Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư cho trẻ ba mẹ cần biết

Ngày 16/05/2022
Kích thước chữ

Ba mẹ có con là bệnh nhân ung thư thường lo lắng và hoảng sợ, tuy nhiên bạn cần bình tĩnh thực hiện chẩn đoán và phân giai đoạn, nguy cơ bệnh của con để có kế hoạch điều trị hiệu quả.

Bài viết dưới đây giải thích quá trình chẩn đoán một bệnh ung thư ở trẻ em. Nó cũng giúp bạn tìm hiểu các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư cùng với các hệ thống phân giai đoạn, phân nhóm nguy cơ có thể được sử dụng để lập kế hoạch điều trị cho trẻ, đồng thời giúp tiên lượng bệnh.

Dấu hiệu con cần chẩn đoán ung thư

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư ở trẻ em thường không đặc hiệu. Những triệu chứng này có thể bao gồm sốt, mệt mỏi, viêm hạch hoặc giảm cân. Một số triệu chứng khác, chẳng hạn như mảng xuất huyết, đau khớp, đau xương có thể khiến cha mẹ nghi ngờ trẻ bị chấn thương. Khi những dấu hiệu này kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra liệu nó là triệu chứng của ung thư hay của bệnh khác.

Chẩn đoán ung thư cho con Chẩn đoán ung thư cho con

Quy trình chẩn đoán ung thư cho trẻ em

Các xét nghiệm và quy trình dưới đây được áp dụng để chẩn đoán ung thư trẻ em. Loại phương pháp được thực hiện phụ thuộc vào các triệu chứng của trẻ, tuổi, tiền sử bệnh và loại ung thư mà bác sĩ nghi ngờ.

  • Thăm khám và xét nghiệm máu.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh tạo ra hình ảnh của các vùng bên trong cơ thể. Có các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI, PET, X-quang và siêu âm. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là người đánh giá và gửi báo cáo về các dấu hiệu bất thường (nếu có) cho bác sĩ của trẻ.
  • Sinh thiết là quá trình lấy các mẫu tế bào hoặc mô sau đó mang đi kiểm tra xem có tế bào ung thư bên trong hay không. Sinh thiết nên được thực hiện tại một bệnh viện chuyên chẩn đoán ung thư ở trẻ em. Một nhà giải phẫu bệnh sẽ quan sát các tế bào hoặc mẫu mô được lấy ra khi sinh thiết dưới kính hiển vi và viết báo cáo mô tả các đặc điểm giải phẫu bệnh của tế bào, gồm chẩn đoán giải phẫu bệnh.

Ba mẹ nên hỏi gì trước khi làm các thủ thuật trên?

Trước khi đồng ý cho con thực hiện các thủ thuật mà bác sĩ chỉ định, ba mẹ có thể trao đổi với bác sĩ của con về những thắc mắc dưới đây:

  • Những xét nghiệm/thủ thuật nào con tôi cần làm? Kết quả sẽ nói lên điều gì?
  • Tôi nên dẫn con đến đâu để làm xét nghiệm/thủ thuật này?
  • Xét nghiệm/thủ thuật này kéo dài bao lâu? Sau bao lâu thì có kết quả?
  • Con tôi cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm/thủ thuật?
  • Quá trình xét nghiệm/thủ thuật sẽ diễn ra như thế nào? Con tôi có tỉnh táo không?
  • Con tôi có cảm thấy không thoải mái/đau đớn không? Liệu thuốc có được dùng để giúp con tôi dễ chịu/ngủ không?
  • Nguy cơ của xét nghiệm/thủ thuật này là gì?
Trò chuyện cùng bác sĩ của con Trò chuyện cùng bác sĩ của con

Những câu nên hỏi khi bạn nhận kết quả xét nghiệm

Sau khi thực hiện các thủ thuật chẩn đoán bệnh ung thư, bác sĩ sẻ cho bạn biết kết quả thực hiện. Ba mẹ thường trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia y khoa về những thắc mắc sau:

  • Kết quả này nói lên điều gì?
  • Bác sĩ có thể giải thích tờ kết quả giải phẫu bệnh cho tôi được không?
  • Con tôi được chẩn đoán thế nào? Con tôi mắc loại ung thư nào?
  • Mức độ nặng (nhóm nguy cơ, phân độ, phân giai đoạn) của bệnh?
  • Có cần làm thêm xét nghiệm/thủ thuật nào khác không? Những xét nghiệm/thủ thuật đó sẽ mang lại lợi ích gì? Làm có đau không?
  • Ai có thể cho chúng tôi một ý kiến khác về tờ kết quả giải phẫu bệnh?

Một số phụ huynh muốn lấy ý kiến ​​thứ hai để xác nhận chẩn đoán con của họ. Thậm chí những bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng có thể suy nghĩ khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Nếu bạn muốn xin ý kiến ​​thứ hai, hãy nói chuyện với bác sĩ đầu tiên. Bạn sẽ cần lấy thông tin như bệnh án, mẫu bệnh phẩm hoặc báo cáo từ bệnh viện nơi đã được sinh thiết để cung cấp cho bác sĩ thứ hai.

Sẽ là rất bình thường khi bạn muốn xin ý kiến thứ hai, và hầu hết bác sĩ rất vui vẻ khi bạn muốn nghe quan điểm khác. Một số chế độ bảo hiểm yêu cầu cần có ý kiến thứ hai. Một số chế độ bảo hiểm khác sẽ chi trả cho ý kiến thứ hai nếu bạn yêu cầu. Nếu bảo hiểm của bạn không chi trả cho ý kiến thứ hai, bạn vẫn có thể xin được ý kiến nếu bạn sẵn sàng chi trả.

Kết quả xét nghiệm chẩn đoán ung thư ở trẻ em Kết quả xét nghiệm chẩn đoán ung thư ở trẻ em

Phân giai đoạn ung thư của con

Tùy thuộc vào loại ung thư mà trẻ mắc phải, bác sĩ sẽ mô tả bệnh ung thư theo thuật ngữ về giai đoạn, phân độ hoặc nhóm nguy cơ của nó giúp lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho từng trẻ. Hãy lưu lại tất cả các kết quả xét nghiệm đã thực hiện hay bệnh án của trẻ để giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh của con chính xác hơn.

  • Ung thư nhóm nguy cơ: Đối với nhiều bệnh ung thư ở trẻ em, bao gồm cả bệnh bạch cầu cấp, bệnh nhân được phân nhóm nguy cơ khác nhau (thấp, trung bình hoặc cao) dựa trên tuổi, biểu hiện lâm sàng của bệnh và kết quả xét nghiệm. Ví dụ đối với bệnh bạch cầu cấp, người ta phân nhóm nguy cơ dựa vào số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi, thay đổi nhiễm sắc thể và liệu bệnh đã di căn đến não và tủy sống hay chưa. Bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ thấp nhiều khả năng có kết quả tốt và ít cần điều trị tấn công hơn so với bệnh nhân nguy cơ cao.
  • Ung thư phân độ: Các bệnh ung thư khác, như khối u não, thường được phân nhóm và điều trị dựa vào việc tế bào trông như thế nào dưới kính hiển vi. Tế bào mức độ ác tính thấp (hay biệt hoá tốt) nghĩa là các tế bào khối u trông gần như bình thường dưới kính hiển vi, phát triển chậm và ít có khả năng lan khắp cơ thể hơn tế bào mức độ ác tính cao (hay biệt hoá kém/không biệt hoá).
  • Giai đoạn: Điều trị khối u đặc (ví dụ như u Wilms) cũng có thể dựa vào giai đoạn ung thư. Hệ thống phân giai đoạn sử dụng số và chữ cái để mô tả độ lan rộng và mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư.
  • Số: Ở giai đoạn I (còn gọi là giai đoạn 1) khối u thường nhỏ và chưa lan rộng đến các phần khác của cơ thể. Ở giai đoạn IV, (còn gọi là giai đoạn 4) ung thư tiến triển hơn và thường lan (di căn) đến các cơ quan hoặc mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như xương.
  • Chữ cái: Hệ thống phân loại TNM sử dụng các chữ cái T, N và M để mô tả giai đoạn. Chữ T mô tả kích thước của khối u, chữ N mô tả liệu ung thư có lan sang các hạch bạch huyết kế bên hay không và chữ M mô tả có di căn hay chưa.

Lưu ý về tiên lượng bệnh của con

Tiên lượng là đánh giá khả năng ung thư có thể được điều trị thành công và con bạn sẽ khoẻ lại hay không. Nó dựa trên thông tin được thu thập trong nhiều năm từ số lượng lớn người đã từng được chẩn đoán mắc cùng loại ung thư đó. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng của trẻ bao gồm: Loại ung thư trẻ mắc phải, tiến triển bệnh, tuổi của trẻ và đáp ứng của trẻ với điều trị

Khi bạn nói chuyện với bác sĩ về tiên lượng của trẻ, hãy nhớ:

  • Thống kê tỷ lệ sống sót có thể dựa trên tất cả các bệnh nhân mắc một loại ung thư cụ thể – hoặc chỉ một phần trong số họ. Một chỉ số thường được sử dụng trong việc đưa ra tiên lượng là tỷ lệ sống sót sau 5 năm. Đây là tỷ lệ những người được chẩn đoán mắc một loại ung thư cụ thể và vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.
  • Thống kê tỷ lệ sống sót sử dụng thông tin được thu thập từ các nhóm lớn có thể gồm nhiều người với nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
  • Vì phải mất vài năm để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị mới hơn, tốt hơn nên khó có thể đánh giá dựa trên những con số thống kê của hiện tại.

Bởi vì số liệu thống kê dựa trên các cộng đồng người quy mô lớn, chúng không thể được sử dụng cứng nhắc để dự đoán chắc chắn những gì sẽ xảy ra với con của bạn. Mỗi đứa trẻ có phương pháp điều trị và đáp ứng với điều trị có thể khác nhau rất nhiều.

Ly Nguyễn

Nguồn tham khảo: Yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Ung thư trẻ em