Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em mà bố mẹ cần biết
Ngày 04/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đau mắt đỏ có khả năng lây lan nhanh với nguy cơ cao bùng phát thành dịch bệnh. Vì thế, mọi người cần chủ động có các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ cá nhân và cả cộng đồng. Cùng tham khảo bài chia sẻ sau để biết cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em nhé!
Tính đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh đau mắt đỏ. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân mắc phải, nhất là trẻ em. Bài viết sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em một cách hiệu quả.
Đau mắt đỏ là bệnh lý gì?
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc mắt là tình trạng lớp màng nhãn cầu của mắt bị sung huyết, viêm do sự xâm nhập của tác nhân siêu vi. Khi gặp tình trạng này, mạch máu của kết mạc bị kích thích, sưng và chảy nước mắt, làm cho tròng trắng mắt có màu đỏ hoặc hồng.
Đau mắt đỏ có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và bất kỳ thời điểm nào. Bệnh có thể lây lan nhanh và bùng phát thành dịch bệnh, nhất là giai đoạn giao mùa từ hè đến cuối thu. Trẻ có hệ miễn dịch yếu, thường vệ sinh mắt chưa đúng cách, tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ hoặc sống trong vùng dịch sẽ có nguy cơ cao bị viêm kết mạc. Đau mắt đỏ thường không nguy hiểm và ít khi ảnh hưởng đến tầm nhìn, thị lực của mắt. Tuy nhiên, cần điều trị sớm để tránh khỏi các cảm giác khó chịu mà bệnh đem đến để trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ
Bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện do sự tấn công của virus, vi khuẩn hay những phản ứng dị ứng hoặc kích ứng với bụi, phấn hoa, thuốc nhỏ mắt. Nghiên cứu từ đợt dịch đau mắt đỏ đầu năm 2023 tại Sở Y tế TP.HCM, hầu hết trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ em là do siêu vi, phổ biến là Adenovirus và Enterovirus. Cụ thể, số ca đau mắt đỏ do chủng Enterovirus chiếm 86%, dễ lây lan và có nguy cơ cao gây bệnh mãn tính.
Ngoài ra, các chủng virus khác như Coronavirus, Varicella zoster virus,... cũng có thể gây bệnh đau mắt đỏ. Khi đau mắt đỏ do nguyên nhân virus, trẻ có thể bị chảy nước mắt, ngứa mắt, mắt tiết dịch loãng, có thể có hạch ở trước tai. Đau mắt đỏ thường kéo dài khoảng 7 đến 14 ngày.
Mặt khác, vi khuẩn gây bệnh đau mắt đỏ thường liên quan đến những bệnh lý như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai. Đau mắt đỏ do nguyên nhân vi khuẩn thông thường sẽ kéo dài không quá 14 ngày với các biểu hiện như cộm mắt, chảy mủ, mờ mắt vào buổi sáng, có thể có u nhú kết mạc. Một số trường hợp hiếm gặp có thể bị sưng hạch bạch huyết ở trước mang tai.
Tiến triển của bệnh đau mắt đỏ
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đau mắt đỏ bao gồm 3 giai đoạn là ủ bệnh, phát bệnh, hồi phục. Việc nắm rõ những triệu chứng của đau mắt đỏ qua 3 giai đoạn sẽ giúp các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ một cách hiệu quả hơn.
Giai đoạn ủ bệnh
Tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập, gây tổn thương tế bào kết mạc sau khi tiếp xúc với người bị bệnh đau mắt đỏ. Ở giai đoạn này, trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh hoặc có thể xuất hiện những triệu chứng nhẹ như đau mắt, sợ ánh sáng, sốt nhẹ, đau ở vùng họng khi bé nuốt nước bọt hoặc nổi hạch ở trước tai.
Giai đoạn toàn phát bệnh
Sau thời gian ủ bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh sẽ có các triệu chứng như đỏ mắt (có thể đỏ một hoặc cả hai bên mắt), ghèn nhiều làm cho mắt bị dính lại mỗi sáng thức dậy, cộm mắt, đau mắt, ngứa mắt,... Bệnh nhân cũng có thể có giả hạch, xuất huyết kết mạc, viêm họng hạch nhưng với tỷ lệ thấp.
Nếu bé bị đau mắt đỏ ở một mắt, khả năng lây lan qua mắt còn lại là rất cao. Tình trạng đau mắt đỏ ở hai mắt cũng có thể khác nhau. Khi bị ngứa mắt, trẻ sẽ dụi mắt nhiều hơn. Vì thế, các bậc phụ huynh nên nhắc nhở bé, tránh để bé dụi mắt nhằm hạn chế bệnh đau mắt đỏ tiến triển nặng hơn.
Giai đoạn hồi phục
Khi được bố mẹ chăm sóc đúng cách, đau mắt đỏ ở trẻ em sẽ giảm nhanh. Mắt sẽ giảm tình trạng đỏ và quay về trạng thái bình thường.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng đau mắt đỏ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên chủ động thực hiện các cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em như sau:
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Bố mẹ nên vệ sinh cơ thể, tắm gội trẻ mỗi ngày để giảm các nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tập cho bé thói quen rửa tay với dung dịch khử khuẩn hoặc xà phòng đặc biệt là trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồng thời nên nhắc nhở trẻ hạn chế đưa tay lên dụi mắt.
Xây dựng môi trường sống sạch sẽ: Bố mẹ nên giữ khu vui chơi, không gian sống, phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, gọn gàng và khử trùng định kỳ. Chăn màn, vỏ gối, ga giường của bé nên được giặt giũ và thay thường xuyên.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Bố mẹ nên cho trẻ đeo khẩu trang và hạn chế đến các khu vực đông người hay vùng có dịch. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có hệ miễn dịch yếu. Vì thế, bố mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh đau mắt đỏ.
Hạn chế tắm hồ bơi công cộng: Hạn chế cho trẻ tắm ở bể bơi công cộng cũng là cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em hiệu quả. Bởi môi trường bể bơi công cộng rất dễ bị lây nhiễm đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể tiếp xúc với mắt theo dòng nước hồ bơi. Nhiều trường hợp trẻ đi bơi về có hiện tượng mắt đỏ và lầm tưởng do mắt tiếp xúc nhiều với nước mà không biết mình đã bị viêm kết mạc. Vì thế, để phòng bệnh đau mắt đỏ, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ bơi vào mùa dịch. Nếu ở nhà có bể bơi riêng, bố mẹ cũng nên thay nước thường xuyên để bảo vệ an toàn cho trẻ.
Mang kính cho trẻ: Khi ra ngoài, bố mẹ nên mang kính râm cho trẻ để bảo vệ mắt. Đồng thời cũng nên vệ sinh kính thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để ngăn tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ bám dính lên mắt.
Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt: Không nên sử dụng chung thuốc nhỏ mắt hoặc nước muối rửa mắt với người bệnh hoặc có nguy cơ mắc đau mắt đỏ vì virus và vi khuẩn có thể bám ở miệng lọ và theo dung dịch xâm nhập với mắt trẻ.
Bài viết trên đã giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về căn bệnh đau mắt đỏ. Qua đó, bố mẹ cũng đã biết cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em. Bố mẹ nên thực hiện các biện pháp trên một cách nghiêm túc để bảo vệ con em mình trước tình trạng đau mắt đỏ nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.