Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chàm tổ đỉa chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tại nhà

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ

Chàm tổ đỉa chân là một bệnh lý phổ biến thuộc chuyên ngành da liễu gây nên không ít những khó chịu cho người bệnh bởi sự ngứa ngáy, đau rát liên tục. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này trong bài viết sau đây.

Chàm tổ đỉa chân gây ra những sự khó khăn nhất định bởi nó hạn chế sự đi lại của người bệnh, ảnh hưởng tới những hoạt động sống cơ bản hàng ngày. Vậy hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng cũng như những cách khắc phục bệnh chàm tổ đỉa chân nhé! 

Bệnh chàm tổ đỉa chân là gì?

Bệnh chàm tổ đỉa hay tổ đỉa ở chân là một bệnh lý da liễu với đặc trưng bởi tình trạng các mụn nước phát triển tại chân. Bệnh này thường xuất hiện ở thanh thiếu niên hay những người người trưởng thành với nhiều giai đoạn khác nhau như: Cấp, mãn tính hoặc tái phát.

Chàm tổ đỉa chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tại nhà 1 Hình ảnh chàm tổ đỉa chân

Hiện nay, y học chia bệnh chàm tổ đỉa thành 4 thể căn cứ vào mức độ tổn thương như sau:

  • Tổ đỉa thể giản đơn: Đây là tình trạng chàm tổ đỉa phổ biến nhất, da người mắc chỉ bị những tổn thương ở mức độ nhẹ.
  • Tổ đỉa bội nhiễm: Hay còn được gọi là thể nhiễm khuẩn. Các triệu chứng của thể bệnh này tương tự như thể giản đơn. Tuy nhiên, lúc này vi khuẩn đã xâm nhập vào sâu trong tổ chức da gây ra chứng bội nhiễm, hình thành nên các mụn mủ.
  • Tổ đỉa thể bọng nước: Khi người bệnh không chăm sóc vùng da bị tổn thương do mụn tổ đỉa kỹ lưỡng, thường xuyên để da tiếp xúc với hóa chất sẽ khiến cho các bọng nước ngày một to lên.
  • Tổ đỉa thể khô: Thể bệnh này tương đối đặc biệt. Những vùng da tổn thương hầu như không xuất hiện mụn nước như các thể bệnh khác mà chỉ có triệu chứng đỏ rát, bong tróc da.

Nguyên nhân bệnh chàm tổ đỉa chân

Đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân trực tiếp gây nên chàm tổ đỉa chân. Tuy nhiên, họ đã tìm ra được các nguyên nhân khiến cho bệnh này dễ dàng bùng phát, đó là: 

  • Do di truyền: Bệnh chàm tổ đỉa chân có thể sẽ di truyền trong gia đình và trải qua nhiều thế hệ khác nhau. Hay nói cách khác, ông bà cha mẹ mắc bệnh này thì con cháu cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tương tự. Nếu không điều trị hoặc điều trị bệnh chàm tổ đỉa chân không đúng cách thì bệnh tình sẽ rất khó để hồi phục .
  • Do cơ địa: Mỗi người, mỗi cơ thể sẽ có một cơ địa khác nhau cùng với các biểu hiện khác nhau. Những người mắc bệnh hen suyễn, viêm gan, thận... hoặc có tiền sử đã từng mắc những căn bệnh này sẽ có khả năng cao mắc bệnh chàm tổ đỉa chân. Ngoài ra, sức đề kháng yếu, sinh hoạt không điều độ, thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe gây dị ứng cũng là một điều kiện thuận lợi cho chàm tổ đỉa chân bùng phát.
  • Do dị nguyên: Tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất độc hại, dị ứng với đồ ăn, đồ vật trong gia đình, thú cưng, thời tiết… cùng làm tăng khả năng mắc bệnh chàm tổ đỉa chân. Ngoài ra, các loại sữa tắm, xà phòng, nước xả vải, cũng tạo điều kiện cho bệnh này phát triển.
  • Do tâm lý căng thẳng kéo dài: Sức đề kháng của bệnh nhân có thể sẽ bị giảm sút nếu họ có tình trạng căng thẳng, stress trong thời gian dài. 
Chàm tổ đỉa chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tại nhà 2 Thú cưng có thể là một nguyên nhân gây chàm tổ đỉa chân

Dấu hiệu chàm tổ đỉa chân

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng bệnh nhân mắc chàm tổ đỉa chân:

  • Mụn nước: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti ở chân thường xuất hiện tại lòng bàn chân trước rồi có thể lan rộng ra các vùng cao hơn. Mụn nước của chàm tổ đỉa chân có thể đứng riêng lẻ hoặc cũng có thể tập trung thành từng cụm, từng đám. Kích thước các mụn nước có thể nhỏ đến vài milimet hoặc cũng thể to thành bọng nước nổi lên khỏi bề mặt da.
  • Ngứa, đau rát: Nguyên nhân do các mụn nước của bệnh.
  • Da đóng vảy, nứt, bong tróc: Hiện tượng này xuất hiện tại những vùng da phía trên hoặc xung quanh các mụn nước.
  • Nhiễm khuẩn: Mụn nước sưng to lên, ban đầu có màu đỏ sau đó dần chuyển thành màu đục. Bệnh nhân có thể sưng hạch bạch huyết kèm tình trạng sốt cao.
  • Móng chân biến dạng: Đây là tình trạng xảy ra trong các trường hợp tổ đỉa chân nặng. Móng chân người bệnh tổn thương do các hạch bạch huyết phù nề làm biến dạng móng theo thời gian.
Chàm tổ đỉa chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tại nhà 3 Mụn nước chàm tổ đỉa chân nhiễm khuẩn

Thông thường nếu được chăm sóc khu vực tổn thương tử tế và đúng cách, chàm tổ đỉa chân sẽ khỏi sau 3 đến 4 tuần mà không để lại biến chứng gì đáng chú ý. 

Chàm tổ đỉa chân có lây không? 

Câu trả lời là không. Chúng ta có thể thấy rằng đa số các vấn đề da liễu đều có khả năng lây lan do tiếp xúc, nhưng điều này lại không hề đúng đối với bệnh chàm tổ đỉa. Chàm tổ đỉa về cơ bản là vấn đề cơ địa của mỗi cá nhân khác nhau. Tuy rằng các mụn nước của bệnh có thể lây lan, mở rộng phạm vi từ vùng này qua vùng khác trên cơ thể, thế nhưng bệnh này lại không thể lây sang người qua thông qua những tiếp xúc thông thường. Ngay cả khi mụn nước của chàm tổ đỉa vỡ ra và có người tiếp xúc phải dịch, bệnh cũng không có khả năng lây.

Biện pháp khắc phục chàm tổ đỉa chân tại nhà

Ngoài các loại thuốc được bác sĩ da liễu kê đơn để điều trị chàm tổ đỉa chân, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để khắc phục triệu chứng do bệnh gây ra: 

  • Chườm lạnh để làm dịu khu vực bị tổn thương. Lặp lại mỗi 15 phút để có hiệu quả tốt nhất.
  • Cố gắng không gãi vùng chân bị tổ đỉa.
  • Cắt móng tay đủ ngắn để tránh những trường hợp gãi làm tổn thương nặng hơn. 
  • Nghỉ ngơi, hạn chế làm việc căng thẳng, stress. Nếu bị chàm tổ đỉa ở bàn chân thì cũng nên hạn chế đi lại.
  • Trong trường hợp có nghi ngờ những loại sữa tắm, nước lau nhà… mới sử dụng gần đây là nguyên nhân cho tình trạng chàm tổ đỉa chân thì hãy ngừng sử dụng chúng một thời gian. Đồng thời, hãy theo dõi tình trạng bệnh có cải thiện sau đó không.

Phòng ngừa chàm tổ đỉa chân

Vì bệnh này chủ yếu phát sinh dựa trên cơ địa mỗi người cùng những yếu tố nguy cơ nhất định như môi trường, dị nguyên… nên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa chàm tổ đỉa chân bằng cách:

  • Tìm hiểu về tiền sử mắc bệnh chàm tổ đỉa chân trong gia đình để có những cảnh giác nhất định cho bản thân.
  • Tuân theo chế độ ăn uống rèn luyện sức khỏe lành mạnh để có thể tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt.
  • Hạn chế các đồ ăn, thực phẩm gây dị ứng cho bản thân.
  • Tránh xa rượu bia, thuốc lá hay các loại chất kích thích khác, chúng có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
  • Cải thiện vệ sinh môi trường sinh hoạt và làm việc cũng góp phần hạn chế những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh chàm tổ đỉa chân.
  • Đi giày, ủng bảo hộ khi tham gia công việc, đặc biệt khi làm việc tại những môi trường không được sạch sẽ như bùn đất, sông hồ…
Chàm tổ đỉa chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tại nhà 5 Sinh hoạt điều độ để có sức đề kháng tốt phòng tránh chàm tổ đỉa chân

Chàm tổ đỉa chân là một bệnh lý da liễu tuy không quá nguy hiểm nhưng lại có thể tái phát nhiều lần. Trong quá trình điều trị, cần phối hợp giữa người bệnh - bác sĩ, ngoài ra, người thân cũng nên biết cách chăm sóc người mắc chàm tổ đỉa để giúp người bệnh tiến triển tốt hơn. Với những kiến thức mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp bên trên, chúng tôi mong bạn có thể phòng ngừa bệnh này một cách hiệu quả và an toàn.

Ánh Vũ 

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.