Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể ở mắt mờ dần theo tuổi hoặc bẩm sinh. Bệnh diễn biến từ từ, không đau nhức, nặng hơn có thể dẫn tới mù.
Đục thủy tinh thể là gì?
Chức năng sinh lý thông thường của thủy tinh thể đóng vai trò như một thấu kính hội tụ của mắt giúp điều tiết, làm cho ánh sáng đi qua tập trung tại võng mạc, hình ảnh trở nên rõ ràng, sắc nét hơn. Dưới những tác nhân kích thích sẽ gây ảnh hưởng tới cấu trúc protein của thủy tinh thể, làm xáo trộn, thay đổi độ đàn hồi, độ cong, độ dày, độ trong, lâu dần sẽ khiến thủy tinh thể mờ đục. Khi ống kính này bị mờ sẽ cản trở ánh sáng đi qua, có thể khiến cho mắt giảm thị lực, lóa mắt, khó chịu nhưng không đau nhức, gây ra những khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Tình trạng này kéo dài và tiếp tục diễn biến trong vài năm sẽ dẫn tới mù lòa. Nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa nguy cơ tiến triển nặng.
Hình ảnh mắt đục thủy tinh thể so với mắt bình thường
Các dấu hiệu đục thủy tinh thể
Thường bệnh đục thủy tinh thể tiến triển từ từ qua nhiều năm kể từ khi dấu hiệu đầu tiên xuất hiện. Một số biểu hiện có thể nhận biết đơn giản như:
-
Giảm thị lực: Mức độ giảm tỷ lệ thuận với mức độ đục của thủy tinh thể. Có thể xác định bằng cách đo thị lực. Đây cũng là dấu hiệu điển hình nhất nhằm phát hiện bệnh.
-
Lóa mắt: Lóa quầng màu, hoa mắt, tăng nhạy cảm với ánh sáng. Ánh sáng mạnh sẽ kích thích đồng tử co lại, hạn chế tia sáng có thể hội tụ được ở võng mạc.
-
Nhìn đôi: Nhìn một thành nhiều. Song triệu chứng này không thường gặp.
-
Cận thị giả: Khả năng nhìn gần ban đầu sẽ tốt lên trong giai đoạn đầu bởi sự biến đổi của chỉ số khúc xạ. Người cao tuổi mắc lão thị tạm thời không cần kính cũng có thể đọc được.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Nguyên nhân đục thủy tinh thể nguyên phát
-
Bẩm sinh hoặc di truyền có liên quan tới rối loạn một số yếu tố.
-
Quá trình lão hóa của tuổi già ảnh hưởng tới thủy tinh thể, thường gặp ở độ tuổi trên 50.
Nguyên nhân thứ phát
-
Sự tái lại nhiều lần của các vấn đề về mắt.
-
Chấn thương.
-
Sử dụng thường xuyên các thuốc ảnh hưởng tới mắt như corticoid, nhóm statin tác dụng điều trị rối loạn mỡ máu, thuốc chống loạn nhịp, chống trầm cảm,...
-
Biến chứng của đái tháo đường.
-
Biến chứng của tăng huyết áp.
-
Béo phì, lười vận động.
-
Tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại, ánh sáng trực tiếp chiếu thẳng vào mắt không được che chắn bảo vệ.
Đục thủy tinh thể thường gặp ở người già
Các yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể
-
Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên.
-
Ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ.
-
Chế độ ăn thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, ăn ít rau xanh, ngũ cốc,... Làm suy yếu chức năng cấu trúc protein của thủy tinh thể.
-
Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi, các khí thải độc hại gây ảnh hưởng tới mắt.
-
Căng thẳng, stress lâu dài cũng gây ảnh hưởng xấu tới mắt.
Cách phòng tránh đục thủy tinh thể
Tuy có thể điều trị bệnh đục thủy tinh thể bằng cách phẫu thuật nhưng không phải lúc nào người bệnh cũng có thể đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành mổ. Quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu từ sớm để có thể bảo vệ được sức khỏe cũng như tiết kiệm được kinh tế.
- Khám mắt thường xuyên: Định kỳ kiểm tra 6 tháng/1 lần có thể kịp thời phát hiện và có hướng xử lý đúng đắn khi mắc bệnh đục thủy tinh thể, đồng thời nhận biết được những vấn đề về mắt khác.
- Bảo vệ mắt: Che chắn bằng kính râm, mũ rộng vành khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay môi trường khói bụi ô nhiễm như hiện nay. Không gian trong nhà nên cải thiện ánh sáng đèn phù hợp để mắt có thể điều tiết tốt.
- Chế độ ăn lành mạnh.
Bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp mắt sáng khỏe, làm chậm quá trình lão hóa như:
Vitamin C: Tác dụng chống oxy hóa mạnh, có trong hầu hết rau cải tươi, trái cây xanh chua, có ít trong thịt.
Vitamin A: Tác dụng tạo sắc tố thị giác và giảm khả năng nhiễm khuẩn. Vitamin A có nhiều trong các rau củ có màu đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ,... hay từ bơ, sữa, lòng đỏ trứng gà, gan, cá thu,...
Vitamin E: Có trong dầu thực vật như lạc, hướng dương, đậu nành, rau xanh, lòng đỏ trứng,.. Tác dụng chống oxy hóa và các chất tự do,...
Bổ sung các khoáng chất như kẽm, đồng, mangan,...
Hạn chế ăn mặn, các thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ.
Chế độ ăn và lối sống lành mạnh là một trong những cách phòng tránh đục thủy tinh thể
-
Không sử dụng chất kích thích: Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đây là một trong số những tác nhân gây giảm thị lực.
-
Tập thể thao: Tập thể dụng đều đặn có thể giúp nâng cao sức khỏe.
-
Kiểm soát và điều trị đái tháo đường: Chế độ ăn kiêng cần thực hiện nghiêm chỉnh khi người bệnh mắc đái tháo đường, nhằm kiểm soát đường huyết tốt, tránh dẫn tới những biến chứng nguy hiểm hơn. Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh như Glocom, viêm màng bồ đào,...
-
Thăm khám kịp thời: Liên hệ với bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt hay kính áp tròng khi mắc bệnh về mắt mà chưa có sự tham khảo từ các bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là các cách phòng tránh đục thủy tinh thể được đánh giá mang lại hiệu quả nhất. Lối sống lành mạnh sẽ quyết định sức khỏe cơ thể cũng như cánh cửa sổ tâm hồn của bạn. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khoẻ và đừng quên theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin mới nhất về sức khỏe nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp