Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chảy máu răng không cầm được: Một dấu hiệu nguy hiểm

Ngày 30/06/2022
Kích thước chữ

Chảy máu răng là một trong những vấn đề răng miệng không hiếm gặp và thông thường máu sẽ ngừng chảy ngay sau đó. Tuy nhiên, nếu bạn gặp tình trạng chảy máu răng không cầm được thì đó là tiếng còi báo hiệu bạn đang gặp phải nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, không biết bắt đầu từ đâu và chữa trị ra sao nếu gặp phải tình trạng chảy máu răng không cầm được. Vì vậy hãy dành vài phút đọc bài viết dưới đây để có thêm thông tin về cách cầm máy răng tại nhà cũng như phòng tránh hiện tượng chảy máu răng không cầm được này nhé!

Chảy máu răng không cầm được: Một dấu hiệu nguy hiểm 1 Chảy máu răng không cầm được gây khó chịu cho người bệnh

Nguyên nhân chảy máu răng không ngừng

Chảy máu răng có thể là dấu hiệu của các vấn đề không nghiêm trọng như vệ sinh răng miệng kém, đánh răng không đúng cách hay thói quen dùng tăm xỉa răng, chỉ nha khoa làm tổn thương nướu răng. Tuy nhiên, nếu chảy máu răng không ngừng và liên tục, kéo dài ngay cả khi không đánh răng thì đây là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng sau đây:

Chảy máu răng do viêm nướu (viêm lợi)

Đây là nguyên nhân tại chỗ hay gặp nhất gây chảy máu răng không cầm được. Cao răng quá dày ở xung quanh nướu răng hay bề mặt răng không được làm sạch khiến mật độ vi khuẩn tăng cao đều sẽ gây viêm lợi. Dấu hiệu dễ nhận biết là nướu răng bị sưng đỏ, dễ bị chảy máu không cầm được khi ăn nhai và đánh răng.

Viêm nha chu

Viêm nha chu là trường hợp nặng hơn của viêm nướu nếu không được chữa trị kịp thời, gây tổn thương các mô và xương nâng đỡ răng, dẫn đến tình trạng nướu viêm nhiễm và xương ổ răng bị tiêu hủy dần. Viêm nha chu nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng không ngừng.

Chảy máu răng không cầm được: Một dấu hiệu nguy hiểm 2 Viêm nha chu là bệnh lý của vùng quanh răng

Bệnh tiểu đường gây chảy máu răng không cầm được

Khi có xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng không ngừng thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Khi đó, lượng đường trong máu tăng cao sẽ thu hút nhiều vi khuẩn gây sâu răng. Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường khiến người bệnh bị suy giảm miễn dịch, khoang miệng không có khả năng chống lại vi khuẩn, do đó gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng và các bệnh lý về nướu răng. 

Chảy máu răng không cầm được do hút thuốc lá

Đây là thói quen vô cùng độc hại bạn cần phải bỏ ngay nếu không muốn gia tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và các bệnh lý về răng miệng nghiêm trọng khác. 

Bệnh bạch cầu khiến chảy máu chân răng không ngừng

Chảy máu răng là một trong những triệu chứng của bệnh bạch cầu - một dạng ung thư nguy hiểm. Các tế bào có hại của bệnh bạch cầu sẽ tiêu hủy và làm tan rã tế bào tiểu cầu - yếu tố đóng vai trò giúp cơ thể cầm máu. Điều này khiến máu trở nên khó đông hơn và khó cầm hơn nếu không may bị chảy máu. Vì vậy, nếu bạn bị chảy máu răng không cầm được kèm theo các dấu hiệu như sụt cân, xuất hiện vết bầm tím trong khoang miệng… thì nên tới các cơ sở khám chữa bệnh để được kiểm tra kỹ hơn nhé!

Bệnh giảm tiểu cầu

Tiểu cầu là những tế bào rất nhỏ hỗ trợ chức năng cầm máu bằng cách liên kết lại với nhau và tạo cục máu đông, bịt các vết thương ở thành mạch máu. Khi số lượng tiểu cầu giảm sẽ gây ra hiện tượng máu chảy không ngừng và không cầm được. Do đó, bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bệnh máu khó đông và bệnh Von Willebrand

Đây là những bệnh lý rối loạn đông máu hiếm gặp có triệu chứng chảy máu không kiểm soát, bao gồm chảy máu răng. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào mức độ hoạt động của các yếu tố đông máu có trong máu. Bạn cần phải điều trị y tế cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh tình trạng chảy máu.

Thiếu vitamin C và vitamin K

Thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn hằng ngày cũng là nguyên nhân gây chảy máu răng không ngừng, đặc biệt là vitamin C và K.

  • Vitamin C có vai trò chính là giúp phát triển mô và hỗ trợ chữa lành các vết thương. Thiếu vitamin C gây sưng lợi, chảy máu lợi và khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
  • Nhiệm vụ của vitamin K là giúp cục máu đông hoạt động đúng cách, đồng thời vitamin K cũng rất tốt cho xương và răng. Vì vậy, thiếu vitamin K khiến máu khó đông và gây xuất huyết.

Các yếu tố di truyền

Một số trường hợp chảy máu không kiểm soát có thể là do di truyền từ bố mẹ. Gen ưa chảy máu có thể di truyền cho con cái thông qua các nhiễm sắc thể ngẫu nhiên.

Phải làm gì khi bị chảy máu răng không cầm được?

Xác định đúng nguyên nhân là cách tốt nhất để có thể đưa ra các hướng giải quyết xử trí hiện tượng chảy máu răng không cầm được. Nếu xử lý không đúng cách, chảy máu thường xuyên tái diễn, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi do mất máu và nhiễm trùng. Vậy bạn cần phải làm gì? Hãy áp dụng các cách cầm máu khi bị chảy máu chân răng dưới đây.

Sử dụng gạc cầm máu

Bạn sử dụng một miếng gạc tiệt trùng đặt nhẹ lên vị trí đang chảy máu và giữ nguyên cho đến khi máu ngừng chảy. Cách này khá hiệu quả, tuy nhiên đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu hay mắc các bệnh lý về rối loạn đông máu thì quá trình này có thể không hiệu quả. 

Chườm đá lạnh

Bọc đá lạnh vào miếng vải khô sạch và đặt lên vùng má bên ngoài vị trí bị tổn thương. Đá lạnh sẽ giúp co mạch, hỗ trợ cầm máu, giúp giảm đau và sưng tấy do viêm lợi - nguyên nhân phổ biến gây chảy máu răng không cầm được...

Chảy máu răng không cầm được: Một dấu hiệu nguy hiểm 3 Chườm đá giúp co mạch và ngăn không cho máu chảy

Dùng nước súc miệng

Trong nước súc miệng có các chất kháng khuẩn, chống viêm giúp tiêu diệt vi khuẩn, điều trị và ngăn ngừa viêm nướu. Đồng thời, hỗ trợ quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn, giúp cầm máu vết thương hiệu quả.

Ngừng hút thuốc

Như đã đề cập trong bài viết thì hút thuốc có ảnh hưởng đến vấn đề răng miệng của chúng ta. Thuốc lá có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, giảm khả năng chống lại vi khuẩn mảng bám. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn các phương pháp tốt nhất giúp bạn bỏ thuốc lá.

Bổ sung sắt

Người bệnh có thể ăn các thực phẩm giàu sắt hoặc thuốc uống bổ sung sắt để thay thế lượng sắt mà cơ thể mất đi khi chảy máu không kiểm soát. Ngoài ra, lượng sắt thấp có thể gây thiếu máu do thiếu sắt.

Tăng lượng vitamin C và K cho cơ thể

Bổ sung đầy đủ các loại thức ăn chứa nhiều vitamin C và K trong khẩu phần ăn hằng ngày cũng có thể giúp giảm tình trạng chảy máu răng

  • Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Cam, cà rốt, cà chua…
  • Thực phẩm giàu vitamin K như: Cải bó xôi, măng tây, bơ…

Nếu tình trạng chảy máu không cải thiện trong vòng 10 phút, máu bắn thành tia từ nướu răng thì người bệnh nên gọi cấp cứu và đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ hoặc nha sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Biện pháp phòng tránh tình trạng chảy máu răng không ngừng

Chảy máu răng có thể không gây nguy hiểm nhưng chảy máu răng không cầm được sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc phòng ngừa tình trạng này là vô cùng cần thiết. Bạn nên lưu ý vài điều như sau:

  • Giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách. Bạn nên dành khoảng 3 - 5 phút cho mỗi lần đánh răng và duy trì thói quen đánh răng 2 lần/ngày.
  • Sử dụng bàn chải có lông mềm sẽ giúp nướu ít bị tổn thương và chảy máu nhiều. Lưu ý thay bàn chải 3 tháng/lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn.
  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối nhạt 3 lần/ngày giúp khoang miệng luôn sạch sẽ và loại bỏ những vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Suy nghĩ tích cực, lạc quan, sinh hoạt điều độ để tránh căng thẳng, sang chấn tâm lý vì theo nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa bệnh viêm nha chu và stress.
  • Hạn chế hoặc không nên hút thuốc lá.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học và đủ chất. Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế đồ ăn nhiều đường, tinh bột.
  • Chủ động hẹn lịch khám và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.
  • Khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo bệnh được phát hiện sớm và có hướng điều trị chính xác.

Hy vọng những thông tin được tổng hợp trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng chảy máu răng không cầm được cũng như mức độ nguy hiểm của chúng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để từ đó có những phương pháp chăm sóc phù hợp giúp sức khỏe răng miệng ngày càng tốt hơn.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin