Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các biến chứng nội soi đại tràng thường gặp

Ngày 10/09/2024
Kích thước chữ

Nội soi đại tràng là một trong những phương pháp y tế quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến đại tràng, đặc biệt là ung thư. Tuy được coi là thủ thuật an toàn và phổ biến, nội soi đại tràng vẫn có thể gây ra những biến chứng không mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn một số biến chứng nội soi đại tràng có thể gặp phải.

Nội soi đại tràng được coi là "tiêu chuẩn vàng" trong tầm soát ung thư đại tràng và các bệnh lý liên quan, nhờ khả năng phát hiện sớm và can thiệp kịp thời vào những bất thường bên trong ruột. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích đáng kể mà thủ thuật này mang lại, cũng tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, việc hiểu rõ về những biến chứng nội soi đại tràng và cách phòng tránh là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự an toàn tối đa cho người bệnh.

Tìm hiểu về nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là một thủ thuật y tế trong đó một ống mềm có gắn camera (kích thước khoảng bằng một ngón tay) được đưa qua hậu môn đi vào đại tràng để kiểm tra tình trạng bên trong lòng đại tràng. Thủ thuật này giúp phát hiện các bất thường như viêm đại tràng, polyp, khối u, tổn thương, hoặc ung thư nhỏ, đồng thời hỗ trợ can thiệp như cắt polyp hoặc lấy mẫu sinh thiết. Nội soi đại tràng được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Có dấu hiệu bất thường trên hình ảnh X-quang hoặc CT đại tràng.
  • Thực hiện định kỳ cho người có tiền sử polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng để tầm soát.
  • Bệnh nhân có triệu chứng bất thường như đi cầu ra máu, đau bụng, tiêu chảy, hoặc táo bón thất thường.
  • Người trên 50 tuổi nên nội soi định kỳ để phát hiện và loại bỏ polyp trước khi tiến triển thành ung thư.
Các biến chứng nội soi đại tràng thường gặp 1
Nội soi đại tràng là một thủ thuật giúp phát hiện sớm tình trạng bất thường trong đại tràng

Trước khi thực hiện nội soi cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, dị ứng thuốc và nếu có thai. Thêm vào đó, tránh ăn thức ăn rắn và chỉ uống chất lỏng trong 1 ngày trước khi nội soi. Sau khi đã trao đổi rõ với bác sĩ về bệnh sử và các loại thuốc đang dùng hoặc dị ứng, nếu không có vấn đề gì quá trình nội soi được diễn ra như sau:

Chuẩn bị trước nội soi:

  • Làm sạch ruột: Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn lỏng và sử dụng thuốc làm sạch ruột theo chỉ định của bác sĩ từ 1-2 ngày trước khi tiến hành nội soi. Điều này giúp loại bỏ toàn bộ cặn bã trong ruột, tạo điều kiện cho bác sĩ quan sát rõ ràng hơn.
  • Gây mê (nếu có): Bệnh nhân có thể được tiêm thuốc an thần hoặc thuốc gây mê nhẹ để giúp thư giãn và không cảm thấy đau đớn hoặc lo lắng trong suốt quá trình nội soi.

Tiến hành nội soi:

  • Đưa ống nội soi vào đại tràng: Bác sĩ sử dụng một ống mềm có gắn camera ở đầu, đưa từ hậu môn qua trực tràng đến đại tràng. Ống nội soi này giúp quan sát toàn bộ lòng đại tràng.
  • Bơm không khí vào ruột: Để làm căng phình đại tràng, không khí được bơm vào thông qua ống nội soi. Việc này giúp bác sĩ quan sát rõ niêm mạc ruột và dễ dàng phát hiện các tổn thương, polyp hoặc khối u.
  • Quan sát và can thiệp: Hình ảnh từ camera ở đầu ống nội soi sẽ được truyền lên màn hình, cho phép bác sĩ chẩn đoán và xác định tình trạng niêm mạc ruột. Nếu phát hiện polyp hoặc các khối u nhỏ, bác sĩ có thể sử dụng công cụ ở đầu ống nội soi để cắt bỏ hoặc lấy mẫu sinh thiết.
Các biến chứng nội soi đại tràng thường gặp 2
Mô tả nội soi đại tràng

Kết thúc quá trình nội soi:

  • Sau khi kiểm tra toàn bộ đại tràng, bác sĩ sẽ từ từ rút ống nội soi ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
  • Bệnh nhân sẽ tỉnh lại sau khi thuốc gây mê hoặc thuốc an thần hết tác dụng. Họ cần ở lại bệnh viện theo dõi trong một khoảng thời gian ngắn để đảm bảo không có biến chứng xảy ra.

Các biến chứng nội soi đại tràng

Biến chứng nguy hiểm sau nội soi đại tràng tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi kỹ các dấu hiệu bất thường trong vòng 24 giờ sau thủ thuật và liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế kiểm tra ngay khi gặp các vấn đề sau:

  • Ớn lạnh hoặc sốt: Dấu hiệu này có thể chỉ ra tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt nếu sốt cao kéo dài hoặc kèm theo ớn lạnh liên tục.
  • Chảy máu trực tràng: Nếu máu chảy nhiều hơn hai muỗng canh hoặc không ngừng, có thể là do tổn thương niêm mạc đại tràng hoặc nơi đã cắt polyp. Đây là tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp kịp thời để tránh mất máu nghiêm trọng.
  • Sưng vùng da tại vị trí đặt kim truyền tĩnh mạch: Có thể do nhiễm trùng hoặc viêm tại chỗ, cần được kiểm tra và điều trị ngay để tránh biến chứng lan rộng.
  • Đau bụng dữ dội hoặc đầy hơi; đau co cứng vùng bụng: Đây có thể là dấu hiệu của thủng đại tràng - một biến chứng nội soi đại tràng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.
  • Nôn mửa: Nếu nôn kéo dài, có thể do phản ứng với thuốc an thần hoặc gây mê, hoặc có thể là dấu hiệu của tắc ruột hoặc nhiễm trùng trong ổ bụng.
  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim): Có thể do tác động của thuốc gây mê, căng thẳng tâm lý hoặc các bệnh lý nền liên quan đến tim mạch.
Các biến chứng nội soi đại tràng thường gặp 3
Sốt là một trong những biến chứng nội soi đại tràng có thể gặp phải

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào kể trên, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được theo dõi và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, người bệnh và người nhà không tự ý sử dụng thuốc hoặc các biện pháp tại nhà mà chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Lưu ý để phòng biến chứng nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là thủ thuật an toàn và cần thiết để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong đại tràng. Để đạt hiệu quả cao và tránh biến chứng nội soi đại tràng, người bệnh nên:

  • Chọn cơ sở y tế uy tín: Đảm bảo nơi thực hiện nội soi có hệ thống trang thiết bị hiện đại, được kiểm định kỹ lưỡng và có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao.
  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ trước và sau nội soi: Thực hiện đúng hướng dẫn về ăn uống, dùng thuốc, và theo dõi sức khỏe sau thủ thuật.
  • Thông báo đầy đủ về tình trạng sức khỏe cá nhân: Bao gồm tiền sử bệnh lý, dị ứng thuốc, và các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ có kế hoạch phù hợp và tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Các biến chứng nội soi đại tràng thường gặp 4
Trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi nội soi giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng

Việc theo dõi chặt chẽ các triệu chứng sau nội soi và tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả và an toàn để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý nghiêm trọng của đại tràng, bao gồm cả ung thư. Tuy nhiên, việc nhận thức về các biến chứng nội soi đại tràng có thể xảy ra và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau thủ thuật để biết cách xử lý khi cần là rất quan trọng. Lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, cùng đội ngũ chuyên môn cao sẽ giúp người bệnh yên tâm hơn khi thực hiện thủ thuật.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin