Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bạn chưa biết

Ngày 11/03/2023
Kích thước chữ

Viêm khớp dạng thấp là bệnh xương khớp thường gặp nhất ở nữ giới tuổi trung niên, theo thống kê có đến trên 80% bệnh nhân trên thế giới là nữ và 60 - 70% là phụ nữ trên 30 tuổi. Nhưng biến chứng viêm khớp dạng thấp rất nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn gây ra những tổn thương tại khớp, tuy nhiên nó cũng rất dễ tiến triển gây hại đến các cơ quan khác trong cơ thể nếu bạn không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, những biến chứng viêm khớp dạng thấp cũng rất nguy hiểm. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu giải đáp những thắc mắc xung quanh căn bệnh này nhé!

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tổn thương nhiều bộ phận trong đó biểu hiện chính là tình trạng viêm màng hoạt dịch khớp, chủ yếu là các khớp ngoại vi.

Bệnh này gặp ở hầu hết chủng tộc, quốc gia trên thế giới. Bệnh thường gặp ở nữ giới, theo dữ liệu thống kê ở Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1991 - 2000 cho thấy tỷ lệ bệnh viêm khớp dạng thấp chiếm 29,4% trong đó nữ chiếm 92,3% và lứa tuổi thường gặp từ 36 - 65 tuổi.

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ. Giả thuyết cho rằng bệnh này có liên quan đến tình trạng nhiễm một số tác nhân như Mycoplasma, virut Rubella,... Tuy nhiên điều này vẫn chưa được chứng minh cụ thể.

Viêm khớp dạng thấp là gì? Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bạn chưa biết 1Viêm khớp dạng thấp là gì?

Triệu chứng lâm sàng của bệnh

Biểu hiện tại khớp

Vị trí khớp tổn thương thường gặp đó là bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, khớp gối, cổ chân, bàn ngón chân, hông. Theo thống kê, ở Việt Nam viêm khớp cổ tay xuất hiện sớm nhất khoảng 50 - 60%, khớp bàn ngón và khớp gối tỷ lệ 10 - 15%. Các khớp còn lại hiếm gặp phải trong giai đoạn đầu tiên.

Trong các đợt tiến triển, các khớp đau kiểu viêm: Đau, sưng, nóng, ít khi đỏ. Các khớp thường bị cứng vào buổi sáng, thời gian cứng khớp có thể kéo dài đến hàng giờ, đây cũng là điểm đặc trưng của căn bệnh này.

Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp

  • Xuất hiện các hạt dưới da: Vị trí thường ở xương trụ gần khuỷu, trên xương chày gần khớp gối hoặc quanh các khớp nhỏ ở bàn ngón tay. Hạt dưới da thường chắc, không di động, không đau và không bị vỡ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4% các bệnh nhân tại Việt Nam có xuất hiện hạt thấp dưới da này.
  • Viêm mao mạch: Tình trạng hồng ban gan bàn chân, bàn tay hoặc các tổn thương hoại tử tiểu động mạch quanh móng. Triệu chứng này báo hiệu tiên lượng nặng.
  • Gân, cơ, dây chằng và bao khớp: Có thể gặp triệu chứng viêm gân - thường gặp gân Achille, đôi khi có đứt gân. Các cơ cạnh khớp teo do giảm vận động, dây chằng co kéo hoặc lỏng lẻo...

Biểu hiện nội tạng

Các biểu hiện tại cơ quan trên cơ thể thường gặp trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Chiếm tỷ lệ cao trong số các tổn thương ở tim bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đó là viêm màng ngoài tim. Viêm màng ngoài tim xuất hiện ở bệnh nhân nam, có biểu hiện hủy khớp nặng nề, có hạt thấp dưới da và những biểu hiện ngoài khớp khác.

Bên cạnh đó, những bệnh lý ở tim khác như: Bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim,... cũng là những bệnh thường gặp ở bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.

Các triệu chứng khác

Bên cạnh những triệu chứng tại khớp, ngoài khớp và nội tạng thì viêm khớp dạng thấp còn có những biểu hiện khác, đó là:

  • Hội chứng thiếu máu.
  • Hiện tượng rối loạn thần kinh thực vật: Các cơn bốc hỏa, thay đổi tính tình,...
  • Các biểu hiện hiếm gặp khác: Hội chứng đường hầm cổ tay, cổ chân, phá hủy khớp, viêm mống mắt.

Cận lâm sàng của viêm khớp dạng thấp

Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cũng rất quan trọng trong việc tiên lượng bệnh. Một số cận lâm sàng mà bệnh nhân cần quan tâm như:

  • Hội chứng viêm: Tốc độ máu lắng, CRP, fibrinogen,...
  • Xét nghiệm miễn dịch: Yếu tố dạng thấp RF, kháng thể anti - CCP.
  • Chẩn đoán hình ảnh: X-quang (hình ảnh mất chất khoáng đầu xương, bào mòn xương, hẹp khe khớp), chụp cộng hưởng từ, siêu âm khớp.

Viêm khớp dạng thấp là gì? Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bạn chưa biết 2Cận lâm sàng giúp tiên lượng tình trạng của bệnh nhân

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp có thể chẩn đoán hoàn toàn trên lâm sàng mà không cần đến các kết quả cận lâm sàng. Theo tiêu chuẩn ACR - American College of Rheumatology 1987, tiêu chuẩn này được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Cụ thể như sau:

  • Thời gian cứng khớp buổi sáng trên 1h.
  • Viêm ít nhất 3 trong số 14 khớp: Khớp ngón gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân hai bên.
  • Trong đó có ít nhất 1 khớp đặc hiệu, thuộc các vị trí sau: Ngón gần, khớp bàn ngón, cổ tay.
  • Có tính chất đối xứng.
  • Có hạt thấp dưới da.
  • Yêu tố dạng thấp huyết thanh dương tính.
  • X - quang điển hình ở khối xương cổ tay.

Bạn sẽ được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp nếu như thời gian diễn biến bệnh ít nhất 6 tuần và có ít nhất 4 trong số 7 biểu hiện trên. Bên cạnh tiêu chuẩn ACR 1987 thì hiện nay có thêm tiêu chuẩn ACR 2010 dùng để chẩn đoán bệnh trong giai đoạn sớm.

Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bạn chưa biết

Biến dạng khớp bàn ngón tay, ngón chân

Một trong số các biến chứng phổ biến và dễ gặp của viêm khớp dạng thấp đó là biến dạng các khớp ở bàn ngón tay, bàn ngón chân.

Bàn tay gió thổi (lệch trụ), cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, ngón tay của thợ thùa khuyết, ngón gần hình thoi, các khớp bàn ngón biến dạng, gan bàn chân tròn, ngón chân hình vuốt thú,... là những biến dạng thường thấy ở những người bệnh có nhiều đợt tiến triển bệnh hoặc sau một thời gian diễn biến mạn tính.

Viêm khớp dạng thấp là gì? Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bạn chưa biết 3Biến chứng viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh

Loãng xương

Có thể bạn không biết rằng viêm khớp dạng thấp làm người bệnh tăng nguy cơ mắc loãng xương và thuốc điều trị loại bệnh này cũng làm người bệnh dễ mắc loãng xương hơn.

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân, chính vì thế việc điều trị cần phối hợp giữa các biện pháp khác nhau nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tổn thương thần kinh ngoại biên

Viêm khớp dạng thấp thường tổn thương các khớp ở cổ tay, điều này làm tăng nguy cơ chèn ép lên các dây thần kinh ngoại biên, dẫn đến tê bì, bỏng rát bàn tay. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của người bệnh, giảm khả năng vận động, hạn chế trong sinh hoạt vì thế bệnh nhân cần được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Hội chứng Sjogren

Ở những bệnh nhân chuyển biến nặng có thể gặp hội chứng Sjogren. Đây là hội chứng rối loạn giảm dịch tiết ở miệng và mắt dẫn đến tình trạng khô mắt, khô miệng. Khi bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng Sjogren nên đến gặp các bác sĩ để thăm khám kịp thời vì tình trạng trên dễ dẫn đến chuyển biến xấu, bạn có thể bị viêm niêm mạc miệng, khô mắt giảm thị lực,...

Ảnh hưởng đến các cơ quan khác

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan khác trên cơ thể chúng ta, đặc biệt là tim mạch. Khi bị viêm khớp dạng thấp người bệnh tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do làm thu hẹp lòng mạch, những triệu chứng như cơn đau thắt ngực, đột quỵ tăng hơn những người khác.

Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng đến hệ hô hấp vì có thể gây tăng nghẽn đường dẫn khí, tăng áp lực ở phổi. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người bình thường, nhất là ung thư hạch.

>>> Tìm hiểu thêm về:

  • Depo Medrol - Một loại Thuốc tiêm của Pfizer có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch giúp điều trị bổ trợ duy trì cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc Arastad 20 - Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp của Stellapharm

Những biến chứng viêm khớp dạng thấp rất nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời. Nếu bạn có những dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp hãy đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị bệnh kịp thời. Theo dõi website của nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin sức khỏe bổ ích nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin