Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngứa hậu môn là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Da quanh hậu môn rất nhạy cảm, thường bị ngứa do nhiều nguyên nhân. Đôi khi vùng da này nhận được kích thích và bị bệnh nhân hiểu lầm rằng bị đau, do đó cần loại trừ các nguyên nhân gây đau khác (áp xe hay ung thư).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ngứa hậu môn là gì?

Ngứa hậu môn là tình trạng ngứa trong ống hậu môn và vùng da xung quanh. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nhưng triệu chứng chung là cảm giác ngứa ngáy, nóng rát vùng hậu môn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngứa hậu môn

Ngứa hậu môn thường khác với cảm giác ngứa ở các vị trí khác trong cơ thể, thường là ngứa cục bộ, dữ dội và kéo dài, càng gãi càng ngứa gây nóng, rát và đau nhức hậu môn. Ngứa và kích thích bên trong hay xung quanh hậu môn có thể là tạm thời nhưng có thể kéo dài.

Ngứa hậu môn thường cục bộ, nhưng cũng có thể lan sang bộ phận sinh dục như sau bìu (nam giới), âm hộ, môi lớn, môi bé và âm đạo (nữ giới). Ở nữ giới, do khoảng cách giữa hậu môn và âm đạo, niệu đạo rất ngắn nên ngứa hậu môn rất dễ lây lan sang bộ phận sinh dục và hệ tiết niệu.

Tác động của ngứa hậu môn đối với sức khỏe

Ngứa hậu môn không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng làm người bệnh cảm thấy rất khó chịu, tự ti, lúng túng khi làm việc hay giao tiếp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ngứa hậu môn

Đa số các nguyên nhân gây ngứa hậu môn thường liên quan đến:

  • Vô căn (phần lớn);

  • Vệ sinh.

Vệ sinh không sạch sẽ, còn sót phân gây kích ứng và mồ hôi gây khó chịu vùng da hậu môn. Đôi khi, vệ sinh quá kỹ, lau chùi mạnh tay, rửa xà phòng có tính tẩy rửa mạnh có thể làm vùng da này bị khô, kích ứng và xảy ra phản ứng quá mẫn. Bệnh nhân bị trĩ ngoại hay gặp khó khăn trong việc vệ sinh sau khi đi đại tiện. Trĩ nội kích thước lớn gây tiết nhầy, thực ăn không tiêu lẫn trong phân cũng là nguyên nhân gây kích ứng hậu môn.

Các nguyên nhân khác thường khó xác định (vô căn), nhưng có nhiều yếu tố tác động vào, ví dụ như bệnh viêm đại tràng (Crohn), bệnh trĩ, nhiễm trùng, nhiễm Candida, nhiễm giun, bệnh ghẻ, viêm da cơ địa, ung thư biểu mô quanh hậu môn, bệnh vẩy nến, dùng các loại thuốc gây kích ứng,…

Ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi, việc đại tiện và tiểu tiện không tự chủ gây khó chịu tại chỗ và nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.

Khi bệnh nhân đã bị ngứa hậu môn, dù bởi bất kỳ nguyên nhân nào, thì cũng sẽ dẫn đến gãi, càng gãi càng ngứa, gãi mạnh làm da trầy xước và nhiễm trùng thứ phát, càng gây ngứa dữ dội hơn nữa.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ngứa hậu môn?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ngứa hậu môn do vệ sinh không đúng cách.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ngứa hậu môn

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ngứa hậu môn, bao gồm:

  • Đái tháo đường;

  • Trẻ nhỏ và người già đại tiểu tiện không tự chủ;

  • Mặc quần áo hay sử dụng các sản phẩm tại chỗ gây kích ứng da;

  • Có vấn đề về tiêu hóa;

  • Bệnh trĩ;

  • Nhiễm trùng;

  • Bệnh về da như bệnh vẩy nến, viêm da tiếp xúc;

  • Khối u ở hậu môn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngứa hậu môn

Đánh giá bệnh sử

Cần xem xét vấn đề gây ngứa là cấp tính hay tái phát, khai thác thông tin về các tác nhân tại chỗ trên hậu môn như khăn lau, thuốc mỡ (kể cá là thuốc điều trị ngứa), thuốc xịt và xà phòng. Chế độ ăn (đặc biệt là thực phẩm chua, cay) và dùng thuốc cần được đánh giá xem có phải là nguyên nhân gây ngứa hay không. Ghi nhận thói quen vệ sinh bằng cách hỏi về tần suất tắm.

Cần hỏi bệnh nhân về các rối loạn gặp phải, bao gồm đại tiện, tiểu tiện không tự chủ, đau hậu môn, khối u, có máu trên giấy vệ sinh (bệnh trĩ), máu lẫn trong phân, đau quặn bụng và các mảng da (bệnh vẩy nến).

Khai thác về tiền sử nội khoa như các tình trạng liên quan đến ngứa hậu môn như phẫu thuật hậu môn trực tràng, bệnh trĩ, đái tháo đường.

Khám thực thể

  • Khám toàn thân: Ghi nhận thói quen vệ sinh, hành vi ám ảnh cưỡng chế làm sạch quá mức.

  • Khám thực thể: Tập trung vào vùng hậu môn, phân biệt màu phân và chất phân, trĩ. Quan sát tính toàn vẹn của da hậu môn, kiểm tra xem có bất kỳ tổn thương, lỗ rò, bong tróc da hay nhiễm trùng tại chỗ hay không. Khám trực tràng kỹ thuật số (DRE) để đánh giá cơ vòng (yêu cầu bệnh nhân co thắt cơ vòng). 

  • Khám da: Kiểm tra toàn thân các dấu hiệu của bệnh ghẻ (da ngón tay, da đầu,..).

Các dấu hiệu nguy hiểm cần đặc biệt chú ý:

  • Đường rò;

  • Tiểu chảy có lẫn máu;

  • Trĩ ngoại kích thước lớn;

  • Trĩ nội sa xuống;

  • Phân quanh hậu môn;

  • Vùng da quanh hậu môn xám hay dày lên.

Xét nghiệm

Đối với những tổn thương nhìn thấy được nhưng không rõ nguyên nhân cần làm sinh thiết, nuôi cấy hay kết hợp cả hai. 

Phương pháp điều trị ngứa hậu môn hiệu quả

Đối với ngứa hậu môn do nguyên nhân toàn thân, nhiễm nấm, nhiễm giun hay ký sinh trùng cần phải điều trị nguyên nhân.

Nếu nghi ngờ nguyên nhân do thức ăn hay các chất tác động tại chỗ thì nên ngừng sử dụng.

Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh hậu môn đúng cách. 

Điều trị tại chỗ có thể dùng thuốc mỡ hydrocortisone acetate 1% (4 lần/ngày) với thời gian ngắn (tối đa 1 tuần) để làm giảm triệu chứng. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ngứa hậu môn

Chế độ sinh hoạt:

  • Mặc các loại quần áo thoải mái, rộng rãi.

  • Chăn nệm dùng loại mềm mại.

  • Sau khi đi đại tiện, nên làm sạch vùng hậu môn bằng bông thấm, giấy mềm được làm ẩm bằng nước hay các vật dụng làm sạch hậu môn chuyên dùng cho các bệnh nhân bị trĩ.

  • Không dùng xà phòng và khăn làm ẩm.

  • Có thể làm khô bằng phấn rôm hay bột ngô.

  • Nếu bị ngứa, hạn chế gãi nhất có thể.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế các thực phẩm cay, chua hay các loại gây kích thích hậu môn.

Phương pháp phòng ngừa ngứa hậu môn

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh sạch sẽ hậu môn, nhất là sau khi đi vệ sinh xong.

  • Dùng nước ấm và sạch để rửa, hạn chế dùng khăn và xà phòng.

  • Dùng đồ lót bằng các loại chất liệu nhẹ nhàng, thấm hút mồ hôi, thoáng mát.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/
  2. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/ngua-hau-mon-benh-kho-noi-16982485.htm

Các bệnh liên quan