Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chảy máu túi thừa đại tràng: Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/01/2024
Kích thước chữ

Túi thừa đại tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, thường không biểu hiện triệu chứng. Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh là tình trạng chảy máu túi thừa đại tràng. Vậy chảy máu túi thừa đại tràng là gì?

Chảy máu túi thừa đại tràng là nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất huyết tiêu hóa dưới cấp tính ở người lớn tuổi. Mặc dù chảy máu túi thừa đại tràng có thể tự khỏi tuy nhiên trong một số trường hợp nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Túi thừa đại tràng và chảy máu túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng là hiện tượng đại tràng xuất hiện một hoặc nhiều túi nhỏ, phồng lên quanh thành niêm mạc đại tràng. Túi thừa có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên đại tràng nhưng đa số hay xuất hiện ở phần manh tràng, đại tràng trên và đại tràng Sigma, hiếm khi xuất hiện phía dưới chỗ kéo dài màng bụng.

Túi thừa có nhiều đường kính khác nhau nhưng thường có kích thước từ 3 đến 10mm. Người bệnh có thể không phát hiện sự tồn tại của túi thừa đại tràng vì hầu hết chúng không đi kèm với triệu chứng. Việc phát hiện túi thừa đại tràng chủ yếu là do tình cờ thực hiện nội soi đại trực tràng toàn bộ hoặc siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng.

Chảy máu túi thừa đại tràng

Chảy máu túi thừa đại tràng là tình trạng túi thừa bị tổn thương bởi các tác nhân cơ học hoặc hóa học dẫn đến các mạch máu nhỏ trong túi thừa bị vỡ và chảy máu vào đại tràng. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu đường tiêu hóa dưới. Đa số trường hợp chảy máu túi thừa tự cầm máu (khoảng 75 – 80%), tuy nhiên, những người từng bị chảy máu có nguy cơ tái phát cao lên tới 50%.

Chảy máu túi thừa đại tràng: Triệu chứng và cách điều trị 1
Chảy máu túi thừa đại tràng là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu đường tiêu hóa dưới

Chảy máu túi thừa xảy ra ở 3 đến 5% bệnh nhân mắc bệnh túi thừa, trong đó một phần ba là chảy máu nặng. Tỷ lệ tử vong do chảy máu túi thừa đại tràng là khoảng 10 – 20%. 

Mức độ nguy hiểm của bệnh có thể gia tăng ở người bệnh trên 65 tuổi, người gặp các bất ổn về huyết động học, người có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy thận mạn, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Triệu chứng của chảy máu túi thừa

Chảy máu túi thừa có biểu hiện điển hình là đi ngoài phân máu không đau. Hầu hết mạch máu bị tổn thương gây nên bệnh là một tiểu động mạch do đó lượng máu mất thường ở mức độ trung bình đến nặng.

Trong một số trường hợp người bệnh có thể bị đi ngoài ra máu kèm theo triệu chứng như chướng bụng, quặn bụng hoặc đại tiện gấp. Tình trạng chảy máu túi thừa đại tràng kéo dài, ồ ạt gây mất máu nặng khiến người bệnh bị hạ huyết áp, da khô, chùng nhão, tiểu ít và thay đổi ý thức.

Chẩn đoán bệnh lý chảy máu túi thừa đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp thường được ưu tiên thực hiện nhằm chẩn đoán chảy máu túi thừa đại tràng. Nội soi đại tràng nên được tiến hành trong vòng 12 – 48 giờ tính từ kể từ khi bắt đầu chảy máu, sau khi đã ổn định huyết động và loại trừ trường hợp chảy máu đường tiêu hóa trên.

Chảy máu túi thừa đại tràng: Triệu chứng và cách điều trị 2
Nội soi đại tràng là phương pháp thường được áp dụng để chẩn đoán bệnh

Nội soi đại tràng giúp xác định chính xác vị trí chảy máu tại đại tràng từ đó có thể can thiệp cầm máu cho người bệnh. Ngoài nội soi đại tràng, chảy máu túi thừa đại tràng còn được xác định thông qua các phương pháp khác như:

  • Chụp động mạch (angiography);
  • Quét hạt nhân phóng xạ;
  • Nút mạch (embolization);
  • Phương pháp scan hình ảnh sau khi đánh dấu hồng cầu bằng radionuclide technetium-99m;
  • Chụp cắt lớp vi tính.

Các phương pháp trên cũng được áp dụng khi người bệnh không thể thực hiện nội soi hoặc nội soi không tìm được điểm chảy máu.

Điều trị chảy máu túi thừa

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng hầu hết khoảng 75 - 80% số người bị chảy máu túi thừa đại tràng sẽ tự khỏi. Trong trường hợp chảy máu không tự khỏi hoặc nghiêm trọng, người bệnh cần phải chăm sóc và điều trị hỗ trợ tại bệnh viện.

Bù nước và điện giải

Trong trường hợp tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng người bệnh cần phải nhập viện để điều trị. Ban đầu, người bệnh được bù lượng nước và điện giải bị mất đi bằng dung dịch NaCl đẳng trương hoặc dung dịch Ringer Lactat.

Chảy máu túi thừa đại tràng: Triệu chứng và cách điều trị 3
Người bệnh có thể được bù nước bằng cách truyền dung dịch NaCl đẳng trương

Nếu sau đó người bệnh vẫn tiếp tục chảy máu thì sẽ được chỉ định truyền hồng cầu lắng để cải thiện tình trạng chảy máu túi thừa đại tràng.

Hồi sức cấp cứu

Người bệnh sẽ tiến hành hồi sức cấp cứu trong các trường hợp chảy máu túi thừa đại tràng nghiêm trọng bằng các biện pháp như:

  • Duy trì đường thở, bổ sung oxy cho người bệnh khi cần thiết.
  • Kiểm tra lượng hemoglobin và hematocrit trong máu của người bệnh.
  • Thử nhóm máu và làm phản ứng hòa hợp nhằm đảm bảo an toàn trước khi truyền máu.

Những bệnh nhân chảy máu nặng hoặc kèm theo những bệnh lý đáng kể sẽ được khuyến khích nhập khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).

Can thiệp cầm máu qua nội soi

Kiểm soát chảy máu túi thừa thường được tiến hành trong quá trình thực hiện nội soi chẩn đoán bệnh. Thông qua việc xác định dấu vết xuất huyết gần đây bằng nội soi đại tràng, người bệnh sẽ được can thiệp các thủ thuật để cầm máu như:

  • Tiêm epinephrine (Adrenaline) nhằm kích thích hệ thần kinh giao cảm;
  • Đốt điện (Electrocautery) cầm máu;
  • Kẹp nội soi (Kẹp clip endoclips) vào vị trí xuất huyết;
  • Keo dán sinh học (sealant fibrin) cầm máu;
  • Thắt vòng cao su cũng được áp dụng để cầm máu trong chảy máu túi thừa đại tràng.

Cầm máu bằng nội soi đại tràng là một kỹ thuật tương đối phức tạp. Trước khi tiến hành người bệnh cần được làm sạch đường ruột nhanh chóng. Sau đó, tiến hành kiểm tra cẩn thận từng túi thừa đại tràng và xác định dấu hiệu thực sự của xuất huyết.

Chảy máu túi thừa đại tràng: Triệu chứng và cách điều trị 4
Thông thường người bệnh sẽ được cầm máu trong quá trình nội soi đại tràng

Các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ chảy máu tái phát sớm và muộn ở những bệnh nhân bị chảy máu túi thừa đại tràng được điều trị bằng nội soi đều thấp hơn so với những bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp khác.

Phẫu thuật

Hiện nay, các biện pháp can thiệp chảy máu túi thừa đại tràng không cần phẫu thuật đều có tỷ lệ thành công cao. Do đó, việc phải thực hiện phẫu thuật cắt đoạn đại tràng nhằm điều trị bệnh rất hiếm khi diễn ra.

Tuy nhiên, phương pháp này được khuyến cáo chỉ định ở những bệnh nhân cần truyền máu nhiều (trên 4 đơn vị hồng cầu lắng trong vòng 24 giờ), can thiệp qua nội soi thất bại, tái phát xuất huyết kháng trị hoặc huyết động học không ổn định mặc dù đã hồi sức tích cực.

Tình trạng chảy máu túi thừa đại tràng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Bệnh túi thừa đại tràng do đâu, có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin