Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thế nào là đi tiểu nhiều? Đi tiểu nhiều phản ánh bệnh lý gì và cách điều trị ra sao?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đi tiểu nhiều là một tình trạng khá phổ biến và gây nhiều trở ngại, khó chịu cho người bệnh. Nó cũng có thể là một chỉ dấu cho một tình trạng bệnh nào khác đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi tiểu tiện hằng ngày. Do đó, rất cần thiết để tìm hiểu xem thế nào được gọi là đi tiểu nhiều? Và khi nào cần tìm đến sự hỗ trợ y tế để tránh dẫn đến những hậu quả hoặc bệnh lý nghiêm trọng khác?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đi tiểu nhiều là gì? 

Đi tiểu nhiều là tình trạng người bệnh cần phải đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, hoặc vào ban đêm (tiểu đêm), hoặc cả hai, với lượng nước tiểu có thể bình thường hoặc ít hơn bình thường. Thường đi kèm với cảm giác về một nhu cầu cấp bách phải đi tiểu ngay (tiểu gấp). Tiểu nhiều lần cần được phân biệt với đa niệu, đó là tình trạng số lượng nước tiểu quá nhiều > 3 L/ngày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đi tiểu nhiều

Theo nghiên cứu của các chuyên gia: Trung bình một ngày, một người bình thường trưởng thành sẽ đi tiểu từ 4 – 8 lần. Mỗi lần, lượng nước tiểu được xả ra khoảng 250 – 300ml nước. Nếu là nam giới, lượng nước tiểu đi ra bên ngoài cơ thể trong 1 ngày trung bình khoảng 1,2 – 1,7 lít. Đối với nữ giới, lượng nước tiểu được thải ra trung bình khoảng 1,1 – 1,5 lít một ngày.

Nếu như đột nhiên bạn thấy mình có hiện tượng buồn đi tiểu nhiều lần trong ngày, thì đó có thể là dấu hiệu của các bất ổn đang diễn ra trong cơ thể. Theo đó, cần loại trừ nguyên nhân sinh lý gây đi tiểu nhiều lần trong ngày như: Đột nhiên sử dụng nhiều nước hơn bình thường, bệnh nhân đang sử dụng thuốc lợi tiểu, người già nên chức năng của bàng quang và thận suy giảm, phụ nữ mang thai…. Thì có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý gây ra tình trạng này mà bạn cần tìm tham khảo ý kiến bác sỹ và tìm cách giải quyết.

Biến chứng có thể gặp khi đi tiểu nhiều

Cần tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc đi tiểu nhiều, sau đó điều trị bệnh lý gốc, biến chứng của việc đi tiểu nhiều là biến chứng của các bệnh lý đó.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ khi gặp tình trạng đi tiểu nhiều không rõ nguyên nhân (cần loại trừ các nguyên nhân sinh lý làm đi tiểu nhiều) hoặc đi tiểu nhiều kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:

  • Yếu liệt nửa dưới của cơ thể hoặc dấu hiệu tổn thương tủy sống (ví dụ, mất cảm giác theo khoanh đoạn, mất trương lực cơ thắt hậu môn và phản xạ cơ thắt hậu môn).

  • Sốt và đau lưng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đi tiểu nhiều

Các nguyên nhân dẫn đến đi tiểu nhiều:

  • Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thoát vị bàng quang.
  • Thuốc và chất kích thích: Caffeine, rượu, thuốc lợi tiểu.
  • Mang thai.
  • Viêm tuyến tiền liệt.
  • Viêm bàng quang sau xạ trị.
  • Viêm khớp phản ứng.
  • Chấn thương hoặc tổn thương tủy sống.
  • Hẹp niệu đạo.
  • Tiểu không tự chủ.
  • Sỏi đường tiết niệu.
  • Nhiễm trùng tiết niệu.
  • Bàng quang tăng hoạt.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ đi tiểu nhiều?

Nam giới trưởng thành, nhất là trung niên và người cao tuổi: Do dễ bắt gặp tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (còn gọi là u xơ tiền liệt tuyến) hoặc viêm tiền liệt tuyến gây nên tiểu nhiều lần, liên tục, tuy rằng, số lượng nước tiểu mỗi lần là rất ít. Lý do là tiền liệt tuyến do cấu tạo, ôm lấy cổ bàng quang, nếu bị viêm hoặc tăng sinh phì đại, sẽ kích thích làm bàng quang co bóp tăng nhu động gây mót tiểu và tiểu nhiều lần trong một ngày đêm. 

Trẻ em: Trong trường hợp dị tật bẩm sinh bàng quang bé hoặc hẹp bao quy đầu (trẻ em trai) gây đi tiểu nhiều lần, tiểu rắt, són, đái buốt và rất dễ gây viêm đường tiết niệu. 

Nữ giới: Một số bệnh ở cơ quan khác nhất là các cơ quan lân cận bàng quang có thể gây tiểu nhiều như u xơ tử cung, viêm phần phụ ở nữ giới. 

Người mắc bệnh đái tháo đường: Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát do thiếu hụt insulin sẽ gây nên tổn thương đến hệ thần kinh, gây mất cảm giác, không điều khiển cơ bắp dẫn đến đi tiểu nhiều, tiểu són. 

Người có chế độ ăn, uống gây đi tiểu nhiều: Ăn nhiều các loại quả chứa nhiều nước như dưa hấu, thanh long, lê,… hoặc ăn, uống các loại canh, rau có tính chất lợi tiểu (canh cải) hoặc uống nước râu ngô, uống nhiều bia, nhất là bia hơi, bia lạnh. 

Người dùng thuốc lợi tiểu: Một số người bệnh bị phù (do nhiều nguyên nhân khác nhau), được bác sĩ kê đơn uống thuốc lợi tiểu cũng gây tiểu nhiều cả về số lần và số lượng nước tiểu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ đi tiểu nhiều

Người béo phì, tăng cân.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đi tiểu nhiều

Bệnh sử

Bệnh sử trước tiên nên hỏi về lượng dịch tiêu thụ và lượng nước tiểu hằng ngày để phân biệt giữa tiểu nhiều lần và đa niệu. Nếu có tiểu nhiều lần, bệnh nhân cần được hỏi về mức độ khi khởi phát, sự hiện diện hoặc vắng mặt các triệu chứng kích thích (như tiểu gấp, tiểu buốt), các triệu chứng tắc nghẽn (ví dụ, tiểu ngập ngừng, dòng tiểu yếu, cảm giác tiểu không hết, tiểu đêm) và hoạt động tình dục gần đây.

Khám toàn diện chú ý các triệu chứng gợi ý nguyên nhân, bao gồm sốt, đau hông lưng hoặc đau háng, và tiểu máu (nhiễm trùng); chậm kinh, sưng vú, và mệt vào buổi sáng (mang thai); và viêm khớp và viêm kết mạc (viêm khớp phản ứng).

Tiền sử y khoa nên hỏi về các nguyên nhân đã biết, bao gồm bệnh tuyến tiền liệt và liệu pháp chiếu xạ vùng chậu hay phẫu thuật. Tiền sử dùng thuốc và chế độ ăn uống được xem xét để phát hiện các chất làm tăng lượng nước tiểu (ví dụ thuốc lợi tiểu, rượu, đồ uống chứa caffein).

Khám thực thể

Khám thực thể nên tập trung vào hệ niệu dục.

Bất cứ tình trạng chảy dịch niệu đạo hay bất kỳ tổn thương nào phù hợp với bệnh lây truyền qua đường tình dục đều phải được lưu ý. Thăm trực tràng ở nam giới nên chú ý đến kích thước và tính đặc chắc của tuyến tiền liệt và trương lực cơ thắt hậu môn; khám khung chậu ở phụ nữ nên lưu ý các biểu hiện của thoát vị bàng quang. Bệnh nhân nên được hướng dẫn để ho trong khi quan sát niệu đạo để phát hiện dấu hiệu rỉ nước tiểu.

Ấn vào điểm sườn - cột sống để kiểm tra xem có đau không, và khám vùng bụng cần lưu ý đến sự hiện diện của bất kỳ khối u nào hoặc dấu hiệu đau trên xương mu khi sờ nắn.

Khám thần kinh nên kiểm tra tình trạng yếu liệt phần thấp của cơ thể và tình trạng mất cảm giác.

Xét nghiệm

Tất cả bệnh nhân đều cần xét nghiệm và nuôi cấy nước tiểu, điều này có thể dễ dàng thực hiện và có thể phát hiện tình trạng nhiễm trùng và đái máu.

Nội soi bàng quang, đo niệu động học và chụp X-quang niệu đạo có thể được thực hiện để chẩn đoán viêm bàng quang, tắc nghẽn cổ bàng quang, và thoát vị bàng quang. Định lượng kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt, siêu âm, và sinh thiết tuyến tiền liệt có thể được yêu cầu, đặc biệt ở những người lớn tuổi, để phân biệt tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) với ung thư tuyến tiền liệt.

Một số nguyên nhân, triệu chứng của đi tiểu nhiều và phương pháp tiếp cận chẩn đoán cụ thể như sau:

Nguyên nhân

Những dấu hiệu gợi ý

Tiếp cận chẩn đoán

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt

Khởi phát từ từ tăng dần của tình trạng tiểu ngập ngừng, tiểu không tự chủ, dòng nước tiểu yếu, cảm giác tiểu không hết

Thăm trực tràng

Siêu âm

Đo niệu động học

Thoát vị bàng quang

Tiểu không tự chủ

Cảm giác âm đạo đầy

Đau hoặc rỉ nước tiểu trong khi quan hệ tình dục

Khám vùng khung chậu

Chụp xquang bàng quang - niệu đạo khi đang đi tiểu

Thuốc và chất kích thích

  • Caffeine

  • Rượu

  • Thuốc lợi tiểu

Tiểu nhiều lần ở bệnh nhân khỏe mạnh

Loại bỏ các chất có thể gây ra (xác nhận bằng tình trạng tiểu nhiều lần đã được giải quyêt)

Mang thai

3 tháng cuối của thai kỳ

Đánh giá lâm sàng

Viêm tuyến tiền liệt

Tiểu gấp, tiểu buốt, tiểu đêm, chảy mủ niệu đạo kèm theo sốt, ớn lạnh, đau lưng phần thấp, đau cơ, đau khớp, và cảm giác tức nặng vùng tầng sinh môn

Đau khi sờ nắn tuyến tiền liệt

Thăm trực tràng

Nuôi cấy dịch tiết ra sau khi xoa nắn tuyến tiền liệt

Viêm bàng quang sau xạ trị

Tiền sử xạ trị vùng bụng dưới, tuyến tiền liệt, hoặc vùng đáy chậu để điều trị ung thư

Đánh giá lâm sàng

Nội soi bàng quang và sinh thiết

Viêm khớp phản ứng

Viêm khớp gối, mắt cá chân , khớp đốt - bàn ngón chân không đối xứng

Viêm kết mạc một bên hoặc hai bên

Có các vết loét nhỏ, không đau ở trong miệng, lưỡi, quy đầu dương vật, lòng bàn tay và lòng bàn chân 1-2 tuần sau khi quan hệ tình dục

Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tinh dục

Chấn thương hoặc tổn thương tủy sống

Yếu liệt phần dưới cơ thể, giảm trương lực cơ thắt hậu môn, mất phản xạ cơ thắt hậu môn

Mất cảm giác theo khoanh đoạn

Chấn thương thường quan sát thấy rõ về mặt lâm sàng

MRI cột sống

Hẹp niệu đạo

Tiểu ngập ngừng, đái buốt, dòng nước tiểu nhỏ và yếu

Xquang niệu đạo

Sỏi đường tiết niệu

Cơn đau quặn thận hoặc đau vùng háng

Xét nghiệm nước tiểu phát hiện tiểu máu

Siêu âm hoặc CT của thận, niệu quản và bàng quang

Nhiễm trùng đường niệu

Tiểu buốt và nước tiểu có mùi hôi, đôi khi có sốt, ý thức lẫn lộn, và đau hông lưng, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ và bé gái

Tiểu buốt và tiểu nhiều lần ở người trẻ hoạt động tình dục (gợi ý bệnh lây truyền qua đường tình dục)

Xét nghiệm nước tiểu và nuôi cấy nước tiểu

Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bàng quang tăng hoạt

Tiểu đêm, tiểu gấp không tự chủ, dòng tiểu yếu, và thỉnh thoảng có bí tiểu

Đo niệu động học

Phương pháp điều trị đi tiểu nhiều hiệu quả

Điều trị khác nhau tùy theo nguyên nhân gây đi tiểu nhiều.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đi tiểu nhiều

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn cần lưu ý khi ăn, uống nhiều các loại thực phẩm gây đi tiểu nhiều về mặt sinh lý, tránh nhầm lẫn với đi tiểu nhiều do bệnh lý: Các loại quả chứa nhiều nước như dưa hấu, thanh long, lê,… hoặc ăn, uống các loại canh, rau có tính chất lợi tiểu (canh cải) hoặc uống nước râu ngô, uống nhiều bia, nhất là bia hơi, bia lạnh.

Phương pháp phòng ngừa đi tiểu nhiều hiệu quả

Để phòng bệnh, cần phòng viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, viêm đường sinh dục ngoài, cần vệ sinh cá nhân bộ phận sinh dục ngoài thật tốt hàng ngày. Phụ nữ khi vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài, sau khi đi vệ sinh cần rửa nước từ trước ra sau để tránh nước đi qua hậu môn mang mầm bệnh gây viêm tiết niệu ngược dòng. 

Cần ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết để phòng sỏi đường tiết niệu. Tuy vậy, cần hạn chế uống nước, uống bia, ăn canh vào các buổi tối để tránh tiểu đêm.

Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals: https://www.msdmanuals.com/professional/genitourinary-disorders/symptoms-of-genitourinary-disorders/urinary-frequency 
  2. CDC Hà tĩnh: http://cdc.hatinh.gov.vn/vi/kiem-soat-dich-benh/topic/5385
  3. https://dmec.moh.gov.vn/documents/10182/23251174/upload_00079301_1635328470981.pdf?version=1.0&fileId=23286162

Các bệnh liên quan