dõi thêm nếu nang gan ổn định. 

Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng, nang tăng kích thước, hoặc có dấu hiệu của khối u ác tính, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp bằng phương pháp chọc hút bằng kim và tiêm chất gây xơ cứng như tetracycline, ethanol hoặc ethanolamine, hoặc phẫu thuật cắt bỏ gan nếu cần thiết.

cach-dieu-tri-nang-gan-nhung-dieu-can-biet-ve-nang-gan 3
Nang gan phát triển lớn có thể cần phải can thiệp chọc hút hoặc phẫu thuật

Gan đa nang

Quá trình điều trị tập trung vào giảm thiểu thể tích gan. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc đối kháng thụ thể somatostatin, chất ức chế mTOR, Sirolimus, thuốc đối kháng thụ thể estrogen, thuốc đối kháng thụ thể Vasopressin-2,...

Ngoài ra, phương pháp hút nang qua da có thể được đề xuất, sau đó thực hiện liệu pháp xơ hóa nếu nang gan lớn và gây ra triệu chứng (>5cm). Nếu có một số u nang lớn chiếm ưu thế ở phân thùy trước của thùy phải hoặc phân thùy bên trái của thùy gan, phẫu thuật cắt bỏ nang gan qua nội soi có thể được thực hiện. 

Phương pháp cắt gan từng phần sẽ được xem xét cho những trường hợp có nang gan lớn nhưng vẫn còn đủ mô gan sót lại, không thể ghép gan.

U nang

Được xem là tổn thương tiền ác tính. Trong hầu hết các trường hợp, khối u đã phát triển đến kích thước lớn và cần can thiệp bằng phẫu thuật. Hút dịch thường xuyên không được khuyến khích vì độ nhạy kém và nguy cơ di căn ác tính. Do đó, bác sĩ thường sẽ đề xuất phẫu thuật cắt bỏ triệt để với bờ phẫu thuật rộng (>2cm) để giảm nguy cơ nang chuyển biến thành dạng ác tính và tái phát.

Những lưu ý trong cách điều trị nang gan

Chăm sóc bệnh nhân bị nang gan như thế nào?

Người mắc bệnh nang gan cần thiết lập một chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh bằng cách:

  • Giảm lượng sữa giàu protein trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Kiểm soát cân nặng và duy trì cân nặng ổn định.
  • Hạn chế tiêu thụ muối.
  • Tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày.
  • Tránh uống các loại đồ uống có chứa cafein và khói thuốc lá.
  • Hạn chế việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid, ACI và ARB.
  • Tránh sử dụng các nguồn estrogen từ bên ngoài.
cach-dieu-tri-nang-gan-nhung-dieu-can-biet-ve-nang-gan 4
Bệnh nhân bị nang gan cần hạn chế tiêu thụ muối

Cách phòng ngừa nang gan

Ngoài các cách điều trị nang gan ở những người đã mắc bệnh, cũng cần lưu ý phòng tránh đối với những người chưa mắc bệnh nang gan, một số biện pháp như:

  • Tiêm phòng các loại vaccine liên quan đến bệnh gan.
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường.
  • Tránh uống đồ uống có cồn và chất kích thích.
  • Tránh ăn thực phẩm từ thịt động vật không rõ nguồn gốc.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của những người mắc bệnh nang gan.
  • Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ (1 - 2 lần/năm).

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về cách điều trị nang gan. Mặc dù đa số nang gan là lành tính, tuy nhiên cũng có trường hợp nang gan phát triển quá lớn hoặc gây ra các triệu chứng bất thường, cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và định kỳ kiểm tra sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến nang gan, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Nang ganBệnh gan