Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu? Ý nghĩa và cách kiểm soát

Ngày 21/05/2024
Kích thước chữ

Chỉ số huyết áp trung bình là một trong những cơ sở để đánh giá tình trạng sức khỏe và nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn. Huyết áp  ở mỗi độ tuổi là khác nhau. Do đó, việc nằm lòng mức  huyết áp trung bình sẽ giúp bạn kiểm soát và phát hiện sớm các trường hợp huyết áp tăng, giảm bất thường.

Huyết áp là thuật ngữ y học quen thuộc và đóng vai trò quan trọng trong đánh giá sức khỏe. Chỉ số này rất cần được quan tâm bởi nó thể hiện tình trạng lưu thông máu cũng như các nguy cơ bệnh lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về chỉ số huyết áp, đặc biệt là huyết áp trung bình bao nhiêu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về huyết áp, ý nghĩa của chỉ số này và cách kiểm soát hiệu quả.

Tổng quan về huyết áp

Huyết áp là gì?

Trong cơ thể con người, máu sẽ được vận chuyển đi khắp nơi nhằm cung cấp oxy và dưỡng chất đảm bảo hoạt động của các cơ quan. Khi tim hoạt động bơm máu đi qua động mạch sẽ tạo ra áp lực lên thành động mạch, đó chính là huyết áp.

Chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu? Ý nghĩa và cách kiểm soát 1
Chỉ số huyết áp bất thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe

Huyết áp được tạo nên bởi 2 yếu tố lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Chính vì vậy, chỉ số huyết áp không phải lúc nào cũng giữ nguyên mà thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Thông thường, huyết áp trung bình sẽ cao hơn vào ban ngày và giảm thấp hơn vào ban đêm. Trong đó, huyết áp thấp nhất vào thời điểm cơ thể ngủ say từ 1 đến 3 giờ sáng và đạt mức cao nhất vào 8 đến 10 giờ sáng. Bên cạnh đó, huyết áp sẽ tăng cao sau khi vận động, trải qua cảm xúc mạnh, ăn mặn, căng thẳng,... Ngược lại, huyết áp sẽ giảm xuống khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, ra nhiều mồ hôi, tiêu chảy,...

Đơn vị đo huyết áp là mmHg (mi-li-mét thủy ngân) và được thể hiện thông qua 2 chỉ số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).

Vai trò của huyết áp đối với sức khỏe

Duy trì ngưỡng huyết áp trung bình đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo các hoạt động thường ngày của cơ thể. Nếu chỉ số huyết áp vượt qua ngưỡng này (huyết áp cao hoặc huyết áp thấp) đều sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp, thiếu máu cục bộ, suy giảm chức năng thần kinh,... Do vậy, việc theo dõi và kiểm soát chỉ số huyết áp luôn ổn định là rất cần thiết, nhất là với những người đã có tiền sử bệnh huyết áp và người có nguy cơ cao.

Các yếu tố làm thay đổi huyết áp trung bình

Huyết áp có thể thay đổi tăng hoặc giảm do nhiều yếu tố tác động, bao gồm:

  • Yếu tố từ bên trong: Hoạt động của tim, khối lượng máu và sức cản mạch máu chính là 2 yếu tố bên trong cơ thể. Nếu tốc độ bơm máu và khối lượng máu tăng lên, huyết áp sẽ tăng và ngược lại. Bên cạnh đó, tình trạng co mạch, xơ vữa thành mạch cũng có thể khiến huyết áp tăng.
  • Yếu tố từ bên ngoài: Bao gồm chế độ ăn uống không khoa học, thường xuyên uống rượu bia, áp lực, căng thẳng, lười vận động,...
Chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu? Ý nghĩa và cách kiểm soát 1
Uống nhiều rượu bia có thể làm chỉ số huyết áp thay đổi

Chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu?

Huyết áp trung bình là khoảng huyết áp trong trạng thái bình thường, không quá cao cũng không quá thấp. Theo đó, phạm vi huyết áp lý tưởng sẽ là từ 90mmHg đến 120mmHg với huyết áp tâm thu và từ 60mmHg đến 80mmHg với huyết áp tâm trương. Đây là mức huyết áp trung bình đối ở người trưởng thành có sức khỏe tốt.

Bên cạnh đó, mức huyết áp bình thường của từng độ tuổi cũng có sự khác biệt. Thông thường, tuổi càng cao thì huyết áp càng có xu hướng tăng lên. Dưới đây là một số mức huyết áp tối thiểu và tối đa theo từng độ tuổi:

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi: 75/50 mmHg và 100/70 mmHg;
  • Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi: 80/50 mmHg và 110/80 mmHg;
  • Trẻ em từ 6 đến 13 tuổi: 85/55 mmHg và 120/80 mmHg;
  • Trẻ em từ 13 đến 15 tuổi: 95/60 mmHg và 104/70 mmHg;
  • Trẻ vị thành niên từ 15 đến 19 tuổi: 105/73 mmHg và 120/81 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 20 đến 24 tuổi: 108/75 mmHg và 132/83 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 25 đến 29 tuổi: 109/76 mmHg và 133/84 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 30 đến 34 tuổi: 110/77 mmHg và 134/85 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 35 đến 39 tuổi: 111/78 mmHg và 135/86 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 40 đến 44 tuổi: 112/79 mmHg và 137/87 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 45 đến 49 tuổi: 115/80 mmHg và 139/88 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 50 đến 54 tuổi: 116/81 mmHg và 142/89 mmHg;
  • Người trưởng thành từ 55 đến 59 tuổi: 118/82 mmHg và 144/90 mmHg;
  • Người trên 60 tuổi: 121/83 mmHg và 147/91 mmHg.

Phân loại huyết áp dựa vào chỉ số huyết áp trung bình

Huyết áp được phân loại thành nhiều mức độ gồm:

  • Huyết áp thấp: Xảy ra khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, được chia thành 2 loại gồm hạ huyết áp đột ngột và huyết áp thấp mạn tính và hạ huyết áp đột ngột.
  • Tiền tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp tâm thu từ 130 mmHg đến 139 mmHg và huyết áp tâm trương từ 85 mmHg đến 89 mmHg là mức tiền tăng huyết áp. Tình trạng này thường không gây ra triệu chứng cụ thể mà thường được phát hiện thông qua kiểm tra huyết áp.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu từ 140 mmHg đến 150 mmHg và huyết áp tâm trương từ 90 mmHg đến 99 mmHg đến 99 mmHg. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi và điều trị để ngăn huyết áp tiến triển mức cao hơn.
  • Tăng huyết áp độ 2: Nếu huyết áp tâm thu tăng lên mức 160 mmHg đến 179 mmHg và huyết áp tâm trương từ 110 mmHg đến 109 mmHg thường xuyên thì được xếp vào tăng huyết áp độ 2.
  • Tăng huyết áp độ 3: Trường hợp huyết áp tâm thu lớn hơn 180 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 110 mmHg là tăng huyết áp độ 3. Lúc này người bệnh đã có những tổn thương ở tim, thận, não,... Để không xảy ra biến chứng, người bệnh cần theo dõi và duy trì huyết áp trung bình.
Chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu? Ý nghĩa và cách kiểm soát 3
Đánh trống ngực là một trong những dấu hiệu huyết áp bất thường

Bí quyết kiểm soát huyết áp trung bình

Việc kiểm soát huyết áp ổn định là rất quan trọng. Tùy thuộc vào chỉ số huyết áp cao hay thấp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp kiểm soát huyết áp thích hợp. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần thay đổi thói quen, lối sống để tăng hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số bí quyết giúp kiểm soát huyết áp được chuyên gia khuyến cáo:

  • Thay đổi thói quen ăn uống: Người bệnh cần xây dựng thực đơn khoa học, bổ sung thêm canxi, vitamin từ thực phẩm, trái cây, rau củ,... Bên cạnh đó, cần uống nhiều nước và giảm lượng muối khi chế biến thức ăn. Trong chế độ ăn nên ưu tiên chất béo không bão hòa từ thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương, hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol.
  • Tránh xa rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp: Để tránh huyết áp thay đổi thất thường, người bệnh nên duy trì tâm trạng lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng. Đồng thời nên đi ngủ sớm, kết hợp vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe.
  • Duy trì cân nặng: Thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, chúng ta cần duy trì cân nặng ở mức trung bình bằng các chế độ ăn uống và vận động lành mạnh.
  • Thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế. Đặc biệt cần khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn.
Chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu? Ý nghĩa và cách kiểm soát 4
Theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp cá nhân là rất cần thiết

Trường hợp chỉ số huyết áp thường xuyên thay đổi bất thường, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu. Đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu như chóng mặt, người ớn lạnh, đổ mồ hôi, rối loạn nhịp tim, tím tái, ngất xỉu,...

Kiểm soát huyết áp trung bình là cách tốt nhất để hạn chế những nguy cơ đối với sức khỏe. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn nắm vững chỉ số huyết áp bình thường và những bí quyết để duy trì được chỉ số huyết áp ổn định hơn.

Xem thêm: Hướng dẫn cách xử lý khi tăng huyết áp đột ngột

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin