Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Y học cổ truyền

Cây thương lục có độc không? Cây thương lục có tác dụng gì?

Ngày 21/08/2024
Kích thước chữ

Với nhiều công dụng trị liệu, cây thương lục đã trở thành một vị thuốc trong đông y nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn khi sử dụng. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về cây thương lục có độc không?

Cây thương lục là một loại dược liệu quen thuộc trong đông y. Tuy nhiên, một vấn đề thường được đặt ra là cây thương lục có độc không? Mặc dù có khả năng điều trị nhiều bệnh lý nhưng thương lục chứa độc tố có thể gây nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách.

Tìm hiểu về cây thương lục

Cây thương lục còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như sơn la bạc, thương lục nhỏ, kim thất lương, bạch mẫu kê, trưởng bất lão và dã la bạc. Đây là loài cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao trung bình khoảng 1,5m với thân cây hình trụ, ít nhánh và có màu xanh lục hoặc pha chút đỏ tím. Lá của cây to, mọc so le, phiến lá hình trứng tròn, hai mặt nhẵn bóng có chiều dài từ 10 - 30cm và rộng từ 13 - 14cm. Hoa thương lục có màu trắng, mọc thành cụm dài từ 15 - 20cm. Cây có rễ củ mập, hình dáng tương tự như củ nhân sâm nên thường dễ bị nhầm lẫn. Quả của cây mọng, có màu đỏ tím.

Thương lục có nguồn gốc từ Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc nhưng gần đây đã được di thực vào Việt Nam và đang được trồng tại một số tỉnh thành. Phần rễ của cây là bộ phận được sử dụng, thường được thu hoạch sau 6 - 7 tháng kể từ khi trồng. Sau khi thu hoạch, rễ được cắt bỏ rễ con, rửa sạch, để nguyên rồi phơi khô trong điều kiện râm mát.

Để rễ có mùi tương tự như nhân sâm, người ta ngâm rễ trong mật ong và rượu theo tỷ lệ:

  • 1 kg rễ thương lục;
  • 250 ml rượu;
  • 250 ml mật ong.

Khi rễ đã ngấm đều, tiếp tục sấy hoặc phơi khô (hoặc thái mỏng rồi phơi khô). Dược liệu này cần được bảo quản trong môi trường khô ráo và thoáng mát.

Cây thương lục có độc không? Cây thương lục có tác dụng gì? 1
Quả của cây thương lục mọng, có màu đỏ tím

Cây thương lục có tác dụng gì?

Cây thương lục có độc không? Cây thương lục có tác dụng gì? Cây thương lục có vị đắng, tính hàn và mang độc tính. Tác dụng chính của dược liệu này bao gồm lợi tiểu, đại tả và loại bỏ ẩm thùy tích tụ trong phủ tạng. Vì vậy, cây thương lục thường được sử dụng trong y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như:

  • Thủy thũng;
  • Tà khí trong bụng;
  • Phù nề;
  • Đau cổ;
  • Đầy tức ngực bụng;
  • Khó thở;
  • Xơ gan cổ trướng;
  • Viêm loét cổ tử cung;
  • Các triệu chứng phù thũng, đại tiểu tiện không thông;
  • Ngoài ra, cây này cũng được dùng để đắp ngoài, giúp giảm sưng đau do mụn nhọt.

Thương lục có thể được sử dụng dưới dạng thuốc sắc uống hoặc thuốc đắp ngoài. Liều lượng sắc uống thường nằm trong khoảng 3 - 4g, có thể dùng riêng hoặc kết hợp với các dược liệu khác. Tuy nhiên, liều dùng sẽ được thầy thuốc đông y điều chỉnh tùy theo tình trạng bệnh lý và sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân. Đối với thuốc đắp ngoài, không có giới hạn cụ thể về liều lượng.

Cây thương lục có độc không? Cây thương lục có tác dụng gì? 2
Cây thương lục được sử dụng trong y học cổ truyền có thể điều trị tình trạng xơ gan cổ trướng

Cây thương lục có độc không?

Nhiều người thắc mắc rằng cây thương lục có độc không? Theo các tài liệu y học cổ truyền, thương lục là một loại cây có độc tính cao ở tất cả các bộ phận, với chất độc chính được xác định là phytolaccatoxin (theo nghiên cứu hiện đại). Khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn chất độc này, có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Tê môi, tê lưỡi;
  • Đổ mồ hôi;
  • Hôn mê;
  • Đau bụng;
  • Nôn mửa;
  • Giãn đồng tử;
  • Tiết nhiều đờm;
  • Khó thở;
  • Co giật;
  • Hạ huyết áp;
  • Tim đập nhanh;
  • Nói lảm nhảm;
  • Tinh thần hoảng loạn.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cây thương lục có độc không? Cây thương lục có tác dụng gì? 3
Nhiều người thắc mắc rằng cây thương lục có độc không?

Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây thương lục

Khi sử dụng thương lục trong điều trị bệnh, cần lưu ý các điểm sau:

  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên sử dụng thương lục, do các độc tố trong dược liệu có thể gây nguy hiểm đến thai nhi, thậm chí dẫn đến sảy thai.
  • Người già hoặc những người có hệ tiêu hóa yếu (tỳ vị hư nhược) cũng nên tránh xa loại cây này.
  • Thời gian sử dụng thương lục nên được giới hạn và tuân thủ nghiêm ngặt về liều lượng để tránh nguy cơ tổn thương thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc gây hại cho gân cốt.
  • Nếu sử dụng quá liều, ngộ độc thương lục có thể xảy ra trong vòng 20 - 30 phút. Trong trường hợp này, cần phải nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
  • Khi ngộ độc nhẹ, có thể tạm thời giải độc bằng cách uống nước nấu từ đậu xanh hoặc cam thảo sống đã được giã nát. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, việc kiểm tra y tế vẫn là cần thiết.
  • Đặc biệt, vì rễ của thương lục dễ bị nhầm lẫn với nhân sâm, người dùng cần thận trọng kiểm tra và xác định rõ nguồn gốc dược liệu trước khi sử dụng.
Cây thương lục có độc không? Cây thương lục có tác dụng gì? 4
Rễ của cây thương lục dễ bị nhầm lẫn với nhân sâm nên cần kiểm tra cẩn thận

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc cây thương lục có độc không? Cây thương lục là một vị thuốc phổ biến trong đông y nhưng do chứa độc tính, việc sử dụng phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và thời gian sử dụng theo chỉ dẫn của thầy thuốc hoặc chuyên gia y tế.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin