Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chăm sóc trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước như thế nào?

Ngày 26/10/2023
Kích thước chữ

Khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước, nhiều bậc cha mẹ thường khá lo lắng bởi làn da của bé lúc này còn non nớt, nhạy cảm. Nếu vẫn đang lúng túng khi thấy trẻ bị nổi mụn nước, bạn có thể tham khảo thông tin hữu ích dưới đây.

Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc để chữa trị không được tùy tiện để tránh gây nên những vấn đề nghiêm trọng hơn. Vậy khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước thì nên chữa trị ra sao? Bài viết sẽ giúp bạn có những kiến thức đầy đủ và chính xác về tình trạng này, từ đó tìm ra biện pháp điều trị tốt nhất.

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước là tình trạng gì?

Mụn nước là một trong các loại mụn ở trẻ sơ sinh khá thường gặp. Mụn nước có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể trẻ như má, mũi, cằm, cổ, ngực, chân, tay,... Đây là các nốt mụn nhỏ mọc riêng lẻ hoặc chụm lại thành từng cụm, phía trong chứa chất lỏng trong suốt hoặc có màu vàng nhạt, ở trường hợp nặng thậm chí còn có thể chứa máu hoặc mủ.

Khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước, bạn dễ dàng nhận thấy vùng da quanh vết mụn cũng thâm sạm hoặc sưng tấy hơn. Sau đó, mụn nước có thể vỡ ra, khô dần và đóng vảy. Tình trạng này thường hết sau vài tuần, tuy nhiên cũng có nhiều trẻ mụn nước tồn tại trên cơ thể trong nhiều tháng.

Nhiều trẻ sơ sinh thường xuyên bị nổi mụn nước và tái diễn tình trạng này đến tận sau 2 tuổi, đây được xem là một dấu hiệu cho thấy trẻ sẽ có nhiều mụn trứng cá khi bước vào độ tuổi dậy thì. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Theo các chuyên gia da liễu, có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

  • Do vi khuẩn, virus: Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, hệ miễn dịch non yếu nên khó có thể chống lại sự “tấn công” của virus, vi khuẩn gây bệnh trên da, dẫn đến tình trạng bị mọc mụn nước.
  • Do bỏng: Mụn nước trên da ở trẻ cũng có thể hình thành do các biến chứng sau bỏng.
  • Do bệnh thủy đậu: Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị thủy đậu, các nốt mụn nước cũng sẽ xuất hiện trên da.
  • Do các nguyên nhân khác: Trẻ bị nóng bức, mặc quần áo có chất vải thô cứng hoặc dùng bột giặt tẩy mạnh, chân tay trẻ đeo vòng, mẹ đang cho bé bú nhưng dùng một số loại thuốc,... cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mụn nước.
tre-so-sinh-bi-noi-mun-nuoc-1.jpg
Trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước thì vùng da xung quanh sẽ ửng đỏ, sưng tấy hơn

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước có nguy hiểm không?

Vậy khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước có nguy hiểm không? Theo các bác sĩ, mức độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào cơ địa của từng trẻ cũng như tình trạng và nguyên nhân gây bệnh. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước thường do các nguyên nhân khác ngoài vi khuẩn nên trẻ sẽ khỏi hẳn sau khoảng 1 - 2 tuần. Việc chăm sóc, vệ sinh tốt cho trẻ sẽ giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.

Tuy nhiên cũng không ngoại trừ trường hợp trẻ bị mọc mụn nước do vi khuẩn. Lúc này, bệnh sẽ có những diễn biến nguy hiểm hơn, cha mẹ cần đặc biệt chú ý bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên vi khuẩn rất dễ tấn công và phát triển, gây nên nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh. Khi vi khuẩn xâm nhập vào máu, trẻ sẽ gặp nguy cơ cao bị sốt, co giật, nhiễm trùng máu, thậm chí là vi khuẩn có thể tấn công vào phổi, tim hay màng não.

Ngoài ra, việc trẻ nổi mụn nước trên cơ thể còn là dấu hiệu bệnh lý của một số bệnh ngoài da như:

  • Rôm sảy: Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cơ thể của trẻ cao, việc mặc quần áo không thoáng mát hoặc chăm sóc da cho trẻ sơ sinh không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng rôm sảy. Các nốt mụn nước có thể xuất hiện tại các vị trí như lưng, ngực, bắp chân và bắp tay.
  • Chốc lởKhi trẻ sơ sinh có nhiều mụn nước trên da cũng có thể là biểu hiện của bệnh chốc lở. Đây là bệnh ngoài da khá nguy hiểm, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Tay chân miệng: Tay chân miệng là một dạng bệnh lý truyền nhiễm, lây lan qua việc tiếp xúc, sử dụng chung đồ đạc với người bị bệnh. Ngoài biểu hiện là nổi mụn nước, bệnh này còn khiến trẻ mệt mỏi, sốt nhẹ và đau họng.
  • Bệnh chàm sữa: Trẻ sơ sinh xuất hiện các nốt mụn nước cũng có thể do mắc chứng chàm sữa. Tình trạng này thường gặp nhất ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi, với biểu hiện rõ nhất là trẻ mọc nhiều mụn nước ở hai bên má.
tre-so-sinh-bi-noi-mun-nuoc-3.jpg
Trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh ngoài da

Chăm sóc, điều trị khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước

Vậy khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước chúng ta cần chăm sóc, điều trị cho trẻ như thế nào để đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn cho bé? Theo các chuyên gia da liễu, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tắm và vệ sinh cơ thể cho trẻ mỗi ngày bằng nước ấm để tránh vi khuẩn sinh sôi, đồng thời hạn chế tình trạng mụn nước lan rộng ra. Bạn nên ưu tiên sử dụng các loại sữa tắm cho trẻ sơ sinh có thành phần dịu nhẹ, không mùi. Sau khi tắm, bạn nên sử dụng các loại khăn tắm mềm để lau quanh cơ thể trẻ một cách nhẹ nhàng.
  • Các loại thuốc trị viêm da cho bé khi sử dụng cần được tham vấn ý kiến của bác sĩ nhi khoa.
  • Bạn nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thời tiết nắng nóng không nên cho trẻ mặc quần áo dài khiến thân nhiệt tăng cao và da bị kích ứng nặng hơn.
  • Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, bên cạnh sữa mẹ, bạn có thể cho trẻ ăn thêm các loại trái cây và thức ăn có tính mát.
  • Bạn nên giặt riêng quần áo cho trẻ bằng các loại nước giặt cho trẻ sơ sinh, chứa các hoạt chất dịu nhẹ, an toàn và không mùi.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như phấn hoa, lông chó, lông mèo,...
  • Trường hợp tình trạng mụn nước trên da trẻ không thuyên giảm sau 1 - 2 tuần, bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế nhi khoa để được thăm khám, điều trị hiệu quả. Tuyệt đối không tự ý đắp, bôi các lá cây hoặc vị thuốc Đông y theo truyền miệng dân gian mà chưa được y học kiểm chứng để tránh gây hại cho da trẻ.
tre-so-sinh-bi-noi-mun-nuoc-4.jpg
Khi cơ thể trẻ xuất hiện mụn nước, cần vệ sinh đúng cách cho trẻ

Như vậy, với các thông tin trên đây của Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước. Đây được coi là hiện tượng sinh lý khá phổ biến ở trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi các hiện tượng, triệu chứng của trẻ để kịp thời tìm giải pháp điều trị tốt nhất nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin