Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu​: Những điều nên biết

Ngày 13/01/2025
Kích thước chữ

Mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn quan trọng nhưng cũng vô cùng nhạy cảm đối với mẹ bầu và thai nhi. Trong thời kỳ này, hệ miễn dịch của mẹ thường suy yếu, khiến nguy cơ bị cảm tăng cao và việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vậy cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu nào an toàn, hiệu quả mà không gây hại cho thai nhi?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những phương pháp trị cảm tự nhiên, an toàn. Đồng thời, đưa ra lời khuyên và những lưu ý quan trọng để mẹ bầu chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất thông qua bài viết “Cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu​” bạn nhé!

Tổng quan về bệnh cảm ở bà bầu 3 tháng đầu

Các loại cảm ở bà bầu 3 tháng đầu

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, sức đề kháng của bà bầu thường suy giảm, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các loại virus gây bệnh. Hai bệnh cảm phổ biến nhất trong giai đoạn này là cảm lạnh và cảm cúm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt rõ hai loại bệnh này vì chúng có nhiều triệu chứng tương tự nhau.

  • Cảm lạnh xảy ra khi cơ thể phản ứng với sự tấn công của các loại virus, đặc biệt là chủng Rhinovirus. Các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi và đau họng thường xuất hiện sau vài ngày tiếp xúc với mầm bệnh. Cảm lạnh thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong khoảng 5 – 10 ngày, tùy vào sức khỏe của mỗi người.
  • Cảm cúm do virus cúm (Influenza) gây ra và nguy hiểm hơn nhiều so với cảm lạnh. Loại virus này thường tấn công hệ hô hấp và gây ra các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu. Virus cúm cũng có khả năng biến đổi liên tục, khiến việc điều trị và phòng ngừa trở nên khó khăn hơn.
cach-tri-cam-cho-ba-bau-3-thang-dau-nhung-dieu-nen-biet 1
Sức đề kháng của bà bầu thường suy giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh cảm

Đối với bà bầu trong 3 tháng đầu, cảm cúm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có nguy cơ tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi. Các biến chứng có thể bao gồm sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh nếu không được điều trị kịp thời.

Việc phân biệt rõ ràng giữa cảm lạnh và cảm cúm là bước đầu quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Bà bầu 3 tháng đầu bị cảm gây nguy hiểm cho thai như như thế nào?

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ phải thích nghi với nhiều thay đổi, đặc biệt là sự điều chỉnh của hệ miễn dịch để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, điều này cũng làm suy giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể, khiến phụ nữ mang thai dễ bị các bệnh như cảm.

Sự suy yếu của hệ miễn dịch cùng với những biến đổi về hormone trong thai kỳ làm cho việc đối phó với virus trở nên khó khăn hơn. Đối với mẹ bầu, một đợt cảm cúm dù nhẹ cũng có thể kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của mẹ mà còn đến sự phát triển của thai nhi, do đó cần phải biết các cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu.

Mẹ bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng như khả năng chuyển dạ sớm (trước 37 tuần), nguy cơ thai lưu hoặc sảy thai và các biến chứng nặng hơn so với người trưởng thành khác. Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ.

Bên cạnh đó, cảm cúm còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho thai nhi, đặc biệt khi có kèm theo sốt cao. Một số dị tật bẩm sinh đã được ghi nhận, chẳng hạn như thai vô sọ, nứt đốt sống, thoát vị não, sứt môi, hở hàm ếch hoặc các rối loạn như hẹp đại tràng, bất sản thận hai bên, khuyết tật mất chi, bất thường liên quan đến hệ tiêu hóa. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật trong thai kỳ là vô cùng quan trọng để bảo vệ cả mẹ và bé.

cach-tri-cam-cho-ba-bau-3-thang-dau-nhung-dieu-nen-biet 2
Bệnh cảm cúm nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng cho thai nhi

Cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu

Cách giảm sốt cho bà bầu khi bị cảm

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, cơn sốt do cảm thường khiến mẹ bầu khó chịu và mệt mỏi, nhưng việc sử dụng thuốc hạ sốt cần hạn chế để bảo vệ thai nhi. Thay vào đó, mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên để giảm sốt tại nhà.

Lau người bằng nước ấm là một phương pháp hiệu quả, giúp lỗ chân lông giãn nở, tuần hoàn máu tốt hơn và hạ sốt nhanh chóng, đặc biệt khi lau ở các vùng như nách, bẹn, trán. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tránh dùng nước lạnh hoặc chườm đá vì có thể gây tác dụng ngược.

Đồng thời, việc bổ sung nước và chất điện giải, chẳng hạn như dung dịch Oresol, rất cần thiết để bù lại lượng nước và điện giải mất đi, giúp cơ thể ổn định, giảm mệt mỏi.

Ngoài ra, mẹ bầu nên mặc quần áo thoáng mát, tránh mặc quá nhiều lớp và có thể đắp thêm một chiếc chăn mỏng nếu cần giữ ấm. Nghỉ ngơi đầy đủ cũng là yếu tố quan trọng, giúp cơ thể tập trung chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm tình trạng suy nhược và phục hồi nhanh hơn.

Song song với đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vitamin C, protein và chất chống oxy hóa để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể đối phó với nhiễm trùng. Nếu tình trạng sốt không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

cach-tri-cam-cho-ba-bau-3-thang-dau-nhung-dieu-nen-biet 3
Bổ sung nước là giải pháp hạ sốt an toàn cho bà bầu 3 tháng đầu

Thăm khám và điều trị cảm bằng thuốc

Nếu sử dụng các cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu tại nhà mà tình trạng sốt không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị bằng các phương pháp an toàn nhất.

Ngoài ra, bà bầu cần lưu ý tránh sử dụng các loại thuốc trị cảm cúm thông thường, vì chúng có thể gây tác dụng phụ hoặc bị chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai. Việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể dẫn đến những nguy hiểm nghiêm trọng như sảy thai, thai dị tật hoặc ngộ độc thai nghén.

Các loại thuốc bà bầu 3 tháng đầu cần tránh bao gồm nhóm thuốc chống virus như Tamiflu, Flumadine, Relenza, Symmetrel; thuốc Aspirin và các thuốc điều trị cảm cúm, cảm lạnh, ho như Guaifenesin, Dextromethorphan.

Nếu cần thiết phải điều trị cảm bằng thuốc bà bầu chỉ nên sử dụng thuốc theo đơn và chỉ định của bác sĩ.

Những lưu ý trong điều trị và phòng ngừa bệnh cúm

Bà bầu 3 tháng đầu bị cảm cần lưu ý gì?

Bên cạnh việc tìm hiểu các cách trị cảm cho bà bầu 3 tháng đầu, mẹ bầu cũng cần lưu ý tránh sử dụng tinh dầu, thuốc trị bệnh, tắm nước quá nóng, làm việc quá sức hoặc tiếp xúc với khói thuốc và hóa chất. 

Ngoài ra, mẹ bầu cần nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau ngực, chóng mặt, nôn mửa dữ dội hoặc giảm chuyển động của thai nhi, mẹ bầu nên đến cơ sở y tế ngay.

cach-tri-cam-cho-ba-bau-3-thang-dau-nhung-dieu-nen-biet 4
Bà bầu nên nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật

Phòng ngừa bệnh cúm ở bà bầu như thế nào?

Bà bầu trong 3 tháng đầu cần phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm để có biện pháp phòng ngừa, điều trị thích hợp. Phòng ngừa cúm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe mẹ và sự phát triển của thai nhi.

  • Bà bầu nên tránh dùng chung đồ dùng, thức ăn hoặc cốc với người có nguy cơ mắc cảm cúm. Cần hạn chế chạm tay vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi và cổ họng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn hoặc mang theo dung dịch rửa tay nhanh để sử dụng khi cần thiết. Khi tiếp xúc với người có triệu chứng cảm cúm, bà bầu nên đeo khẩu trang hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp.
  • Tiêm phòng cúm và các loại vắc-xin khác trước hoặc trong thai kỳ là một biện pháp quan trọng.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, góp phần ngăn ngừa bệnh cảm.

Việc chăm sóc sức khỏe cho bà bầu trong 3 tháng đầu mang thai là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi đối mặt với bệnh cảm. Bà bầu cần chú ý phân biệt rõ các loại cảm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều trị an toàn để bảo vệ bản thân và sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, bà bầu cần tránh tự ý dùng thuốc, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin