Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm trùng máu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm trùng máu ở trẻ em là một trong những bệnh lý nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng máu là hậu quả của việc tăng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với sự xâm nhập từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc thành phần của chúng. Vậy nhiễm trùng máu là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này ngay nhé!

Nhiễm trùng máu là một tình trạng bệnh nghiêm trọng khi vi khuẩn hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của cơ thể. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là khi bệnh nhi có biểu hiện suy đa tạng. Phần lớn các trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu đều cần phải nhập viện sớm để điều trị tích cực. Vậy nhiễm trùng máu ở trẻ em là gì?

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em là gì?

Nhiễm trùng huyết hay nhiễm trùng máu ở trẻ em là một tình trạng bệnh lý xuất phát từ sự xâm nhập của vi khuẩn vào hệ tuần hoàn máu của trẻ và sản sinh ra các độc tố gây hại cho cơ thể. Tình trạng này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối có thể gây tử vong. Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể lên đến 20 - 50%.

Nhiễm trùng máu ở trẻ em 0
Nhiễm trùng máu ở trẻ em xuất phát từ sự xâm nhập của vi khuẩn vào hệ tuần hoàn máu của trẻ

Bệnh này diễn tiến rất nhanh trong thời gian ngắn và thường rất khó tiên lượng. Nó gây ra tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể của trẻ và dẫn đến sức khỏe của trẻ suy giảm một cách nhanh chóng.

Nguyên nhân nhiễm trùng máu ở trẻ em

Nhiễm trùng máu là một vấn đề có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Những bé có tổn thương ngoài da như viêm da, mụn nhọt, ổ áp xe, viêm phổi, viêm màng não mủ hoặc tiêu chảy do vi khuẩn đường ruột,... sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng máu. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng máu ở trẻ thường xuất phát từ nhiều loại vi khuẩn như Klebsiella, E.coli, Haemophilus influenzae, Pseudomonas, Streptococcus pneumoniae,...

Nguy cơ bé bị nhiễm trùng máu thường cao do chưa tiêm chủng ngừa đầy đủ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ sinh non, trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, trẻ đang sử dụng corticoid hoặc trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh,...

Triệu chứng nhiễm trùng máu ở trẻ em

Nhiễm trùng máu ở trẻ thường bao gồm các triệu chứng như sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, thở nhanh, tăng bạch cầu trong máu, trẻ đi tiểu buốt hoặc tiểu nhiều lần (nhiễm khuẩn đường tiết niệu).

Nhiễm trùng máu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Sốt cao là một trong những triệu chứng nhiễm trùng máu ở trẻ em

Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy ra máu trong trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột. Vậy bệnh nhiễm trùng máu có chữa khỏi được không? Mặc dù tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu khá cao, nhất là bệnh nhi có biểu hiện suy đa tạng nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Trẻ bị nhiễm trùng máu điều trị như thế nào?

Thông thường, để chẩn đoán chính xác xem trẻ có bị mắc nhiễm trùng máu hay không, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, CRP, X-quang phổi, nước tiểu,... Nếu có nhiễm trùng máu, kết quả này sẽ cho thấy sự phản ứng của cơ thể đối với hiện tượng viêm nhiễm như bạch huyết tăng cao, CRP tăng,...

Bệnh nhân sẽ được nhập viện và thực hiện một số xét nghiệm khác để xác định nơi bị nhiễm trùng (họng, tai, đường tiêu hóa, đường tiểu,...). Tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng và khả năng đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh mà thời gian, chi phí điều trị nhiễm trùng máu sẽ khác nhau. Các khuyến cáo cho việc xử trí nhiễm trùng máu hiện nay bao gồm:

  • Kiểm soát nhiễm trùng: Loại bỏ tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể là ưu tiên hàng đầu trong việc xử trí nhiễm trùng máu. Chẳng hạn, cần bắt đầu điều trị kháng sinh tĩnh mạch ngay trong những giờ đầu sau khi nghi ngờ nhiễm trùng và sau khi lấy mẫu máu để cấy.
  • Can thiệp thủ thuật để loại bỏ nguồn gốc nhiễm trùng: Ngay sau khi xác định được vi khuẩn gây bệnh, cần điều chỉnh kháng sinh theo hướng sử dụng kháng sinh đặc hiệu để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và giảm tác dụng không mong muốn từ thuốc.
  • Điều trị hồi sức tích cực: Tăng cường chức năng tim mạch và tuần hoàn trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng máu sẽ giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.
  • Sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung: Sử dụng các loại thuốc chống viêm, chống chảy máu, chống đông máu, tăng huyết áp,...
Nhiễm trùng máu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bổ sung bằng một số loại thuốc

Thời gian điều trị nhiễm trùng máu thường kéo dài từ 7 - 14 ngày nếu đáp ứng tốt, trẻ có thể xuất viện và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ không đáp ứng sẽ cần thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn và thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn.

Cách phòng tránh bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ

Nhiễm trùng máu ở trẻ là một bệnh lý rất nguy hiểm và đòi hỏi sự điều trị tích cực. Để đối phó với căn bệnh này, cần sử dụng các loại thuốc vận mạch cùng với kháng sinh đặc hiệu để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Những trẻ em có triệu chứng sốc nhiễm khuẩn cần được khôi phục thể tích tuần hoàn nhanh chóng, trong một số trường hợp cần phải lọc máu.

Bệnh nhiễm trùng máu thường bắt đầu từ một ổ viêm nhiễm cụ thể trên cơ thể của trẻ. Vì vậy, để ngăn ngừa nhiễm trùng máu, cần điều trị triệt để mọi tác nhân gây bệnh. Nhằm nâng cao khả năng phòng tránh nhiễm trùng máu, phụ huynh nên đảm bảo rằng trẻ được tiêm ngừa vaccine đầy đủ và tuân thủ lịch tiêm phòng. Nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách ăn uống đầy đủ, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh. Bố mẹ có thể tìm hiểu bé bị nhiễm trùng máu nên ăn gì để nhanh khỏi bệnh.

Nhiễm trùng máu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Tiêm ngừa các vaccine đầy đủ cho trẻ để hỗ trợ phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ em

Nhiễm trùng máu ở trẻ em là một tình trạng bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng. Để chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu và đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con của mình, các bậc cha mẹ nên hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và các cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm