Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Cách xử lý tình huống nguy hiểm chi tiết dành cho trẻ em

Ngày 04/07/2024
Kích thước chữ

Trẻ em có thể gặp những tình huống nguy hiểm bất ngờ trong cuộc sống mà không có người lớn ở bên cạnh để trợ giúp. Vì thế, việc trang bị kiến thức về cách xử lý tình huống nguy hiểm cho trẻ em là điều rất cần thiết, giúp trẻ tự tin giải quyết các vấn đề và tự mình vượt qua mọi khó khăn.

Việc dạy trẻ nhỏ cách xử lý tình huống nguy hiểm không hề đơn giản vì các tình huống này thường xảy đến một cách bất ngờ, khó lường trước. Tuy nhiên, các bật phụ huynh vẫn có thể trang bị cho con một số kĩ năng ứng phó cơ bản nhất để giảm thiểu những hậu quả từ những tình huống không mong muốn.

Phân loại các tình huống nguy hiểm

Tình huống nguy hiểm do con người gây ra:

  • Cướp giật;
  • Ăn hiếp;
  • Trộm cắp;
  • Xâm hại người khác;
  • Đánh nhau;
  • Cháy nổ;
  • Bắt cóc.

Tình huống nguy hiểm do thiên nhiên gây ra:

  • Mưa;
  • Bão, giông, sấm sét;
  • Hạn hán;
  • Gió lớn;
  • Lũ quét, sạt lở;
  • Động đất.

Cách xử lý tình huống nguy hiểm trẻ em cần biết

Sau đây là những tình huống mà trẻ có thể gặp phải và cách xử lý tình huống nguy hiểm phù hợp:

Ứng phó trẻ bị lạc ba mẹ

Trẻ em thường hiếu động, nghịch ngợm, thích chạy nhảy nên dễ bị lạc đường, đặc biệt ở những nơi đông người. Do đó, ba mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng ứng phó với tình huống đi lạc sau đây:

  • Giữ bình tĩnh: Ba mẹ nên dạy trẻ nếu lỡ bị lạc thì nên giữ bình tĩnh, đừng hoảng hốt vì khiến cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Ba mẹ cần giải thích cho trẻ đi lạc không phải là chuyện quá nghiêm trọng, chỉ là tạm thời mất liên lạc với ba mẹ, nếu trẻ bình tĩnh thì sẽ được gặp ba mẹ sớm hơn.
  • Tìm người giúp đỡ: Ba mẹ dạy trẻ tìm đến những người lớn có trách nhiệm như nhân viên bảo vệ, người quản lý khu vực và cung cấp những thông tin liên quan đến ba mẹ để họ giúp đỡ.
  • Chú ý trang phục: Ba mẹ nên cho trẻ mặc trang phục có màu sắc sặc sỡ khi đến những nơi đông người và dạy trẻ đứng yên, không di chuyển hoặc đứng ở vị trí quen thuộc khi bị lạc để ba mẹ dễ tìm thấy trẻ.
  • Dạy con những thông tin quan trọng: Tên của ba mẹ, địa chỉ nhà, số điện thoại của ba mẹ để trẻ có thể nhờ gọi khi cần. Ngoài ra, con nên từ chối yêu cầu của người lạ, chẳng hạn đề nghị đưa con về nhà, thay vào đó hãy nhờ họ gọi điện cho ba mẹ và chờ ba mẹ tới đón.
Cách xử lý tình huống nguy hiểm chi tiết dành cho trẻ em 1
Người lớn càn dạy trẻ em cách ứng phó khi gặp tình huống đi lạc

Ứng phó tình huống hỏa hoạn

Khi phát hiện có khói, cháy nổ (hỏa hoạn), ba mẹ nên dạy trẻ cách xử lý tình huống nguy hiểm này như sau:

  • Bình tĩnh, thông báo cho người lớn.
  • Tìm cách thoát ra khỏi đám cháy.
  • Nếu ở gần điện thoại, có thể gọi điện tới số 114 để thông báo.

Khi trẻ bị mắc kẹt trong đám cháy, nên dạy trẻ:

  • Tìm lối thoát hiểm an toàn.
  • Để thoát đám cháy, ba mẹ dạy trẻ đi khom hoặc bò trên đường di chuyển.
  • Lấy khăn, nhúng nước làm ướt khăn để che mũi, miệng và xung quanh người.
  • La lớn, kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Cách xử lý tình huống nguy hiểm chi tiết dành cho trẻ em 2
Giáo viên đang dạy trẻ cách đi khom người khi gặp tình huống bị hỏa hoạn

Ứng phó tình huống bị thương khi ở nhà một mình

Do hiếu động, trẻ có thể tự làm mình bị thương khi ở nhà một mình như bị bỏng, chảy máu chân, tay,... Nếu bị nhẹ, ba mẹ dạy trẻ có thể tự sơ cứu như dán băng cá nhân, bôi kem trị bỏng. Nếu bị nặng, hãy dặn trẻ gọi điện ngay cho ba mẹ hoặc sang nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ.

Ứng phó khi có người lạ gõ cửa

Khi trẻ ở nhà một mình, ba mẹ nên dạy trẻ xử lý tình huống nguy hiểm khi có người lạ gõ cửa:

  • Khi trẻ ở nhà một mình, ba mẹ dặn trẻ nếu người lạ yêu cầu mở cửa, tuyệt đối không được mở. Trẻ có thể giả vờ gọi ba mẹ thật to để kẻ xấu tưởng ba mẹ đang ở nhà, sẽ sợ và bỏ đi ngay.
  • Nếu có người đòi vô nhà để sửa chữa bếp ga, đồ điện trong nhà, đường ống nước hoặc thu tiền điện thoại,... trẻ cũng không được mở cửa, nên thông báo rằng ba mẹ không có ở nhà nên không mở cửa được.
  • Nếu có người bảo là người quen với ba mẹ hay gọi đúng tên của trẻ, trẻ cũng không được mở cửa.
  • Nếu người lạ không chịu đi, trẻ hãy gọi điện cho ba mẹ hoặc một người đang tin cậy, cũng có thể gọi điện thoại 113 để báo cảnh sát.

Ứng phó khi trẻ bị đuối nước

Khi trẻ rơi xuống nước, ba mẹ cần dạy trẻ một số kỹ năng sau để không bị đuối nước:

  • Bình tĩnh, hít thật sâu để có nhiều hơi vào phổi, cố gắng nín thở lâu nhất có thể, thả lỏng người để nước đẩy người trẻ sát lên mặt nước.
  • Dùng tay hoặc chân như mái chèo, quạt nước để đẩy đầu nhô lên khỏi mặt nước hoặc cũng có thể đẩy người trôi đi dễ dàng bằng cách quạt nước xiên, vì người trở nên nhẹ hơn trong nước so với trên cạn.
  • Khi cơ thể chuyển động lên xuống, trẻ há miệng to hít vào nhanh và sâu lúc nhô lên mặt nước và ngậm miệng thở ra từ từ bằng miệng hoặc bằng mũi khi ở dưới mặt nước.
Cách xử lý tình huống nguy hiểm chi tiết dành cho trẻ em 3
Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước 

Để tránh tình huống đuối nước, trẻ cần lưu ý:

  • Khi đi bơi, trẻ không bơi một mình mà nên bơi theo nhóm, bơi ở chỗ đông người để nếu không may sẽ có sự giúp đỡ kịp thời.
  • Trẻ không tự ý chơi gần ao hồ, sông, suối,…
  • Cần được sự cho phép và giám sát của bố mẹ khi trẻ muốn đi bơi.

Ứng phó tình huống mưa dông, lốc, sét

Trẻ nên học cách xử lý tình huống nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét:

  • Nên ở trong nhà.
  • Tắt các thiết bị điện trong nhà.
  • Tìm nơi trú ẩn an toàn nếu đang trên đường đi như tòa nhà cao tầng, siêu thị, trường học,...
  • Không đứng trú mưa dưới gốc cây, cột điện.
  • Không nên xem ti vi, không cầm nắm các vật bằng kim loại.
  • Tránh các nơi trống như cánh đồng, bãi đỗ xe, nhà kho,…hay những nơi không có thiết bị chống sét.
  • Không đội mũ, che ô dù có đồ bằng kim loại vì dễ bị sét đánh.
  • Không đứng thành nhóm gần nhau.
  • Chú ý quan sát đường dây điện xem có dây bị đứt không vì dễ dẫn đến tai nạn nếu chưa ngắt điện.

Làm gì để trẻ an toàn khi ở nhà một mình?

Trẻ em thường chạm tay vào những vật dụng trong nhà do tò mò hoặc trẻ có thể gặp tình huống nguy hiểm khi ở nhà một mình. Vì thế, ba mẹ cần lưu ý những điều sau để tránh trẻ gặp nguy hiểm:

  • Cần rút các thiết bị điện như bếp, lò vi sóng, bàn là,... vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
  • Cất thật kỹ các vật dụng nguy hiểm như đồ vật sắc nhọn (dao, kéo, đinh), các vật tròn nhỏ dễ gây hóc,... vì có thể khiến trẻ bị thương. 
  • Cần để chìa khóa nhà nơi trẻ dễ nhớ để trẻ có thể thoát ra được khi khẩn cấp, tránh trường hợp bị nhốt trong nhà.
  • Nhờ hàng xóm để ý giúp, nếu nhà có dấu hiệu lạ thì gọi điện cho ba mẹ hoặc dặn con nếu gặp vấn đề gì hãy nhờ hàng xóm giúp đỡ.
  • Dạy trẻ sử dụng những vật dụng sơ cứu y tế cơ bản.
  • Ba mẹ nên thường xuyên gọi điện về nhà để nắm được tình hình của con và trẻ không được rời điện thoại.
Cách xử lý tình huống nguy hiểm chi tiết dành cho trẻ em 4
Cần rút các thiết bị điện có thể gây nguy hiểm cho trẻ 

Tóm lại, những cách xử lý tình huống nguy hiểm được đề cập trong bài viết trên rất cần thiết cho trẻ em, giúp trẻ có thể tự lập và học được cách giải quyết vấn đề thường gặp trong cuộc sống.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin