Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Có những loại thuốc chống đông máu nào? Những lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu

Ngày 08/10/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, thuốc chống đông máu là loại được sử dụng trên lâm sàng theo đơn kê của bác sĩ nhằm ngăn chặn sự hình thành huyết khối trong tim và mạch máu. Vậy có những loại thuốc chống đông máu nào đang được sử dụng cho người bệnh? Cần lưu ý những gì khi dùng loại thuốc này?

Thuốc chống đông máu là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành và phát triển các cục máu đông trong lòng mạch máu. Từ đó, giúp người bệnh phòng ngừa được nguy cơ đau tim, đột quỵ và các hậu quả khác do cục máu đông gây ra. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để lựa chọn được loại thuốc chống đông máu phù hợp.

Các loại thuốc chống đông máu

Mặc dù thuốc chống đông máu không có tác dụng phá vỡ các cục máu đông nhưng có thể giúp ngăn cản sự hình thành hoặc làm chậm quá trình phát triển của các cục máu đông trong lòng mạch máu. Các loại thuốc chống đông thường được chỉ định dùng trong điều trị một số bệnh lý về tim mạch và các tình trạng sức khoẻ làm tăng nguy cơ tạo thành cục máu đông.

Thực tế trên lâm sàng, thuốc chống đông máu được chia thành 3 nhóm chính và được sử dụng trong điều trị cũng như phòng ngừa các bệnh lý do cục máu đông gây ra. Cụ thể như sau:

Nhóm thuốc Heparin

Thuốc chống đông máu thuộc nhóm Heparin được chia thành 2 loại:

  • Heparin có trọng lượng phân tử trung bình: Trọng lượng trung bình từ 12000 - 15000.
  • Heparin có trọng lượng phân tử thấp: Trọng lượng trung bình là 5000.

Heparin có thể gây ra tác dụng nhanh hay chậm là tùy thuộc vào trọng lượng phân tử của thuốc. Các loại thuốc chống đông máu nhóm Heparin thường được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, nhưng không được tiêm bắp.

Các loại thuốc chống đông máu thuộc nhóm Heparin có khả năng tạo ra tác dụng nhanh chóng nên được sử dụng trong việc điều trị cũng như dự phòng các bệnh lý như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, chứng thuyên tắc phổi, hội chứng mạch vành cấp và chạy thận nhân tạo.

Có những loại thuốc chống đông máu nào? Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc chống đông máu 1
Nhóm thuốc chống đông máu Heparin không được sử dụng theo đường tiêm bắp

Nhóm thuốc chống đông máu kháng vitamin K

Đây là nhóm thuốc chống đông máu có tác dụng giúp ngăn chặn gián tiếp chu trình máu đông thông qua cơ chế cạnh tranh với vitamin K, nhằm ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu cần phụ thuộc vào vitamin K như các yếu tố II, VII, IX và X.

Các loại thuốc chống đông máu kháng vitamin K được sử dụng qua đường uống và hấp thu nhanh qua niêm mạc ruột. Tuy nhiên, thuốc lại có tác dụng chậm và tăng dần theo thời gian (thời gian tác dụng thường sau 2 - 5 ngày).

Thuốc chống đông máu kháng vitamin K có hiệu quả đặc biệt trên đường tĩnh mạch và được dùng trong điều trị chống đông máu kéo dài sau quá trình điều trị bằng Heparin.

Bản chất của thuốc chống đông máu kháng vitamin K là acid, có liên kết tương đối mạnh với albumin. Do đó, thuốc làm tăng nguy cơ cạnh tranh với các thuốc khác trong việc liên kết albumin trong huyết tương hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu khi tác động lên chuyển hóa ở gan. Vì thế, hãy báo cho bác sĩ về loại thuốc bạn đang dùng có tương tác với thuốc chống đông máu không (nếu có).

Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu

Các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu đặc biệt hiệu quả trên động mạch.

Các loại thuốc chống đông máu trong nhóm này gồm có:

  • Aspirin;
  • Clopidogrel (Plavix);
  • Dipyridamole (Persantine);
  • Prasugrel (Effient);
  • Ticagrelor (Brilinta);
  • Vorapaxar (Zontivity).

Thuốc có tác dụng ngăn chặn tiểu cầu kết tập lại tạo thành các nút tiểu cầu dẫn đến hình thành huyết khối.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được dùng trong việc sơ cứu cầm máu, phòng ngừa tạo thành cục máu đông ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, hội chứng mạch vành cấp.

Có những loại thuốc chống đông máu nào? Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc chống đông máu 2
Aspirin là một loại thuốc chống đông máu có tác dụng chống kết tập tiểu cầu

Nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi dùng thuốc chống đông máu

Tình trạng đông máu không phải lúc nào cũng là hiện tượng xấu. Chẳng hạn khi bị đứt tay, cục máu đông giúp bịt kín vết thương nhằm hạn chế mất máu. Do đó, việc sử dụng thuốc chống đông máu sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều hơn khi bạn bị vết cắt nhỏ hoặc vết bầm tím, thậm chí có thể gây chảy máu trong nếu bị ngã hoặc đập đầu.

Bạn cần hết sức cẩn thận khi tham gia vào các hoạt động va chạm dễ gây thương tích trong quá trình sử dụng thuốc chống đông máu. Hãy báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu cơ thể xuất hiện chảy máu bất thường như trong nước tiểu hoặc phân có máu, lượng máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng, ho hoặc nôn mửa ra máu, chóng mặt, đau đầu hoặc đau bụng dữ dội.

Nếu bạn được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K, cần thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên để giúp bác sĩ có thể điều chỉnh lượng thuốc nếu cần, thậm chí là chuyển sang dùng thuốc giải độc vitamin K.

Thuốc chống đông máu được dùng trong điều trị một số bệnh tim mạch và tình trạng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhằm tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Có những loại thuốc chống đông máu nào? Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc chống đông máu 3
Việc sử dụng thuốc chống đông máu có thể kéo dài thời gian hành kinh ở nữ giới

Những lưu ý cần biết khi sử dụng thuốc chống đông máu

Người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề trong thời gian sử dụng thuốc đông máu như:

  • Tránh va chạm hoặc tránh bị ngã: Người bệnh nên tránh các hoạt động thể thao có thể gây tổn thương cho bản thân. Thay vào đó, người bệnh nên bơi lội, đi bộ, chạy xe đạp, đồng thời sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia bất kỳ hoạt động nhỏ nào.
  • Tuân thủ chặt chẽ thời gian dùng thuốc: Bạn nên dùng thuốc chống đông máu đều đặn hàng ngày theo lời dặn của bác sĩ. Bạn nên uống ngay khi nhớ ra nếu lỡ quên. Trong trường hợp quên hẳn một liều của một ngày thì không được uống gấp đôi liều trong ngày hôm sau mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Không được tự ý giảm liều hoặc tăng liều: Người bệnh nên tìm hiểu rõ loại thuốc chống đông mà bản thân đang dùng và theo dõi chặt chẽ phản ứng của cơ thể khi dùng thuốc. Không được tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Cẩn thận khi sử dụng vật sắc nhọn: Khi sử dụng thuốc chống đông máu thì dù vết cắt nhỏ cũng có thể trở thành vết thương gây chảy nhiều máu. Do đó, hãy dùng găng tay khi làm vườn hoặc tiếp xúc với vật sắc nhọn, cần cẩn thận khi cạo râu, không cắt móng tay quá sát vào da. Nên tự ép cầm máu khi bị chảy máu cho đến khi máu ngừng chảy và cần được hỗ trợ y tế nếu không thể tự cầm máu được.
  • Theo dõi lượng vitamin K dung nạp vào cơ thể: Khi dùng thuốc chống đông máu kháng vitamin K, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin K như cải bắp, rau diếp, rau cải, su hào…
  • Làm xét nghiệm: Người bệnh cần làm xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi máu chảy - máu đông trong quá trình sử dụng thuốc chống đông. Từ đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp cho bạn.
  • Thông báo y tế: Người bệnh cần thông báo cho nhân viên y tế về việc bản thân đang sử dụng thuốc chống đông máu mỗi khi đi khám bệnh hoặc được chỉ định thực hiện bất kỳ thủ thuật y khoa nào.
  • Chăm sóc răng nhẹ nhàng: Bạn nên sử dụng bàn chải mềm, dùng chỉ tơ nha khoa mềm khi vệ sinh răng miệng. Đồng thời, cần báo cho nha sĩ biết về việc bạn đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Theo dõi tác dụng phụ của thuốc chống đông máu: Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc chống đông máu như chảy máu chân răng, bầm tím trên da không rõ nguyên nhân, hành kinh nhiều và kéo dài hơn bình thường, chóng mặt, đau đầu… Khi cơ thể xuất hiện những bất thường này, hãy theo dõi và báo ngay cho bác sĩ điều trị.
  • Luôn mang theo đồ cầm máu tiện dụng bên người: Người bệnh nên mang theo vài miếng gạc cầm máu, băng cầm máu hoặc bột cầm máu nhanh để phòng khi bị xây xước, đứt tay, bị chảy máu nhỏ trước khi có sự trợ giúp y tế.
Có những loại thuốc chống đông máu nào? Những lưu ý cần biết khi dùng thuốc chống đông máu 4
Hạn chế ăn thực phẩm giàu vitamin K khi dùng thuốc chống đông máu kháng vitamin K

Tóm lại, thuốc chống đông máu là loại thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối trong tim và mạch máu, từ đó phòng ngừa nguy cơ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não… Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý những vấn đề quan trọng nhằm hạn chế những hậu quả xấu có thể xảy ra khi dùng thuốc chống đông máu.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin