Chùm ruột thường được trồng để lấy bóng mát và làm thực phẩm. Nhưng ít ai biết chùm ruột cũng là một vị thuốc trong đông y được dùng để chữa một số bệnh rất hiệu quả. Vậy chùm ruột có tác dụng gì đối với sức khỏe? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về cách làm mứt chùm ruột và những công dụng của chùm ruột đối với sức khỏe nhé!
Đặc điểm của cây chùm ruột
Cây chùm ruột hay còn được biết đến với những tên gọi khác như tầm duột, tầm ruột, chùm giuột,... Cây chùm ruột thuộc họ thầu dầu, được trồng phổ biến ở Lào và nhiều nơi ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở nước ta loài cây này được trồng làm cảnh hoặc trồng lấy quả ăn, làm mứt.
Chùm ruột là loại cây nhỏ, thân nhẵn, cao trung bình 4 - 6m, cây cao nhất có thể vươn tới 10m. Rễ cây khỏe, ăn sâu và lan rộng dưới lòng đất. Lá nhẵn và mảnh, dài 4 - 5cm, rộng 18 - 20mm, mặt trên lá màu xanh nhạt, mặt dưới nhạt hơn, đầu lá có lông. Hoa có màu đỏ, mọc thành từng cụm. Hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây.
Quả chùm ruột mọc thành chùm dọc theo cành hoặc ngay trên thân, màu sắc của quả từ xanh non đến vàng nhạt. Bộ phận làm thuốc của cây gồm lá, quả, vỏ cây và rễ. Có thể thu hái lá, vỏ và rễ của cây quanh năm. Cây thường ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5 và kết trái từ tháng 6 đến tháng 8.
Theo nghiên cứu, trong vỏ rễ cây chùm ruột có chứa saponin, tanin, axit galic, một số hợp chất triterpene như phyllanthol, B-amyrin và chứa nhiều axit phenolic. Quả chứa 89 - 91% nước, 5,89 - 7.2% gluxit, 0.73 - 0.9% đạm, 0.61 - 0.76% chất béo. Độ axit của chùm ruột là khoảng 1.7% do sự hiện diện của axit axetic. Nước ép chùm ruột giải nhiệt rất tốt vì chứa tới 40mg vitamin C, nhiều chất xơ.
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của chùm ruột đều có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh
Chùm ruột có tác dụng gì với sức khỏe?
Theo nghiên cứu hiện đại, chùm ruột có những tác dụng sau:
- Giảm đau, chống viêm: Chùm ruột chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có tác dụng giảm đau, chống viêm.
- Chiết xuất từ lá chùm ruột hỗ trợ điều trị cao huyết áp.
- Bảo vệ sức khỏe gan: Nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ lá chùm ruột còn có khả năng bảo vệ gan khỏi độc tính của paracetamol do ngộ độc paracetamol quá liều.
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của chùm ruột có những tác dụng sau:
- Quả chùm ruột: Quả chùm ruột có vị chua ngọt, tính mát, thanh nhiệt, bổ gan, bổ huyết, giúp bồi bổ gan, hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan.
- Lá chùm ruột có vị hơi chua, tính sát khuẩn cao và có khả năng tiêu đờm, giải độc.
- Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và bài thuốc mà có thể sử dụng chùm ruột theo nhiều cách khác nhau.
- Lá chùm ruột tươi giã nát đắp vào vết thương ngoài da hoặc nấu nước tắm điều trị lở ngứa, nổi mề đay,...
- Vỏ cây chùm ruột phơi khô, tán thành bột và kết hợp với nhiều loại thuốc khác.
- Quả chùm ruột thường được ép lấy nước, dùng nguyên trái và làm mứt.
Một số điều cấm kỵ khi sử dụng chùm ruột:
- Vỏ và rễ cây chùm ruột chứa nhiều chất độc, không được uống hoặc cho vào miệng.
- Nếu uống nước sắc ngâm từ vỏ cây hoặc ngâm rượu thì sẽ xuất hiện triệu chứng ngộ độc. Nhẹ thì nhức đầu, nặng có thể gây đau đầu dữ dội, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
- Những người bị bệnh gút và sỏi thận không nên ăn loại quả này vì chứa nhiều axit oxalic.
Quả chùm ruột có vị chua ngọt, tính mát, thanh nhiệt, bổ gan, bổ huyết,...
Cách làm mứt chùm ruột
Cách làm mứt chùm ruột muối ớt
Nguyên liệu:
- 1kg chùm ruột 1kg.
- 800g đường.
- 50ml siro dâu.
- 10g muối.
- 30g ớt bột.
Cách làm:
- Bạn lấy 1 kg chùm ruột ngâm vào tô nước có pha thêm 1 muỗng muối rồi ngâm trong vòng 30 phút.
- Sau đó, cho vào tủ đông trong 5 giờ. Sau 5 giờ, lấy chùm ruột ra, rã đông tự nhiên và vắt khô nước.
- Sau khi vắt, cho chùm ruột vào tô lớn, thêm 800g đường, 50ml siro dâu. Trộn đều và ướp khoảng 2 - 3 tiếng để đường khô lại và thấm đều vào chùm ruột.
- Trộn 10g muối và 30g ớt bột vào một chén nhỏ.
- Cho phần chùm ruột và đường vào chảo, sên với lửa lớn.
- Khi chùm ruột hơi sệt lại thì giảm nhỏ lửa và đảo đều cho đến khi hỗn hợp đặc lại.
- Đặt phần chùm ruột vừa sên lên khay nướng, rắc hỗn hợp muối ớt lên trên.
- Sấy mứt trong 30 phút ở nhiệt độ 100oC. Thành quả là mứt chùm ruột có vị ngọt, mặn và cay.
Cách làm mứt chùm ruột ngọt
Nguyên liệu:
- 1kg chùm ruột.
- 700g đường vàng.
Cách làm:
- Chùm ruột rửa sạch, khi rửa dùng hai tay bóp vỏ cho hết vị chua rồi để ráo nước.
- Ướp chùm ruột với 700g đường trong 1 giờ cho đường thấm đều.
- Sau đó cho chùm ruột vào chảo, sên ở lửa vừa, đảo đều để đường tan hết.
- Khi chùm ruột ngả màu nâu, nước đường bắt đầu cạn bớt thì hạ nhỏ lửa, sên tiếp cho đến khi đường cạn hoàn toàn và chùm ruột săn lại.
- Khi chùm ruột khô, ráo nước và có màu đỏ tươi thì tắt bếp, để nguội hoàn toàn rồi cho vào hũ thủy tinh bảo quản và dùng dần.
Cách làm mứt chùm ruột ngào ớt cay
Nguyên liệu:
- 1kg chùm ruột tươi.
- 500g đường.
- 1 củ gừng.
- 1 muỗng canh ớt bột.
Cách làm:
- Rửa sạch chùm ruột và bỏ cuống, sau đó ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 3 tiếng.
- Sau 3 tiếng lấy khoảng 20 quả chùm ruột đặt lên thớt và lấy một cái thớt khác đè lên, để chùm ruột mềm và chảy bớt nước chua.
- Sau đó rửa sạch 2 - 3 lần nước rồi để ráo. Tiếp theo cho chùm ruột vào khăn sạch và vắt kiệt nước.
- Bạn cho 500g đường vào chùm ruột rồi ướp khoảng 2 - 3 tiếng cho đường tan và ngấm đều.
- Sên chùm ruột trên lửa vừa, khi đường tan hết và sôi thì vặn lửa nhỏ lại, đập dập gừng và cho vào sên cùng với 1 muỗng ớt bột và đảo đều. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể gia giảm gia vị cho phù hợp.
- Khi chùm ruột bắt đầu chuyển sang màu đỏ cam, hơi sánh lại, đảo nhẹ tay cho đến khi đường cạn, mứt có màu đỏ thì tắt bếp.
- Khi chùm ruột nguội, cho vào lọ thủy tinh đậy nắp kín và dùng dần. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị chua của chùm ruột và vị cay của ớt bột và hương gừng càng làm món mứt thêm hấp dẫn.
- Bí quyết để làm mứt chùm ruột không bị dập nát và trước khi chế biến cho chùm ruột đã rửa sạch vào ngăn đá tủ lạnh, rồi rã đông và vắt kiệt nước. Trong quá trình vắt nước thì không nên thực hiện mạnh tay khiến chùm ruột bị nát.
Cách làm mứt chùm ruột ngào ớt cay không lo dập nát ngay tại nhà
Từ bài viết trên bạn đã biết cách làm mứt chùm ruột và công dụng của quả chùm ruột trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, sử dụng đúng cách loại dược liệu này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp