Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chỉ số huyết áp bình thường theo từng độ tuổi

Ngày 03/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Huyết áp tạo ra từ lực bóp của tim và sức cản động mạch. Huyết áp không chỉ kiểm soát lượng máu lên thành mạnh. Nếu nó lên xuống thất thường có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Vậy chỉ số huyết áp bình thường là thế nào?

Chỉ số huyết áp bình thường là một biểu hiện của cơ thể khỏe mạnh. Chỉ số này dù cao hay thấp cũng đều ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác trong cơ thể. Khi biết được chỉ số huyết áp thế nào là bình thường, thế nào là bất thường có thể giúp chúng ta phòng tránh nhiều nguy cơ cho sức khỏe. 

Chỉ số huyết áp là gì?

Huyết áp được ký hiệu là HA hay BP (Blood pressure) là áp lực của máu lên thành động mạch. Nó được biểu thị bằng phân số trong đó:

  • Tử số là huyết áp tâm thu - áp lực của máu lên động mạch khi tim làm nhiệm vụ co bóp. 
  • Mẫu số là huyết áp tâm trương - áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.

Các chỉ số huyết áp là bình thường, cao hay thấp phụ thuộc vào 2 yếu tố này. Ngoài con số, còn cần căn cứ vào khoảng cách giữa tử số và mẫu số. Khoảng cách càng hẹp hay càng rộng càng không an toàn cho người bệnh. 

chỉ số huyết áp bình thường 1
Đo huyết áp để kiểm tra sức khỏe

Chỉ số huyết áp bình thường theo từng độ tuổi 

Vậy chỉ số huyết áp khi nào là bình thường? Theo ESC/ESH (Hội tim mạch và huyết áp Châu Âu), huyết áp bình thường khi: 

  • HA tâm thu từ 90 mmHg đến 129 mmHg.
  • HA tâm trương từ 60 mmHg đến 84 mmHg.

Theo Bộ Y tế nước ta, chỉ số huyết áp bình thường tối ưu dưới 120/80 mmHg thể hiện tốc độ bơm máu trung bình, máu lưu thông đều và người đó có sức khỏe tốt. Bạn có thể tham khảo chỉ số huyết áp bình thường theo lứa tuổi như dưới đây: 

chỉ số huyết áp bình thường 2 Bảng chỉ số huyết áp theo từng độ tuổi

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý: Chỉ số huyết áp có thể không ổn định bởi nhiều yếu tố như cảm xúc, điều kiện và hoàn cảnh kiểm tra huyết áp. Muốn chắc chắn huyết áp là bình thường hay bất thường, cần kiểm tra nhiều lần trong ngày và nhiều lần trong tháng. 

Chỉ số huyết áp bị chi phối bởi yếu tố nào?

Một số yếu tố có thể chi phối đến chỉ số huyết áp như: 

  • Tâm lý: Hồi hộp, lo lắng khiến tim co bóp nhanh hơn làm huyết áp tăng hơn bình thường. 
  • Tình trạng động mạch: Động mạch có giãn tốt, lưu thông máu thuận lợi sẽ không ảnh hưởng đến huyết áp. Đây là lý do ở người cao tuổi, người xơ vữa động mạch, máu lưu thông khó khiến huyết áp tăng thường xuyên. 
  • Tình trạng thiếu máu: Lượng máu thấp không đủ tạo áp lực để máu được vận chuyển trong động mạch khiến huyết áp giảm. 
  • Tư thế ngồi không chuẩn khiến máu không được lưu thông tốt cũng ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp. 
  • Thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ, dùng chất kích thích lâu ngày có thể khiến bạn thường xuyên bị tăng huyết áp. 
  • Cách đo huyết áp cũng dẫn đến sai số: Bao hơi quá rộng dẫn đến chỉ số thấp, bao hơi quá chật khiến chỉ số tăng, xả bao hơi quá chậm khiến HA tâm trương tăng, xả bao hơi quá nhanh khiến HA tâm trương hạ…

Chỉ số huyết áp cao và chỉ số huyết áp thấp

Thật may mắn khi chúng ta có chỉ số huyết áp bình thường vì đó là biểu hiện của cơ thể khỏe mạnh. Nhưng nếu huyết áp quá thấp hoặc quá cao thì sao?

Huyết áp cao

Một người được cho là bị cao huyết áp khi có huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg. Huyết áp cao có thể khiến người bệnh không thể lao động, bị bại liệt thậm chí tàn phế. Huyết áp cao cũng được tính theo các thang bậc như sau:

chỉ số huyết áp bình thường 3 Thang số của chỉ số huyết áp cao

Cao huyết áp là tình trạng bệnh lý nguy hiểm đến nỗi được ví như “tử thần thầm lặng”. Một số biểu hiện thường gặp của bệnh cao huyết áp là: Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nhức đầu, cảm giác hồi hộp, mặt nóng bừng.

Một số bệnh nhân thở gấp, thị lực giảm, đau vùng tim, mặt tái nhợt, nôn ói, tâm trạng hốt hoảng. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng khiến bệnh được phát hiện muộn. Khi đó người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. 

Huyết áp thấp 

Huyết áp được cho là thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu < 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg. Khi đó, máu không đủ để cung cấp cho các hệ cơ quan, đặc biệt là cơ quan ở xa tim khiến chúng không thực hiện tốt chức năng của mình. Một số biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh nhân huyết áp thấp là buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu…

Cách duy trì chỉ số huyết áp bình thường

Muốn duy trì chỉ số huyết áp bình thường, điều quan trọng nhất là phải duy trì một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Cụ thể là:

Ăn uống khoa học: 

  • Hạn chế tối đa việc ăn mặn, ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.
  • Tăng cường ăn thực phẩm tươi, ăn nhiều rau xanh, trái cây và ưu tiên cách chế biến luộc, hấp. 
  • Hạn chế tối đa hoặc từ bỏ uống rượu, bia, hút thuốc lá và dùng các chất kích thích có hại cho sức khỏe. 
chỉ số huyết áp bình thường 4
Cần sinh hoạt lành mạnh để phòng bệnh huyết áp

Duy trì chế độ luyện tập phù hợp một cách đều đặn

Thể dục đều đặn giúp tăng cường lưu thông máu. Mỗi người nên lựa chọn những hình thức và mức độ tập luyện phù hợp. Mỗi ngày chỉ cần tập thể dục khoảng 30 phút đã thực sự lý tưởng. Không luyện tập hoặc luyện tập quá sức đều không tốt cho sức khỏe.

Duy trì tâm trạng tích cực

Một tâm trạng tích cực không chỉ tốt cho huyết áp mà còn mang đến vô vàn lợi ích khác. Các bằng chứng khoa học đã cho thấy tâm trạng tích cực giúp tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng khả năng miễn dịch và tăng năng lực giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Tâm trạng tích cực cũng hướng chúng ta đến một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. 

Theo dõi huyết áp thường xuyên

Thật tuyệt vời nếu trong gia đình bạn có máy đo huyết áp. Việc đo huyết áp thường xuyên, nhất là với người có bệnh lý về huyết áp rất quan trọng. Nếu có thể, bạn cũng nên tầm soát các bệnh về huyết áp để chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe. 

Chỉ số huyết áp nói lên điều gì? Chỉ số huyết áp bình thường phản ánh một cơ thể khỏe mạnh. Hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên và áp dụng các biện pháp để duy trì huyết áp luôn ở mức ổn định bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Hellobacsi

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm