Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn

Ngày 28/05/2022
Kích thước chữ

Rắn cạp nia là một loài rắn độc ở Việt Nam, có thể khiến người bị cắn tử vong nếu không được nhanh chóng xử trí kịp thời. Tuy nhiên nếu biết cách sơ cứu đúng sẽ hoàn toàn có thể cứu được người gặp nạn. Trong bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu sẽ gửi tới các bạn cách sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn nhé!

Rắn cạp nia thuộc họ Rắn hổ (Elapidae), thường gặp chủ yếu ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan. Chúng có chiều dài từ 1 - 1,5m, lớp vảy trơn và bóng và có những khoang nối tiếp nhau màu đen và sáng xen kẽ. Chúng dễ dàng ngụy trang tại các môi trường đồng cỏ hay các cánh rừng có nhiều bụi rậm. Khi cắn, rắn cạp nia tiết ra nọc độc, chính nọc độc này gây ra các phản ứng của cơ thể.

Sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn cần được tiến hành nhanh chóng sau khi bị cắn và trước khi vận chuyển người gặp nạn đến bệnh viện. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu những thông tin xoay quanh vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Triệu chứng khi bị rắn cạp nia cắn

Nọc độc của rắn cạp nia có độc tính mạnh hơn nhiều so với rắn hổ mang. Tại thời điểm bị rắn cạp nia cắn, người bệnh thường không có biểu hiện bất thường. Tại vết cắn không hoại tử, không phù nề, ít khi nhìn thấy 2 chấm tròn dấu vết móc độc để lại do móc độc rất nhỏ. Vết cắn ít sưng đau trong thời gian đầu mới bị cắn khiến người gặp nạn chủ quan.

Cách sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn 1 Vết móc độc tại vị trí rắn cạp nia cắn

Tuy nhiên, trong vòng 2 - 3 giờ sau khi bị cắn, người gặp nạn xuất hiện những triệu chứng bất thường như:

  • Tại vết cắn xuất hiện tấy đỏ lan xung quanh vết cắn.
  • Sụp mi giống như người buồn ngủ, muốn ngất.
  • Đồng tử giãn không còn phản xạ với ánh sáng.
  • Xuất hiện triệu chứng liệt chi, chân tay không nhấc lên được.
  • Đau rát cổ họng khó nuốt làm ứ đọng đờm.
  • Khó thở, khó nói chuyện, giao tiếp, lâu dần có thể dẫn đến suy hô hấp cấp.

Có thể nhận thấy rõ ràng những triệu chứng này tại người bị nạn. Tỷ lệ người bệnh tử vong có thể lên đến 75% nếu không được xử trí kịp thời. Do vậy, cần nhanh chóng sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn, không nên đợi khi có những triệu chứng trên mới bắt đầu thực hiện sơ cứu.

Sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn đúng cách

Bước 1: Xác định tình trạng vết rắn cắn

Xác định vị trí cắn, kích thước, hình dạng đầu, màu sắc của vết rắn cắn. Nếu có thể, hãy mang hình ảnh rắn hoặc rắn đã chết hay mô tả rõ rắn có phân khúc sáng tối liên tiếp để bác sĩ dễ dàng nhận dạng và điều trị theo đúng phác đồ.

Bước 2: Ổn định tinh thần người bị rắn cắn

Động viên, bình ổn tinh thần, tuyệt đối hạn chế di chuyển và hoạt động tại vị trí bị rắn cắn làm giảm sự phân tán nọc độc trong cơ thể. Sự hoảng loạn của nạn nhân có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim.

Sau đó, tiến hành nới lỏng quần áo, trang sức nạn nhân ở vùng bị cắn do có thể xuất hiện sưng.

Bước 3: Xử lí vết rắn cạp nia cắn

Làm giảm bớt nọc độc bằng cách rửa vết cắn bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó, dùng gạc mát để phủ lên vết cắn để giảm đau và sưng.

Cách sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn 2 Sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn

Tiến hành băng ép bất động làm chậm sự xuất hiện biểu hiện liệt. Nếu vết cắn ở chân, dùng khăn hoặc vải băng kín cả chân, đồng thời, nẹp bằng một tấm gỗ để cố định, không cử động.

Bước 4: Đưa người bị rắn cạp nia cắn đến cơ sở y tế

Nhanh chóng vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý: Khi vận chuyển cần để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim nhằm hạn chế nọc độc di chuyển tới tuần hoàn trung tâm.

Lưu ý: Trong quá trình sơ cứu, cần thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân như nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt... Nếu người bị nạn có dấu hiệu khó thở, thở nông thì tiến hành hô hấp nhân tạo. Trường hợp có thể gặp ngừng hô hấp thì tiến hành ép tim và thổi ngạt càng nhanh chóng càng tốt.

Một số lưu ý khi sơ cứu người bị rắn cạp nia cắn

Cần lưu ý một số điều sau:

  • Không dùng miệng hay dụng cụ để hút nọc độc: Việc làm này không mang lại hiệu quả đối với nọc rắn cạp nia do chúng có độ dính và khó hút được.
  • Không trích, rạch, đâm, chọc làm tổn thương thêm vết cắn.
  • Không sử dụng rượu hay đồ uống có caffeine làm lan rộng chất độc.
  • Không garo chặt vì có thể làm máu không lưu thông tại vị trí cột dễ làm hoại tử, đồng thời khi tháo garo sẽ khiến máu chứa chất độc vận chuyển về tim gây sốc và có thể khiến nạn nhân tử vong.
  • Không băng quá chặt tạo áp suất và gây bầm tím vết cắn.
  • Sử dụng các loại lá chữa bằng mẹo có thể gây nhiễm trùng tại vị trí đắp và chậm quá trình giải độc.
  • Không sử dụng các món ăn từ rắn với mục đích lấy độc trị độc khi bị cắn: Chả rắn, rắn xào lăn, ướp nướng…
  • Không sử dụng đá chườm, bôi thuốc mỡ, hoá chất: Cách này đã được chứng minh có thể gây hại, làm nhiễm trùng tới vùng bị rắn cắn.
Cách sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn 3 Không chườm đá khi bị rắn cạp nia cắn

Phòng tránh rắn cạp nia cắn

Có thể phòng tránh tai nạn rắn cắn bằng một số cách sau:

  • Rắn cạp nia rất lành vào ban ngày, đa phần do nạn nhân vô tình dẫm phải chúng. Khi đi rừng, đi khám phá khu vực nhiều cây cỏ tránh đi chân đất, đi ủng, mặc quần áo dài, đội thêm mũ vành rộng.
  • Tránh xa rắn, kể cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người.
  • Sử dụng đèn khi ở trong bóng tối tránh để rắn tấn công do loài rắn cạp nia hoạt động mạnh vào ban đêm.
  • Không sinh sống gần những khu vực ẩm thấp do rắn thích cư trú hoặc sống ở bóng râm như: Nhà hoang, bụi rậm, đống củi, đống gạch... Không nằm ngủ trực tiếp trên nền, bãi cỏ, chú ý quan sát nơi nằm nghỉ do rắn cạp nia hay bò vào những chỗ ấm.
  • Không chủ động bắt, trêu rắn, quấy nhiễu chỗ ngủ của chúng và sử dụng những phương tiện bảo hộ đối với những người làm nghề nuôi rắn độc.
  • Cẩn trọng khi bắt rắn, sử dụng gậy có móc và không để miệng rắn tiếp xúc với cơ thể.
  • Lưu ý khi sử dụng các sản phẩm từ rắn cạp nia như các món thịt rắn, mật rắn, rượu rắn... Tránh sử dụng bừa bãi, đặc biệt là đối với người có tiền sử dị ứng.

Mùa hè có mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho loài rắn cạp nia sinh sôi, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu cùng ô nhiễm môi trường khiến chúng phải đi tìm môi trường sống mới, quấy nhiễu và gây hại tới con người. Các bạn nên cảnh giác, chú ý các khu vực xung quanh nơi ở, các hoạt động sinh hoạt của mình.

Bên trên là một số những kiến thức cơ bản bạn cần biết về cách sơ cứu khi bị rắn cạp nia cắn giúp kịp thời xử trí bảo vệ bản thân cũng như những người khác. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có những kiến thức hữu ích và có những biện pháp hiệu quả khi gặp tình huống đó!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin