Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Châm cứu là gì? Vì sao châm cứu có thể giúp trị bệnh?

Ngày 27/04/2023
Kích thước chữ

Châm cứu là một phương pháp điều trị bệnh bằng cách sử dụng kim châm cứu có mũi rất mỏng đâm vào các điểm cụ thể trên cơ thể của bệnh nhân. Mức độ sâu khi châm kim vào da sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh và từng bệnh nhân cụ thể.

Châm cứu là một phương pháp điều trị truyền thống của y học Trung Quốc, được sử dụng từ hàng ngàn năm nay. Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hiệu quả giảm đau của phương pháp này.

Châm cứu là gì?

Để trả lời cho câu hỏi châm cứu là gì? Thì đây là phương pháp đưa kim mỏng vào các điểm cố định trên cơ thể của bệnh nhân, được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau như: Nhức mỏi cơ, đau đầu, huyết áp và một số tình trạng sức khỏe khác. Y học Trung Quốc giải thích rằng sức khỏe của cơ thể là kết quả của sự cân bằng các thái cực, và bệnh tật xảy ra do mất cân bằng những thái cực này. 

Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học hiện đại nào chứng minh sự tồn tại của các kinh mạch hoặc huyệt đạo, nhiều nghiên cứu đã khẳng định phương pháp châm cứu có thể giúp cải thiện sức khỏe và phát huy tác dụng chữa bệnh trong một số điều kiện nhất định. Trên cơ thể con người có đến 350 điểm châm cứu, và việc dùng kim kích thích vào những điểm này sẽ hỗ trợ giúp tạo ra sự cân bằng năng lượng cho cơ thể.

Châm cứu là gì? Vì sao có thể giúp trị bệnh?
Châm cứu là phương pháp đưa kim mỏng vào các điểm cố định trên cơ thể

Một số chuyên gia đã sử dụng lý thuyết khoa học về thần kinh để giải thích cơ chế hoạt động của phương pháp châm cứu truyền thống. Theo lý thuyết này, các huyệt đạo được coi là nơi mà các dây thần kinh, cơ bắp và mô liên kết có thể được kích thích. Khi được kích thích, các điểm này có thể tăng cường lưu lượng máu và kích hoạt khả năng giảm đau tự nhiên của cơ thể.

Do tính chất xâm nhập của phương pháp này (tuy nhiên là khá nhẹ nhàng), các nhà nghiên cứu khó khăn trong việc tiến hành các thử nghiệm. Hầu hết các nghiên cứu đến hiện tại chỉ dừng lại ở cuộc điều trị giả hoặc sử dụng giả dược để so sánh với người được châm cứu thực sự. Với những thông tin chi tiết trên bạn đã có thể biết châm cứu là gì rồi phải không?

Vì sao châm cứu có thể giúp trị bệnh?

Tác dụng của châm cứu phụ thuộc vào loại châm cứu, mỗi phương pháp sẽ có tác dụng đặc biệt trong việc điều trị các bệnh lý khác nhau. Theo quan niệm y học cổ truyền, bệnh tật xảy ra do sự mất cân bằng giữa hai yếu tố "âm" và "dương" trong cơ thể:

  • Âm: Đại diện cho nền tảng vật chất, tính thụ động, tính mát - lạnh...
  • Dương: Đại diện cho năng lực hoạt động, tính chủ động, tính ấm - nóng...

Khi cân bằng giữa âm và dương trong cơ thể bị mất, cơ thể sẽ giảm khả năng chống đỡ bệnh tật, hệ thống kinh mạch bị tắc nghẽn và khiến bệnh phát sinh. Châm cứu là phương pháp giúp phục hồi lại sự tuần hoàn cho hệ kinh mạch và tăng sức đề kháng cho cơ thể, từ đó có thể phòng và điều trị được nhiều bệnh khác nhau.

Châm cứu là gì? Vì sao có thể giúp trị bệnh? 1
Châm cứu tác động lên hệ kinh mạch giúp nâng cao sức đề kháng

Theo nghiên cứu y học hiện đại, đã có một số kết quả được ghi nhận:

  • Khi đo điện trở ở trên vùng da của vị trí huyệt và đường kinh, giá trị điện trở thấp hơn vùng da khác. Nhờ tính chất này mà nó được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh và thực hiện các thủ thuật tác động điều trị.
  • Khi châm cứu, cơ thể thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh morfin tự nội, cũng như các nội tiết tố: Estrogen, testosterone, cortisol... Đồng thời tăng số lượng tế bào bạch cầu đa nhân, tế bào lympho...
  • Châm cứu giúp làm giảm cơn đau, giãn cơ và tăng ngưỡng đau.

Châm cứu có thể giúp trị bệnh gì?

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học, châm cứu có thể giúp giảm đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu. Ngoài ra, phương pháp này còn có lợi ích trong các trường hợp đau thắt lưng, đau cổ và viêm xương khớp.

Vào năm 2003, WHO đã liệt kê một số bệnh lý có thể hỗ trợ điều trị bằng châm cứu, bao gồm: Các bệnh về dạ dày, bệnh huyết áp, buồn nôn và nôn do tác dụng phụ của hóa trị, kiết lỵ, viêm mũi dị ứng, bong gân, viêm khớp dạng thấp, đau răng và đau thần kinh tọa. 

Ngoài ra, nhiều tình trạng sức khỏe khác cũng có thể được hỗ trợ bởi phương pháp này. Tuy nhiên, để chứng minh hiệu quả của châm cứu trong các trường hợp này cần có nhiều bằng chứng khoa học hơn, bao gồm đau cơ xơ, nghỉ dưỡng sau phẫu thuật, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, đau cột sống và hội chứng Tourette.

Châm cứu là gì? Vì sao có thể giúp trị bệnh? 2
Châm cứu có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau

Lợi ích của việc châm cứu

Ngoài tìm hiểu châm cứu là gì? Thì lợi ích của việc này đối với sức khỏe cũng được nhiều người quan tâm. Các lợi ích rõ ràng của phương pháp này có thể kể đến đó là:

  • Gây ít tác dụng phụ.
  • Có thể áp dụng cùng với những phương pháp điều trị khác.
  • Kiểm soát được một số cơn đau.
  • Giúp bệnh nhân giảm số lần sử dụng thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn không nên tự châm cứu tại nhà. Thay vào đó, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế có chuyên môn châm cứu. Nếu bạn muốn châm cứu tại nhà, hãy đảm bảo người thực hiện phương pháp này là người có kiến thức chuyên sâu về y học cổ truyền.

Rủi ro có thể xuất hiện khi châm cứu

Dù được đánh giá là khá an toàn tuy nhiên, khi thực hiện châm cứu sẽ có thể xuất hiện một số rủi ro bao gồm:

  • Chảy máu, bầm tím, đau nhức tại điểm châm kim.
  • Nhiễm trùng do sử dụng kim không được khử trùng đầy đủ.
  • Kim châm cứu bị gãy có thể làm tổn thương nội tạng.
  • Mũi kim chạm vào và làm xẹp phổi khi được đưa sâu vào lưng hoặc ngực. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm.
  • Châm cứu có thể gây nguy hiểm đối với những người có các vấn đề về đông máu.
Châm cứu là gì? Vì sao có thể giúp trị bệnh? 3
Nên thực hiện châm cứu ở các cơ sở uy tín để hạn chế rủi ro

Hy vọng những thông tin trên của nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu được châm cứu là gì? Đây được xem như là tinh hoa của Y học cổ truyền phương Đông khi điều trị bệnh không cần dùng thuốc và khá an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe bạn chỉ nên thực hiện châm cứu ở các cơ sở y tế uy tín.

Minh QA

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin