Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cần biết gì về xét nghiệm kháng thể sởi?

Ngày 30/07/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm kháng thể sởi hay quai bị là một chẩn đoán để xác định bạn có miễn dịch với bệnh sởi và quai bị hay không. Công tác này được tiến hành bằng cách kiểm tra kháng thể sởi hoặc quai bị có trong máu của bạn bằng cách sử dụng các phương pháp xét nghiệm khác nhau.

Sởi và quai bị là những căn bệnh gây ra do nhiễm trùng virus, dễ dàng lây lan từ người sang người. Thông qua xét nghiệm kháng thể sởi hay quai bị, bạn có thể biết được bản thân đã có được yếu tố bảo vệ hay chưa.

Triệu chứng và biến chứng của bệnh sởi và quai bị

Triệu chứng của bệnh sởi có chút tương tự với triệu chứng gặp phải khi bị cảm lạnh hoặc cúm:

  • Phát ban đỏ sẽ xuất phát ở trên mặt và dần lan ra khắp cơ thể;
  • Sốt cao;
  • Ho;
  • Sổ mũi;
  • Đau họng;
  • Đau mắt đỏ;
  • Đốm trắng nhỏ trong miệng.

Quai bị có triệu chứng như cúm đi kèm với tình trạng sưng đau ở tuyến nước bọt, các triệu chứng bao gồm:

  • Hàm và má bị sưng;
  • Đau đầu, tai, đau cơ;
  • Sốt;
  • Ăn không ngon;
  • Thấy đau khi nuốt.
Cần biết gì về xét nghiệm kháng thể sởi? 1
Phát ban đỏ khắp cơ thể 

Hai bệnh này nếu không chữa trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Một số biến chứng như mù, điếc hoặc các trường hợp hiếm gặp như bị tổn thương mô hay cơ quan sẽ có thể tồn tại vĩnh viễn. Đối với bệnh quai bị, biến chứng viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh.

Xét nghiệm kháng thể sởi và quai bị được thực hiện như thế nào?

Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến quy trình xét nghiệm chẩn đoán bệnh sởi và quai bị.

Mục đích xét nghiệm kháng thể sởi và quai bị

Việc xét nghiệm kháng thể sởi và quai bị có ý nghĩa như sau:

  • Chẩn đoán có nhiễm virus sởi đang hoạt động hay không: Hai loại xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán là xét nghiệm kháng thể IgM hoặc xét nghiệm PCR.
  • Xác nhận bạn đã có khả năng miễn dịch với bệnh sởi hoặc quai bị chưa: Nếu đã từng mắc các bệnh này hay từng tiêm vắc xin phòng bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể IgG để tránh tái nhiễm trong tương lai. Có thể thông qua xét nghiệm kháng thể IgG để xác nhận khả năng này.
  • Hỗ trợ phát hiện và kiểm soát các đợt bùng phát bệnh sởi và quai bị trong cộng đồng: Thông qua các xét nghiệm mà các nhân viên y tế có thể lâm thời ngăn chặn bệnh lây lan.

Trường hợp phải xét nghiệm kháng thể sởi hoặc quai bị

Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau thì cần phải xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch với bệnh sởi hoặc quai bị:

  • Xuất hiện triệu chứng của bệnh;
  • Phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch mang thai;
  • Sắp bắt đầu một chương trình học hoặc công việc cần có chứng minh rằng bạn miễn dịch với các bệnh trên;
  • Có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh sởi hoặc quai bị.
Cần biết gì về xét nghiệm kháng thể sởi? 2
Phụ nữ có thai nên xét nghiệm kháng thể sởi

Các xét nghiệm này có rủi ro hay không?

Thông thường, có rất ít rủi ro xảy ra khi tiến hành xét nghiệm kháng thể sởi hoặc quai bị. Một số cảm giác đau tại vị trí tiêm, buồn nôn khi lấy dịch ở cổ họng hoặc mũi chỉ là tạm thời, chúng có thể nhanh chóng kết thúc.

Các thông tin cần cung cấp trước khi xét nghiệm

Một số thông tin mà bạn sẽ được yêu cầu cung cấp trước khi làm xét nghiệm bao gồm:

  • Các thông số lâm sàng cần thiết có liên quan;
  • Tiền sử phơi nhiễm nếu có tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ hoặc đã xác nhận nhiễm bệnh;
  • Lịch sử tiêm vắc xin sởi;
  • Có từng mắc bệnh sởi hoặc quai bị hay chưa;
  • Có đang mang thai hay không;
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch;
  • Cần nêu rõ bản thân có phải nhân viên y tế hay không, kèm nguyên nhân cần thực hiện xét nghiệm tại thời điểm đó.

Quá trình xét nghiệm

Xét nghiệm kháng thể sởi và quai bị cần phải có mẫu máu. Còn xét nghiệm PCR thì cần mẫu máu hoặc chất lỏng từ miệng, cổ họng hoặc mũi.

  • Lấy mẫu máu: Mẫu máu sẽ được lấy từ tĩnh mạch cánh tay.
  • Sử dụng tăm bông: Các mẫu chất lỏng từ miệng, má và mũi sẽ được nhân viên y tế dùng tăm bông để lấy mẫu.
  • Hút hoặc rửa mũi: Nhân viên y tế nhỏ dung dịch muối (nước muối) vào mũi bạn và hút nhẹ để lấy mẫu ra.
Cần biết gì về xét nghiệm kháng thể sởi? 3
Nhân viên y tế dùng tăm bông lấy mẫu xét nghiệm

Nếu bác sĩ nhận định bạn đã nhiễm bệnh thì bạn có thể cần làm nhiều hơn một loại xét nghiệm. Trường hợp nếu bác sĩ nghĩ rằng sởi hoặc quai bị đã gây ra viêm não hoặc viêm màng não, thì chọc tủy sống để kiểm tra là điều sẽ cần được xem xét tiến hành.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm

Kết quả xét nghiệm âm tính: Kết quả này cho thấy không có dấu hiệu của bệnh sởi hoặc quai bị được tìm thấy trong mẫu của bạn. Qua đó cho biết hiện tại bạn không mắc các bệnh này. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là bạn không miễn dịch với cả bệnh sởi lẫn quai bị.

Kết quả xét nghiệm dương tính: Kết quả này có ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện:

  • Xét nghiệm PCR dương tính: Trong máu của bạn có virus sởi hoặc quai bị và hiện bạn đang nhiễm bệnh.
  • Xét nghiệm kháng thể IgM dương tính: Điều này có nghĩa là bạn đang mắc một trong hai bệnh trên, hoặc bạn vừa mới nhiễm bệnh gần đây.
  • Xét nghiệm kháng thể IgG dương tính: Kết quả này chứng tỏ bạn có miễn dịch với bệnh do tiêm vắc xin hoặc đã từng mắc bệnh.

Cần làm gì khi kết quả xét nghiệm là dương tính?

Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện phát ban, cần lập tức cách ly và chăm sóc trong 7 ngày theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Trường hợp bệnh nhẹ thì có thể cho cách ly tại nhà. Đối với trường hợp nặng hoặc có dấu hiệu biến chứng thì phải được cách ly và điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế trong suốt quá trình cách ly.

Người nhà bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là phụ nữ có thai. Nếu buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì phải trang bị khẩu trang y tế và đồ bảo hộ.

Phòng ngừa bệnh sởi và quai bị

Nhằm phòng ngừa bệnh sởi và quai bị, tiêm vắc xin MMR là điều vô cùng cần thiết. Từ trẻ em cho đến người lớn đều cần tiêm vắc xin phòng bệnh này.

Cần biết gì về xét nghiệm kháng thể sởi? 4
Tiêm vắc xin MMR để phòng ngừa bệnh sởi

Một số trường hợp không nên tiêm vắc xin MMR hoặc phải đợi một khoảng thời gian:

  • Người có bất kỳ phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Phụ nữ có thai hoặc có dự định mang thai.
  • Đối tượng bị suy giảm miễn dịch do bệnh tật (ung thư hoặc HIV/AIDS) hoặc do điều trị y tế (xạ trị, liệu pháp miễn dịch, steroid hay hóa trị).
  • Trong gia đình có người từng mắc bệnh về hệ miễn dịch.
  • Bệnh nhân mắc bệnh lao.
  • Nếu bạn vừa tiêm một loại vắc xin khác trong vòng 1 tháng đổ lại.
  • Bạn đang bị cảm hoặc cảm thấy sức khỏe không ổn định.
  • Hoãn tiêm vắc xin MMR từ 3 tháng trở lên nếu gần đây có truyền hoặc nhận máu.

Xét nghiệm kháng thể sởi và quai bị là xét nghiệm cần được tiến hành để có thể kiểm soát và điều trị bệnh sởi và quai bị kịp thời. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin về loại xét nghiệm này. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.