Khi nào nên dùng thuốc đạn cho trẻ?
Khi trẻ bị sốt cao (> 38,5oC), phụ huynh có thể hạ sốt bằng các thuốc như paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) hay ibuprofen. Tuy nhiên, khi trẻ bị viêm họng, viêm amidan, nôn trớ, không hợp tác (không muốn uống, quấy khóc, không thích mùi vị của thuốc), thuốc đạn paracetamol hạ sốt đặt đường trực tràng là một sự chọn thích hợp trong các trường hợp này về tính hiệu quả và an toàn. Thuốc thường được bào chế thành 3 dạng hàm lượng là 80mg, 150mg và 300mg. Đến khi trẻ có thể uống, nên chuyển qua sử dụng thuốc đường uống càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, nếu trẻ bị táo bón, có thể sử dụng thuốc đạn chứa glycerol đặt trực tràng để thụt tháo phân cho trẻ.
Một số loại thuốc đặt hậu môn khác có tác dụng điều trị hen suyễn, an thần và viêm nhiễm hậu môn.
Hình dạng viên thuốc đạn
Thành phần của thuốc đạn hạ sốt
Thành phần của thuốc đạn hạ sốt bao gồm dược chất là paracetamol và tá dược (tá dược trơn, tác dược dính như gelatin, tween, PEG,...) thường dễ chảy ở điều kiện thường, nên khi đặt thuốc vào hậu môn, các tá dược sẽ chảy ra và giải phóng dược chất dưới tác dụng của thân nhiệt.
Lưu ý liều dùng của thuốc đạn cũng tương tự như thuốc dùng đường uống: 10 – 15mg/kg/lần, lặp lại mỗi 4 – 6 tiếng nếu còn sốt (tổng liều tối đa là 60mg/kg/ngày đối với trẻ từ 10 - 15kg), liều tối đa mỗi ngày không vượt quá 3g. Khuyến cáo không nên cho trẻ dùng cả thuốc dùng đường uống và thuốc đạn để hạ sốt là vì lo ngại về tình trạng cho trẻ dùng thuốc quá liều quy định. Paracetamol ở liều dùng thông thường khá an toàn, nhưng với liều cao có thể gây độc, nhất là với gan (gây hại trên gan).
Các loại thuốc tác động toàn thân như thuốc giảm đau, an thần, hạ sốt, chống nôn đường uống có sinh khả dụng thấp hơn đường đặt hậu môn vì đường đặt hậu môn tránh được chuyển hóa lần đầu qua gan.
Vị trí đặt thuốc trong khoang trực tràng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc vì sự khác biệt trong hệ thống dẫn tĩnh mạch. Nếu đặt thuốc đúng vị trí, dược chất đi theo đường trực tràng dưới và giữa, hấp thu qua tĩnh mạch chủ dưới và vào tuần hoàn chung. Nếu đặt thuốc quá sâu vào trong, dược chất đi vào đường trực tràng trên, hấp thu qua tĩnh mạch cửa gan và vào tuần hoàn chung, tại đây thuốc sẽ bị chuyển hóa lần đầu qua gan gây giảm tác dụng của thuốc.
Sự hấp thu của thuốc qua niêm mạc trực tràng
Các bước sử dụng thuốc đạn đặt hậu môn cho trẻ
Hướng dẫn về cách đặt thuốc đạn ở hậu môn cho trẻ:
1. Rửa tay thật sạch với xà phòng và nước.
2. Nếu thuốc đạn bị mềm, để thuốc dưới vòi nước mát hoặc đặt trong tủ lạnh vài phút để thuốc cứng lại trước khi tháo vỏ.
3. Nếu thuốc có vỏ, lấy thuốc bằng cách tách vỏ ra làm hai.
4. Nếu được chỉ định chỉ dùng nửa viên thuốc, lấy dao lam sạch cắt thuốc theo chiều dọc.
5. Có thể mang bao tay hay bao đầu ngón tay, nếu muốn.
6. Cho trẻ nằm nghiêng với chân dưới duỗi thẳng và chân trên cong về phía trước bụng. Nhấc mông lên để lộ ra hậu môn. Đưa đầu nhọn của viên thuốc vào trước bằng ngón tay cho đến khi viên thuốc đặt qua cơ vòng của trực tràng, thường khoảng 1,5cm ở trẻ em, nếu không nhét qua cơ vòng này, thuốc có thể trồi lại ra ngoài.
7. Nếu thuốc đạn gặp khó khăn để đưa vào, nên bôi trơn đầu viên thuốc đạn bởi chất bôi trơn tan trong nước (như KY Jelly), chứ không dùng loại bôi trơn tan trong dầu (vaseline), nếu không có chất bôi trơn, nên lấy nước làm ẩm hậu môn trước.
8. Sau khi đã đặt xong thuốc đạn, giữ hai mông của trẻ lại với nhau trong vài giây.
9. Cho trẻ nằm im khoảng 15 phút để tránh thuốc tụt ra ngoài. Bỏ các dụng cụ đã dùng vào thùng rác. Rửa tay lại với xà phòng.
Thuốc đạn hạ sốt có thể giảm các cơn đau từ nhẹ đến trung bình và hạ sốt, vì vậy, nếu trẻ không còn sốt, nên ngừng việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn còn bị sốt hoặc đau nhẹ, nên đặt viên thuốc tiếp theo sau khoảng 4 – 6h (nếu vì quên mà bỏ qua một lần không dùng thuốc, sử dụng thuốc cho trẻ ngay khi bạn nhớ ra, không dùng liều gấp đôi để bù liều thuốc đã quên).
Phụ huynh cần làm gì khi trẻ sốt?
Khi trẻ sốt, cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên (cặp nhiệt độ ở nách). Nếu trẻ sốt cao > 38,5oC, sau khi sử dụng thuốc hạ sốt cần phối hợp thêm việc cởi bỏ bớt quần áo, lau mát cho trẻ bằng nước ấm thường xuyên (nước ấm thấp hơn 2 – 3 độ so với thân nhiệt của trẻ), cho trẻ uống nhiều nước và đặt nằm ở nơi thoáng mát. Sử dụng thuốc là để cơ thể hạ nhiệt, thoát nhiệt, vì vậy việc quan trọng nhất là thoát nhiệt ra ngoài môi trường.
Khi trẻ bị sốt, nên được nằm nơi thoáng mát. Thoáng mát nghĩa là phải có gió và có đối lưu, nghĩa là phải có luồng gió mát đi qua da của trẻ, tốc độ gió tùy thuộc vào tuổi của trẻ. Nếu khoảng 30 phút sau khi đã dùng thuốc và các phương pháp thoát nhiệt nhưng thân nhiệt trẻ vẫn tăng hoặc trẻ có các triệu chứng như co giật, nôn, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, khó thở, tím tái, phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị kịp thời (kể cả ban đêm).
Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc đặt hậu môn cho trẻ
Trực tràng hậu môn có diện tích tiếp xúc nhỏ, niêm dịch ít nên đặt thuốc tại vì trí này có thể gây kích ứng như ngứa hậu môn (mức độ ngứa sẽ tăng lên dần theo thời gian và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc), đại tiện mót hoặc són phân.
Thao tác đặt thuốc của người lớn quá mạnh, nhét quá sâu vào trong cũng có thể gây tổn thương cho trẻ (đau rát, chảy máu và nhiễm khuẩn).
Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc đạn hạ sốt chứa paracetamol bao gồm:
- Hơi thở ngắn, khó thở hoặc thở khò khè.
- Sưng mặt, lưỡi, môi hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Phát ban, mày đay và ngứa trên da.
Không dùng thuốc đạn để hạ sốt đối với trẻ bị dị ứng paracetamol, propacetamol hydroclorid (tiền chất của paracetamol) hoặc các thành phần tá dược khác của thuốc, trẻ có bệnh gan nặng, bị viêm da ở vùng hậu môn trực tràng, chảy máu trực tràng hoặc đang tiêu chảy. Không nên dùng cho trẻ đang có bệnh lý vùng hậu môn hay bị táo bón vì lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc và làm giảm tác dụng điều trị.
Không tự ý dùng thuốc đạn hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ < 3 tháng tuổi mà không có sự chỉ định của bác sỹ.
Bên cạnh đó, thuốc đạn có chứa theophylin (trị hen suyễn) có thể gây co giật hay thuốc đạn chứa diazepam (an thần) có thể đạt nồng độ cao ở trong máu ngang đường tiêm tĩnh mạch đều có nguy cơ dẫn đến tác dụng không mong muốn cao.
Ngộ độc thuốc đạn
Khi dùng thuốc đạn đặt hậu môn, thuốc được hấp thu rất mạnh và nhanh đạt nồng độ cao ở trong máu của trẻ dẫn đến dễ gây độc.
Thuốc đặt hạ sốt đặt hậu môn hay thuốc đường uống có tác dụng như nhau và liều lượng dùng như nhau. Việc phụ huynh lạm dụng cho con thường xảy ra và không ít trẻ đã gặp nguy hiểm vì các tác dụng phụ do paracetamol liều cao gây ra như:
- Vài giờ sau khi trẻ bị quá liều paracetamol (dùng hơn 140mg/kg thể trọng dùng 1 lần ở trẻ em), trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như xanh xao, mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn và đổ mồ hôi trong 24 giờ đầu tiên. Nếu vẫn tiếp tục cho trẻ dùng liều cao, các biểu hiện ngộ độc của trẻ đã tăng lên và mức độ nguy hiểm cao hơn.
- Từ 24 - 48h, các triệu chứng ngộ độc gan sẽ nặng lên. Nếu sờ bên mạng sườn phải của trẻ sẽ thấy gan sưng to, ấn vào thấy đau. Trẻ bị ngộ độc paracetamol ở giai đoạn này thường tăng transaminase gan, lactat dehydrogenase và bilirubin và giảm prothrombin, xuất hiện triệu chứng của vàng da, và bài niệu ít. Nếu trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy thận, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim với suy tim và thậm chí dẫn đến tử vong.
Đối với các trường hợp ngộ độc thuốc, cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
Bảo quản thuốc đạn
Thuốc đạn nên được bảo quản ở nơi mát mẻ hoặc trong ngăn mát tủ lạnh. Tốt nhất trước khi sử dụng nên để vào đá hay ngăn đông tủ lạnh vài phút để bảo đảm thuốc đủ độ cứng và có thể dễ đưa thuốc vào trực tràng.
Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.
Để thuốc ngoài tầm nhìn và tầm với của trẻ em.
>> Xem ngay:
Phương Anh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp