Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam mà bố mẹ cần biết

Ngày 10/08/2024
Kích thước chữ

Chảy máu cam không quá nguy hiểm nhưng có thể tạo nên cảm giác hoảng sợ, lo lắng ở trẻ. Vậy nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em là gì? Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam thế nào cho hiệu quả? Bài viết sau sẽ giải đáp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ vấn đề trên.

Chảy máu cam là tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt là trẻ em. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam như không khí khô hay tác động trực tiếp ở mũi. Vì thế, bố mẹ cần biết cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam để giúp trẻ trải qua tình trạng này một cách nhẹ nhàng hơn.

Chảy máu cam là gì?

Chảy máu mũi hay chảy máu cam có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên, phần lớn xuất hiện ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam có thể tự ngưng và được chăm sóc tại nhà. Trẻ chảy máu cam được chia thành 2 loại là chảy máu mũi sau và chảy máu mũi trước.

Chảy máu mũi sau

Chảy máu mũi sau chiếm khoảng 10% số ca chảy máu cam. Tình trạng chảy máu này thường xảy ra tại những mạch máu ở vị trí sâu và cao hơn của mũi. Chảy máu xuất hiện ở cả hai bên, máu ở mũi chảy nhiều về phía sau, đi xuống họng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam mà bố mẹ cần biết 1
Chảy máu mũi sau chiếm khoảng 10% số ca chảy máu cam

Tuy tình trạng chảy máu mũi cam ở mũi sau không phổ biến nhưng có độ nguy hiểm khá cao do khó kiểm soát được tình trạng chảy máu. Trong trường hợp này, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra. Chảy máu cam ở mũi sau cũng có thể xuất hiện ở những người cao tuổi cao huyết áp hoặc xuất hiện trong các chấn thương vùng mặt, mũi.

Chảy máu mũi trước

Chảy máu mũi trước thường xuất hiện ở phía trước mũi. Trường hợp chảy máu mũi trước chiếm khoảng 90% các trường hợp chảy máu cam. Vị trí dễ xuất hiện tình trạng chảy máu nhất là ở đám rối Kiesselbach ở dưới vách ngăn của mũi (do phần này chưa nhiều mạch máu nhỏ nên dễ vỡ).

Chảy máu cam thường xuất hiện ở một bên mũi, máu mũi chủ yếu sẽ chảy ra từ trước mũi với một lượng không nhiều. Tình trạng chảy máu mũi trước thường xuất hiện ở trẻ em sống trong môi trường thời tiết hanh khô, dùng điều hòa trong một thời gian dài. Niêm mạc khô có thể dẫn đến vách ngăn của mũi có vảy, nứt nẻ và dễ bị chảy máu.

 Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam mà bố mẹ cần biết 2
Trường hợp chảy máu mũi trước chiếm khoảng 90% các trường hợp chảy máu cam

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu cam ở trẻ em

Trước khi tìm cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam, cần biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các nguyên nhân chính gây chảy máu cam ở trẻ có thể kể đến như:

  • Tác động trực tiếp: Hầu hết các trường hợp chảy máu cam là do có tác động trực tiếp làm vùng mũi bị tổn thương. Thường gặp nhất ở trẻ là khi trẻ hiếu kỳ, tò mò, cho các đồ chơi nhỏ vào mũi gây tổn thương mũi.
  • Khối u mũi: Khối u mũi đa phần là lành tính, tuy rất hiếm nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
  • Không khí khô: Phòng có độ ẩm hay nhiệt độ quá cao sẽ làm không khí khô, từ đó làm cho màng nhầy ở vách mũi bị mất sức co giãn và tính đàn hồi. Lúc này, chỉ cần trẻ chà xát mũi, hắt hơi hay ngoáy mũi cũng có thể làm chảy máu mũi.
  • Nguyên nhân khác: Cơ thể thiếu vitamin C, viêm mạch máu, nhiễm trùng, viêm mũi mãn tính, bệnh di truyền liên quan đến sự thay đổi cấu trúc của mạch máu,... cũng có thể là nguyên nhân làm tăng tính thấm ở thành mạch và dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam mà bố mẹ cần biết 2
Không khí khô có thể khiến trẻ bị chảy máu cam

Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam hiệu quả

Bố mẹ cần lưu ý cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam như sau:

  • Bố mẹ cần động viên, trấn an và an ủi trẻ để trẻ không bị hoảng sợ.
  • Nhắc nhở trẻ không dùng tay ngoáy vào mũi, thay vào đó, hãy dùng giấy sạch.
  • Nên đặt trẻ ngồi thẳng với phần đầu và cổ hơi cúi về trước để ngăn tình trạng máu có thể chảy xuống họng. Không đặt trẻ ngồi ngửa đầu ra sau hoặc nằm.
  • Bố mẹ dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt cánh mũi trẻ, ở phần chóp mũi mềm nhằm ngăn máu chảy. Đồng thời, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ hít thở bằng miệng. Nên giữ động tác bóp cánh mũi trẻ trong khoảng 5 đến 10 phút để máu đông lại, tránh việc thả tay ra thường xuyên, việc này có thể làm máu tiếp tục chảy.
  • Bố mẹ cũng có thể chườm lạnh hoặc đặt một chiếc khăn mát ở vùng gốc mũi để giúp mạch máu co lại và giảm được tình trạng chảy máu.
  • Hướng dẫn trẻ cách nhổ máu tích tụ ở bên trong miệng vì việc nuốt máu có thể gây tình trạng buồn nôn và nôn. Ngoài ra, có thể cho trẻ uống nước để giảm mùi máu khó chịu trong miệng.
  • Nếu tình trạng chảy máu cam của trẻ vẫn không giảm, bố mẹ có thể xịt thuốc chống xung huyết chứa hoạt chất oxymetazolin vào 2 bên mũi trẻ.
Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam mà bố mẹ cần biết 3
Bóp vào mũi trẻ là cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam hiệu quả giúp giảm chảy máu

Bố mẹ cần theo dõi tình trạng chảy máu cam của trẻ trong lúc sơ cứu. Nếu đã thực hiện các biện pháp trên trong 20 phút mà vẫn không hiệu quả, hoặc khi thấy trẻ có biểu hiện yếu sức, chóng mặt, máu chảy nhanh, chảy nhiều máu, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay để các bác sĩ thăm khám và đưa ra giải pháp phù hợp.

Chảy máu cam là tình trạng xảy ra thường xuyên ở trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức về cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam để kịp thời sơ cứu khi con em mình mắc phải tình trạng này. Điều quan trọng hơn hết là bố mẹ phải thật bình tĩnh trấn an trẻ nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin