Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách dùng rau ngổ trị ho, không phải ai cũng biết!

Ngày 26/05/2023
Kích thước chữ

Rau ngổ là một loại rau quen thuộc với người Việt. Theo đông y rau ngổ có nhiều công dụng như cầm máu, giải độc, lợi tiểu,... Nhưng ít ai biết đến cách dùng rau ngổ trị ho.

Bên cạnh dùng thuốc thì bạn cũng có thể áp dụng rau ngổ trị ho. Rau ngổ là một loại rau dễ tìm ở Việt Nam, mang lại nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe. Để biết thêm về những công dụng của rau ngổ, nhất là dùng để chữa trị ho, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé! 

Rau ngổ là rau gì?

Rau ngổ (rau ôm), hay còn gọi là ngổ thơm, ngổ hương, thạch long vĩ, ngổ điếc, là một loại cây thuộc họ mã đề, có tên khoa học là Limnophila chinensis. Tất cả các bộ phận của loại cây này đều có thể sử dụng được.

Lá của rau ngổ non thường được dùng để nấu canh chua hay ăn kèm với phở hoặc dùng ăn sống, như một loại rau tạo mùi. Ngoài dùng làm thực phẩm thì rau ngổ còn được biết đến như một loại dược liệu. Khi dùng để làm thuốc, rau ngổ cần được rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô để bảo quản trong thời gian dài.

rau ngổ trị ho 1
Rau ngổ trị ho là một bài thuốc dân gian được nhiều người áp dụng 

Tác dụng của rau ngổ

Theo Đông y, rau ngổ có vị thơm, cay, tính mát, hơi chát. Nó có công dụng chỉ khái, thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, chống sưng, trừ viêm, giảm đau và kháng khuẩn đường ruột. Ngoài ra, rau ngổ còn được dùng trong các bài thuốc ngừa ung thư, chữa sỏi thận, thuỷ đậu và trị ho.

Theo dược lý hiện đại, thành phần rau ngổ có chứa chủ yếu là tinh dầu bao gồm các chất như aldehyd perilla, limonene, monoterpenoid cetone, cis-4-caranone,… Các hoạt chất mang tính flavonoid, coumarin trong rau ngổ đều có khả năng diệt khuẩn, chống viêm. Ngoài ra trong rau ngổ còn giàu chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết.

Chính vì nhờ vào thành phần hoá học cũng như công dụng kể trên mà người ta tận dụng rau ngổ trị ho. Để biết cách chữa ho bằng rau ngổ như thế nào, hãy tìm hiểu những thông tin sau đây.

Cách dùng rau ngổ trị ho nhiều người áp dụng

Tùy vào thể trạng của người bệnh, nguyên nhân cũng như triệu chứng ho mà bài thuốc rau ngổ trị ho cũng được dùng theo những cách thức khác nhau. Cụ thể bạn có thể tham khảo 2 công thức tiêu biểu gồm: 

Cách 1: Chữa ho do cảm lạnh, có kèm theo sổ mũi

Nếu như bạn bị ho do cảm lạnh, có kèm theo sổ mũi thì hãy thử điều trị theo cách như sau:

  • Bước 1: Lấy khoảng 20g rau ngổ tươi, rửa sạch.
  • Bước 2: Tiếp đến cho vào nồi và sắc lấy nước để uống.
  • Bước 3: Sử dụng mỗi ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.
rau ngổ trị ho 2
Nước sắc/ép từ rau ngổ mang lại công dụng giảm ho an toàn, hiệu quả

Cách 2: Chữa ho kéo dài do viêm phế quản mạn tính

Nếu như bị ho do bệnh viêm phổi mạn tính kéo dài thì có thể dùng rau ngổ hỗ trợ điều trị bằng cách:

  • Bước 1: Lấy khoảng 50g rau ngổ, rửa sạch rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn hoặc dùng chày giã nhuyễn rau. 
  • Bước 2: Cho nước cốt rau ngổ đã xay nhuyễn vào cốc, thêm một ít muối hạt rồi khuấy đều. 
  • Bước 3: Dùng nước này để uống vào buổi sáng trước khi đánh răng, sử dụng liên tục trong khoảng 10 ngày để thấy hiệu quả rõ nhất. 

Lưu ý rằng cách dùng rau ngổ trị ho chỉ áp dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ và trước khi dùng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đây chỉ là những biện pháp hỗ trợ điều trị, không dùng để thay thế thuốc điều trị của bác sĩ. 

Những bài thuốc khác từ rau ngổ 

Rau ngổ không chỉ được dùng để trị ho mà còn có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý khác. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến từ cây rau ngổ: 

Rau ngổ chữa sỏi thận

Rau ngổ có tác dụng giảm co thắt cơ trơn nhờ đó giúp tăng lượng nước tiểu và hỗ trợ tống khứ sỏi thận ra khỏi cơ thể. Nếu muốn dùng rau ngổ trị sỏi thận, bạn có thể áp dụng cách sau đây: 

  • Bước 1: Lấy khoảng 50g rau ngổ, rửa sạch và giã nát. 
  • Bước 2: Tiếp đến vắt lấy nước cốt rồi cho thêm một ít muối vào để uống. 
  • Bước 3: Mỗi ngày uống từ 1 - 2 lần, trong 5 - 7 ngày để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn. 

Trong bài thuốc trị sỏi thận này, bạn có thể kết hợp rau ngổ với mã đề, râu ngô để tăng thêm tác dụng. 

rau ngổ trị ho 3
Rau ngổ là một vị thuốc chữa sỏi thận và các vấn đề tiết niệu khác

Rau ngổ trị tiểu ra máu 

Bạn có thể dùng rau ngổ để chữa trị chứng tiểu ra máu như sau: 

  • Bước 1: Lấy rau ngổ, cỏ tháp bút, rễ cỏ tranh mỗi vị 10g, đem rửa sạch rồi thái nhỏ thành từng khúc, phơi khô.
  • Bước 2: Đem toàn bộ nguyên liệu tẩm cùng với ít rượu để sao vàng.
  • Bước 3: Sắc hỗn hợp tẩm rượu sao vàng để lấy nước uống, uống mỗi ngày 2 lần.

Rau ngổ thanh nhiệt và giải độc

Rau ngổ được dùng như một vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, nhờ đó loại bỏ mụn, chứng khó tiêu, mệt mỏi,... Cách dùng rau ngổ để thanh nhiệt, giải độc như sau:

  • Bước 1: Lấy khoảng 100g rau ngổ và 100g tàu bạc hà tươi rửa sạch, phơi khô rồi đem đi sao vàng hạ thổ.
  • Bước 2: Đem hỗn hợp này sắc cùng với nước trong khoảng 15 phút sau đó chắt lấy nước uống vào buổi sáng.

Lưu ý cần biết khi dùng rau ngổ trị ho 

Khi dùng rau ngổ trị ho hay cho bất kỳ công dụng nào khác, bạn cần chú ý: 

  • Vì rau ngổ có tác dụng giãn cơ nên phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều để tránh gây sảy thai.
  • Khi dùng rau ngổ tươi cần rửa sạch để tránh bị ngộ độc do tập tính của loài rau ngày sống ở đầm lầy, rất dễ nhiễm khuẩn.
  • Nếu dùng rau ngổ để điều trị ho, cảm, sốt, sổ mũi,... cho trẻ nhỏ thì bố mẹ nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ.
  • Trong quá trình dùng rau ngổ trị ho nếu quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc tình trạng bệnh có dấu hiệu xấu đi, hãy thông báo ngay với bác sĩ.

Hy vọng qua những thông tin trên đây bạn đã hiểu rõ hơn về tác dụng của rau ngổ trị ho. Mặc dù được xem là một liệu pháp điều trị an toàn nhưng trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ bạn nhé!

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin