Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào?

Ngày 16/12/2023
Kích thước chữ

Khí máu động mạch giúp đánh giá về tình trạng thông khí cũng như tình trạng oxy hoá máu của người bệnh. Đây là một xét nghiệm rất quan trọng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng. Vậy cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào?

Xét nghiệm khí máu động mạch được thực hiện để kiểm tra nồng độ O2 và CO2 trong máu động mạch. Những chỉ số trong loại xét nghiệm này rất hữu ích cho quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh, nhất là đối với những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn cách lấy khí máu động mạch để làm xét nghiệm trong bài viết dưới đây.

Xét nghiệm khí máu động mạch nhằm mục đích gì?

Mẫu máu để làm xét nghiệm khí động mạch sẽ được lấy ở động mạch. Mục đích của xét nghiệm khí máu động mạch là cung cấp những chỉ số quan trọng sau:

  • Nồng độ pH trong máu;
  • PaCO2: Chỉ số áp suất khí CO2 trong máu động mạch;
  • Nồng độ bicarbonat trong huyết tương HCO3-;
  • SaO2: Độ bão hòa oxy trong máu động mạch;
  • PaO­2: Là chỉ số áp suất riêng phần của oxy hòa tan trong máu động mạch.

Thông qua những chỉ số này, bác sĩ sẽ nắm được và hiểu rõ về tình trạng thông khí, thăng bằng toan cũng như tình trạng oxy hoá của bệnh nhân.

Với những bệnh nhân nặng cần phải thở máy, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả của các chỉ số này để điều chỉnh các thông số thở máy sao cho phù hợp nhất với người bệnh.

Cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào? Những lưu ý cần biết 1
Xét nghiệm khí máu động mạch hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Những trường hợp nào được chỉ định làm xét nghiệm khí máu động mạch?

Các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch trong cá trường hợp dưới đây, bao gồm:

  • Những trường hợp có biểu hiện mất cân bằng pH hoặc O2/CO2 với các triệu chứng như thở ngắn, thở gấp, nôn mửa…
  • Khi bệnh nhân xảy ra những bất thường về hô hấp, đặc biệt là tình trạng suy hô hấp.
  • Những người có vấn đề về thận, về chuyển hoá.
  • Xét nghiệm này cũng được chỉ định cho những người bệnh đang trong quá trình điều trị bệnh để theo dõi khả năng đáp ứng điều trị của họ. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những điều chỉnh phù hợp mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.
  • Những trường hợp bị chấn thương ở vùng đầu, cổ hoặc chấn thương ở một số vị trí khác làm ảnh hưởng đến đường thở cũng được chỉ định thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như mức độ tổn thương của bệnh nhân.
  • Những trường hợp được chỉ định thực hiện phẫu thuật não và tim.
  • Người bệnh đã bị hôn mê kéo dài.
  • Trường hợp trẻ có những bất thường về đường hô hấp cũng cần thực hiện loại xét nghiệm này nhằm hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh.
  • Trước khi thực hiện phẫu thuật vùng lồng ngực hoặc vùng bụng cao cũng cần đo khí máu nhằm đánh giá chức năng hô hấp của người bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn cũng như phòng tránh một số nguy cơ cho bệnh nhân.
  • Áp dụng trong trường hợp cần theo dõi tình trạng cung cấp oxy cho các mô ở những bệnh nhân cấp cứu hồi sinh, nguy kịch.

Bên cạnh đó, một số trường hợp rối loạn đông máu chưa điển hình, ghép động mạch bị hỏng, phình động mạch, chưa kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp kịch phát hoặc nhiễm trùng tại chỗ… thì không nên thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch. Vậy cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào?

Cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào? Những lưu ý cần biết 2
Những bệnh nhân cấp cứu hồi sinh cần thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch

Hướng dẫn cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm

Để có mẫu máu động mạch để làm xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ lấy máu ở động mạch của bệnh nhân. Các vị trí lấy máu động mạch thường sử dụng nhất là động mạch cánh tay, động mạch quay ở cổ tay và động mạch bẹn. Trong đó, lấy máu ở động mạch bẹn là dễ nhất và lấy máu ở động mạch quay là khó nhất, bởi đường kính của động mạch quay khá nhỏ, ngược lại đường kính ở động mạch bẹn to. Tuy nhiên, nếu xét về độ an toàn thì lấy máu động mạch quay ở cổ tay là an toàn nhất.

Động mạch quay là vị trí được sử dụng phổ biến nhất trên lâm sàng. Nếu việc lấy máu ở động mạch quay bị thất bại, bác sĩ mới chỉ định lấy máu động mạch ở các vị trí khác. Điều này được giải thích là do khi đưa kim vào trong lòng động mạch để lấy máu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn đến hiện tượng tắc mạch. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm.

Ở tay, có hai động mạch cung cấp máu là động mạch trị và động mạch quay. Do đó, nếu có cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch quay thì vẫn còn động mạch trụ có khả năng cung cấp máu và giúp bàn tay không bị hoại tử.

Đánh giá chức năng của động mạch trị trước khi tiến hành lấy máu là việc rất quan trọng để đảm bảo được rằng động mạch trụ vẫn hoạt động ổn định và có khả năng cung cấp đầy đủ máu cho bàn tay khi xảy ra cục huyết khối ở động mạch quay.

Biện pháp được áp dụng để đánh giá chức năng của động mạch trụ là thực hiện nghiệm pháp Allen, cụ thể như sau:

  • Người bệnh sẽ được hướng dẫn nắm tay thật chặt nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đi xuống bàn tay. Sau đó, điều dưỡng viên sẽ sử dụng ngón trỏ và ngón giữa ấn chặt vào đường đi của động mạch trụ và động mạch quay trong vài giây. Lúc này, bàn tay của người bệnh sẽ bị trắng bệch ra vì lưu lượng máu đến tay giảm.
  • Điều dưỡng thả ngón tay giữ động mạch trụ, nếu trong 7 - 10 giây bàn tay hồng hào trở lại chứng tỏ máu đến nuôi tay tốt. Ngược lại, nếu bàn tay không hồng hào trở lại thì chứng tỏ động mạch trụ không cung cấp đủ máu nuôi tay. Lúc này, cần tiến hành nghiệm pháp Allen ở tay còn lại.
Cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào? Những lưu ý cần biết 3
Cách lấy khí máu động mạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh

Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm khí máu động mạch

Đến đây, chắc hẳn bạn đọc đã nắm được cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm rồi. Tiếp theo, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn đọc cách đọc kết quả xét nghiệm khí máu động mạch, cụ thể như sau:

Chỉ số xét nghiệm khí máu động mạch được cho là bình thường khi:

  • pH máu: Chỉ số đạt từ 7,35 - 7,45.
  • Áp suất khí carbonic trong máu động mạch: PaCO2 đạt từ 35 - 45 mmHg.
  • HCO3-: Đạt từ 22 - 26 mEq/l.
  • Độ bão hoà oxy trong máu động mạch: SaO2 nằm trong khoảng 95 - 100%.
  • Áp suất riêng phần oxy hòa tan trong máu động mạch: PaO2 đạt từ 80 - 100 mmH.

Nếu kết quả xét nghiệm khí máu bất thường thì có khả năng người bệnh đang trong tình trạng toan/kiềm chuyển hoá hoặc toan/kiềm hô hấp.

Dựa vào kết quả xét nghiệm khí máu cùng với một số xét nghiệm khác và kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Một số lưu ý cần biết trong quá trình xét nghiệm khí máu động mạch

Bên cạnh việc nhân viên y tế nắm được cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm cho người bệnh, cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Nhằm hạn chế tối đa các bất thường có thể xảy ra trong quá trình xét nghiệm khí máu động mạch, bệnh nhân cần thông báo trước cho bác sĩ điều trị về một số vấn đề như có đang dùng thuốc chống đông máu, tình trạng chảy máu… Đồng thời cũng cần báo lại với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào đã bị dị ứng (nếu có).
  • Cần phải tắt oxy khoảng 20 phút trước đối với những bệnh nhân đang phải thở oxy điều trị để đảm bảo kết quả chính xác.
  • Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại xét nghiệm khí máu động mạch và mục đích của loại xét nghiệm này nếu có bất kỳ băn khoăn, lo lắng gì.
  • Người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn trong quá trình thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch như đau và tụ máu tại vị trí lấy máu, rối loạn các phản xạ cảm giác hoặc phình mạch lan rộng, nặng nề hơn là chảy máu không kiểm soát (ít gặp).
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi lấy máu, cần thông báo ngay lại cho bác sĩ để được xử trí kịp thời và phòng ngừa tối đa những rủi ro không đáng có.
  • Người bệnh sau khi được lấy máu động mạch làm xét nghiệm thì tránh mang vác vật nặng và tránh để nhiễm trùng tại vị trí lấy máu.
Cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm như thế nào? Những lưu ý cần biết 4
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng

Trên đây là những thông tin cơ bản về loại xét nghiệm khí máu động mạch và hướng dẫn cách lấy khí máu động mạch làm xét nghiệm. Bạn nên chọn lựa những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.