Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa như thế nào?

Ngày 27/03/2023
Kích thước chữ

Chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân. Vì vậy, việc tìm hiểu cách chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá như thế nào cho phù hợp cũng là một điều vô cùng cần thiết.

Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa sau cấp cứu là rất quan trọng và cần thiết. Vậy bạn có biết cách chăm sóc bệnh nhân xuất huyết như thế nào chưa? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng chảy máu do tổn thương ở đường tiêu hóa bao gồm thực quản, ruột non, dạ dày, ruột già hoặc ruột kết, trực tràng, hậu môn bị chảy máu do một tổn thương nào đó.

Nếu xuất huyết xảy ra ở thực quản, dạ dày hoặc phần đầu của ruột non (tá tràng), nó được gọi là chảy máu đường tiêu hóa trên. Nếu chảy máu ở phần dưới của ruột non, ruột già, trực tràng hoặc hậu môn, nó được gọi là chảy máu đường tiêu hóa dưới.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Trong đó, nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên thường bao gồm:

  • Loét dạ dày: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất huyết đường tiêu hóa trên (cao). Chúng hình thành do axit trong dạ dày, vi khuẩn hoặc do sử dụng thuốc kháng viêm gây tổn thương lớp niêm mạc.
  • Hội chứng Mallory-Weiss: Đặc trưng bởi xuất huyết do rách thực quản vì ói ọe nhiều và quá mạnh, thường gặp nhất ở những người uống rượu bia và nôn ói liên tục.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản: Giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây xuất huyết do vỡ các tĩnh mạch trướng giãn. Điều này thường xảy ra ở những bệnh nhân xơ gan nặng, giai đoạn cuối.
  • Viêm thực quản: Viêm thực quản thường do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra. Bệnh nhân viêm thực quản cũng có khả năng bị xuất huyết tiêu hóa.

Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa dưới (thấp) thường bao gồm:

  • Bệnh túi thừa: Sự phát triển của các túi nhỏ, căng phồng trong đường tiêu hóa tạo thành túi thừa. Viêm túi thừa có thể gây xuất huyết tiêu hóa dưới.
  • Bệnh viêm ruột (IBD): Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng cả hai đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
  • Khối u: Khối u ác tính hoặc lành tính làm suy yếu lớp niêm mạc đường tiêu hóa và gây xuất huyết.
  • Bệnh trĩ: Đây là những tĩnh mạch bị sưng phồng ở hậu môn hoặc trực tràng dưới giống như chứng giãn tĩnh mạch và có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Viêm niêm mạc trực tràng (Proctitis): Viêm niêm mạc trực tràng có thể gây chảy máu trực tràng.

Bệnh trĩ là một trong những nguyên nhân gây tình trạng xuất huyết tiêu hóa

Bệnh trĩ là một trong những nguyên nhân gây tình trạng xuất huyết tiêu hóa

Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa

Đối với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần chú ý các biện pháp chăm sóc cơ bản sau:

  • Người bệnh cần một không gian yên tĩnh, thông thoáng để nghỉ ngơi. Tốt nhất là người bệnh nằm tại giường, đầu kê gối thấp.
  • Nếu tình trạng chảy máu kéo dài và có nguy cơ gây sốc hay choáng mất máu, cần cho bệnh nhân thở oxy và đặt ống thông tĩnh mạch.
  • Những trường hợp cần thiết phải đặt ống thông vào dạ dày để hút hết lượng máu đông lại trong dạ dày, đồng thời theo dõi được tình trạng xuất huyết còn đang tiếp diễn hay không.
  • Người bệnh nên đi đại tiện ngay tại giường, quan sát kỹ tính chất của phân, từ đó gián tiếp theo dõi tình trạng xuất huyết.
  • Chú ý khi các triệu chứng nôn ra máu thuyên giảm nhẹ thì cần cho bệnh nhân bắt đầu ăn nhẹ như cháo, sữa.
  • Người bệnh cần được chăm sóc, an ủi, động viên. Tránh để bệnh nhân xúc động, lo lắng, phiền muộn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa

Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần được có chế độ chăm sóc phù hợp

Theo dõi tình trạng sức khỏe khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa

Cần theo dõi một số tình trạng sức khỏe khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, cụ thể:

  • Người bệnh cần được đánh giá tổng trạng toàn thân và đo các dấu hiệu sinh tồn bao gồm nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ và nhịp thở sau 30 đến 60 phút.
  • Cần phải đi tiểu vào một bình chứa và đo lượng nước tiểu hàng ngày của bệnh nhân để kịp thời phát hiện tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu là dấu hiệu triển nặng của bệnh.
  • Theo dõi các triệu chứng nôn ra máu, dấu hiệu đau bụng và chất lượng phân sau khi đại tiện.
  • Bệnh nhân phải được theo dõi ít ​​nhất một lần một ngày để phát hiện các dấu hiệu của tình trạng mất máu như da xanh, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp,…
  • Khi phát hiện có một trong các triệu chứng bất thường hoặc các triệu chứng đột ngột nặng lên cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần được theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên

Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần được theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên

Các biện pháp phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa, cụ thể:

  • Chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên chế độ ăn nhiều rau xanh, chất xơ (hòa tan và không tan).
  • Hạn chế uống rượu bia, đồ ăn nhanh, hạn chế ăn nhiều gia vị cay, chua, mặn và các thực phẩm có hại cho dạ dày, đường ruột hoặc các thực phẩm gây kích thích dạ dày khác.
  • Duy trì chế độ vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút để giúp nhu động ruột hoạt động thuận lợi.
  • Ăn chín uống sôi để tránh ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa, xuất huyết.
  • Không để bụng quá đói hoặc quá no, không vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn để không gây đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.
  • Hãy tạo thói quen chăm sóc hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch bằng việc tẩy giun định kỳ, bổ sung men tiêu hóa, collagen và vitamin…

Thiết lập chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa

Thiết lập chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa

Trên đây là những chia sẻ của Nhà Thuốc Long Châu về chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa. Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nghiêm trọng bởi vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Do đó, khi có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa như đi ngoài ra máu, phân đen, máu dính trên giấy vệ sinh thì người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám ngay để sớm có biện pháp điều trị kịp thời. Chúc bạn sức khỏe!

Nguyễn Nhung

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin