Phân biệt cảm cúm với cảm lạnh: Làm thế nào để nhận biết?
Ngày 17/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cảm lạnh và cảm cúm đều là các bệnh lý thường gặp khắp nơi trên thế giới. Khá nhiều người vẫn không phân biệt cảm cúm với cảm lạnh được và vẫn nghĩ chúng là một. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cảm cúm và cảm lạnh là hai loại bệnh có những biểu hiện đặc thù riêng biệt.
Bài viết này sẽ giải thích cảm cúm và cảm lạnh là bệnh như thế nào, giúp bạn phân biệt cảm cúm với cảm lạnh và cách để bạn ngăn ngừa bệnh.
Thế nào là cảm cúm và cảm lạnh?
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu qua về định nghĩa về cảm cúm và cảm lạnh để có cái nhìn rõ ràng hơn về hai loại bệnh này.
Cảm lạnh
Cảm lạnh (Cold) là một loại nhiễm trùng hô hấp nhưng không phải do vi khuẩn mà do nhiều loại virus gây ra. Virus thường gặp nhất gây ra tình trạng này là rhinovirus. Đối với người lớn, số lần mắc cảm lạnh có thể dao động từ 2 đến 3 lần mỗi năm, và con số này có thể cao hơn ở trẻ em. Hầu hết mọi người sẽ bị cảm lạnh nhiều lần từ lúc mới sinh ra cho đến tận sau này,
Virus gây cảm lạnh thường xâm nhập vào cơ thể qua mũi và xoang. Để đối phó với virus, cơ thể sản xuất chất nhầy trong mũi như một cách để “loại bỏ” nó. Chính chất nhầy này là nguyên nhân của những triệu chứng cảm lạnh mà ta thường thấy.
Cảm cúm
Giống với cảm lạnh, cảm cúm (Flu) cũng do virus gây ra nhưng virus cúm có nhiều loại, dẫn đến cảm cúm cũng được phân thành nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
Cúm A: Hai chủng virus cúm A được tìm thấy ở người là chủng H1N1 và H3N2. H1N1 thường lây lan từ gia cầm và có thể từ lợn, gây ra những đại dịch cúm vào năm 1918 và năm 2009 (theo số liệu của CDC - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ).
Cúm B: Không thường gặp như cúm A và có xu hướng xuất hiện theo từng đợt, theo mùa. Theo CDC, cúm B không được phân loại theo phân nhóm, nhưng bao gồm 2 dòng virus là Yamagata và Victoria.
Cúm C:Virus cúm C gây bệnh nhẹ hơn cúm A và cúm B, tuy nhiên CDC lưu ý rằng, các vắc xin cúm A và B lại không thể chống lại virus cúm C.
Cúm D: Là một chủng tương đối mới, chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa có báo cáo cho thấy nó có gây bệnh cho người.
Phân biệt cảm cúm với cảm lạnh như thế nào?
Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh dễ lây lan, đều có ảnh hưởng đến hệ hô hấp và có chung nhiều triệu chứng. Chúng ta sẽ xem xét một số khía cạnh quan trọng giúp phân biệt cảm cúm với cảm lạnh, những thông tin này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra cảm cúm và cảm lạnh đều là do virus. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhất định giữa các loại virus này.
Cảm lạnh có thể do một số loại virus khác nhau gây ra, những loại phổ biến nhất bao gồm rhinovirus, parainfluenza và coronavirus theo mùa (không phải là loại gây ra COVID-19).
Cảm cúm chỉ do một mình virus cúm gây ra, tuy nhiên virus cúm lại có nhiều chủng và 3 chủng gây ảnh hưởng chính đến con người là cúm A, cúm B và cúm C.
Các virus gây bệnh có thể lây lan qua không khí, qua tiếp xúc cơ thể và dịch tiết đường hô hấp. Các hành động như bắt tay, chạm vào đồ vật bị nhiễm và tiếp xúc với những giọt bắn từ việc hắt hơi hoặc ho của người bệnh.
Triệu chứng
Mặc dù các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm có thể giống nhau, nhưng vẫn tồn tại những điểm khác biệt cụ thể giữa hai tình trạng này và đây là cơ sở để phân biệt cảm cúm với cảm lạnh dễ nhất.
Cảm lạnh
Các triệu chứng của cảm lạnh thường bắt đầu bằng đau họng và sẽ biến mất sau một hoặc hai ngày. Các triệu chứng khác về mũi, như sổ mũi và nghẹt mũi cùng với ho thường xuất hiện vào ngày thứ tư và thứ năm. Trẻ em có nhiều khả năng sẽ sốt khi gặp cảm lạnh, tuy nhiên sốt thường ít phổ biến ở người lớn.
Mũi của bạn sẽ có thể tiết dịch trong vài ngày đầu. Sau đó lượng dịch sẽ đặc và có thể trở nên sẫm màu hơn.
Khi gặp cảm lạnh, các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng một tuần. Ba ngày đầu tiên từ khi bạn bắt đầu có các dấu hiệu cảm lạnh là thời điểm mà bạn có thể lây bệnh cho người khác, vì vậy lúc này có thể ở nhà để nghỉ ngơi nếu cần thiết.
Nếu các triệu chứng cảm lạnh dường như không cải thiện sau một tuần, bạn có thể nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ xem bạn liệu có bị dị ứng hoặc viêm xoang hay không.
Cảm cúm
Các triệu chứng của cảm cúm thường nghiêm trọng hơn cảm lạnh và xuất hiện nhanh chóng. Triệu chứng bao gồm cảm giác đau rát ở họng, sốt cao trên 37,8°C, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, đau cơ, tắc nghẽn mũi, ho khan và còn có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn và tiêu chảy nếu bị cúm lợn.
Hầu hết các triệu chứng cảm cúm sẽ dần được cải thiện trong khoảng 2 - 5 ngày, nhưng sự mệt mỏi có thể kéo dài trong một tuần hoặc hơn, điều này là bình thường. Tuy nhiên, cảm cúm có thể dẫn tới một biến chứng nặng hơn là viêm phổi, đặc biệt ở người già và những người có vấn đề về phổi hoặc tim. Nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc sốt trở lại sau khi đã khỏi 1 - 2 ngày, hãy báo ngay với bác sĩ.
Các yếu tố nguy cơ
Có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh và cảm cúm. Chúng bao gồm:
Tuổi: Theo CDC, trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ cao phát triển các biến chứng do cảm cúm.
Mùa: Virus cúm hoạt động trong một phạm vi rộng, tuy nhiên giai đoạn từ giữa tháng 10 đến tháng 5 thường là khoảng thời gian mà nguy cơ mắc cúm cao nhất. Đối với cảm lạnh, bạn sẽ thường mắc phải vào mùa đông và mùa xuân nhiều hơn.
Hệ thống miễn dịch suy yếu: Đây là điều kiện để virus có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn.
Hút thuốc: Hút thuốc trong thời gian dài làm cho đường hô hấp của bạn bị tổn thương và sẽ trở nên nhạy cảm hơn với virus. Theo báo cáo từ Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, những người hút thuốc thường trải qua triệu chứng cảm lạnh một cách nghiêm trọng hơn.
Mang thai: Những phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba dễ bị biến chứng do cúm hơn bình thường.
Làm gì để ngăn ngừa cảm cúm và cảm lạnh?
Để phòng tránh cảm cúm ngay từ đầu, CDC khuyến cáo bạn nên tiêm chủng ngừa cúm mỗi năm, bắt đầu từ lúc 6 tháng tuổi trở lên. Những loại vắc xin cúm này sẽ giúp cơ thể chống lại các loại virus mà các cơ quan y tế dự đoán chúng sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Không có vắc xin ngăn ngừa cảm lạnh thông thường, đây cũng là một điểm để phân biệt cảm cúm với cảm lạnh. Tuy nhiên bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc lây lan virus cho người khác nhờ việc giữ vệ sinh cơ thể. CDC khuyên rằng bạn nên rửa tay thường xuyên và hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng nếu tay chưa rửa. Sử dụng dung dịch cồn sát trùng nếu không có xà phòng và nước.
Sử dụng khẩu trang có thể giúp hạn chế sự lây lan của cảm lạnh và cúm. Nếu bản thân có dấu hiệu cảm lạnh hoặc cảm cúm, bạn nên đeo khẩu trang nếu tiếp xúc gần với người khác để hạn chế lây lan.
Tóm lại, có thể thấy được cách phân biệt cảm cúm với cảm lạnh là cảm cúm có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có nhiều khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn cảm lạnh. Tuy nhiên, cả hai loại bệnh hầu hết đều có triệu chứng tương đối nhẹ và bạn có thể điều trị chúng tại nhà.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.