Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách đọc kết quả đo mật độ xương chuẩn xác

Ngày 15/11/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm đo mật độ xương thường được các chuyên gia khuyến nghị thực hiện trong những lần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ bị loãng xương. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách đọc kết quả đo mật độ xương chi tiết, cùng tìm hiểu ngay nhé!

Bệnh loãng xương thường diễn tiến âm thầm và không có bất cứ biểu hiện gì cho đến khi bị gãy xương. Do vậy, đo mật độ xương định kỳ có thể giúp đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm tình trạng loãng xương để đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cách đọc kết quả đo mật độ xương trong bài viết dưới đây nhé!

Đo mật độ xương là gì?

Đo mật độ xương hay đo loãng xương (Bone Mineral Density – BMD), là phương pháp sử dụng tia X hoặc công nghệ hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA hoặc DXA) hay kết hợp chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất khác trong xương. Các vị trí thường được lựa chọn để thực hiện đo lường là cột sống, xương hông hoặc xương cẳng tay.

Cách đọc kết quả đo mật độ xương chuẩn xác 3
Đo mật độ xương sẽ giúp bác sĩ xác định và đánh giá mật độ khoáng xương của bệnh nhân

Thông qua phương pháp này, bệnh nhân có thể biết được liệu khối lượng xương của mình có bị suy giảm hay không. Trong trường hợp bị giảm, xương sẽ trở nên yếu hơn, dễ tổn thương và có nguy cơ gãy cao hơn so với bình thường.

Tại sao cần thực hiện đo mật độ xương?

Mật độ xương hay khối lượng xương là chỉ số phản ánh hàm lượng khoáng chất như canxi và phốt pho có trong một đơn vị khối lượng xương nhất định. Thông thường, yếu tố di truyền đóng vai trò chính việc quyết định khối lượng xương của mỗi người. Ngoài ra, mật độ xương còn bị ảnh hưởng một phần từ các yếu tố ngoại sinh khác.

Khối lượng xương còn phụ thuộc vào hình dạng và kích thước của xương, cũng như tỷ lệ cơ bắp và cơ thể. Thực tế, việc duy trì thói quen tập luyện thể chất đều đặn có thể góp phần gia tăng sức mạnh và mật độ của xương.

Các chuyên gia y tế khuyến nghị nên đo mật độ xương định kỳ trong các đợt khám sức khỏe tổng quát, nhằm sớm phát hiện nguy cơ loãng xương. Kết quả xét nghiệm mật độ xương không chỉ giúp bác sĩ xác định tình trạng xương mà còn xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho những người có dấu hiệu loãng xương.

Hơn nữa, phương pháp này còn hỗ trợ dự đoán nguy cơ gãy xương do xương suy yếu. Chính vì vậy, bất kỳ ai cũng nên thực hiện kiểm tra này để kịp thời phát hiện các vấn đề liên quan đến mất khoáng xương, vốn có thể xuất phát từ bệnh lý, tuổi tác, lao động nặng nhọc hoặc lối sống, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Việc chủ động kiểm tra và chăm sóc sức khỏe xương sớm sẽ giúp làm chậm quá trình loãng xương.

Quy trình thực hiện đo mật độ xương

Trước khi tìm hiểu cách đọc kết quả đo mật độ xương, cần phải nắm được quy trình thực hiện đo. Để quá trình đo mật độ xương diễn ra hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý một số điều quan trọng trước, trong và sau quá trình thực hiện.

Chuẩn bị trước khi đo mật độ xương

Bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân ngưng sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi trong khoảng 24 - 48 giờ trước khi tiến hành đo. Đồng thời, nên tránh đeo trang sức hoặc mặc quần áo có chi tiết kim loại như nút áo, khóa kéo, để không ảnh hưởng đến kết quả đo lường.

Quy trình đo mật độ xương (BMD)

Khi thực hiện đo loãng xương, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể từng bước. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được chỉ định nằm trên bàn đệm của máy đo. Sau đó, máy sẽ di chuyển qua lại để quét và thu thập dữ liệu về mật độ xương. Quá trình này thường kéo dài khoảng 20 - 30 phút, sau đó bạn sẽ chờ để nhận thông báo kết quả sơ bộ.

Cách đọc kết quả đo mật độ xương chuẩn xác 2
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể từng bước khi đo mật độ xương

Sau khi hoàn thành việc đo

Khi đã hoàn tất, bác sĩ sẽ hẹn thời gian trả kết quả chính thức. Tùy thuộc vào loại máy móc sử dụng và trình độ chuyên môn của bác sĩ, thời gian trả kết quả có thể nhanh hay chậm. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, kết quả thường được xử lý và trả nhanh hơn, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian cho bệnh nhân.

Cách đọc kết quả đo mật độ xương

Phương pháp đo mật độ xương sẽ giúp bác sĩ xác định và đánh giá mật độ khoáng xương của người bệnh có đang bị suy giảm hay không. Kết quả từ quá trình đo lường này sẽ được đối chiếu với hai chỉ số chính là điểm T và điểm Z để đánh giá tình trạng xương.

Trước tiên, kết quả mật độ xương sẽ được so sánh với mật độ xương trung bình của một người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 25 - 35, cùng giới tính và dân tộc. Sự chênh lệch giữa hai giá trị này hay còn gọi là độ lệch chuẩn (SD), sẽ tạo thành điểm T. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điểm T được sử dụng để phân loại mật độ xương theo các mức độ:

  • Từ +1 đến -1 SD: Mật độ xương bình thường.
  • Từ -1 đến -2,5 SD: Mật độ xương thấp, có nguy cơ giảm chất lượng xương.
  • Dưới -2,5 SD: Loãng xương, cho thấy xương đang bị suy yếu nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, mật độ xương cũng được so sánh với mức trung bình của những người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc, để tính điểm Z. Điểm Z sẽ phản ánh sự khác biệt mật độ xương so với nhóm người tương đồng, với các mức đánh giá của Hiệp hội Đo mật độ xương lâm sàng quốc tế (ISCD) như sau:

  • Trên -2,0: Bình thường.
  • Từ +0,5 đến -1,5: Phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Dưới -2,0: Mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn ở nhóm tuổi.
Cách đọc kết quả đo mật độ xương chuẩn xác 1
Kết quả từ quá trình đo mật độ xương sẽ lần lượt được đối chiếu với điểm T và điểm Z

Ngoài cách đọc kết quả đo mật độ xương, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu để kiểm tra nguy cơ mắc bệnh thận, đánh giá chức năng tuyến cận giáp hoặc mức khoáng chất liên quan đến sức khỏe xương, chẳng hạn như canxi. Những xét nghiệm này giúp xác định toàn diện tình trạng xương và nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Các bệnh lý liên quan đến xương thường khó phát hiện nên cần phải chủ động hơn trong việc phòng bệnh. Ngoài chế độ dinh dưỡng, phương pháp đo mật độ xương định kỳ cũng sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ bị loãng xương và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn biết cách đọc kết quả đo mật độ xương và có được những thông tin hữu ích nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin