Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay hiệu quả

Ngày 28/06/2022
Kích thước chữ

Gãy xương cẳng tay có thể gặp trong tai nạn sinh hoạt như ngã chống tay làm bẻ cong cẳng tay hay tai nạn giao thông. Vậy gãy xương cẳng tay là ở vị trí nào? Làm sao để sơ cứu gãy xương cẳng tay đúng cách? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện được dấu hiệu gãy xương cẳng tay cũng như cách xử trí.

Gãy xương cẳng tay là cụm từ để chỉ vị trí gãy xương nằm ở đoạn thân xương cẳng tay, tính từ dưới nếp gấp khuỷu 2cm và trên nếp gấp cổ tay 5cm. Gãy xương cẳng tay là chấn thương không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh nhưng có thể để lại những biến chứng nặng nề và di chứng vĩnh viễn cho đôi tay. Vì vậy, sơ cứu gãy xương cẳng tay là bước đầu vô cùng quan trọng giúp phòng tránh những di chứng đó.

Các loại gãy xương cẳng tay

Gãy xương cẳng tay dùng để chỉ tình trạng xương bị gãy ở đoạn thân xương có màng gian cốt bám, nghĩa là vào khoảng 2cm dưới mấu nhị đầu của xương quay (vị trí nếp gấp khuỷu) và trên nếp gấp cổ tay 5cm. Hai xương chính thuộc vùng cẳng tay là xương quay và xương trụ, với các loại tổn thương thường gặp sau:

  • Gãy thân hai xương cẳng tay, chiếm 56% trường hợp gãy xương cẳng tay.
  • Gãy đơn thuần xương quay hoặc xương trụ, chiếm khoảng 20%.
  • Gãy Monteggia: Gãy 1/3 trên xương trụ kèm trật khớp quay - trụ trên.
  • Gãy Galeazzi: Gãy 1/3 dưới xương quay kèm trật khớp quay - trụ dưới.
  • Gãy Colles: Gãy ngang ở đầu dưới xương quay, ngoài khớp và trên khớp khoảng 3cm.
Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay 1 Giới hạn gãy thân xương cẳng tay

Ngoài phân loại theo vị trí tổn thương, gãy xương cẳng tay còn phân loại theo hình thái gồm gãy xương hở và gãy xương kín. Gãy xương kín để chỉ tình trạng gãy xương nhưng không có chảy máu hay vết thương hở ngoài da. Ngược lại, gãy xương hở để chỉ ổ xương gãy có vết thương ngoài da, có thể nhìn thấy đầu xương gãy lồi ra ngoài.

Gãy xương cẳng tay có thể do lực tác động trực tiếp như va đập tai nạn giao thông…Cũng có thể do lực tác động gián tiếp như khi bị ngã sẽ có phản xạ chống tay xuống đất khiến xương cẳng tay bị cong, gấp quá đà và bị bẻ gãy.

Dấu hiệu nhận biết gãy xương cẳng tay

Gãy xương cẳng tay thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ cao hơn gấp 5 tới 10 lần, đứng thứ hai chỉ sau loại gãy trên lồi cầu xương cánh tay. Vậy nên, nắm chắc dấu hiệu nhận biết gãy xương giúp phát hiện và điều trị sớm, tránh để lại di chứng vĩnh viễn cho trẻ.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên để nhận biết gãy xương cẳng tay đó là cảm giác đau chói tại vùng cẳng tay, tăng lên khi cử động khiến vận động tay bị hạn chế. Ngoài ra, có thể dựa vào những triệu chứng sau:

  • Sưng nề, biến dạng rõ bên tay bị tổn thương.
  • Dấu hiệu tràn dịch khớp, tràn khí dưới da khi sờ vùng gãy xương.
  • Các vết thương phần mềm, vết lóc da quanh vùng tổn thương.
  • Nếu phát hiện muộn từ 24 tới 48 giờ có thể thấy các vết bầm tím ở vùng cẳng tay. Nhiều trường hợp tới muộn, cẳng tay như một ống tròn, bấm tím rộng lan tận tới khuỷu tay.
  • Có thể sờ thấy đầu xương nhô lên.
  • Bệnh nhân cử động bất thường và có thể nghe thấy tiếng lạo xạo do hai đầu xương cọ sát vào nhau.
  • Dấu hiệu lệch trục cánh tay, biến dạng cẳng tay.
  • Nếu gãy xương cẳng tay phức tạp, ổ gãy lớn có thể thấy tình trạng sốc chấn thương: Môi tím, da lạnh, mạch nhanh…

Không phải trong mọi trường hợp, các triệu chứng trên sẽ đều xuất hiện, nhiều khi gãy xương cẳng tay loại gãy xương kín, ít di lệch đoạn gãy hoặc gãy xương cành tươi ở trẻ em sẽ xuất hiện các triệu chứng rất kín đáo.

Vì vậy, khi nghi ngờ bệnh nhân bị gãy xương cẳng tay, cần liên hệ tới cơ sở y tế gần nhất, đồng thời sơ cứu gãy xương cẳng tay cho bệnh nhân trong thời gian chờ xe cấp cứu.

Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay

Khi nghi ngờ hoặc phát hiện bị gãy xương cẳng tay, bệnh nhân cần được sơ cứu đúng cách. Nắm được cách sơ cứu gãy xương cẳng tay sẽ giúp người bệnh giảm đau, tránh tổn thương thứ phát, phòng tránh sốc chấn thương cũng như hạn chế tối đa các biến chứng về sau. Bạn cần nắm vững các bước sơ cứu gãy xương cẳng tay sau đây:

Bước 1: Tiếp cận bệnh nhân

  • Gọi ngay xe cấp cứu.
  • Hạn chế thay đổi vị trí của người bệnh. Nếu cần di chuyển, phải hết sức nhẹ nhàng để tránh tổn thương thêm hoặc tổn thương thứ phát.
  • Nếu người bệnh bất tỉnh, để người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn để tránh trường hợp người bệnh nôn làm bịt kín đường thở.
Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay 2 Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân bất tỉnh

Bước 2: Đánh giá tình trạng ban đầu của bệnh nhân

  • Đánh giá ngay tình trạng hô hấp của bệnh nhân gồm: Bệnh nhân còn thở hay không? Đường thở có thông thoáng? Có dị vật gì trong miệng bệnh nhân có thể cản đường thở không?
  • Cần cố định cổ của người bệnh chắc chắn nếu chưa phát hiện được người bệnh có chấn thương cổ không.
  • Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn gồm nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở.
  • Kiểm tra động mạch quay và động mạch trụ, đảm bảo dòng máu vẫn lưu thông cung cấp cho đầu chi, tránh trường hợp hoại tử chi do thiếu máu.
  • Trong trường hợp bệnh nhân ngừng thở hoặc không tìm thấy mạch đập, lập tức tiến hành biện pháp hồi sức tim phổi cơ bản gồm ép tim 30 lần và thổi ngạt 2 lần.
Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay 3 Quy trình hồi sức tim phổi cơ bản khi sơ cứu gãy xương cẳng tay

Bước 3: Sơ cứu gãy xương cẳng tay

  • Bộc lộ vùng cẳng tay bị tổn thương.
  • Dùng một tay đỡ cẳng tay của người bệnh vào sát thân mình, giữ cẳng tay của người bệnh vuông góc với cánh tay. Tay còn lại kéo nhẹ nhàng bàn tay của người bệnh dọc theo trục của chi gãy.
  • Cố định cẳng tay của người bệnh bằng một hoặc hai que nẹp ở mặt trước và mặt sau.
  • Nẹp được sử dụng để cố định xương gãy phải đảm bảo đủ chắc chắn, đủ chiều dài và bề rộng.
  • Ở vị trí đầu nẹp, các chỗ lồi lõm như cổ tay và vị trí xương nhô ra, cần đặt đệm lót bằng vải, bông sạch.
  • Cố định nẹp chắc chắn bằng ba dây tại vị trí: Trên vị trí gãy, dưới vị trí gãy và bàn tay.

Bước 4: Cố định tay ở tư thế cơ năng

  • Chuẩn bị hai khăn tam giác hoặc thay thế bằng dây nếu không có khăn.
  • Sử dụng một khăn tam giác hoặc dây, cố định cẳng tay người bệnh ở tư thế gập góc 90 độ so với cánh tay, đặt ở trước ngực.
  • Khăn tam giác thứ hai hoặc dây dùng để buộc ép cánh tay người bệnh sát vào thân mình.
Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay 5 Cố định tay trước ngực ở tư thế cơ năng

Bước 5: Kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau khi sơ cứu

Sau khi thực hiện sơ cứu và bất động chi bị gãy, cần kiểm tra động mạch trụ, động mạch quay, động mạch ở hố khuỷu. Kiểm tra như vậy để đảm bảo chi bị gãy sau khi băng bó vẫn được máu đi tới nuôi dưỡng đầy đủ.

Sơ cứu gãy xương cẳng tay giúp cố định các vị trí tổn thương trên xương và giúp bệnh nhân giảm thiểu các nguy cơ gãy xương nặng khó hồi phục. Vì vậy, khi gặp bệnh nhân gãy xương cẳng tay trên đường hay tại bất cứ nơi nào thì hãy thực hiện các bước sơ cứu gãy xương cho người bệnh.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về cách sơ cứu gãy xương cẳng tay. Tuy gãy xương cẳng tay có thể không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng cần được sơ cứu đúng cách và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để lại di chứng vĩnh viễn. Hy vọng với bài viết, bạn có thể nắm được những thông tin về cách sơ cứu gãy xương cẳng tay.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin