Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chăm sóc và điều trị nhiễm trùng tai ngoài đúng cách

Ngày 11/06/2022
Kích thước chữ

Nhiễm trùng tai ngoài là bệnh lý thường gặp và ít nguy hiểm hơn các loại viêm tai khác. Tuy nhiên vẫn cần điều trị sớm và đúng cách để tránh nhiễm trùng lan sang tai giữa, ảnh hưởng đến thính lực.

Nhiễm trùng tai ngoài có khác nhiễm trùng tai giữa không? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao? Người bệnh cần lưu ý gì trong việc chăm sóc và điều trị bệnh lý này. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu nhé.

Tìm hiểu về nhiễm trùng tai ngoài

Nhiễm trùng tai ngoài là gì?

Chăm sóc và điều trị nhiễm trùng tai ngoài đúng cách 1 Nhiễm trùng tai ngoài là bệnh tai, mũi, họng phổ biến

Nhiễm trùng tai ngoài hay gọi là viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng lớp biểu bì và lớp dưới da của ống thính giác bên ngoài, có thể liên quan đến loa tai và màng nhĩ. Đây là bệnh về tai, mũi, họng phổ biến từ mức độ nhẹ là nhiễm trùng ống tai ngoài đến mức độ nặng là viêm tai ngoài ác tính có thể đe dọa tính mạng.

Các thể và mức độ nguy hiểm khác nhau của viêm tai ngoài bao gồm: 

  • Viêm ống tai ngoài: Là tình trạng tổn thương ở lớp da bao phủ lấy ống tai ngoài.
  • Viêm tai ngoài khu trú: Là tình trạng nhiễm trùng nang lông trong ống tai gây mưng mủ, làm đau dữ dội trong tai. Nguyên nhân của bệnh thường do vi khuẩn Staphylococcus. Nhọt trong tai càng to càng gây đau đớn nên cần được xử lý, dẫn mủ sớm.
  • Viêm tai ngoài ác tính: Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất. Khi tình trạng viêm hoại tử đã lan rộng khắp vùng tai ngoài, phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh, lan đến nền sọ, gây biến chứng nặng nề như liệt dây thần kinh, viêm màng não, áp xe não… Người bị suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường bị viêm tai ngoài ác tính sẽ khiến vi trùng không bị tiêu diệt và ngày càng gây bệnh nặng hơn.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai ngoài

Để chủ động trong phòng ngừa bệnh, chúng ta cần xác định được nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ.

Nguyên nhân trực tiếp

Nhiễm trùng tai ngoài thường do vi khuẩn gây ra, phổ biến nhất là trực khuẩn mủ xanh hay tên khoa học là Pseudomonas. Nguyên nhân gây bệnh hiếm gặp hơn là do một số loại nấm gây ra.

Ngoài ra, bệnh lý này có thể do các nguyên nhân khác như không vệ sinh tai sạch khi gãi hoặc ngoáy tai khiến vi khuẩn xâm nhập, có dị vật trong tai hay dùng tăm bông làm sạch ống tai quá mạnh gây tổn thương, chảy máu, viêm nhiễm.

Yếu tố dễ gây nhiễm trùng tai ngoài

Chăm sóc và điều trị nhiễm trùng tai ngoài đúng cách 2

  • Trẻ nhỏ và những người hay bơi lội thường bị viêm tai ngoài nhiều hơn.
  • Ngoài ra những người có cơ địa da nhạy cảm, bị bệnh tiểu đường, người ít ráy tai cũng dễ bị viêm nhiễm hơn.
  • Trẻ có ống tai hẹp nên khi tắm hay bơi trong hồ nước dễ giữ nước trong tai, nếu không vệ sinh sạch sẽ dễ dẫn đến bị nhiễm trùng.
  • Dùng keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc hoặc đeo trang sức cũng có thể làm da tai bị dị ứng hoặc bị kích thích.
  • Dùng tăm bông hoặc vật dụng để vệ sinh tai có thể làm tổn thương trong tai.
  • Thường xuyên dùng tai nghe, ống trợ thính nhưng không vệ sinh sạch dụng cụ.
  • Người bệnh cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ đã nói ở trên để tránh bệnh tiến triển nặng hơn hoặc tái phát nhiều lần dẫn tới mạn tính.

Triệu chứng nhiễm trùng tai ngoài

Nhiễm trùng tai ngoài dễ nhận biết với biểu hiện rõ ràng bao gồm: Ngừa tai, ù tai, đau nhẹ, tai rỉ dịch. Nổi mụn nhọt hoặc u gây đau trong khoang tai, khi mụn nhọt lớn dần sẽ gây đau nhiều hơn, vỡ ra và làm chảy máu, mủ trong tai.

Người bệnh viêm tai ngoài có thể bị ảnh hưởng thính lực nhẹ nhưng triệu chứng này sẽ biến mất sau khi điều trị. Ngoài ra một số trường hợp viêm tai ngoài cấp tính còn gây đỏ, sưng nề, đau nhiều kèm theo nổi hạch, sốt. Tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn khi nhiễm trùng lan rộng.

Chăm sóc và điều trị nhiễm trùng tai ngoài đúng cách 3

Phân biệt viêm tai ngoài và viêm tai giữa

Nhiều người có thể tầm tưởng giữa nhiễm trùng tai ngoài và nhiễm trùng tai giữa. Hai bệnh lý này có thể phân biệt qua một vài điểm khác biệt sau:

Dựa vào triệu chứng khởi phát

Nhiễm trùng tai ngoài: Triệu chứng ban đầu là ngứa tai, sau cảm thấy đau nhiều, sưng tấy, phù nề khoang tai ngoài. Sau một thời gian phát bệnh, sẽ có mụn nhọt và dịch vàng chảy ra. 

Nhiễm trùng tai giữa: Triệu chứng phổ biến là đau tai dữ dội kèm ù tai, giảm thính lực. Bên ngoài người bệnh sẽ khó thấy được tình trạng tổn thương tai nhưng có thể thấy dịch mủ vàng chảy ra nhiều. 

Dựa vào mức độ ảnh hưởng

Nhiễm trùng tai ngoài: Nếu không được điều trị kịp thời, lâu ngày người bệnh sẽ giảm khả năng nghe. Tuy nhiên, bệnh này không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. 

Nhiễm trùng tai giữa: Bệnh lý này thường nguy hiểm hơn do tình trạng viêm nằm sâu trong tai, khó khăn hơn trong việc điều trị. Hơn nữa, do tai, mũi, họng là hệ thống thông với nhau, viêm tai giữa rất dễ lan ra những vùng còn lại. 

Chăm sóc, điều trị nhiễm trùng tai ngoài hiệu quả

Cách chăm sóc người bệnh viêm tai 

  • Người bệnh cần tuân thủ việc điều trị: Uống thuốc theo toa và chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu gặp những dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc như nổi mề đay, mẩn ngứa, tức ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, cần tái khám ngay để được xử trí kịp thời.
  • Làm vệ sinh ống tai thường xuyên, dùng tăm bông sạch lau khô sau khi tắm hoặc bơi.
  • Không ngoáy ống tai ngoài bằng những vật sắc, chưa được sát khuẩn khi ngứa.
  • Tránh để nước vào tai.
  • Vệ sinh tai sạch sẽ trước khi nhỏ hoặc bôi thuốc.
  • Không dùng chung bộ lấy ráy tai với người khác.
  • Khi có dị vật trong ống tai hoặc ráy tai phải đến cơ cở y tế để lấy và làm vệ sinh.
  • Tái khám sau khi hết thuốc. Nếu các cơn dữ dội hơn và đau kéo dài mặc dù đã điều trị hoặc nếu tai có cảm giác bị tắc, có thể tái khám sớm hơn.

Điều trị nhiễm trùng tai ngoài

Chăm sóc và điều trị nhiễm trùng tai ngoài đúng cách 4 Người bệnh không được dùng tăm bông ngoáy mạnh trong ống tai

Bác sĩ thường dựa trên triệu chứng và dấu hiệu bên ngoài để chuẩn đoán bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cần được lấy mẫu mủ trong tai để xét nghiệm và tìm ra loại vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Để điều trị nhiễm trùng tai ngoài, bệnh nhân cần dùng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ. Phần lớn trường hợp chỉ cần dùng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh trong vòng từ 10 - 14 ngày là bệnh sẽ thuyên giảm.

Nếu bệnh gây đau nhiều hoặc có nguy cơ tiến triển nặng, người bệnh cần điều trị tích cực hơn bằng thuốc uống Corticosteroid để giảm viêm, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau loại Ibuprofen (Motrin, Advil) hoặc Paracetamol (Acetaminophen).

Bên cạnh dùng thuốc, việc vệ sinh tai sạch sẽ trong suốt quá trình điều trị và sau điều trị cũng hỗ trợ rất nhiều. Có thể dùng nước ấm để chườm tai giúp người bệnh dễ chịu hơn, giảm cơn đau nhẹ. Đặc biệt không được để khoang tai ướt và luôn vệ sinh sạch sẽ.

Nếu bị viêm tai ngoài mạn tính, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên, điều trị lâu dài kết hợp với kiểm soát yếu tố nguy cơ để tránh biến chứng sau này. Nếu không được điều trị tốt, viêm tai ngoài mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thính lực nên người bệnh không được chủ quan trong điều trị bệnh. 

Sau khi điều trị với thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng cơn đau không thuyên giảm và có xu hướng nặng hơn, rất có thể người bệnh bị nhiễm trùng nặng và dịch mủ tích tụ, gây bít tắc trong tai, cần đến bệnh viện ngay.

Dự phòng viêm tai ngoài như thế nào?

Để phòng ngừa viêm tai ngoài, bạn cần đeo nút bịt lỗ tai hoặc mũ bơi khi đi bơi, tránh để nước vào tai. Người bệnh không nên để bệnh viêm tai ngoài trở thành bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và thính lực.

Dùng que tăm bông để vệ sinh tai cần thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương ống tai.

Khi có dị vật mắc kẹt trong tai, cần tới ngay cơ sở y tế để được lấy ra.

Không nên đeo tai nghe quá lâu trong ngày và tai nghe phải được vệ sinh sạch thường xuyên.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.