Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Gãy xương hàm trên thường là hậu quả của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong những trường hợp nặng, nếu sơ cứu tại chỗ gãy xương hàm trên không được thực hiện đúng cách, người bệnh có thể lâm vào tình trạng sốc do đau hoặc mất máu. Những di chứng lâu dài do sơ cứu không đúng cách không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ của bệnh nhân, mà còn tác động tiêu cực đến chức năng của hệ tiêu hóa của cơ thể.
Gãy xương hàm mặt được chia thành hai loại: Gãy xương hàm trên và gãy xương hàm dưới. Trong đó, gãy xương hàm trên là một tổn thương khá nghiêm trọng, có thể gây ra triệu chứng nhìn đôi, tê bì vùng dưới da mắt do ảnh hưởng đến các dây thần kinh, hay tạo ra sự mất liên tục ở xương gò má (người bị chấn thương có thể cảm nhận được điều này khi di chuyển ngón tay dọc theo xương gò má). Do vậy, sơ cứu tại chỗ gãy xương hàm trên cần được ưu tiên thực hiện ngay sau khi xảy ra tai nạn, tránh để lại những hậu quả nặng nề hơn.
Xương hàm trên gồm có hai xương, đối xứng nhau, góp phần tạo nên khối xương tầng mặt giữa. Do vậy, khi chấn thương gãy xương hàm trên xảy ra, bệnh nhân thường kèm theo tổn thương các xương khác cũng thuộc tầng mặt giữa, như xương lá mía, xương xoăn dưới, xương gò má, xương lệ, xương chính mũi.
Ngoài ra, xương hàm trên còn có sự liên quan với nền sọ, xoang hàm, hốc mũi và hốc mắt, dẫn đến việc bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề sọ não, não, mắt và mũi khi bị gãy xương hàm trên. Chỉ khi chấn thương xảy ra trực tiếp và rất mạnh mới có thể làm gãy xương hàm trên, bởi xương hàm trên có vị trí cố định, được bao bọc hai phía bởi xương gò má, phía trên bởi nền sọ và xương chính mũi, và phía dưới bởi xương ổ răng.
Xương hàm trên thuộc dạng xương xốp (có rất nhiều mạch máu), nên khi bị gãy xương, người bệnh thường chảy máu nhiều. Bù lại, do có vị trí cố định tốt, xương hàm trên thường chóng liền hơn các loại xương khác. Xương hàm trên có răng cố định với xương ổ răng, có quan hệ khớp cắn với răng hàm dưới, đây chính là cơ sở tự nhiên giúp cố định xương gãy khi thực hiện sơ cứu tại chỗ gãy xương hàm trên.
Gãy xương hàm trên có thể phân loại thành: Gãy một phần (gãy vòm khẩu cái, gãy bờ dưới xương ổ mắt, gãy xương ổ răng…) và gãy toàn bộ (gãy dọc và gãy ngang). Trong đó, phân loại hay được áp dụng nhất trong thực hành lâm sàng là phân loại Le Fort.
Khi bị gãy xương hàm trên theo phân độ Le Fort I, bệnh nhân sẽ có biểu hiện choáng nhẹ, khó ăn, khó nhau, thậm chí nuốt vướng vì phần xương gãy bị sa xuống.
Mặt của bệnh nhân bị biến dạng: Sưng nề và bầm tím môi trên, chảy máu mũi. Với các tổn thương bên trong miệng, bệnh nhân có thể bị bầm tím lợi môi, lợi má, sau vài ngày có thể thấy xuất huyết hình móng ngựa ở vòm miệng.
Khi thăm khám, lắc cung hàm bệnh nhân sẽ thấy toàn bộ khối xương di động (triệu chứng “đeo hàm giả”).
Với gãy xương hàm trên Le Fort II: Bệnh nhân choáng nặng hơn, đau chói dọc đường gãy, nơi tiếp giáp với xương gò má. Bệnh nhân có thể bị tê mặt do chấn thương lỗ dưới ổ mắt (nơi có thần kinh mặt chạy qua), chảy máu mũi, đau khi ăn và nhai, chảy nước mắt do ống lệ tị bị chèn ép, bầm tím mi dưới. Phần giữa mặt của bệnh nhân có thể bị xẹp, do khối răng cửa lùi ra sau.
Với các tổn thương bên trong miệng, bệnh nhân có thể bị sai khớp cắn, răng hàm chạm sớm khi ăn nhai do khối răng hàm bị ra sau và xuống dưới. Ngách lợi chỗ răng hàm sưng nề, khi ấn rất đau.
Với gãy xương hàm trên Le Fort III: Đây là tổn thương gãy xương nặng nhất. Bệnh nhân bị choáng nặng, đau dọc đường gãy ở các khớp và nơi tiếp giáp với xương khác, chảy máu mũi, thậm chí có thể chảy dịch não tủy. Mặt của bệnh nhân bị phù nề, biến dạng nhiều, bầm tím hốc mắt (dấu hiệu "đeo kính râm"), có triệu chứng nhìn đôi do nhãn cầu trong hốc mắt bị sụp hoặc lõm sâu.
Với các tổn thương bên trong miệng, bệnh nhân có thể bị sai khớp cắn, răng hàm chạm sớm, bầm tím vòm miệng. Do đây là tổn thương nặng nhất trong gãy toàn bộ xương hàm trên, toàn bộ khối xương mặt bị di lệch so với khối xương sọ.
Sơ cứu tại chỗ gãy xương hàm trên có mục đích ưu tiên cấp cứu tính mạng, chỉ điều trị chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt khi bệnh nhân đã vượt qua được tình trạng nguy hiểm. Bệnh nhân bị gãy xương hàm trên cần được điều trị sớm, phục hồi chức năng tốt, đảm bảo thẩm mỹ, phòng ngừa biến chứng và tránh để lại di chứng. Quan trọng, người thực hiện sơ cứu tại chỗ gãy xương hàm trên cần hết sức lưu ý tới chức năng các giác quan (thính giác, thị giác) của bệnh nhân.
Khi tiến hành sơ cứu, người thực hiện cần quan sát nhanh vị trí địa lý nơi bệnh nhân đang nằm, nhằm nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tiến hành sơ cứu.
Người bệnh bị tai nạn thường bị sốc (choáng), hay gặp nhất là sốc mất máu, sốc chấn thương. Người bệnh có nguy cơ sốc nặng hơn trong trường hợp chấn thương hàm mặt đi kèm đa chấn thương hoặc chấn thương sọ não.
Trong quá trình sơ cứu, bệnh nhân cần được theo dõi liên tục huyết động (mạch, huyết áp) và ý thức còn tỉnh táo hay không, đồng thời vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Sơ cứu trong chấn thương cần đảm bảo đủ nguyên tắc A - B - C: Airway - Breath - Circulation. Trước tiên, người sơ cứu cần đảm bảo bệnh nhân có chức năng thông khí ổn định, bằng cách làm thông thoáng đường thở của bệnh nhân. Bệnh nhân thường bị ngạt thở do các nguyên nhân như dị vật (dị vật từ bên ngoài, cục máu đông, hàm giả hoặc răng gãy rơi ra chèn ép vào đường thở), tụt lưỡi ra sau, hoặc cục máu tụ gây phù nề vùng sàn miệng, bịt kín đường thở. Cần xử trí làm thông thoáng đường thở ngay lập tức bằng cách:
Bước tiếp theo, người sơ cứu tiến hành cầm máu cho người bệnh. Chảy máu nhiều có thể từ vết thương phần mềm, hoặc đứt động mạch lớn, hoặc đường gãy xương lớn. Người sơ cứu nếu có kinh nghiệm, có thể tiến hành cầm máu bằng cách đặt bấc mũi trước và bấc mũi sau với chảy máu mũi, khâu vết thương da trên mặt, và cầm máu những vết thương các nơi khác.
Người thực hiện sơ cứu ở các cơ sở y tế địa phương có thể nắn chỉnh bằng tay hoặc buộc chỉ thép để kéo chỉnh xương hàm trên theo khớp cắn trung tâm. Đường gãy được cố định tạm thời bằng băng cằm - đỉnh, phối hợp với băng trán - chẩm.
Sau quá trình sơ cứu tại chỗ, cầm máu và đã đảm bảo huyết động của bệnh nhân ổn định, cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian ngắn nhất để bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa, hạn chế tối đa nguy hiểm có thể gặp phải.
Gãy xương hàm trên là một tình trạng cấp cứu, thường xảy ra trong các vụ tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Gãy xương có thể biểu hiện bằng nhiều hình thức, từ một vết rạn, gãy một phần xương, cho đến gãy hoàn toàn xương. Sơ cứu tại chỗ gãy xương hàm trên cần được tiến hành nhanh chóng và đúng cách, trước khi chuyển bệnh nhân đến các cơ sở chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, để ngăn chặn những tổn thương nặng lên hay di chứng để lại sau này.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp