Long Châu

Cây tía tô: Công dụng và bài thuốc thường dùng

Ngày 17/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tía tô là loại rau gia vị rất phổ biến với người Việt. Nó có thể được dùng để ăn sống hay nấu chín, vừa gia tăng hương vị món ăn lại vừa mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy cây tía tô có công dụng gì?

Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm, sống được trong nhiều điều kiện thời tiết ở Việt Nam, cây tía tô là một trong những loại rau thơm quen thuộc nhất của nước ta. Loại rau gia vị này được dùng để ăn sống, nấu ăn hay nấu nước uống. Không chỉ giúp gia tăng hương vị cho món ăn, tía tô còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

Cây tía tô - Cây gia vị và dược liệu quen thuộc trong vườn nhà

Tía tô còn được biết đến với những tên gọi khác như é tía, tử tô, xích tô. Đây là loài thân thảo, có thể cao đến 1m. Lá tía tô mọc đối, mép lá có răng, mặt dưới lá màu tía và đôi khi cũng tía cả hai mặt. Hoa tía tô màu trắng hoặc tím mọc đầu cành. Toàn cây tía tô đều có lông nhám và có tinh dầu thơm. Trong đó, lá cây là bộ phận chứa nhiều tinh dầu, vitamin và khoáng chất nhất nên là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. 

Trong 100g tía tô tươi có chứa khoảng: 

  • 37 calo;
  • 7g carb;
  • 7g chất xơ;
  • 170 mg canxi (đáp ứng khoảng 23% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày);
  • 13 mg vitamin C (khoảng 43% nhu cầu được khuyến nghị hàng ngày);
  • 3,2 mg sắt;
  • 18,3 mg phốt pho.
cây tía tô 1
Cây tía tô được trồng nhiều làm rau gia vị và thuốc trị bệnh vườn nhà

Công dụng của cây tía tô trong chăm sóc sức khỏe

Tía tô có hương vị pha trộn của hồi hương, quế, bạc hà và cam thảo. Trong Đông y, loại rau gia vị này có vị cay, tính ấm, không độc, quy vào phế, tâm, tỳ. Nó được xếp vào nhóm dược liệu có tác dụng giải biểu, tán hàn, trừ cảm mạo. Hạt tía tô có tác dụng hạ khí, cành tía tô có tác dụng an thai. Các bộ phận lá, cành, rễ hoàn toàn có thể dùng thay thế cho nhau. 

Để đảm bảo dược tính tốt nhất, các bộ phận của cây (trừ rễ) cần được thu hái trước khi ra hoa. Sau khi đã thu hoạch lá mới thu hái cành và quả. Sau khi thu hái có thể sấy nhẹ cho khô để dễ bảo quản. 

Y học hiện đại đã tìm ra nhiều công dụng của cây tía tô trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như: 

Cải thiện trí nhớ

Alzheimer là bệnh lý điển hình liên quan đến suy giảm trí nhớ. Acid omega-3 có trong tía tô có thể chống viêm tế bào thần kinh, cung cấp năng lượng cho não bộ, giúp giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh Alzheimer. Tía tô cũng được chứng minh có hiệu quả trong phòng ngừa cách bệnh sa sút trí tuệ khác. 

Khả năng kháng virus

Chiết xuất tinh dầu tía tô được đánh giá là có khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính. Nó còn có tính kháng virus mạnh. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy dịch chiết từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus gây bệnh Covid-19. 

cây tía tô 2
Tía tô khô cũng có tác dụng như tía tô tươi

Giảm phản ứng dị ứng

Chiết xuất từ cây tía tô có thể làm giảm các phản ứng dị ứng của cơ thể. Chiết xuất ethanol trong lá tía tô được chứng minh có tác dụng làm giảm viêm đường thở, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hen suyễn

Giúp thư giãn tinh thần

Tinh dầu trong tía tô có mùi thơm đặc trưng, là sự pha trộn mùi hương của nhiều cây dược liệu khác nhau. Nó có tác dụng giúp giảm căng thẳng, thư giãn tinh thần, chống trầm cảm hiệu quả. 

Tốt cho huyết áp và tim mạch

Sử dụng tía tô hàng ngày có thể giảm cholesterol trong máu - thủ phạm gây bệnh huyết áp và tim mạch. Những người có thói quen sử dụng tía tô thường xuyên sẽ giảm hẳn nguy cơ mắc các bệnh huyết áp và tim mạch. 

Tốt cho tiêu hóa

Cây tía tô có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu liên quan đến rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, táo bón. Thậm chí những người bị hội chứng ruột kích thích hay trào ngược dạ dày cũng nhận thấy bệnh được cải thiện đáng kể sau một thời gian sử dụng tía tô hàng ngày. 

cây tía tô 3
Lá tía tô có thể ăn sống, nấu chín hay nấu nước uống đều được

Phòng ngừa ung thư

Trong lá tía tô có chứa hàm lượng cao luteolin. Chất này hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh. Trong loại rau gia vị này cũng chứa nhiều hợp chất triterpene và axit rosmarinic. Tất cả những thành phần này đều được khoa học chứng minh có khả năng ức chế các tế bào ung thư tiềm ẩn trong cơ thể. 

Kiểm soát bệnh tự miễn dịch

Một số bệnh lý tự miễn dịch khá thường gặp như hen suyễn, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…Tinh dầu hạt tía tô có chứa nhiều acid omega-3 alpha-linolenic có khả năng kiểm soát hiệu quả các căn bệnh này.

Ví dụ dầu hạt tía tô có thể ức chế sự co thắt đường thở ở bệnh nhân hen suyễn. Dầu hạt tía tô cũng có thể ức chế sự di chuyển của các tế bào bạch cầu vào phổi, giúp phòng ngừa sốc phản vệ

Các bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cây tía tô

Cây tía tô rất phổ biến ở nước ta, thường được trồng nhiều trong vườn nhà hoặc dễ mua ở bất cứ cửa hàng bán rau nào. Vì vậy thật đáng tiếc nếu bạn chưa biết đến những bài thuốc chữa bệnh đơn giản nhưng hiệu quả từ tía tô như:

Bài thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa

Người bị chướng bụng, đầy hơi có thể dùng lá tía tô sạch giã nát, hòa thêm chút nước và muối uống sẽ rất nhanh khỏi. 

Nếu bị đau bụng do ngộ độc thực phẩm, đừng quên giã nát lá tía tô tươi, lọc lấy nước cốt uống. Bạn cũng có thể dùng lá tía tô khô sắc cùng gừng khô để uống hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.

Nếu bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, bạn có thể sắc nước tía tô đặc thành cao. Tiếp đó lấy đậu đỏ rang vàng, tán mịn trộn cùng cao thuốc lá tía tô. Sau khi trộn đều bạn dùng tay viên thành từng viên tròn to như hạt đỗ. Mỗi lần dùng 50 viên sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. 

cây tía tô 4
Nước lá tía tô tốt nhất khi uống nóng

Bài thuốc giải cảm

Lá tía tô tươi rửa sạch, thái nhuyễn cho vào cháo nóng sẽ giải cảm, làm ấm cơ thể, trị ho cực tốt. Chỉ cần dùng một nắm lá tía tô nấu nước uống sẽ giải cảm nhanh chóng. Bạn cũng có thể nấu cây tía tô cùng kinh giới, hương nhu, lá tre, lá sả để làm nước xông giải cảm.

Một bài thuốc giải cảm khác cũng cực kỳ hiệu nghiệm là dùng lá tía tô khô, trần bì, hương phụ mỗi loại 8g nấu cùng 4g cam thảo và 2g gừng tươi thành nước uống khi nóng. 

Bị cảm sốt, ngạt mũi, nhức đầu dùng ngay 120g hạt tía tô, 8g vỏ quýt, 10g cam thảo, 3 lát gừng tươi sắc thành nước thuốc uống khi nóng. Uống mỗi ngày 1 lần cho đến khi khỏi bệnh. 

Bài thuốc chữa bệnh ngoài da

Bài thuốc chữa dị ứng, mẩn ngứa ngoài da hoặc làm đẹp da: Bạn dùng lá và cành tía tô vò nát rồi đun nước tắm hàng ngày. Bạn cũng có thể sắc nước tía tô thật đặc rồi dùng lau rửa vùng da bị ngứa. Ngoài ra, giã nát lá tía tô đắp lên vùng da bị mẩn ngứa cũng rất hiệu nghiệm. 

Cây tía tô là một loại rau gia vị đồng thời cũng là cây thuốc vườn nhà quen thuộc. Hy vọng những thông tin trên của Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về dược liệu này và biết cách khai thác tối đa công dụng của nó nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Medlatec.vn

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm