Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Cây mắc ca mang đến lợi ích gì đối với sức khỏe?

Ngày 29/01/2023
Kích thước chữ

Trong số rất nhiều loại hạt dinh dưỡng, mắc ca được ví như “hoàng hậu của các loại hạt”. Cây mắc ca và hạt mắc ca sẽ khiến chúng ta phải ngạc nhiên về những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

Dù có nguồn gốc từ nước Úc xa xôi, nhưng đến nay, cây mắc ca đã được trồng phổ biến trên toàn thế giới. Loài thực vật này nhanh chóng được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia bởi nó mang đến một loại hạt dinh dưỡng có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cực cao. Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về những lợi ích đối với sức khỏe mà mắc ca mang lại.

Cây mắc ca và hạt mắc ca

Mắc ca (tên khoa học là Macadamia) là loài thân gỗ được trồng nhiều ở các nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới. Cây có thể cao đến 13m và sống hơn 100 năm. Úc là nước sản xuất mắc ca lớn nhất. Nhưng hạt mắc ca ở Hawaii lại được đánh giá cao nhất về giá trị dinh dưỡng và độ thơm ngon. 

Theo thống kê, có đến 7 loại mắc ca khác nhau. Nhưng chỉ có 2 loại ăn được là mắc ca vỏ mịn và mắc ca vỏ thô. Hạt mắc ca được bọc trong một lớp vỏ gỗ cứng. Chúng ta cần tách phần vỏ gỗ này để lấy phần hạt bên trong. Phần lớn chúng được dùng làm thực phẩm. Ngoài ra, chúng cũng là nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm, bài thuốc chữa bệnh…

cây mắc ca 1
Cây mắc ca và quả mắc ca khi còn xanh

Dinh dưỡng trong hạt mắc ca

Hạt mắc ca không chỉ có hương vị béo ngậy mà còn có giá trị dinh dưỡng cực cao. Đây là lý do nó được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Thành phần dinh dưỡng nổi bật nhất trong hạt mắc ca là chất béo không bão hòa với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Lượng chất béo bão hòa trong loại hạt dinh dưỡng này rất nhỏ và nó cũng không chữa cholesterol.

Trong 28 gram hạt mắc ca, các nhà khoa học tìm thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng như sau:

  • Lượng calo: 204;
  • Protein: 2 gram;
  • Chất béo: 23 gram;
  • Chất xơ: 3 gram;
  • Đường: 1 gram;
  • Carbs: 4 gram;
  • Mangan: 58% giá trị hàng ngày (DV);
  • Đồng: 11% của DV;
  • Thiamine: 22% của DV;
  • Sắt: 6% của DV;
  • Magie: 9% của DV;
  • Vitamin B6: 5% của DV.

Công dụng của cây mắc ca

Cung cấp năng lượng và khoáng chất

Cây mắc ca dành tặng con người một nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời, tốt cho sức khỏe. Khi cần bổ sung năng lượng, thay vì tìm đến những thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, nước ngọt... chúng ta nên sử dụng hạt mắc ca.

Hạt mắc ca cung cấp calo ngay lập tức, giúp chúng ta duy trì năng lượng. Với thành phần dinh dưỡng phong phú, đây cũng là nguồn cung cấp khoáng chất tự nhiên lý tưởng. Hạt mắc ca là lựa chọn hoàn hảo cho một bữa phụ hay bữa ăn vặt. 

Cải thiện chức năng chuyển hóa

Rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ. Người bị rối loạn chuyển hóa thường gặp tình trạng huyết áp cao, đường huyết cao, nhiều mỡ bụng, lượng triglyceride cao, cholesterol xấu cao...

Các bằng chứng khoa học cho thấy các chất béo không bão hòa đơn trong hạt mắc ca có thể giảm nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa và giảm mức độ nghiêm trọng với người đang bị rối loạn chuyển hóa.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Các nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ mắc bệnh mạch vành có thể giảm đáng kể sau 4 tuần ăn hạt mắc ca. Những người ăn loại hạt này ít nhất 8 lần/tuần có thể giảm nguy cơ tử vong sớm.

Công dụng này được các nhà khoa học khẳng định là nhờ acid béo không bão hòa đơn palmitoleic. Loại acid này có tác dụng giảm lipid máu, hạ huyết áp, giảm nhiễm trùng, làm giảm lượng triglyceride (là một thủ phạm gây xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ).

cây mắc ca 3
Mắc ca có hàm lượng chất béo lành mạnh vượt trội

Phòng ngừa bệnh ung thư

Cây mắc ca dành tặng chúng ta một loại “siêu hạt” với tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trong loại hạt này có hàm lượng cao tocotrienols có thể chống lại các tế bào ung thư và flavonoid có thể tiêu diệt các gốc tự do gây đột biến tế bào. 

Tốt cho chức năng não bộ

Tocotrienol có trong hạt mắc ca có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson. Chất béo không bão hòa đơn trong loại hạt này cũng có thể giảm căng thẳng, xoa dịu thần kinh. 

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Acid palmitoleic (omega 7) có trong hạt mắc ca được chứng minh có tác dụng giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể. Chất xơ trong loại hạt này có thể tạo cảm giác no lâu, giúp chúng ta dễ dàng cắt giảm khẩu phần ăn và hạn chế ăn vặt. Hạt mắc ca ít calo nhưng giàu dinh dưỡng sẽ là lựa chọn thay thế hoàn hảo cho những thực phẩm giàu calo khác nếu bạn đang muốn giảm cân. 

Tốt cho hệ xương, răng

Một trong số những khoáng chất quan trọng được tìm thấy trong hạt mắc ca là phốt pho. Nó cần thiết cho quá trình khoáng hóa của xương và răng đồng thời giúp phòng ngừa các bệnh về xương khớp do thiếu hụt canxi. 

Tốt cho làn da

Acid palmitoleic có trong hạt mắc ca rất tốt cho làn da của bạn. Loại acid này có những công dụng nổi bật như duy trì độ ẩm cho da, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi làn da, củng cố màng tế bào da, làm chậm quá trình lão hóa da do tuổi tác và các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.

cây mắc ca 4
Hạt mắc ca khiến chúng ta bất ngờ về những lợi ích cho sức khỏe

Cách ăn hạt macca 

Người ta trồng cây mắc ca để lấy hạt. Hạt mắc ca có thể dùng để ăn trực tiếp như một món ăn vặt lành mạnh. Chúng ta còn có thể dùng loại hạt này để làm bánh, làm sữa hạt và chế biến nhiều món ăn khác nhau. Vì hạt mắc ca có dầu nên dễ bị ôi, hỏng, hôi dầu nếu không được bảo quản đúng cách. Tốt nhất, chúng ta nên bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh và sử dụng hết trong vòng 2 tháng kể từ khi mở hộp. 

Hạt mắc ca có hàm lượng chất béo khá cao nên bạn không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Người trưởng thành có thể ăn khoảng 15 hạt mắc ca mỗi ngày. Nếu là hạt mắc ca rang muối nên ăn ít hơn. Người bị dị ứng với thành phần trong loại hạt này là những người không nên ăn hạt mắc ca

Hy vọng với những thông tin mà Long Châu đã cung cấp, bạn có thêm thông tin hữu ích về cây mắc ca và loại hạt dinh dưỡng được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Hãy sử dụng hạt mắc ca đúng cách để chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin